CĐ Công nghiệp Việt Đức cắt bớt giờ dạy: Phải xử nghiêm hiệu trưởng làm gương

11/11/2022 06:36
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cơ sở đào tạo nào để xảy ra sai phạm cần phải mạnh tay xử lý, bằng các biện pháp đủ sức răn đe, ví dụ như cách chức hiệu trưởng.

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh những sai phạm trong hoạt động đào tạo của Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên). Cụ thể, trong quá trình giảng dạy, tất cả các môn học, mô đun của các lớp liên kết đào tạo hệ trung cấp với trường này đã bị cắt giảm số giờ đào tạo một cách vô lý.

Sai phạm này một lần nữa đặt ra vấn đề quản lý đối với hệ thống các trường cao đẳng hiện nay.

Cắt giảm giờ dạy chắc chắn không đảm bảo đầu ra

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, đối với mỗi cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo phải được thực hiện chuẩn chỉnh thì mới đảm bảo chuẩn đầu ra, người học mới đạt được trình độ tương ứng quy định trong Khung trình độ quốc gia.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Một khi cắt giảm số tiết đào tạo thì chắc chắn không thể đạt chuẩn đầu ra, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực, kỹ năng của người học. Đây là hiện tượng học giả bằng thật.

“Đồng thời, trường hợp này phải chỉ ra nguyên nhân vì sao cắt xén giờ dạy, có sự trao đổi, thống nhất giữa các tổ chuyên môn, bộ môn hay không? Trách nhiệm thuộc về những ai? Học phí người học thu đầy đủ nhưng cắt bớt đào tạo phải chăng là một hiện tượng tham nhũng?

Khi dạy học không thực chất, nhân lực lao động không đảm bảo rồi sẽ tạo ra sản phẩm kém chất lượng cho xã hội.

Điều đáng lo ngại là tôi sợ những sai phạm như thế này có thể không chỉ tồn tại ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức mà còn có thể xảy ra với những cơ sở đào tạo khác”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đặt vấn đề.

Tiến sĩ Vinh khẳng định, trường hợp này cần phải xử lý nghiêm, không đơn giản chỉ xử lý hành chính mà phải xử lý pháp luật vì đã vi phạm quy chế đào tạo.

Kinh nghiệm cho hay, chỉ cần xử lý nghiêm minh vài trường hợp vi phạm và đưa ra công luận thì hàng trăm trường khác nhìn vào đó - xem như bài học - mà không dám vi phạm. Một khi công luận đã biết thì uy tín nhà trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ đánh mất niềm tin của người học. Còn nếu đòi hỏi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp suốt năm, suốt tháng đi kiểm tra, rà soát, thanh tra cũng không giải quyết được hết những sai phạm này.

Bàn về vấn đề quản lý nhà nước đối với các trường nghề, Tiến sĩ Vinh cũng chỉ ra những tồn tại bất cập hiện nay.

Cụ thể, với hệ thống trường nghề lớn như hiện nay, nếu chỉ có Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc kiểm tra, giám sát và rà soát lại hoạt động của các trường thì khó thực hiện được do lực lượng không đủ để rà soát, kiểm tra trên cả nước.

Chính vì vậy, cần phân cấp quản lý mạnh hơn cho các địa phương, để các địa phương chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra và các trường phải chịu trách nhiệm về hoạt động đào tạo của mình.

Dù vậy, việc thực hiện cũng có thể gặp khó khăn khi năng lực, nghiệp vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực dạy nghề của các sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương khó có thể đáp ứng được. Hơn nữa, còn có vướng mắc ở chỗ: quy định các trường cao đẳng phải được phép hoặc đăng ký với Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, từ việc mở ngành, liên kết đào tạo, đào tạo ngắn hạn,…nên trên thực tế, vai trò, trách nhiệm của các sở quản lý ngành cũng có thể bị coi nhẹ với các trường cao đẳng.

Song song với việc phân cấp quản lý, cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp để xảy ra sai phạm. Nếu cơ sở nào vi phạm pháp luật thì cần phải mạnh tay xử lý, bằng các biện pháp đủ sức răn đe, ví dụ như cách chức hiệu trưởng.

“Thực hiện giám sát, thanh tra, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm.

Khi giao cho địa phương giám sát, địa phương nào “bắt tay”, chống lưng cho những sai phạm của cơ sở đào tạo thì phải có chế tài giao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh xử lý. Nếu không giám sát, thanh tra thường xuyên, minh bạch thì chỉ phát hiện được vài trường hợp sai phạm qua đơn tố cáo. Còn lại thì vẫn lẩn khuất những sai phạm nằm ở đâu đó”, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhận định.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đề xuất việc ứng dụng công nghệ quản lý, cụ thể là cần tạo được một kênh thông tin “nóng” phản ánh để đảm bảo sự dân chủ và hoạt động giám sát cho giáo viên, sinh viên, học viên. Dịch vụ giáo dục mang tính chất đặc biệt, nếu có sự giám sát từ xã hội thì các trường sẽ không dám để xảy ra sai phạm.

Còn chồng chéo trong quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp

Trước những sai phạm đã xảy ra, Bộ Công thương đã có Kết luận số 6919/KL-BCT với Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức. Trong đó yêu cầu trường này cần tiếp tục ban hành văn bản gửi học sinh khoá 46 đã tốt nghiệp về việc giảng dạy bổ sung khối lượng còn thiếu, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tiến sĩ Vinh cho rằng, việc đào tạo bổ sung cho những người đã được nhận bằng là cần thiết, tuy nhiên vẫn có những băn khoăn liệu việc đào tạo bổ sung có đảm bảo.

Bởi lẽ, các phần kiến thức trong chương trình đào tạo đều có liên quan, kết nối với nhau, việc bị cắt bỏ một phần nội dung nào đó cũng đã ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kiến thức.

Bên cạnh đó, nếu số lượng người học đông thì việc triển khai đào tạo bổ sung cũng khó khăn.

Vì vậy, cần phải xem xét, có thể bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người học thì phải thực hiện dạy bổ sung, tổ chức thi và đánh giá lại một cách nghiêm túc, giám sát hoạt động đào tạo này. Đồng thời nhà trường phải chịu trách nhiệm về chi phí thực hiện.

Hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vẫn muốn “ôm” các trường nghề, trong khi các trường cao đẳng vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo cả chứng chỉ ngắn hạn. Như Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức tổ chức giảng dạy các lớp hệ trung cấp cho học sinh đang học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để đào tạo nghề. Đây còn là câu chuyện chồng chéo trong quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp ở địa phương: một bên là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn bên kia là Sở Giáo dục và Đào tạo.

Về quản lý và trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tiến sĩ Vinh khẳng định, văn bản quy phạm pháp luật đã khá đầy đủ nhưng văn hoá chất lượng và việc thực thi văn hoá chất lượng ở một số cơ sở chưa tốt.

Nguyên Phương