Cần nghiêm cấm việc thay đổi mục đích sử dụng đất đã bố trí cho giáo dục

06/04/2022 07:31
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo dục là ngành nghề rất cần ưu đãi đầu tư, theo tôi, trong tình hình cụ thể hiện nay, việc miễn tiền thuê đất đối với các cơ sở giáo dục đào tạo là cần thiết.

(Phần 1)

(Phần 2)

(Phần 3)

(Phần 4)

LTS: Liên quan đến vấn đề thuế, tiền thuê đất đối với các cơ sở giáo dục đại học, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Đầu năm 2022, khi trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất đối với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp giáo dục và dịch vụ giáo dục theo quy định của pháp luật về thuế, về tiền thuê đất hiện hành. Theo ông, đây có phải là một trong những giải pháp tốt để phát triển giáo dục?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đúng thế, đó là giải pháp tốt, rất cần thiết, tất nhiên còn nhiều giải pháp khác nữa. Giáo dục là ngành nghề rất cần ưu đãi đầu tư, theo tôi, trong tình hình cụ thể hiện nay, việc miễn tiền thuê đất đối với các cơ sở giáo dục đào tạo là cần thiết.

Đặc biệt, là cho thuê đất sạch và miễn tiền thuê đất đối với các trường không vì mục đích lợi nhuận (trường hợp nhà đầu tư ứng tiền ra đền bù giải tỏa thì nhà nước sẽ trả dần lại và trừ vào các khoản nhà đầu tư phải nộp).

Đồng thời đưa vào luật nghiêm cấm lâu dài việc thay đổi mục đích sử dụng đất đã bố trí cho giáo dục. Tất cả các quy hoạch mới đều phải bảo đảm một tỷ lệ diện tích đất dành cho giáo dục cả phổ thông và đại học.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh tư liệu: Thùy Linh)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh tư liệu: Thùy Linh)

Thực hiện ổn định việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu nhập không phân chia lợi nhuận cho cá nhân mà để lại tái đầu tư cho phát triển trường. Theo đó, tất cả các trường không vì mục đích lợi nhuận (được nhà nước thẩm định và công nhận) được miễn thuế Thu nhập Doanh nghiệp.

Phóng viên: Nếu thực hiện được như vậy thì nên chăng Nhà nước cần thay đổi cách cấp phát kinh phí cho hoạt động thường xuyên của các đại học công lập, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Không phải vì miễn thuế như vậy mà phải thay đổi cách cấp phát kinh phí của Nhà nước. Mà đổi mới cách cấp phát cho hoạt động thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản của các trường đại học công lập để hiệu quả tốt hơn là việc cần thiết.

Ví dụ, kinh phí cho chi thường xuyên có thể quy định trên cơ sở số học sinh trong diện được nhà nước cấp học bổng (học sinh đó học ở trường nào bao nhiêu thì ngân sách nhà nước sẽ chuyển về cho trường đó, không phân biệt công lập hay ngoài công lập). Mặt khác, tiếp tục mở rộng cho sinh viên vay tiền để học đại học. Với cách làm này bảo đảm việc đầu tư đến trực tiếp người thụ hưởng, phân bổ công bằng, minh bạch và tạo sân chơi bình đẳng giữa công lập và ngoài công lập.

Việc đầu tư xây dựng cơ bản cho các trường cũng có thể chuyển sang cho vay dài hạn đặc biệt ưu đãi không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Khoản nào nhà nước cấp phát cho các trường công lập thì thu khấu hao dần dần trở về cho quỹ phát triển giáo dục của quốc gia.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh (thực hiện)