Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 1034/QĐ-BGDĐT về việc hủy kết quả đạt giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm 2024 - 2025. [1]
Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định hủy kết quả đạt giải Nhất và thu hồi giải thưởng của dự án “Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh", lĩnh vực Hệ thống nhúng, đơn vị dự thi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên.
Dự án "Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh" là sản phẩm của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hưng Yên) được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao giải nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia vào cuối tháng 3/2025.
Tuy nhiên, dự án này được cho là giống với một sản phẩm phân loại rác thải của kỹ sư Samuel Alexander - Indonesia. Alexander công bố sản phẩm năm 2023 trên Hackaday.io - nền tảng chia sẻ trực tuyến của các nhà sản xuất, phát minh, đam mê công nghệ.
Từ sự việc này, người viết là giáo viên có lời khuyên đến thầy cô giáo và các em học sinh cần nắm vững Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông [2] để thực hiện cho đúng.

Thứ nhất, khoản 1 Điều 2 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định mục đích, yêu cầu của Cuộc thi như sau:
a) Khuyến khích học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn;
b) Góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục;
c) Tạo cơ hội để học sinh giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Theo nội dung này, giáo viên hướng dẫn cần nhận thấy rằng, việc học sinh tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật nhằm 3 mục đích:
1) Khuyến khích học sinh học đi đôi với hành, tức là vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống.
Ví dụ, xuất phát từ thực tế người dân gặp khó khăn trong việc xác định các tuyến đường bị ngập lụt trong mùa mưa bão hay triều cường gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, nhóm Trường Trung học phổ thông Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) thực hiện dự án “Hệ thống cảnh báo thiên tai sử dụng bản đồ thông minh”. [3]
Dự án này giúp người dân có thể tránh những tuyến đường ngập lụt, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vào mùa mưa lũ.
2) Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá để nâng cao chất lượng dạy học, nhất là khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ví dụ, giáo viên giúp học sinh sử dụng tiện ích của một số phần mềm thông dụng như: Google, Meet, Azota, Quizizz... để phát huy năng lực của các em. Hoặc giáo viên tổ chức hoạt động giáo dục STEM cho học sinh được thỏa sức sáng tạo.
3) Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cũng là cơ hội để giáo viên hướng dẫn và học sinh giữa các địa phương được giao lưu với nhau. Đặc biệt, những học sinh có tố chất nghiên cứu sẽ được dự thi quốc tế, mang lại niềm vinh quang cho nhà trường, địa phương và nước nhà.
Chẳng hạn, tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 (Regeneron ISEF 2024), đoàn học sinh Việt Nam đã giành 1 giải Nhì thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống. [4]
Như thế, theo góc nhìn của người viết, mục đích chính của Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là nhằm giúp giáo viên dạy tốt và học sinh học tốt chứ không chỉ đơn thuần là hướng đến các giải thưởng.
Thứ hai, điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT nêu rõ yêu cầu của Cuộc thi như sau:
a) Nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Trở lại với dự án “Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh" đạt giải Nhất của đơn vị dự thi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, có thể nhận thấy, nội dung dự án chưa phù hợp với năng lực của nhóm học sinh nên các em có dấu hiệu vi phạm liêm chính khoa học và quy chế cuộc thi.
Bởi lẽ, một nhà khoa học cho biết, phương pháp triển khai của kỹ sư Samuel Alexander (Indonesia) và nhóm học sinh giống nhau.
Cụ thể, cả hai dự án đều dựa trên ý tưởng thu thập âm thanh tạo ra do tác động của rác thải va vào vách thùng, rồi phân tích chúng theo kiểu học máy để ra quyết định đưa chúng vào thùng chứa nào. Cả hai cũng sử dụng AI để điều khiển kết cấu cơ khí nhằm xoay thùng rác đến vị trí tương ứng và mở nắp thùng rác. [5]
Người viết cũng thường xuyên hướng dẫn học sinh tham dự cuộc thi này ở nhóm nội dung liên quan lĩnh vực khoa học xã hội hành vi cũng thấy có thể các em chưa hiểu thấu đáo về liêm chính khoa học. Cho nên, đây là lỗi chủ yếu của giáo viên hướng dẫn; hội đồng chấm thẩm định của trường, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương và cấp quốc gia.
Cần biết thêm, điểm c khoản Điều 2 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định: "Việc tổ chức Cuộc thi bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh."
Cùng với đó khoản 1 Điều 4 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT có đặt ra yêu cầu đối với dự án dự thi là: "Bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hoặc trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là kết quả nghiên cứu của mình."
Nếu hội đồng chấm thẩm định của trường, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương hoặc cấp quốc gia phát hiện dự án “Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh" có sự sao chép thì chắc chắn dự án này sẽ bị loại sớm.
Thứ ba, các nhà trường phổ thông cần nắm vững khoản Điều 12 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định về quy trình đăng ký, phê duyệt và lựa chọn dự án dự thi:
1. Đối với cơ sở giáo dục
a) Cơ sở giáo dục thông báo công khai mục tiêu, nội dung, yêu cầu, tiêu chí đánh giá dự án dự thi và hình thức tổ chức Cuộc thi để giáo viên, nhân viên phát hiện, hướng dẫn học sinh lựa chọn đề tài, xây dựng kế hoạch nghiên cứu;
b) Giáo viên, nhân viên đã hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch nghiên cứu báo cáo với tổ chuyên môn để tổ chuyên môn báo cáo, đề nghị hiệu trưởng hoặc giám đốc (sau đây gọi chung là người đứng đầu) cơ sở giáo dục xem xét, phê duyệt;
c) Người đứng đầu cơ sở giáo dục phê duyệt kế hoạch nghiên cứu và người hướng dẫn nghiên cứu theo đề nghị của tổ chuyên môn; chỉ đạo tổ chuyên môn theo dõi, hỗ trợ quá trình nghiên cứu của học sinh theo kế hoạch nghiên cứu đã được phê duyệt;
d) Cơ sở giáo dục tổ chức đánh giá dự án của học sinh; lựa chọn dự án thuộc cơ sở giáo dục gửi đơn vị dự thi để được đánh giá, lựa chọn theo hướng dẫn của đơn vị dự thi.
Theo quy định này, quy trình thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật được thực hiện rất chặt chẽ: 1) Giáo viên phát hiện, hướng dẫn học sinh lựa chọn đề tài, xây dựng kế hoạch nghiên cứu; 2) Tổ trưởng chuyên môn cần biết học sinh nghiên cứu vấn đề gì để cùng hỗ trợ các em; 3) Hội đồng cấp trường phải có khả năng đánh giá dự án của học sinh - tránh mời nhà khoa học đánh giá.
Nếu giáo viên và học sinh làm đúng Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông thì sẽ không vi phạm liêm chính học thuật, không có những chuyện đáng tiếc xảy ra, và cuối cùng học sinh là người bị ảnh hưởng tâm lí nặng nề nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/huy-ket-qua-dat-giai-nhat-cuoc-thi-nghien-cuu-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-post250995.gd
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-06-2024-TT-BGDDT-Quy-che-Cuoc-thi-nghien-cuu-khoa-hoc-quoc-gia-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-606878.aspx
[3] https://baoquangngai.vn/giao-duc/202502/van-dung-ly-thuyet-vao-thuc-tien-15c1042/
[4] https://laodongthudo.vn/hoc-sinh-viet-nam-gianh-giai-nhi-tai-hoi-thi-khoa-hoc-ky-thuat-quoc-te-170856.html
[5] https://vnexpress.net/huy-giai-nhat-khoa-hoc-ky-thuat-quoc-gia-cua-nhom-hoc-sinh-bi-to-sao-chep-4880258.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.