Đầu tháng 4/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn 1708/SGDĐT-KTKĐ năm 2025 về hướng dẫn xác minh thông tin nơi cư trú phục vụ công tác rà soát dữ liệu tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026.
Ngoài ra, còn có văn bản của ủy ban nhân dân các quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh gửi đến các trường học trên địa bàn về rà soát dữ liệu chuẩn bị tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026.

Nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thời điểm này để giả danh ban giám hiệu nhà trường, thực hiện các cuộc gọi đến phụ huynh với lý do yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Họ thường yêu cầu phụ huynh nhấp vào các đường link lạ để xác thực dữ liệu định danh về dân cư hay yêu cầu xác nhận mã định danh mức 2 cho học sinh để phục vụ công tác tuyển sinh. Nếu phụ huynh không cảnh giác, việc truy cập các đường link giả mạo này có thể dẫn đến mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, ví điện tử, gây ra thiệt hại tài chính đáng tiếc.
Trước thực tế này, nhiều trường học tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát đi cảnh báo đến phụ huynh học sinh về những thủ đoạn lừa đảo tinh vi liên quan đến công tác tuyển sinh đầu cấp.
Tăng cường bảo mật thông tin học sinh, phụ huynh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Diễm Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Nhơn (quận 4, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Trong bối cảnh lừa đảo diễn ra ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, việc bảo mật thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, được quán triệt xuyên suốt trong toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường.
Ngay từ thời điểm học sinh được cấp mã định danh cá nhân hoặc khi phụ huynh nhận được tài khoản, mật khẩu để đăng nhập vào Trang thông tin tuyển sinh đầu cấp của thành phố, nhà trường đã chủ động cập nhật và thường xuyên gửi đến phụ huynh các cảnh báo chính thức từ cơ quan công an nhằm phòng ngừa rủi ro lừa đảo.
Các nội dung về quản lý và bảo mật mã định danh cá nhân cũng được phổ biến rộng rãi theo đúng Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ”.

Theo cô Phương thông tin, các thông báo, hướng dẫn được nhà trường truyền tải đến phụ huynh qua kênh liên lạc đã được kiểm soát như nhóm zalo của lớp, tin nhắn điện tử nội bộ (ứng dụng eNETVIET). Đồng thời, nhà trường cũng trích dẫn và gửi những tin tức về hành vi lừa đảo từ báo chính thống đến phụ huynh học sinh. Đây là những kênh mà nhà trường có thể đảm bảo được tính xác thực của thông tin cũng như khả năng tiếp cận nhanh đến phụ huynh.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Nhơn cũng chỉ ra thực trạng, nhiều phụ huynh trong trường thuộc nhóm lao động phổ thông, bận rộn mưu sinh nên ít có thời gian theo dõi thời sự thường xuyên. Chính điều này khiến họ dễ trở thành mục tiêu của những chiêu trò lừa đảo tinh vi, lợi dụng lòng tin, sự thiếu cập nhật thông tin và sự nôn nóng, bối rối khi xử lý các tình huống liên quan đến con cái.
Vì vậy, nhà trường đã thiết lập các nguyên tắc phân quyền chặt chẽ trong việc truy cập và quản lý cơ sở dữ liệu phụ huynh, học sinh. Hệ thống quản trị dữ liệu chỉ cấp quyền truy cập cho những cán bộ phụ trách trực tiếp, với yêu cầu cao về bảo mật thông tin.
“Mỗi cá nhân có quyền truy cập đều được đào tạo, nhắc nhở thường xuyên về trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cho bên thứ ba nếu không có chỉ đạo chính thức từ ban giám hiệu.
Nhà trường xác định rằng, việc bảo mật thông tin không chỉ là trách nhiệm của một bộ phận, mà phải trở thành ý thức chung của toàn trường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên hành chính", cô Vũ Diễm Phương nhấn mạnh.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quang Trung (quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tất cả thông tin liên quan đến tuyển sinh đầu cấp đều được thông báo thông qua các kênh chính thức như: cổng thông tin điện tử nhà trường, ứng dụng trực tuyến eNETVIET, tin nhắn từ giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ phụ trách tuyển sinh.
Các thông báo sẽ được chuyển từ ban giám hiệu đến giáo viên, sau đó giáo viên chuyển tiếp đến nhóm phụ huynh lớp, nhằm đảm bảo thông tin nhanh chóng và chính xác".
Thầy Đức cũng cho biết, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng lúc phụ huynh đang bận rộn trong giờ hành chính hoặc thiếu tỉnh táo như giờ nghỉ trưa để dễ dàng đánh vào tâm lý muốn giải quyết nhanh.
“Về tình hình chung, thời gian qua nhà trường chưa ghi nhận trường hợp nào phụ huynh bị lừa đảo tài chính liên quan đến tuyển sinh, tuy nhiên đã có vài trường hợp phụ huynh nhận được cuộc gọi đáng ngờ.
Ví dụ, phụ huynh nhận được cuộc gọi với kịch bản học sinh bị tai nạn giao thông đang cấp cứu trong bệnh viện. Trong tình huống hoảng loạn, nhiều phụ huynh có thể mất bình tĩnh và làm theo yêu cầu của kẻ gian.
Nhưng may mắn, phụ huynh học sinh của nhà trường khi gặp trường hợp như vậy đã nhanh chóng liên hệ với giáo viên chủ nhiệm hoặc giám thị nhà trường để xác minh. Khi xác nhận học sinh không gặp vấn đề gì, phụ huynh sẽ ngay lập tức thông báo trên nhóm lớp để những người khác cùng biết và cảnh giác”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quang Trung thông tin.
Cũng theo thầy Dương Hữu Đức, dù công tác bảo mật thông tin đã được nhà trường triển khai nghiêm ngặt, nhưng thời điểm đặc biệt như mùa tuyển sinh đầu cấp vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rò rỉ, lộ lọt dữ liệu cá nhân. Đây là giai đoạn nhạy cảm khi phụ huynh cần xác nhận, cập nhật lại các thông tin quan trọng của học sinh như mã định danh, địa chỉ liên hệ, nơi cư trú,... nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Đảm bảo sự liên lạc thường xuyên giữa phụ huynh và nhà trường
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, thành phố Hồ Chí Minh): “Giữa những mối nguy tiềm ẩn từ các chiêu trò lừa đảo ngày một tinh vi, sự chủ động và gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn thông tin cho học sinh.
Hiện nay phụ huynh tại nhà trường có mức độ cảnh giác cao hơn rất nhiều so với trước đây. Khi nhận được bất kỳ thông tin, yêu cầu bất thường nào liên quan đến học sinh, đa số phụ huynh đều lập tức chủ động liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường để xác minh trước khi thực hiện theo hướng dẫn từ cuộc gọi đáng ngờ.
Việc duy trì thói quen “kiểm chứng hai chiều” này đã giúp hạn chế tối đa những trường hợp bị lừa đảo hoặc hiểu nhầm đáng tiếc”.

Để đồng hành cùng phụ huynh trong việc bảo vệ an toàn thông tin, nhà trường cũng triển khai các quy trình hướng dẫn linh hoạt. Khi có những thông báo, hướng dẫn liên quan đến thủ tục hành chính, xác nhận thông tin học sinh hay cập nhật hồ sơ, giáo viên chủ nhiệm sẽ trực tiếp liên hệ với phụ huynh qua các kênh online, chủ yếu là qua các nhóm zalo của lớp hoặc hệ thống tin nhắn điện tử chính thức của trường.
“Qua đó, phụ huynh được hướng dẫn chi tiết từng bước để có thể tự thực hiện tại nhà, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo đúng quy trình, bảo mật. Trong trường hợp một số phụ huynh không quen thao tác trực tuyến hoặc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp. Phụ huynh có thể đến trường và được giáo viên, nhân viên nhà trường hướng dẫn tận tình để hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Cách làm trên vừa giúp đảm bảo độ chính xác cao, vừa giúp phụ huynh yên tâm hơn khi xử lý các vấn đề liên quan đến hồ sơ, thông tin cá nhân của con em mình”, cô Nga bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết thêm, trong thực tế, đối với các vấn đề liên quan đến học hành của học sinh, phụ huynh gần như hoàn toàn tin tưởng và lựa chọn liên hệ trực tiếp với nhà trường để nắm thông tin chính xác nhất.
Nhà trường cũng thường xuyên nhận được sự chỉ đạo, nhắc nhở sát sao từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh trong việc bảo vệ an toàn thông tin học sinh, đồng thời yêu cầu nhà trường luôn chủ động đồng hành, hỗ trợ phụ huynh một cách tuyệt đối.
Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý tình huống, phòng chống lừa đảo liên quan đến học sinh đều được triển khai kịp thời, cụ thể tới từng giáo viên chủ nhiệm để đảm bảo không có trường hợp bị bỏ sót.
Cô Nga nhấn mạnh: “Nhà trường xác định rằng, trách nhiệm đối với học sinh không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy hay chăm sóc hàng ngày, mà còn bao gồm việc đồng hành cùng phụ huynh, học sinh trong mọi khâu đảm bảo an toàn thông tin”.
Về phía Trường Tiểu học Lý Nhơn, cô Vũ Diễm Phương chia sẻ: “Bên cạnh việc chủ động thông tin, nhà trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề ngắn gọn trong buổi họp phụ huynh để hướng dẫn cách nhận biết những dấu hiệu lừa đảo phổ biến, cách kiểm tra thông tin và các bước xử lý an toàn khi nhận được một số yêu cầu lạ liên quan đến học sinh.
Nhà trường khuyến khích phụ huynh nếu nhận được cuộc gọi hay tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc yêu cầu chuyển tiền, cần lập tức liên hệ xác minh trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm hoặc văn phòng nhà trường. Tuyệt đối không thực hiện bất kỳ giao dịch nào chỉ dựa trên tin nhắn hoặc cuộc gọi từ đối tượng không rõ lai lịch”.
Đồng quan điểm, thầy Dương Hữu Đức cũng khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác, nếu nhận được yêu cầu lạ liên quan đến cung cấp thông tin của gia đình hoặc tiền bạc, phụ huynh hãy bình tĩnh kiểm tra lại bằng cách gọi trực tiếp cho giáo viên hoặc nhà trường. Không nên vội vàng làm theo bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi hay truy cập vào đường link đáng ngờ để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.

Việc chủ động xây dựng một “hàng rào” bảo vệ thông tin ngay trong chính trường học là giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục phối hợp với công an địa phương để cập nhật thường xuyên các cảnh báo mới tới phụ huynh, đồng thời đề xuất với các cấp quản lý có chế tài mạnh hơn đối với những hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Với sự liên lạc thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường, hy vọng các thủ đoạn lừa đảo sẽ bị đẩy lùi, đảm bảo an toàn thông tin và tài chính cho gia đình học sinh trong mùa tuyển sinh sắp tới.
Đồng thời, giữ an toàn thông tin cũng chính là bảo vệ sự an tâm của mỗi gia đình và sự phát triển an toàn cho mỗi học sinh", thầy Dương Hữu Đức khẳng định.