Cần chọn đa dạng SGK nếu không sẽ mất ý nghĩa của 1 chương trình, nhiều bộ sách

05/04/2024 13:47
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo quan điểm của một số nơi, dù trường có chọn bộ sách nào thì thư viện cũng phải có bộ sách còn lại làm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh.

Ngày 28/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, từ năm học 2024-2025, quyền lựa chọn sách giáo khoa được trao cho các cơ sở giáo dục do người đứng đầu cơ sở thành lập hội đồng lựa chọn dựa trên 2 tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, việc lựa chọn sách giáo khoa làm sao để bảo đảm tính công bằng, quyền lựa chọn của giáo viên một cách thực chất, cũng như đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất bản vẫn là vấn đề khiến dư luận băn khoăn.

Thực tế, những năm trước có những tỉnh/thành phố chỉ chọn duy nhất sách của một nhà xuất bản (trừ sách tiếng Anh) trong khi hiện có 7 nhà xuất bản được xuất bản sách giáo khoa bao gồm: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều này đi ngược lại với tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, góp phần huy động nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng, chống độc quyền và đáp ứng với xu hướng hội nhập quốc tế.

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là cần thiết, đảm bảo kiến thức đa dạng cho học sinh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Như Học, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Tại tỉnh Bắc Ninh không có hiện tượng chỉ lựa chọn duy nhất một bộ sách giáo khoa. Việc lựa chọn sách giáo khoa ở địa phương được thực hiện một cách công khai, minh bạch và nghiêm túc. Năm nay, các cơ sở giáo dục của tỉnh cũng đang tiến hành lựa chọn sách giáo khoa.

Cũng theo ông Học, nếu như trước đây với chương trình giáo dục phổ thông 2006, chỉ có duy nhất 1 bộ sách giáo khoa, sách giáo khoa được coi như “pháp lệnh” thì với chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình đào tạo mới là “pháp lệnh”. Do đó, khi đào tạo các trường cần thực hiện theo chương trình còn sách giáo khoa chính là công cụ cung cấp thêm các ngữ liệu tham khảo.

“Chính vì thế, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là cần thiết, có thể cung cấp đa dạng các ngữ liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh. Khi có càng nhiều dữ liệu, tài liệu tham khảo thì giáo viên và học sinh càng có thể thực hiện chương trình tốt hơn nên không nhất thiết chỉ chọn một bộ sách mà cần đa dạng hơn. Còn việc giáo viên sử dụng chất liệu nào, tổ chức hoạt động gì, dạy chủ đề nào trước, chủ đề nào sau hoàn toàn do sự chủ động của giáo viên, miễn là đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra của chương trình môn học.

Ở Bắc Ninh, năm trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt sách giáo khoa đã quán triệt quan điểm này, phê duyệt đủ các bộ sách. Ví dụ bộ sách này có 70 trường lựa chọn, bộ sách kia chỉ có 30 trường lựa chọn thôi nhưng tỉnh vẫn phê duyệt cả hai để tôn trọng sự lựa chọn của các đơn vị. Còn hiện tại theo Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT, quyền lựa chọn sách giáo khoa đã được trao cho cơ sở giáo dục, sở cũng rất tôn trọng ý kiến của các trường để đảm bảo khi các thầy cô lựa chọn được sử dụng sách theo đúng sự lựa chọn của mình, sau này trong quá trình giảng dạy có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Học nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thạc sĩ Nguyễn Như Học cũng thông tin thêm, ở miền Bắc hiện nay chủ yếu lựa chọn hai bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Về phía quan điểm chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh dù các trường có chọn bộ sách nào thì thư viện của nhà trường cũng phải có bộ sách còn lại làm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: “Trước đây, thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa thuộc về ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố nhưng hiện tại quyền lựa chọn sách giáo khoa đã được trao cho cơ sở giáo dục, nghĩa là các trường được quyền tự chọn sách giáo khoa cho mình. Có thể trong cùng một địa bàn, trường này chọn bộ sách này, trường khác lại chọn bộ sách khác. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp tất cả các trường đều chọn chung một bộ sách.

Với những địa phương chỉ chọn một bộ sách giáo khoa họ cũng lý giải ví như sau khi chọn lựa kỹ càng qua một số năm học thử nghiệm chúng tôi cảm thấy bộ sách này phù hợp nhất với học sinh…Thậm chí trường nọ nhìn trường kia để chọn. Chỉ cần một vài trường như vậy rồi thống nhất trong toàn tỉnh cùng chọn luôn một bộ. Có thể làm như vậy sẽ giảm bớt áp lực, thời gian khi lựa chọn sách giáo khoa nhưng sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

Chính vì thế, các địa phương cần hết sức lưu ý vấn đề này. Ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải quán triệt việc lựa chọn sách giáo khoa cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của địa phương và đối tượng học sinh. Vì rõ ràng trong cùng một địa phương, chưa nói đến toàn tỉnh mà chỉ xét trong cùng huyện thôi thì đối tượng học sinh đã có sự khác nhau. Vì thế, lựa chọn sách giáo khoa cũng khác nhau chứ không thể cả tỉnh đều chọn một bộ sách giống nhau được".

sgk-1.jpg
Tiết dạy môn Lịch sử -Địa lý lớp 7 trường Trung học cơ sở Khiếu Năng Tĩnh, Ý Yên, Nam Định (ảnh: T.L)

Bà Nga cũng cho rằng, trước đây chúng ta dùng chung một bộ sách giáo khoa còn hiện tại mục đích của nhiều bộ sách giáo khoa chính là tạo sự linh hoạt trong việc lựa chọn. Đối với giáo viên cũng vậy, có thể giáo viên bộ môn này thấy bộ sách sách giáo khoa này phù hợp với đối tượng học sinh của mình hơn. Nhưng ngược lại với giáo viên bộ môn khác có thể thấy sách giáo khoa khác phù hợp hơn. Chính vì thế cần tham khảo ý kiến của đa dạng giáo viên để làm sao chúng ta thực hiện tốt được một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Đây là một trong những nội dung cốt yếu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Và nếu như không thực hiện được một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì mọi nỗ lực đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.

Cần khuyến khích học sinh thói quen tiếp nhận kiến thức của nhiều bộ sách khác nhau, tránh học vẹt

Là địa phương đang triển khai lựa chọn sách giáo khoa, ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam thông tin: Việc lựa chọn sách giáo khoa ở tỉnh Quảng Nam được thực hiện theo đúng Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tập huấn rất kỹ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT cho các cơ sở giáo dục, giao quyền chủ động lựa chọn cho các trường. Đồng thời, thầy cô tại các cơ sở giáo dục hiện đã đọc và nghiên cứu các bộ sách và được các nhà xuất bản giới thiệu. Hiện nay các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang trong quá trình tiến hành lựa chọn.

Ông Nam cũng khẳng định, với chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa đóng vai trò là tài liệu tham khảo. Chính vì thế, giáo viên có quyền tham khảo nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau để lựa chọn các ngữ liệu thêm vào nội dung bài giảng phù hợp cho học sinh của mình.

“Hiện nay các trường đang lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12, còn với các lớp khác nếu cơ sở giáo dục cảm thấy cần lựa chọn lại hoặc lựa chọn bổ sung thì có thể thực hiện, sở không can thiệp hay chỉ đạo các trường lựa chọn bộ sách nào mà các trường cần căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình.

Tuy nhiên, bản thân tôi cũng đồng tình với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, việc sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau trong quá trình học sẽ làm phong phú tài liệu dạy và học cho giáo viên và học sinh, vì ngữ liệu có thể khác nhau nhưng đều dựa vào khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Điều này còn giúp các học sinh khi chuyển vùng, chuyển địa phương không bị bỡ ngỡ đối với các loại sách”, ông Nam bày tỏ.

Cũng đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng nếu thực hiện tốt được một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 sẽ có ý nghĩa rất lớn để rèn luyện năng lực, phẩm chất của học sinh. Tuy nhiên, hiện nay học sinh chưa có thói quen học một bộ sách và tham khảo thêm các bộ sách khác mà vẫn bị ảnh hưởng của chương trình cũ. Do đó, theo bà Nga cần có thời gian để học sinh thích nghi dần với sự thay đổi này.

“Theo tôi, ý nghĩa của việc một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là bên cạnh việc chọn một bộ sách để giảng dạy cho học sinh học tập thì các bộ sách còn lại có thể làm tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, tôi thấy trong thực tế hiện nay vẫn chưa có thói quen từ phía học sinh là các em học ở một bộ sách nhưng tham khảo ở một bộ sách khác”, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 chính là năm mà lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự thi. Để học sinh nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì khi ra đề không nên để nội dung câu hỏi chỉ nằm ở một bộ sách giáo khoa duy nhất. Hay thậm chí nội dung không nằm ở bất cứ một bộ sách giáo khoa nào hoặc có thể câu hỏi này thì ngữ liệu ở trong bộ sách này và câu hỏi khác thì ngữ liệu nằm trong bộ sách khác.

“Đây là cách khuyến khích các em có thói quen mở rộng kiến thức của mình. Từ đó, học sinh sẽ rèn luyện được kỹ năng tham khảo kiến thức ở nhiều nguồn khác nhau, tránh tình trạng học vẹt. Từ trước đến nay chúng ta cứ học theo một lối mòn là chỉ dùng duy nhất một bộ sách giáo khoa và tất cả ngữ liệu, kiến thức chỉ có trong một bộ sách giáo khoa đó thôi.

Chính vì thế khi học sinh gặp các dạng câu hỏi mặc dù vẫn là kiến thức này nhưng lấy ngữ liệu khác ngoài sách giáo khoa sẽ cảm thấy lúng túng. Do đó, cần duy trì một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa vì mục tiêu của đổi mới sách giáo khoa không chỉ nằm ở chỗ giúp giáo viên và học sinh có nhiều sự lựa chọn cho phù hợp mà điều quan trọng hơn cả là chúng ta rèn luyện tư duy linh hoạt cho học sinh", bà Nga bày tỏ.

Cũng theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa còn giúp rèn luyện năng lực phẩm chất của người học không đi theo lối mòn mà phải luôn luôn sáng tạo. Đây cũng là phẩm chất cực kỳ cần thiết của con người trong thời đại mới. Do đó, chúng ta phải kiên trì với mục tiêu này, chứ không nên nhìn theo hướng làm khó cho học sinh.

Khi các em đã chủ động có được một khối lượng kiến thức nhất định thì có thể thoải mái đối diện với tất cả các dạng đề thi, tất cả các dạng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa. Chỉ cần nắm được kiến thức gốc là có thể hoàn thành tốt bài thi của mình. Như vậy sẽ tạo ra được một thế hệ học sinh chủ động, sáng tạo hơn thay vì lối mòn mà cứ tách khỏi lối mòn ấy thì người ta sẽ cảm thấy rất lo lắng và sợ hãi.

Nhật Lệ