Năm 2022, công tác phòng chống tham nhũng được đẩy lên cao với tinh thần không có "vùng cấm", khi những vụ án lớn như Việt Á và chuyến bay "giải cứu" được phanh phui. Điều này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) đã có một số chia sẻ xung quanh công tác cán bộ.
Phó Giáo sư Bùi Thị An (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Phóng viên: Năm vừa qua, nhiều vụ đại án rúng động dư luận được phanh phui. Trong đó có thể kể đến đến vụ án Việt Á, chuyến bay "giải cứu" các công dân Việt Nam tại các quốc gia có dịch Covid-19. Đến nay có hàng chục cán bộ bị xử lý, trong đó có những Ủy viên Trung ương đảng.
Bà đánh giá ra sao xung quanh chỉ đạo và xử lý cán bộ sai phạm xung quanh 2 vụ án điển hình này?
PGS Bùi Thị An: Về tính chất, sự vụ 2 vụ án trên là khác nhau. Tuy nhiên, nó có điểm chung là đã thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Trung ương trên tinh thần xử lý sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù cho người đó bất kì là ai, nhưng cũng phân biệt các nguyên nhân dẫn đến sai phạm (ai chủ động, ai vì lý do khác ...) để tiếp tục rà soát, xử lý... Qua đó, đã tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Qua 2 vụ án trên, cho ta thấy việc quản lý cán bộ của chúng ta chưa tốt, có những sơ hở để cấp dưới tham ô, tham nhũng của cải của người dân.
Việc xử lý sai phạm với mục tiêu cuối cùng là làm trong sạch bộ máy. Chúng ta phải cho người dân thấy được không có ai ngoại lệ, không có ai đứng ngoài pháp luật, điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng .
Phóng viên: Trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc xử lý nhiều cán bộ cấp cao, đương chức và nghỉ hưu, theo đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai", đã được cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Bà có nhận định, đánh giá như nào về công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta trong năm vừa qua?
PGS Bùi Thị An: Việc tham ô, tham nhũng trong vụ án Việt Á và chuyến bay “giải cứu” đã thể hiện sự kém tu dưỡng đạo đức, của một số cán bộ, những người tham tiền tranh thủ lúc người dân hoạn nạn để “đục nước béo cò”.
Qua đó, đã thể hiện sự nhất quán của Bộ Chính trị, khi đã vi phạm thì không có vùng cấm và không loại trừ một ai. Việc xử lý những sai phạm trên đã tăng niềm tin và được sự đồng thuận rất cao của Nhân dân.
Chúng ta có thể nhận thấy được tinh thần phòng chống tham nhũng trước và sau đại dịch Covid-19, vẫn thể hiện một tinh thần nhất quán, quyết tâm, quyết liệt.
Phóng viên: Thực tế, khi các vụ việc được phanh phui cho thấy, nhiều cán bộ cấp cao là Ủy viên Trung ương Đảng có vi phạm trong một thời gian dài nhưng vẫn tiếp tục được bổ nhiệm (như ở Đồng Nai, Bình Dương...). Vậy theo bà, công tác cán bộ tới đây cần có những điểm gì cần lưu ý?
PGS Bùi Thị An: Tôi cho rằng, mục tiêu của công tác cán bộ (đầu tiên) là phát hiện, chọn đúng cán bộ để bổ nhiệm, đề bạt, sắp xếp phù hợp với năng lực, sở trường ở từng vị trí ...thì họ sẽ phát huy tác dụng. Những cán bộ diện này sẽ ít khi mắc sai lầm (nhưng vấn đề cốt lõi là phát hiện đúng).
Diện cán bộ diện thứ hai là được phát hiện đúng và đề bạt đúng, nhưng trong môi trường làm việc có sự sơ hở về cơ chế, chính sách hay luật pháp, mà ta quản lý chưa tốt nên họ đã lợi dụng, phạm sai lầm.
Diện cán bộ cuối cùng là được đề bạt theo “vây cánh”, nên khi xảy ra sai phạm sẽ kéo theo cả “dây” cán bộ vướng vòng lao lý.
Phải thừa nhận rằng việc quản lý của chúng ta có chỗ, có nơi có giai đoạn còn lỏng lẻo, nên mới để có những cán bộ đã tham ô, tham nhũng, sai phạm rơi vòng lao lý. Tuy nhiên, đã sai phạm là chúng ta phải xử lý. Cho nên việc theo dõi giám sát,quản lý cán bộ hậu đề bạt là vô cùng quan trọng
Theo tôi, cán bộ luôn là quan trọng số một, nên quản lý cán bộ phải sát sao, để cán bộ không sai phạm được. Giai đoạn vừa rồi, chúng ta mất rất nhiều cán bộ, điều này rất xót xa, bởi để đào tạo được một người có tài về quản lý cũng như chuyên môn ở vị trí cao mất thời gian dài.
Phóng viên: Cũng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, trước thực tế xử nghiêm sai phạm, có hiện tượng cán bộ co cụm không làm để giữ mình như một Đại biểu quốc hội từng phát biểu tại nghị trường là có hiện tượng cán bộ đảng viên “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa”. Vậy theo bà, làm sao để khuyến khích được cán bộ dám nghĩ dám làm?
PGS Bùi Thị An: Theo tôi, việc cán bộ có tâm lý e dè, lo sợ là có, bởi họ cũng là con người. Vừa qua, rất nhiều cán bộ trong nhiều ngành, lĩnh vực đã bị đưa ra xử lý do có sai phạm. Tuy nhiên, nếu là các đồng chí cán bộ chân chính, làm việc vì Nhân dân, họ sẽ vượt lên được không ngại ngùng lao vào công việc, và có lỡ sai vẫn sửa được, bởi họ không có động cơ vụ lợi.
Ví như trong ngành y, lãnh đạo các bệnh viện nào mà đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc đúng quy định để điều trị cho bệnh nhân, thì không thể kỉ luật họ được.
Hiện nay, dân trí rất cao, dân hiểu pháp luật, … nên biết phân biệt phải, trái và tất nhiên họ sẽ hiểu ai làm vì dân, ai không vì dân. Tất nhiên ta cũng phải có cơ chế bảo vệ những cán bộ dũng cảm vì dân .
Phóng viên: Trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là việc in ấn, phát hành sách giáo khoa năm qua cũng có nhiều vấn đề ồn ào. Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận về những sai phạm thiếu sót của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (giai đoạn 2014-2018) trong việc lựa chọn nhà thầu in ấn, dấu hiệu lợi ích nhóm với Bộ Giáo dục và Đào tạo về phát hành sách bài tập... Bà có đánh giá gì về vụ việc này?
PGS Bùi Thị An: Vấn đề lãng phí sách là đã có, nhưng phải phân khúc xem nguyên nhân tại ai, công đoạn nào, ở chỗ nào mới giải quyết được. Vấn đề về sách giáo khoa đã được dư luận bàn tán từ lâu, cũng như được nêu ra tại Quốc hội.
Việc lãng phí đã rõ, nhưng phải tìm rõ lãng phí ở công đoạn nào, nguyên nhân vì saTheo tôi, phải xác định rõ trách nhiệm mới có thể hạn chế được việc này lặp lại. Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận và có kiến nghị cụ thể. Chắc chắn, năm nay, việc này sẽ được tiếp tục làm rõ và xử lý trách nhiệm.
Phóng viên: Bà kỳ vọng ra sao liên quan công tác cán bộ nói chung, ngành giáo dục nói riêng trong thời gian tới?
PGS Bùi Thị An: Thời gian vừa qua là giai đoạn khó khăn với chúng ta. Việc xem xét kỉ luật cán bộ không phải đơn giản, làm chuyện này rất xót xa. Bây giờ, chúng ta phải làm trong sạch bộ máy bằng cách bổ sung thêm những cán bộ có phẩm cách, năng lực và tuân thủ luật pháp, song phải có thời gian, không thể ngày một ngày hai được.
Nếu trong công tác cán bộ, mà chúng ta thực hiện nghiêm túc: “Dân biết,dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và hưởng thụ thì chắc chắn chúng tá sẽ có cán bộ tốt nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng .
Cán bộ ngành nào cũng quan trọng, nhưng cán bộ ngành giáo dục quan trọng ở chỗ sản phẩm của họ là con người - cán bộ trực tiếp quản lý những ngành khác. Bởi vậy, công tác cán bộ nguồn lực quan trọng số một trong phát triển bền vững đất nước.
Bởi vậy rất cần những người thầy ra thầy thì trò sẽ ra trò. Tuy nhiên, để có những người thầy như nhân dân mong muốn thì chúng ta cần có cơ chế cụ thể (lương bổng, chế độ đãi ngộ...) đối với ngành giáo dục, để thu hút và chọn chọn được người tài, giỏi vào sư phạm.
Hãy chăm lo sao để các thầy, các cô luôn tận tâm với nghề, không phải “chân trong, chân ngoài”, tập trung tuyệt đối vào công việc dạy dỗ học sinh, đồng thời tạo môi trường dân chủ, bình đẳng để các thầy, cô giảng dạy và phấn đấu,
Hãy chăm lo một cách thiết thực đến cuộc sống của các thầy, cô giáo để giáo viên dạy thật thì học sinh mới học thật đó là sự mong mỏi của Nhân dân, của xã hội với ngành giáo dục.
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An.