Các trường nóng lòng chờ hướng dẫn của Sở khi GDPT mới "đẻ" quá nhiều tổ hợp

19/03/2022 07:14
Đặng Lường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều trường băn khoăn, một môn tự chọn có quá nhiều hoặc quá ít học sinh lựa chọn thì bố trí lớp học, giáo viên giảng dạy thế nào…

Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông sẽ được bắt đầu triển khai từ năm học 2022- 2023 đối với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12.

Theo đó, nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn.

Việc cho học sinh tự chọn theo môn học được đánh giá là một bước tiến của chương trình mới, phân hóa dần ở bậc phổ thông.

Tuy nhiên, đối với các môn tự chọn thì nhiều chuyên gia, lãnh đạo trường trung học phổ thông băn khoăn khi có nhiều vấn đề nảy sinh có thể sẽ xảy ra các tình huống một môn tự chọn có quá nhiều hoặc quá ít học sinh lựa chọn thì bố trí lớp học, giáo viên giảng dạy thế nào…

Về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều hiệu trưởng bậc trung học phổ thông cho biết, đúng là nhiều giả thiết đặt ra cho thấy sẽ gây khó khăn cho các trường trong khâu chuẩn bị nhân sự, tuy nhiên hiện nay các trường vẫn đang chờ sự hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Một hiệu trưởng trung học phổ thông tại Hà Nội lấy ví dụ, để chuẩn bị giáo viên dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở cấp tiểu học, trung học cơ sở thì không có vấn đề gì nhưng với bậc trung học phổ thông thì đang là con số 0. Khi các em đăng ký môn Âm nhạc thì không biết lấy ở đâu giáo viên để dạy hoặc các em đăng ký Mỹ thuật thì lấy đâu ra giáo viên.

Hơn nữa, vị hiệu trưởng này băn khoăn, cần phải có phòng học riêng đối với môn Âm nhạc bởi môn học này sẽ có tiếng ồn ảnh hưởng đến các lớp học khác, vậy phòng học phải được thiết kế như thế nào? Các dụng cụ trang thiết bị môn học chuẩn bị ra làm sao, kinh phí ở đâu?

Giả sử nếu các em đăng ký học Âm nhạc quá đông thì là tốt, nhưng nếu các em đăng ký quá ít vậy thì mở lớp như thế nào? Liệu có được phối hợp với các trường khác trên cùng địa bàn để mở lớp hay không?

“Nếu có thể phối hợp với các trường khác mở lớp dạy học, các em sẽ đến trường đó học môn Âm nhạc theo thời khóa biểu, tuy nhiên cách này cũng không hợp lý. Bởi tiết này học Âm nhạc, tiết sau học Toán vậy buộc học sinh lại phải di chuyển đi từ trường khác về trường mình để kịp học môn tiếp theo”, hiệu trưởng băn khoăn.

Chưa kể, nếu môn Mỹ thuật khâu chuẩn bị nhân sự và cơ sở vật chất dễ hơn chút thì đối với môn Âm nhạc nếu có bài tập về nhà thì các em sẽ đến trường luyện tập như thế nào bởi ở nhà không phải gia đình nào cũng có dụng cụ.

Ngoài ra, môn Âm nhạc nếu thuê giáo viên bên ngoài thì không đơn giản, vì một nghệ sĩ muốn đứng lớp dạy thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng kỹ năng sư phạm.

Cùng tâm tư này, cô Hoàng Thị Hồng Ngọc - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho hay nhà trường đã dự kiến những tình huống có thể xảy ra ở môn tự chọn, còn về công tác nhân sự thì nhà trường hoàn toàn bị động, giải pháp cụ thể sẽ phải chờ thêm hướng dẫn.

“Chương trình tập huấn giáo viên cũng có hướng dẫn chung của Bộ, tuy nhiên đi vào từng trường cụ thể thì chưa có, bởi nhân sự mỗi nhà trường là khác nhau. Nhà trường vẫn đang chờ hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo để có căn cứ áp dụng vào tình hình cụ thể của các trường, nhưng bao giờ mới có chỉ dẫn thì Sở chưa có thông báo”, cô Ngọc cho biết.

Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trương Định, quận Hoàng Mai cho biết, nhân sự hiện tại của nhà trường chưa có thay đổi, chương trình học lại thay đổi dẫn đến nhà trường sẽ khó về công tác nhân sự,

“Nếu thiếu giáo viên thì các thầy cô cũng không thể chuyển đổi các môn vì quy định dạy bao nhiêu tiết, bao nhiêu giờ áp dụng với giáo viên vẫn chưa có sự thay đổi”, thầy Dương cho hay.

Đặng Lường