Hơn 80 tổ hợp môn của chương trình mới, các trường sẽ chọn SGK thế nào?

16/03/2022 06:47
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một trong những khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông là vấn đề chọn sách giáo khoa.

Chương trình mới ở bậc trung học phổ thông sẽ được bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12 có rất nhiều điểm mới.

Việc cho học sinh được chọn môn học nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng nếu cho học sinh được toàn quyền chọn môn thì khả năng “vỡ trận” có thể xảy ra, nếu định hướng cho học sinh chọn môn lại không đúng quan điểm khi thực hiện chương trình mới.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Học sinh cấp 3 chọn 5/9 môn hay 5/10 môn?

Theo công bố chi tiết các môn học chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông mới sẽ gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn.

Trong đó, bảy môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học): nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).[1]

Nếu theo cách chọn 5/9 môn này thì sẽ có đến 81 cách chọn tổ hợp môn đã được tác giả Minh Khôi nêu trong bài viết “Chương trình mới "đẻ" 81 tổ hợp chọn môn, các trường cấp 3 làm sao xoay sở” [2].

Tuy nhiên, do môn Nghệ thuật thực chất là 2 môn gồm Âm nhạc và Mĩ thuật, thì sẽ có nhiều hơn 81 cách chọn.

Quy định về số tiết học cụ thể của nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật ở bậc trung học phổ thông theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật

Công nghệ

70 tiết/năm

Tin học

70 tiết/năm

Âm nhạc

70 tiết/năm

Mĩ thuật

70 tiết/năm

Do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về bộ môn Nghệ thuật ở bậc trung học phổ thông nên theo cách hiểu của người viết, với quy định trên thì trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật có 4 môn để học sinh lựa chọn.

Nếu theo cách hiểu thứ 2 này thì học sinh có thể lựa chọn 5/10 môn, như vậy thì không chỉ có 81 cách chọn mà sẽ có hàng trăm cách chọn khác nhau.

Như vậy, sẽ càng rối rắm, phức tạp hơn, có đến hàng trăm cách để học sinh chọn các môn học tự chọn thì nhà trường xoay sở ra sao để đúng quan điểm về chọn môn của chương trình mới.

Nếu nhà trường chọn môn sẵn cho học sinh học chương trình mới thì xem như “thất bại” trong chủ trương chọn môn.

Khi chọn môn thì việc biên soạn sách giáo khoa sẽ ra sao?

Như đã trình bày ở trên thì chương trình mới học sinh được chọn 5/9 hoặc 5/10 môn sẽ vô cùng rối rắm, phức tạp về việc chọn môn, dự kiến nhân sự,… được phân tích trong nhiều bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua.

Người viết tiếp tục nêu thêm một khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông là vấn đề chọn sách giáo khoa.

Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” là một xu thế nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Tuy nhiên, khi thực hiện thì lại phát sinh nhiều phức tạp, việc chọn sách giáo khoa của giáo viên gần như chỉ là thủ tục.

Bên cạnh đó, việc chọn sách giáo khoa năm sau có thể khác năm trước khiến các giáo viên vô cùng vất vả trong việc biên soạn kế hoạch theo các phụ lục 1,2,3,4 của Công văn 5512.

Đó là đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, còn ở bậc trung học phổ thông với các môn tự chọn thì sẽ vô cùng rắc rối, phức tạp.

Do học sinh được lựa chọn môn học, thời điểm chọn môn vào đầu năm lớp 10 nên sẽ rất bị động trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa của các bộ sách khác nhau.

Giả sử có hàng triệu quyển sách giáo khoa một môn nào đó của bộ sách (hoặc Nhà xuất bản) được biên soạn, in ra nhưng lại không có học sinh chọn học hoặc chọn môn đó nhưng của bộ sách khác thì cũng sẽ vô cùng lãng phí.

Hiện nay có các bộ sách Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống.

Bộ môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông là môn tự chọn cũng khiến nhiều người tâm tư.

Thực tế, việc chọn sách, chọn môn là tư tưởng tiến bộ cho học sinh có nhiều phương án tốt, phân hóa dần ở cấp trên,… nhưng khi vận hành thì còn quá nhiều vấn đề chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa được hướng dẫn cụ thể hay nói đúng hơn không phù hợp trong tình hình hiện nay.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện chương trình ở bậc trung học phổ thông đừng để các trường “tự bơi” mỗi nơi mỗi kiểu.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=847

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuong-trinh-moi-de-81-to-hop-chon-mon-cac-truong-cap-3-lam-sao-xoay-so-post224990.gd

Bùi Nam