Bộn bề khó khăn, 60 tuổi mới nghỉ hưu, GV mầm non vùng cao thấy quá nặng nề

17/03/2023 06:28
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những giáo viên mầm non công tác tại vùng cao với tính chất công việc áp lực, điều kiện sống thiếu thốn có những chia sẻ về độ tuổi nghỉ hưu.

Kiến nghị đưa giáo viên mầm non vào nghề nặng nhọc để giảm tuổi nghỉ hưu xuống ít nhất 5 năm so với quy định chung về tuổi nghỉ hưu tại Bộ Luật lao động năm 2019 (tức là 55 thay vì 60 tuổi) đã nhiều lần được đề cập.

Ngày 1/3 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đăng nội dung trả lời cử tri tỉnh Bình Định và Lào Cai về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, nghề giáo viên mầm non chưa đủ các điều kiện để xếp vào nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên chưa thể nghỉ hưu sớm.

Trong trả lời về vấn đề trên, Bộ này cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động của nghề giáo viên mầm non. Nếu kết quả cho thấy nghề này đủ điều kiện để xếp vào nhóm đặc biệt, giáo viên mầm non có thể được nghỉ hưu sớm. [1]

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo mầm non Hà Thị Tình (36 tuổi, giảng dạy tại bản Háng Liềm 1, xã Tả Ngảo, Sìn Hồ, Lai Châu) có những chia sẻ về những gian nan vất vả với nghề "gõ đầu trẻ" tại vùng sâu, vùng xa và bày tỏ quan điểm về việc đến 60 tuổi mới được nghỉ hưu theo Bộ Luật lao động 2019 quy định.

Cô Hà Thị Tình cho biết, lúc mới tốt nghiệp sư phạm, cô có dự định về quê nhà giảng dạy nhưng sau đó, lập gia đình, cô cùng chồng lên Sìn Hồ, Lai Châu lập nghiệp.

Cô Tình về công tác giảng dạy tại một điểm trường thuộc Trường mầm non xã Tả Ngảo cách nhà hơn 40 cây số. Thời điểm đó, nhận công tác khi tuổi còn trẻ, cộng với niềm yêu nghề đã giúp cô vững tay lái qua những cung đường khúc khuỷu, hàng chục cây số đường đất, đá lởm chởm, lầy lội bùn đất những ngày mưa gió để đến với lớp học.

Vào tháng 9 năm ngoái, trên đường tới trường, do trời mù sương, đường trơn khiến cô bị ngã rạn xương sườn. Cũng tại cung đường đó từng có nữ đồng nghiệp của cô Hà bị cây đổ trúng xe lúc đang di chuyển, làm cô giáo này bị ngã gãy răng...

Chặng đường đến điểm trường của cô Tình dài hơn 40 cây số, có đoạn hàng chục cây số là đất đá. (Ảnh: NVCC)

Chặng đường đến điểm trường của cô Tình dài hơn 40 cây số, có đoạn hàng chục cây số là đất đá. (Ảnh: NVCC)

"Những ngày đầu vào nghề, với tình yêu trẻ nhỏ, cố gắng gắn bó với công việc, vượt khó khăn nhưng cũng nhiều lúc tôi cũng cảm thấy rất áp lực, đường đi làm thì xa, tiếng trẻ bên tai cả ngày, thu nhập thấp... trong khi hai vợ chồng đi làm, phải thuê người trông nom con nhỏ", cô giáo Hà Thị Tình nhớ lại.

Hàng ngày, cô Tình ở lại điểm trường để chăm sóc giáo dục trẻ. Cuối tuần, cô mới đi xe máy về với gia đình, rồi mua sắm đồ ăn dùng cho một tuần sau để mang đến điểm trường. Lúc ấy điện lưới chưa về đến điểm trường, đường đi lại chông chênh, nghề nghiệp của cô lại càng vì thế mà thêm vất vả.

"Tôi không dám mua nhiều đồ ăn tươi sống, hoặc nếu có thì sẽ mang xuống nhà dân bản để ướp mắm muối, áp chảo để ăn dần", nữ giáo viên chia sẻ.

Cô Tình (ngoài cùng phía bên trái) cùng các chiến sĩ công an tỉnh Lai Châu tổ chức trung thu cho các học sinh mầm non tại điểm trường. (Ảnh: NVCC)

Cô Tình (ngoài cùng phía bên trái) cùng các chiến sĩ công an tỉnh Lai Châu tổ chức trung thu cho các học sinh mầm non tại điểm trường. (Ảnh: NVCC)

Khoảng hai năm trở lại đây, điện lưới được kéo đến thôn bản, cuộc sống của cô trò và người dân cũng bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, công việc của giáo viên mầm non vẫn chồng chất khó khăn khi thiếu giáo viên. Có điểm trường, một lớp hơn 30 trẻ nhưng chỉ có một cô giáo phụ trách.

Các cô thường phải kiêm nhiệm cả công việc nấu nướng, tay vừa đảo, khuấy đồ, mắt lại phải liếc nhìn trông các bé, tránh việc trẻ đùa nghịch, xô đẩy nhau. Nếu không may xảy ra trầy xước, phụ huynh sẽ trách giáo viên, đó chỉ là một trong nhiều chuyện tạo nên áp lực nghề nghiệp của giáo viên mầm non.

Ở xã Tả Ngảo, người dân chủ yếu là dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn, phụ huynh gắn bó với nương rẫy nên thường gửi con đến lớp từ sớm, hay có những phụ huynh đi làm thuê xa nhà, gửi trẻ cho ông bà chăm sóc. Bởi vậy, có những hôm, gia đình bận việc không đến đón được cháu, cô phải đưa đón trẻ về tận nhà.

Điểm trường nơi cô Tình đang công tác. (Ảnh: NVCC)

Điểm trường nơi cô Tình đang công tác. (Ảnh: NVCC)

Tuỳ thuộc vào từng năm học, có những năm học một giáo viên nơi đây phải trông đến trên 30 bé/lớp học. (Ảnh: NVCC)

Tuỳ thuộc vào từng năm học, có những năm học một giáo viên nơi đây phải trông đến trên 30 bé/lớp học. (Ảnh: NVCC)

Việc giao tiếp giữa cô với trò, phụ huynh cũng bị hạn chế khi giáo viên không phải là người bản địa. Giáo viên phải học những câu giao tiếp cơ bản để trò chuyện với các bé. Với nhiều trẻ nhỏ, có khi cô phải mất cả tháng trời để giúp bé làm quen với môi trường mới.

Nhắc đến cơ sở vật chất của điểm trường, cô Tình chia sẻ, nơi đây vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ như chưa có nhà vệ sinh, nhà bếp riêng, thiếu nước sạch mùa nắng nóng...

Trên mười năm gắn bó với xã Tả Ngảo, nữ giáo viên 36 tuổi cũng nhiều tâm tư khi còn hơn hai mươi năm công tác nữa mới đến tuổi nghỉ hưu theo quy định. "Giáo viên mầm non luôn áp lực về thời gian, và về chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, là những khó khăn trong đi lại, thời tiết khắc nghiệt... nên bản thân làm việc đến 60 tuổi, tôi thấy quá nặng nề. Nếu được, tôi chỉ mong đi làm đến 50 tuổi là nghỉ hưu", cô Tình chia sẻ.

Cũng là giáo viên mầm non giảng dạy tại vùng khó khăn của tỉnh Lai Châu, cô Lường Thị Săm (quê ở Sơn La) cho hay, tại trường của cô thiếu giáo viên, nên một lớp đông, hơn 30 cháu/lớp cũng chỉ có một cô. Từng có những giáo viên biên chế về trường giảng dạy nhưng sau khoảng 3 năm họ lại xin chuyển về vùng dưới xuôi.

"Với giáo viên vùng xuôi, việc giảng dạy các trẻ cũng như đi lại sẽ dễ dàng, bớt áp lực hơn chúng tôi trên vùng cao", cô Săm nói.

Nữ giáo viên cho hay, công việc của giáo viên mầm non tuy không độc hại như nhiều ngành nghề sản xuất trực tiếp khác nhưng áp lực về nhiều thứ: căng thẳng, tiếng ồn lớp học, nhất là khi công tác ở vùng cao với đường sá đi lại, điều kiện sống khó khăn. Bản thân cô cho rằng nếu được nghỉ hưu ở tuổi 55 sẽ hợp lý hơn ở tuổi 60.

"Hằng ngày tôi vẫn chạy xe máy đi làm 12 cây số để đến trường, để trông nom hơn hai mươi bé. Nếu đến 60 tuổi mới nghỉ hưu, đến khi ngoài 50, mắt mờ chân chậm, chặng đường đến trường của tôi sẽ càng gian nan và áp lực hơn", cô Săm chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vnexpress.net/chua-the-cho-giao-vien-mam-non-nghi-huu-som

Mạnh Đoàn