Bổ nhiệm cán bộ, đấu thầu mua sắm minh bạch sẽ ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực

06/02/2024 07:39
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện sự quyết tâm của Đảng, qua đó, phần nào có tác dụng răn đe đối với những cán bộ có ý định tham nhũng.

Trong năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có nhiều dấu ấn. Nhiều vụ án lớn có tính chất phức tạp được đưa ra khởi tố, xét xử, mang lại niềm tin cho nhân dân cả nước.

Theo báo cáo, trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức, 24.162 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022.

Trong đó, kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Trong năm các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ với 2.446 bị can.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 13 vụ án với 54 bị can, khởi tố bổ sung 252 bị can trong 26 vụ án... [1]

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII đã có những trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh công tác trên.

Năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Bà đánh giá sao về kết quả của công tác này trong năm qua?

Bà Bùi Thị An: Tiếp theo kết quả của năm 2022, trong năm 2023 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã vượt qua rất nhiều khó khăn (do hành vi tham nhũng tinh vi hơn, chứng cứ khó xác minh hơn...) để xử lý hàng loạt các vụ án tham nhũng (tăng cả số vụ, số bị can và số tiền thu hồi được). Điều này chúng ta không mong muốn nhưng thể hiện một điều, trước đây chúng ta đã làm và bây giờ chúng ta làm tốt hơn.

Việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng cũng thể hiện sự quyết liệt, nhất quán của Trung ương, cùng sự quyết tâm rất cao của Ban chỉ đạo; và qua đó, phần nào có tác dụng răn đe đối với những cán bộ có ý định tham nhũng.

Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thực sự là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, trong năm 2023, có 13 người đứng đầu là cấp trưởng và cấp phó bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó khiển trách: 16 người; cảnh cáo: 13 người; cách chức: 13 người). [2]

Bà có đánh giá như nào về việc quy trách nhiệm và xử lý với người đứng đầu, cấp phó của mỗi đơn vị? Việc để xảy ra những sai phạm trong đơn vị, phải chăng công tác quản lý cán bộ cấp dưới còn chưa được chặt chẽ hay lãnh đạo chưa gương mẫu?

Bà Bùi Thị An: Nếu lãnh đạo, người đứng đầu vi phạm tham nhũng, tôi đánh giá nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do công tác cán bộ, từ khâu tham mưu để lựa chọn quy hoạch, đến bổ nhiệm rồi quản lý...

Thực tế, cũng có trường hợp được bổ nhiệm đúng, nhưng do họ có nhiều quyền lực (giám sát quyền lực chưa hiệu quả) lại không chịu rèn luyện tu dưỡng, nên không cưỡng nổi những cám dỗ vật chất dẫn đến sai phạm .

Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận cán bộ có hành vi tham nhũng qua việc lợi dụng những sơ hở của chính sách, pháp luật, nhưng nói cho cùng vẫn là do con người.

Giai đoạn này, các quy định của Trung ương về những điều cán bộ, đảng viên không được làm đã chặt chẽ, bao quát hơn và chi tiết cụ thể hơn, nhưng hàng loạt cán bộ (trong đó có lãnh đạo cấp cao) đã vi phạm khuyết điểm từ nhiều năm trước, mãi đến bây giờ chúng ta mới có đầy đủ điều kiện để xử lý .

Việc quy định trách nhiệm của những người đứng đầu khi cấp dưới xảy ra sai phạm, đã được thể hiện rõ trong những năm gần đây. Điều này nâng cao hiệu quả tổ chức, cá nhân của các địa phương.

Vì vậy, để làm tốt hơn, theo tôi chúng ta phải luật hóa việc quy trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Vừa qua, chúng ta đã nghiêm khắc xử lý một số người đứng đầu cơ quan đơn vị, lấy lại niềm tin của nhân dân nhưng trong một số trường hợp khi kết luận về khuyết điểm rất nghiêm trọng, mức xử phạt lại chỉ là cảnh cáo hoặc khiển trách (có vẻ chưa tương xứng với hậu quả họ gây ra), tôi mong các hình thức kỷ luật phải tương xứng với mọi trường hợp và không có ngoại lệ.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An đánh giá tầm quan trọng trong công tác cán bộ để lựa chọn ra những người cán bộ có đức, có tài. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An đánh giá tầm quan trọng trong công tác cán bộ để lựa chọn ra những người cán bộ có đức, có tài. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Nhiều địa phương đã khởi tố cán bộ nguyên là Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện.

Đơn cử, gần đây nhất là khởi tố nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh và ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Việc xử lý nguyên cán bộ lãnh đạo các địa phương cho thấy, bất cứ ai vi phạm cũng không thể có "hạ cánh an toàn". Điều này có tác dụng ra sao với công cuộc phòng, chống tham nhũng, thưa bà?

Bà Bùi Thị An: Việc cơ quan chức năng xử lý nguyên lãnh đạo các địa phương thể hiện sự nhất quán không có ngoại lệ, không có "hạ cánh an toàn". Tuy nhiên, có điều đáng tiếc là nếu chúng ta phát hiện, xử lý khi họ mắc sai lầm, kể cả khi họ đương chức thì tác dụng răn đe sẽ lớn hơn nhiều và hạn chế được hậu quả.

Việc xử lý nguyên lãnh đạo đứng đầu một địa phương, nhằm nhắc nhở những ai khi được làm “công bộc” của dân hãy làm trọn vẹn trách nhiệm vì dân.

Tôi cho rằng, việc để cán bộ sai phạm không chỉ một lần, một năm mà còn nhiều lần, nhiều năm là do công tác quản lý cán bộ chưa thật tốt.

Vì vậy, tháng 10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 124-QĐ/TW về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, nhằm tăng cường dân chủ cơ sở và sức mạnh của tổ chức đảng.

Cho nên, chúng ta phải chọn người vào cấp ủy, đặc biệt đứng đầu các cấp ủy, cũng như các tổ chức, địa phương phải thật chuẩn, tránh tình trạng, một người làm quan cả họ được nhờ.

Về lĩnh vực giáo dục, trong năm qua, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã khởi tố nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Tư Sơn về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Giai đoạn 2015-2021, việc đầu tư các dự án, mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai xảy ra nhiều sai phạm.

Và mới đây là tại tỉnh Hà Giang, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là ông Vũ Văn Sử bị khởi tố, tạm giam vì vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra giai đoạn năm 2017-2020. Mở rộng điều tra vụ án trên, Công an tỉnh Hà Giang cũng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thế Bình – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang (bị can Bình có nhiều sai phạm trong quá trình mua sắm trang thiết bị cho các trường học giai đoạn 2019, 2020).

Theo bà làm sao để ngăn chặn vi phạm, giám sát hiệu quả hoạt động mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực này?

Bà Bùi Thị An: Tôi đánh giá, những vụ án liên quan mua sắm trang thiết bị ở một số sở giáo dục các địa phương cũng giống trong các ngành khác, bởi lẽ giáo dục và đào tạo cũng nằm chung trong hệ thống.

Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa quên trước đây đã xảy ra những sai phạm như gian lận thi cử...giờ phát hiện, xử lý vi phạm trong đấu thầu dễ khiến dư luận bức xúc. Bởi đây là môi trường giáo dục, "trồng người" nên yêu cầu, đánh giá của xã hội có khắt khe hơn.

Song, nói đi thì lại phải nói lại, giáo dục đào tạo cũng là một thành tố của xã hội và không thể ở trong một “ thùng” kín khít, cách ly hoàn toàn với xã hội, với môi trường xung quanh được.

Việc phòng tránh thất thoát, lãng phí hay vi phạm pháp luật, có lẽ không nên tách riêng giáo dục và đào tạo ra mà đây là vấn đề chung phải ngăn chặn.

Chúng ta phải rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật, các cơ chế chính sách xem có sơ hở gì không. Tuy nhiên, theo tôi quan trọng nhất vẫn là rà soát hàng ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Giải pháp vô cùng quan trọng nữa phải thực hiện công khai minh bạch tất cả các công việc (trừ bí mật quốc phòng, an ninh) từ quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đến những việc cụ thể như các gói thầu (số lượng, chủng loại, chất lượng, giá cả, đơn vị tham gia thầu, hội đồng chấm thầu...) để các cơ quan chức năng và nhân dân giám sát.

Link bài viết tham khảo:

1)https://tuoitre.vn/ban-chi-dao-trung-uong-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-bo-sung-2-dai-an-vao-dien-theo-doi-20240201152305855.htm

2)https://nhandan.vn/nam-2023-cong-tac-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-co-buoc-dot-pha-moi-post783623.html

Mạnh Đoàn