Dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên (dự thảo thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT) đang nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo giáo viên, phụ huynh học sinh.
Theo dự thảo Thông tư mới, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông sẽ thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Như vậy thay vì việc lựa chọn sách giáo khoa phụ hội đồng thẩm định cấp tỉnh, thành phố quyết định như hiện nay, với dự thảo mới, các trường sẽ có quyền chủ động lựa chọn bộ sách phù hợp với trường, với học sinh của mình.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao tinh thần “cầu thị” của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đã lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ đội ngũ giáo viên để có điều chỉnh kịp thời liên quan đến quy trình lựa chọn sách.
“Người dạy, người học phải là người trực tiếp lựa chọn sách giáo khoa. Dự thảo mới của Bộ nếu được thông qua sẽ tạo sự chủ động rất lớn cho các nhà trường trong tổ chức hoạt động dạy và học”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho biết.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: VOV2 |
Phân tích thêm, thầy Phú cho rằng, thầy cô giáo là người hiểu và nắm rõ nhất năng lực của nhà trường phù hợp dạy học theo những sách giáo khoa nào. Năng lực đó bao gồm điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, năng lực học sinh, tầm nhìn của nhà trường,...
Theo dự thảo, mỗi cơ sở giáo dục sẽ thành lập một hội đồng chọn sách giáo khoa, sau đó, kết quả lựa chọn sách gửi về phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông).
Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các trường và báo cáo sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các trường; đồng thời rà soát báo cáo của các phòng Giáo dục và Đào tạo, sau đó tổng hợp kết quả, lập danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các trường và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách của các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn này tại địa phương.
Nhất trí với quy trình chọn sách đưa ra tại dự thảo, thầy Phú cho rằng các bước báo cáo, thẩm định của cấp trên là hợp lý. Nếu theo đúng tinh thần dự thảo, quyền lựa chọn sách giáo khoa vẫn nằm ở các các sở giáo dục với sự chủ động rất lớn, việc báo cáo phục vụ mục đích để cơ quan quản lý nắm được tình hình, từ đó giúp công tác quản lý chặt chẽ, sát sao hơn.
Cũng nhất trí cao với những thay đổi tại dự thảo mới, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (thành phố Hà Nội) cho rằng, việc giao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường sẽ là giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu các nguy cơ tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (thành phố Hà Nội). Ảnh: Đỗ Thơm |
Theo thầy Bình, việc cho phép mỗi cơ sở giáo dục tự thành lập hội đồng để lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên, các nhà trường, giúp nâng cao hơn hiệu quả việc chọn sách.
“Giao quyền chọn sách cho các cơ sở giáo dục là hợp tình, hợp lý. Như vậy, sách giáo khoa được chọn sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện phù hợp với năng lực đội ngũ, học sinh, điều kiện kinh tế xã hội từng vùng,...
Bên cạnh đó, giao quyền chọn sách về từng cơ sở cũng tránh việc bị ảnh hưởng bởi tác động của các nhà xuất bản nếu có”, vị hiệu trưởng nhận định.
Về các khâu thẩm định sau kết quả làm việc của hội đồng chọn sách ở cơ sở, thầy Bình cho rằng cần thực hiện đảm bảo nguyên tắc minh bạch, kịp thời và hiệu quả, tránh kéo dài thời gian thẩm định quá lâu khiến cơ sở giáo dục thiếu chủ động trong chọn sách giáo khoa cho học sinh trong năm học mới.
Để việc lựa chọn sách giáo khoa ở mỗi cơ sở đạt hiệu quả cao, đi vào thực chất, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lương Thế Vinh nhấn mạnh tới vai trò của mỗi thành viên tham gia vào lựa chọn sách.
“Cái chính là mỗi thầy giáo, cô giáo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu thấu đáo từng bộ sách giáo khoa. Tuy rằng việc này sẽ mất nhiều thời gian, nhưng là kết quả xứng đáng để tìm ra nguồn học liệu phù hợp nhất phục vụ cho công việc giảng dạy”, thầy Bình nhấn mạnh.
Khi mỗi cơ sở được trao quyền lựa chọn sách giáo khoa, nghĩa là học sinh ở từng trường sẽ có thể học các bộ sách giáo khoa khác nhau. Điều này cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về việc làm sao để đảm bảo công bằng, chính xác trong kiểm tra, đánh giá học sinh khi có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau giữa các trường.
Bàn luận về vấn đề này, thầy Bình cho rằng điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quá trình kiểm tra, đánh giá. Lý giải về nhận định, thầy Bình phân tích, mặc dù có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, song các sách đều được xây dựng dựa trên chuẩn kiến thức chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Sự khác nhau giữa các bộ sách là về phương pháp tiếp cận, cách thể hiện cho cùng một nội dung đã được quy định.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa không phải là pháp lệnh nữa, mà chỉ đóng vai trò là học liệu, một trong những công cụ, phương tiện để giáo viên dạy học. Sự đa dạng của các bộ sách giáo khoa, một mặt giúp kích thích sự năng động, sáng tạo của các thầy cô giáo; mặt khác, giúp học sinh có nhiều cách nhìn nhận, tư duy đa chiều hơn cho cùng một vấn đề. Vì vậy, học sinh cần nêu cao tinh thần tự học, tự bổ sung kiến thức dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, thay vì thụ động chỉ trông chờ vào việc dạy của giáo viên.