Gặp khó khi học sinh chuyển trường
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Ngãi cho hay, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như lựa chọn sách giáo khoa mới ở Quảng Ngãi cơ bản được thực hiện thuận lợi, không gặp khó khăn gì quá lớn.
Việc lựa chọn sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật ở Quảng Ngãi gặp phải một số bất cập do thiếu giáo viên giảng dạy hai bộ môn này. Ảnh minh họa: AN |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn một số điểm vướng về “mặt kỹ thuật”.
“Trong khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bắt đầu triển khai dạy học môn Mỹ Thuật, Âm nhạc từ năm học 2022-2023. Nhưng số sinh viên đang theo học 2 bộ môn này tại các trường đại học sư phạm vẫn chưa ra trường.
Nguyên nhân là các trường đại học không có sự chuẩn bị trước, dẫn đến ngành giáo dục không có nguồn tuyển.
Kỳ thi tuyển giáo viên vừa qua, hồ sơ dự thi bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật rất ít, thậm chí không đủ so với chỉ tiêu đưa ra (chưa kể đâu phải hồ sơ nào cũng đạt yêu cầu).
Việc thiếu giáo viên như vậy khiến cho việc lựa chọn tổ hợp cũng như các môn tự chọn xoay quanh bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật cho học sinh đăng ký học thì chưa thực hiện được ở nhiều trường”, ông Thái nói.
Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi, dù địa phương đã phải tìm cách tuyển mới, điều chuyển từ một số nơi khác về nhưng vẫn không có đủ giáo viên giảng dạy hai bộ môn này.
“Một vấn đề thực tiễn phát sinh khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là xử lý như thế nào với các học sinh chuyển trường. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn nhưng thực tế khi triển khai rất khó thực hiện”.
Ông Thái dẫn chứng, một học sinh đang học tập tại một trường trung học phổ thông ngoài tỉnh Quảng Ngãi muốn chuyển về tỉnh này học tiếp. Trước đó, học sinh này chọn tổ hợp A để theo học nhưng khi về trường mới ở Quảng Ngãi thì không có tổ hợp này. Vậy xử lý vấn đề đó như thế nào?
“Đây là vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể. Cho nên, khi tiếp nhận những trường hợp này, chúng tôi phải bố trí cho em đó học một tổ hợp môn gần tương đồng với tổ hợp mà em này đã chọn trước đó. Sau đó, bố trí cho em học ở lớp khác để học tiếp các môn còn lại. Việc này gây khó khăn rất nhiều cho các trường học”, ông Thái cho hay.
Giáo viên cấp 2 chọn sách cấp 3
Xuất phát từ việc thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc trung học phổ thông nên việc chọn sách giáo khoa để giảng dạy hai bộ môn ở bậc học này cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Thái, từ giữa năm 2020, Thanh tra Bộ giáo dục và Đào tạo đã thanh tra, giám sát tại Quảng Ngãi về việc lựa chọn và quy trình lựa chọn sách giáo khoa.
Trong đó, kết luận của cơ quan Thanh tra nêu rõ việc lựa chọn sách giáo khoa cơ bản đảm bảo các quy định, tiêu chí đã ban hành.
“Xuất phát từ việc không có giáo viên giảng dạy hai bộ môn này nên Sở đã hướng dẫn các trường trung học phổ thông phối hợp với các trường trung học cơ sở trên địa bàn mời giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc (trình độ đại học) tham gia đề xuất lựa chọn sách giáo khoa môn Mĩ thuật và Âm nhạc.
Về mặt kỹ thuật thì giáo viên có trình độ đại học thì vẫn có thể tham gia hội đồng chọn sách giáo khoa Âm nhạc, Mỹ thuật được.
Nhưng cũng có luồng ý kiến trái chiều là tại sao giáo viên cấp 2 lại đi chọn sách cho giáo viên cấp 3 dù thực tế vẫn thực hiện được.
Việc chọn sách giáo khoa bắt buộc phải có giáo viên bộ môn chứ không thể giáo viên ở các bộ môn khác chọn hộ được. Trong khi giáo viên dạy bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật của bậc trung học phổ thông thì chưa có, chưa tuyển đủ.
Do đó, việc trưng dụng giáo viên Mĩ thuật và Âm nhạc của bậc trung học cơ sở chọn sách sách giáo khoa cho bậc trung học phổ thông cũng phù hợp với tình hình thực tế”, ông Thái nói.