Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐT sẽ giúp hội đồng trường thực quyền hơn

26/10/2023 06:35
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường” giúp nâng cao năng lực của mỗi thiết chế, tăng cường khối đoàn kết trong toàn trường.

Ngày 10/10/2023, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 125-QĐ/TW quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Khoản 5, Điều 8, Quy định 125 nêu: “Xây dựng cấp ủy có đủ phẩm chất, năng lực, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên. Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) ở nơi có hội đồng quản lý (hội đồng trường); bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị”.

Như vậy, quy định trên đã thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII là: “bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường".

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Kim Phụng và Cộng sự cho biết, quy định “bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường” đã được đưa vào các văn bản của Đảng như Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và mới đây là Quy định số 125-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chủ trương này xuất phát từ vị trí, vai trò của tổ chức Đảng và vị trí, nhiệm vụ, chức năng của hội đồng trường trong trường đại học công lập.

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Kim Phụng và Cộng sự.

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Kim Phụng và Cộng sự.

Đảng uỷ là tổ chức lãnh đạo toàn diện các hoạt động chính trị trong đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và trường đại học công lập nói riêng; trong đó, Đảng chú trọng lãnh đạo công tác cán bộ và công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng khối đoàn kết trong toàn trường.

Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện thông qua việc ban hành các chủ trương, định hướng, xác định mục tiêu... thể hiện trong các nghị quyết của tổ chức Đảng. Ví dụ, trong công tác cán bộ, Đảng uỷ trường ban hành nghị quyết về tiêu chuẩn cán bộ, quy hoạch cán bộ, cho chủ trương bổ nhiệm, tham gia quy trình bổ nhiệm...

Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu Nhà nước và hài hoà lợi ích giữa các bên có lợi ích liên quan (người học, nhà giáo, nhà trường, xã hội...). Hội đồng trường định hướng phát triển trường thông qua quyền quyết định mô hình, chiến lược, kế hoạch phát triển; ban hành các văn bản quan trọng của nhà trường; quyết định phương hướng các hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự quan trọng; chính sách tài chính, đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị lớn và giám sát việc thực hiện nghị quyết của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật…

“Có thể nói, cấp uỷ đảng và hội đồng trường có vị trí, vai trò khác nhau nhưng đều là những thiết chế định hướng cho sự phát triển của nhà trường, không điều hành, thực hiện hay can thiệp vào các công việc hàng ngày của nhà trường (thuộc thẩm quyền và bộ máy hành chính của hiệu trưởng).

Vì vậy, nghị quyết/quy định của Đảng chỉ đạo “bí thư đảng uỷ kiêm/đồng thời là chủ tịch Hội đồng trường” là chủ trương đúng đắn; là phương án tối ưu để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả, giảm chồng chéo, trùng lặp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hai thiết chế: cấp uỷ đảng và hội đồng trường”, Tiến sĩ Kim Phụng cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nhận định: Thực hiện cơ chế “Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” vừa khẳng định, củng cố vị thế của tổ chức Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cơ chế tự chủ đại học, vừa làm cho các nghị quyết của Đảng sát thực, khả thi và gắn với các hoạt động quan trọng của nhà trường.

Cơ chế này cũng làm cho tập thể lãnh đạo của nhà trường thuận lợi hơn trong việc thực hiện cơ chế quản trị chia sẻ, và làm cho Hội đồng trường trở nên có thực quyền hơn trong chỉ đạo điều hành.

Điều đó còn nâng cao năng lực của mỗi thiết chế, tăng cường khối đoàn kết trong toàn trường để thực hiện các nhiệm vụ chung, cùng xác định trách nhiệm của mỗi bên trong việc phát triển nhà trường một cách bền vững và hài hoà với lợi ích chung.

Nếu có cơ chế phối hợp tốt, mạch lạc, theo đúng các quy định của pháp luật và phát huy cơ chế tự chủ (những nội dung nào chưa được pháp luật quy định cụ thể thì nhà trường ban hành các quy định nội bộ, không trái pháp luật, để phối hợp tổ chức thực hiện các công việc của mình một cách rõ ràng, minh bạch) thì cơ chế kiêm nhiệm nêu trên là một trong những yếu tố đảm bảo thành công của tự chủ đại học.

Tuy vậy, trên thực tế còn một số trường đại học công lập đến nay vẫn chưa thực hiện chủ trương: “Bí thư đảng ủy kiêm/đồng thời là chủ tịch hội đồng trường”. Theo Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng, để thực hiện đúng nghị quyết của Đảng trong các trường này, trước mắt cần phát huy, nâng cao vai trò của cấp uỷ Đảng trong công tác cán bộ.

Cấp uỷ Đảng nhà trường cần xin ý kiến chỉ đạo của tổ chức Đảng cấp trên, ban hành nghị quyết để thực hiện chủ trương “bí thư đảng uỷ kiêm/đồng thời là chủ tịch hội đồng trường” với lộ trình hợp lý, tránh sự xáo trộn và ảnh hưởng tới tư tưởng hay tới các hoạt động của nhà trường.

Một điều thuận lợi để thực hiện chủ trương này là theo quy định của pháp luật thì cả bí thư và hiệu trưởng đều thuộc thành phần đương nhiên của hội đồng trường.

Nếu bí thư đang kiêm hiệu trưởng thì bí thư nên chọn một trong hai vị trí đó, vị trí còn lại sẽ đưa vào lộ trình kiện toàn theo quy trình chung của công tác cán bộ.

Tuy nhiên, cả bí thư và chủ tịch hội đồng trường đều thực hiện theo cơ chế bầu nên công tác cán bộ (tiêu chuẩn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện quy trình...) và công tác chính trị tư tưởng cần phải làm rất kỹ để chủ trương “bí thư đảng uỷ kiêm/đồng thời là chủ tịch hội đồng trường” trở thành khả thi nhưng vẫn đảm bảo dân chủ, minh bạch...

“Về lâu dài, để thực hiện chủ trương này, công tác cán bộ trong các nhà trường cần phải có tiêu chuẩn rõ ràng, sát với các quy định và chủ trương của Đảng; cán bộ cần được quy hoạch, bồi dưỡng trong dài hạn; thực thi theo quy trình đã được quy định, minh bạch, công khai.

Đặc biệt, cần thể chế hoá chủ trương “bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường” trong các văn bản pháp luật để nâng cao tính khả thi”, cô Kim Phụng chia sẻ.

Phạm Minh