Bị 'than' thu nhiều khoản phí đầu năm, Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TPHCM nói gì?

31/08/2023 06:36
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc kiểm tra đầu vào Tin học và tiếng Anh là cần thiết, để nhà trường tư vấn lộ trình học tập cho sinh viên trước khi bước vào các môn chuyên ngành.

Vừa qua, một số sinh viên Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về các khoản phí đối với sinh viên đại học chính quy chuẩn năm 2023 của nhà trường.

Theo đó, ngoài khoản học phí đại học chính quy chuẩn tạm thu là 14.000.000 đồng/năm, người học phải thực hiện các khoản thu bắt buộc như: Lệ phí nhập học (bao gồm thẻ sinh viên tích hợp thẻ ngân hàng và thẻ thư viện, giấy xác nhận sinh viên); Lệ phí thư viện đại học chính quy cả khóa học (4 năm); Giáo trình, tài liệu số nhà trường biên soạn phục vụ học tập; Lệ phí kiểm tra tiếng Anh đạt trình độ đầu vào (sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh không kiểm tra đầu vào); Lệ phí kiểm tra Tin học đầu khoá.

Ngoài ra, có 4 khoản thu tuỳ chọn là: Bảo hiểm toàn diện (4 năm); Học phí kỹ năng mềm dành cho sinh viên hệ chính quy chuẩn (2 tín chỉ); Học phí tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 (dành cho sinh viên chính quy chuẩn); Lệ phí xét, ở nội trú ký túc xá (áp dụng cho sinh viên đăng ký ở nội trú).

Học phí và các khoản phí đối với sinh viên đại học chính quy chuẩn của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Học phí và các khoản phí đối với sinh viên đại học chính quy chuẩn của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, một số sinh viên băn khoăn về lệ phí kiểm tra tiếng Anh và Tin học đầu vào.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về khoản thu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường xét tuyển các thí sinh vào các ngành, các khoa khác nhau theo nhiều tổ hợp khác nhau, nên việc kiểm tra năng lực tiếng Anh, Tin học cho sinh viên là cần thiết.

Trường đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, liên quan đến chuyển đổi số, bắt buộc phải kiểm tra năng lực tiếng Anh, Tin học của người học, đây là cơ sở để sang năm thứ hai, các em được học 2 môn đầu vào cho các ngành học, đó là môn Tin học ứng dụng và Ngôn ngữ chuyên ngành.

Thứ nhất, đối với môn tin học ứng dụng, các em phải đạt trình độ đầu vào thì mới học được các môn chuyển đổi số, và đảm bảo kỹ năng tin học theo chương trình đào tạo của trường. Vì vậy, trường sẽ tổ chức thi kỳ thi tin học đầu vào cho tân sinh viên theo Thông tư số: 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016.

Thứ hai là học môn ngôn ngữ chuyên ngành, ví dụ tương ứng với từng chuyên ngành như Kế toán, Quản trị kinh doanh,..., người học phải có nền tảng tiếng Anh và Tin học nhất định.

Môn Tin học ứng dụng và tiếng Anh chuyên ngành bắt đầu học vào năm thứ 2, nên bắt buộc nhà trường phải kiểm tra đánh giá kiến thức đầu vào để các bạn có lộ trình học tập sớm.

Nếu các bạn đã đạt yêu cầu đầu vào rồi thì không cần thực hiện kiểm tra nữa. Sinh viên nào có chứng chỉ tiếng Anh bậc 3 hoặc bậc 4 thì không cần kiểm tra và mặc định được vào học tiếng Anh chuyên ngành; tương tự, sinh viên có chứng chỉ Tin học cơ bản hoặc MOS là đã đạt đầu vào học môn Tin học ứng dụng và có thể lựa chọn không thi kiểm tra đầu vào.

Còn nếu sau kiểm tra, sinh viên chưa đạt được trình độ tương đương thì nhà trường sẽ có lộ trình để các em phải đạt được trong vòng 1 học kỳ.

Nhà trường sẽ tư vấn lộ trình để các em học tập và nâng cao trình độ, các em có thể lựa chọn học ở ngoài trường hoặc trong trường.

Về học phí tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Trung cho hay, đây là phần người học tùy chọn, nghĩa là em nào có nhu cầu sẽ đăng ký học (đóng học phí) để học nâng cao trình độ tiếng Anh, còn nếu người học có thể tự học hoặc chọn học bên ngoài thì không bắt buộc đăng ký học, miễn sao sinh viên thi và đạt được chuẩn đầu ra theo yêu cầu.

“Như vậy, bắt buộc phải thu phí đối với hoạt động kiểm tra tiếng Anh, Tin học đầu vào, để nhà trường tổ chức kỳ thi, còn em nào đạt trình độ rồi không cần thi kiểm tra năng lực đầu vào nữa.

Riêng với học phí học tiếng Anh, sinh viên có thể đăng ký học hoặc không.

Thông báo của nhà trường rất rõ ràng, nhà trường cũng đã trao đổi kỹ với Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này”, thầy Trung thông tin.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra đầu vào, thầy Trung cho hay, muốn học Tin học ứng dụng, phải có nền tảng kiến thức về Word, Excel, Powerpoint;... đặc biệt các môn chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, phải có năng lực tin học để xử lý dữ liệu, phân tích dữ liệu.

“Cách đây 10 năm, sinh viên học Tin học cơ bản, tiếng Anh cơ bản là nằm trong chương trình đào tạo, nhưng bây giờ đã khác, nhiều học sinh cấp 3 hiện đã đạt được trình độ tiếng Anh, Tin học cơ bản rồi, nếu bắt các em học lại trong chương trình đào tạo là không hợp lý.

Nên nhà trường linh động cho sinh viên, những ai đã có trình độ và thi có chứng chỉ thì được miễn nội dung kiểm tra, còn bạn nào chưa có thì phải kiểm tra để nhà trường cho lộ trình học tập phù hợp, còn việc tự học, học bên ngoài, hoặc học trong nhà trường là do các em quyết định”, thầy Hiệu trưởng cho biết.

Về hai lựa chọn kiểm tra Tin học đầu khoá, thầy Trung cho hay, lựa chọn thứ nhất là chỉ kiểm tra đầu vào để đánh giá người học đủ trình độ hay không, lệ phí là 345.000 đồng, chi phí này tính toán trên cơ sở tiền coi thi, chấm thi, ra đề thi và những nội dung liên quan đến kỳ thi này. Vì trường không được phép lấy nguồn khác để chi cho hoạt động này.

Còn lựa chọn thứ 2 dành cho các bạn đã có năng lực tin học, các em chọn thi để có chứng chỉ luôn, lựa chọn này dành cho sinh viên kiểm tra đạt được cấp chứng chỉ công nghệ thông tin cơ bản, đủ điều kiện học tin học ứng dụng và đủ điều kiện thi chuẩn đầu ra công nghệ thông tin nâng cao.

Với kỳ thi để cấp chứng chỉ tin học cơ bản, theo quy định của Thông tư số: 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016 “quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin”, mỗi phòng thi 20 thí sinh cần có 2 giảng viên trông thi, 6 camera cùng với lực lượng Công an (A03) tham dự. Vì vậy mà nếu thí sinh lựa chọn phương án 2 sẽ phải đóng chi phí cao hơn 100.000 đồng so với phương án 1.

Với thí sinh đã có chứng chỉ tin học cơ bản hoặc MOS, các em nộp lên cho nhà trường thì sẽ không cần phải tham dự kỳ thi trên.

Sinh viên cần chứng chỉ Tin học cơ bản hoặc MOS là đảm bảo đầu vào của môn Tin học ứng dụng.

“Nếu không tổ chức thi và tư vấn lộ trình học tập cho các bạn thì năm thứ 2 nhiều bạn sẽ không học được Tin học ứng dụng và các môn học khác, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, các môn học, các ngành học đang ứng dụng công nghệ cao như AI, Blockchain, Big data,…

Hơn nữa, đầu vào trình độ Tin học, trình độ tiếng Anh của sinh viên không đồng đều thì sẽ rất bất cập trong giảng dạy.

Tổ chức kỳ thi này nhà trường còn bị lỗ, vì để tổ chức phải có ngân hàng đề thi theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và cả chi phí coi thi, chấm thi,...còn nếu tính đúng tính đủ thì chi phí cao hơn nhiều.

Theo đúng quy định, chi phải đúng nguồn thu, chi cho kiểm tra đầu vào không thể lấy từ ngân sách đơn vị sự nghiệp công lập.

Vì vậy, việc nhà trường tổ chức kiểm tra và thu phí là đúng quy định, đảm bảo chất lượng đầu vào của người học phù hợp với chương trình đào tạo”, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Trung cho hay.

Nguyên Phương