Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình triển khai thực thi Luật Giáo dục đại học trong giai đoạn 2019-2024 vừa qua còn tồn tại nhiều khó khăn và vướng mắc.
Trong phạm vi bài viết này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cập nhật một số vướng mắc về hoạt động đào tạo, về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và về hợp tác quốc tế.
Thứ nhất, về hoạt động đào tạo
Một là, Luật quy định các hình thức đào tạo, nhưng không giao Chính phủ hay Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện thực hiện cho từng hình thức đào tạo hoặc hạn chế việc áp dụng cho các trình độ sau đại học; quy định chỉ thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học gây cách hiểu đa nghĩa.
Mặc dù các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa cần được khuyến khích phát triển, tuy nhiên cần phải quy định những điều kiện cụ thể để thực hiện các chương trình đào tạo theo từng hình thức khác nhau. Đặc biệt, đối với các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu, hay đào tạo ở trình độ tiến sĩ, việc tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa khó bảo đảm điều kiện thực hiện và mục tiêu chất lượng.

Khoản 2 Điều 37 của Luật quy định “Cơ sở giáo dục đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh…” gây ra những cách hiểu hoàn toàn khác nhau: i) Chỉ được liên kết đào tạo ở trình độ đại học, không được liên kết đào tạo ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; ii) Chỉ được liên kết đào tạo ở trình độ đại học và chỉ được thực hiện theo hình thức vừa làm vừa học; iii) Chỉ được liên kết đào tạo ở trình độ đại học, thực hiện theo hình thức vừa làm và với một số cơ sở giáo dục theo quy định; iv) Có thể liên kết đào tạo ở các trình độ đào tạo khác, theo bất kỳ hình thức nào, với bất kỳ cơ sở giáo dục nào (trừ liên kết đào tạo trình độ đại học phải theo quy định trên).
Hai là, các khái niệm về “ngành đào tạo”, “mở ngành” và “chương trình đào tạo” chưa được quy định rõ, gây ra những bất cập trong thực tiễn.
Ngành, nhóm ngành và lĩnh vực đào tạo theo Danh mục giáo dục, đào tạo được sử dụng để phân loại các chương trình đào tạo có chung kiến thức và kỹ năng chuyên môn ở các mức độ khác nhau. Các cơ sở giáo dục đại học có thể xây dựng chương trình đào tạo khác nhau cho cùng một ngành đào tạo. Tuy nhiên, những quy định này chưa được làm rõ trong Luật, dẫn tới những cách hiểu khác nhau trong thực tế về mở ngành, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo, sự cần thiết và quyền tự chủ mở ngành mới.
Từ cách hiểu sai về quyền tự chủ mở ngành mới, trong giai đoạn từ sau khi ban hành Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho tới 2022, số lượng “ngành mới”, “ngành thí điểm” do các cơ sở giáo dục đại học mở nhưng chưa có trong Danh mục thống kê ngành đào tạo gần tương đương với số đang có trong Danh mục. Thực chất, hầu hết “ngành mới” này là các chương trình đào tạo thuộc những ngành đang có.
Luật cũng quy định cả điều kiện mở ngành và giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo, dẫn tới chồng chéo trong các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng như yêu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình đối với một ngành đào tạo.
Ba là, Luật chưa quy định chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa quy định hay giao Chính phủ quy định về các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực then chốt của đất nước là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên chưa có những chính sách, quy định trong Luật Giáo dục đại học làm căn cứ triển khai, hoặc làm căn cứ xây dựng các văn bản quy định hướng dẫn, cụ thể như:
Chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học (như đầu tư cơ sở vật chất, tài trợ, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu), đối với người học (học bổng, học phí), đối với đội ngũ giảng viên (thu hút, đãi ngộ) chưa được quy định cụ thể đối với đào tạo chất lượng cao, nhất là đào tạo tài năng đối với các ngành, lĩnh vực then chốt của đất nước.
Quy định về chương trình đào tạo chất lượng cao có trong Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã được bỏ ra khỏi Luật Giáo dục đại học năm 2018, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải bãi bỏ thông tư hướng dẫn triển khai các chương trình này.
Bốn là, các văn bằng ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù chưa có vị trí rõ ràng trong hệ thống văn bằng và trình độ đào tạo, do chưa được quy định về trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học năm 2018 chỉ quy định 3 trình độ đào tạo là đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên, bằng kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ đã được đào tạo từ nhiều năm nay và phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới chưa được quy định các trình độ đào tạo tương ứng, mà chỉ xếp vào văn bằng của các “ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù”. Điều này dẫn tới, người tốt nghiệp có bằng kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ với thời gian đào tạo và khối lượng kiến thức lớn hơn rất nhiều nhưng vẫn chỉ được xếp vào trình độ đại học. Vì vậy, mặc dù Luật Giáo dục đại học 2018 giao cho Chính phủ quy định chi tiết về ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù và văn bằng trình độ tương đương, nội dung này không được giải quyết triệt để, thấu đáo do thiếu căn cứ của Luật.
Năm là, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của đa số cơ sở giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực cho đầu tư, hỗ trợ phát triển đội ngũ giảng viên, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
Bên cạnh hai vấn đề nêu trên, do hệ thống văn bản hướng dẫn về hoạt động đào tạo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đầy đủ và thường xuyên rà soát, cập nhật phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học cơ bản không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới quy định của pháp luật. Những khó khăn trong hoạt động đào tạo liên quan chủ yếu tới các vấn đề thuộc lĩnh vực khác, cụ thể như sau:
- Số lượng, trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên còn thấp so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, dẫn tới những khó khăn trong đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy.
- Hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và công nghệ của phần lớn cơ sở giáo dục đại học còn yếu kém, có khoảng cách so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, dẫn tới những khó khăn trong tổ chức các hoạt động thí nghiệm, thực hành, trải nghiệm, đổi mới phương pháp dạy và học.
- Vai trò quản lý trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương đối với hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học còn chưa được thể hiện rõ, đặc biệt trong đầu tư tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và trong giám sát, bảo đảm kỷ cương trong công tác dạy và học.
Thứ hai, về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Ngoài những điểm nghẽn chung trong các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như các tổ chức khoa học và công nghệ khác, các cơ sở giáo dục đại học còn có những khó khăn, vướng mắc riêng như sau:
Một là, kinh phí chi nghiên cứu và phát triển trong khối giáo dục đại học đặc biệt thấp, cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước chưa dựa trên năng lực và kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện hai nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học, trên nguyên tắc gắn kết và hỗ trợ hiệu quả lẫn nhau. Nghiên cứu khoa học giúp nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo cho sinh viên, nghiên cứu sinh. Ngược lại, đào tạo nhất là ở trình độ tiến sĩ cung cấp nhân lực chủ yếu cho công tác nghiên cứu khoa học trong trường đại học, nhất là đối với các ngành STEM. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học còn giúp tạo môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút và giữ chân các giảng viên giỏi, nhà khoa học tài năng.
Có thể nói, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò nòng cốt trong mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ quốc gia, tính theo cả năng lực đội ngũ cán bộ cũng như kết quả nghiên cứu và phát triển. Theo Cục Thông tin Khoa học công nghệ quốc gia (2021), khối giáo dục đại học chiếm 1/3 tổng số cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (FTE) của cả nước và 3/4 số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ của cả nước. Theo số liệu thống kê số lượng công bố có chỉ mục Scopus trong 3 năm 2021-2023, chỉ tính riêng 53 cơ sở giáo dục đại học có số lượng công bố nhiều nhất đã chiếm gần 80% số bài của cả nước
Tuy nhiên, kinh phí có nguồn từ ngân sách nhà nước chi nghiên cứu và phát triển trong các cơ sở giáo dục đại học chỉ chiếm 14,9% tổng kinh phí cả nước chi cho nghiên cứu và phát triển có nguồn từ ngân sách nhà nước.
Hai là, quy mô đào tạo sau đại học, đặc biệt ở trình độ tiến sĩ, thấp rất nhiều so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, dẫn tới hạn chế năng lực nghiên cứu và phát triển của các cơ sở giáo dục đại học.
Sự gắn kết giữa đào tạo, kể cả đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng như giữa các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu còn yếu. Việc xét duyệt các đề tài nghiên cứu và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác như hiện nay chỉ coi việc đóng góp vào đào tạo sau đại học như một yêu cầu ở sản phẩm đầu ra mà chưa tích hợp xuyên suốt vào trong cả quá trình đào tạo. Ngược lại, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa đặt ra yêu cầu bắt buộc về hoạt động nghiên cứu của học viên trong chương trình đào tạo sau đại học, kể cả chương trình đào tạo tiến sĩ; việc lựa chọn người hướng dẫn và xét duyệt đề tài luận án tiến sĩ chưa gắn chặt với các đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ tài chính có nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí, buộc phải tăng quy mô đào tạo dẫn tới quá tải trong giảng dạy, giảng viên còn ít thời gian dành cho nghiên cứu.
Ba là, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu bị hạn chế do thiếu cơ chế hỗ trợ, thiếu nguồn lực, cơ sở vật chất, tài chính và đội ngũ chuyên môn để hỗ trợ.
Các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của quốc gia, tuy nhiên hai điểm nghẽn chính hiện nay nằm ở chính sách về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu và chính sách đầu tư, góp vốn của cơ sở giáo dục đại học công lập vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nguồn. Việc áp dụng các chính sách và cơ chế hợp tác công - tư trong nghiên cứu và phát triển công nghệ còn gặp nhiều rào cản về pháp lý.
Các cơ sở giáo dục đại học khó khai thác quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, không thể định giá tài sản trí tuệ nhằm thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn và khởi nghiệp. Một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng như các quan hệ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo hiện chưa được đề cập cụ thể trong Luật Giáo dục đại học hay trong Luật Khoa học và Công nghệ.
Thứ ba, về hợp tác quốc tế
Mặc dù Luật Giáo dục đại học trao quyền tự chủ cao cho các cơ sở giáo dục đại học, các quy định pháp luật khác có liên quan đã hạn chế tiềm năng của các cơ sở giáo dục đại học trong các hoạt động hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực từ nước ngoài, nhất là về quyền chủ động trong tổ chức hội thảo quốc tế, mời giảng viên, nhà khoa học nước ngoài sang làm việc, cụ thể như:
Nghị định quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam, đưa ra yêu cầu về quy trình thẩm định, phê duyệt các khoản viện trợ không hoàn lại (không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức), thực tế đã gây rất nhiều khó khăn, làm mất cơ hội thu hút các nguồn lực từ hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học.
Các quy định về cấp giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện phải xin giấy phép lao động gây phiền hà, lãng phí thời gian và cơ hội cho việc mời các chuyên gia, giảng viên và nhà khoa học là người nước ngoài sang tham gia giảng dạy, tư vấn, hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Các quy định về xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế gây khó khăn, phiền hà cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn khoa học thuần túy chuyên môn.