Có thể nói, bạo lực học đường trong thời gian gần đây trở thành vấn nạn nhức nhối của ngành Giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.
Trung bình mỗi ngày có 5 vụ bạo lực học đường được ghi nhận, thống kê. Ai cũng biết, đây chỉ là phần nổi, con số thật của bạo lực học đường có lẽ còn phức tạp hơn nhiều. [1]
Không ít ý kiến cho rằng, bạo lực học đường gia tăng là do Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2020 đã tước “roi” của giáo viên nói riêng và giáo dục nói chung nên bạo lực học đường xảy ra tràn lan như hiện nay.
Có ý kiến cho rằng “Nên trả lại chiếc “roi” cho người thầy”, phải sửa đổi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT để thầy cô “có quyền” như trước khi thông tư 32 có hiệu lực, có thế mới giảm bạo lực học đường. [2]
Bạo lực học đường gia tăng có phải vì ... Thông tư 32?
Người viết trả lời ngay, khẳng định chắc chắn rằng không phải. Bạo lực học đường gia tăng như hiện nay hoàn toàn không phải do “tác động tiêu cực” của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, tại Việt Nam xảy ra gần 2.000 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. So với 10 năm trước (2009 – người viết), số vụ bạo lực học đường đã tăng gấp hơn 10 lần, đây là con số thống kê có từ thời điểm trước ngày 18/4/2019. [1]
Như vậy, đổ lỗi cho Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT “tước hết roi” của thầy cô nên bạo lực học đường gia tăng là vô lý, vì Thông tư 32 chỉ mới có hiệu lực từ tháng 11/2020 đến nay.
(Ảnh minh hoạ, nguồn: http://ums.vnu.edu.vn) |
Có phải Thông tư 32... tước hết “roi” của thầy cô?
Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, khoản 2 Điều 38 Điều lệ này nêu rõ:
Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:
Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;
Khiển trách và thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;
Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.
So với Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã bỏ hình thức xử lý phê bình trước lớp, trước trường, cảnh cáo ghi học bạ, đuổi học 1 năm.
Ai đi dạy cũng thừa biết “xử lý phê bình trước lớp, trước trường, cảnh cáo ghi học bạ, đuổi học 1 năm” chẳng có tác dụng giáo dục, chẳng phải nhờ hình thức này mà giảm bạo lực học đường.
Trước ngày 01/11/2020 chúng ta vẫn “xử lý phê bình trước lớp, trước trường, cảnh cáo ghi học bạ, đuổi học 1 năm” nhưng vẫn xảy ra những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng đó thôi.
Vì vậy nói Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã tước bỏ roi của thầy cô trong giáo dục học sinh là vô lý.
“Gần đèn thì rạng”, chính những hành vi phê bình học sinh tế nhị, phê bình khi chỉ có riêng cá nhân học sinh vi phạm, không gây phản cảm cảm cho học trò; tìm thấy cái hay cái đẹp của học sinh để khen ngợi, là hành vi đẹp của thầy cô giáo.
Hành vi trân quý này có thể nói là lạt mềm của thầy cô, mà lạt mềm thì buộc chặt hơn, có tác dụng giáo dục hơn.
Có thể nói Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã trang bị “roi” cho thầy cô giáo chứ không phải “tước roi” của thầy cô.
Cái roi của thầy cô giáo là... tình yêu thương học trò
Với học trò, phải giáo dục, giáo dục phải lấy “đức trị” chứ không phải “pháp trị”. Chính “đức trị” chứ không phải “pháp trị” là đặc điểm khác biệt của nhà trường.
Nếu nhà trường chỉ chăm chăm vào nội quy, pháp luật, chỉ chờ học sinh vi phạm là trừng trị, trừng phạt, đó là trại giam chứ không phải trường học.
Nhà trường là nơi giáo dục cho học sinh thấy hành vi sai để không vi phạm, tự giác thực hiện nội quy, quy định của pháp luật. Khi hiểu pháp luật, biết pháp luật lại càng tự giác tuân thủ.
Cách giáo dục tuyệt vời nhất là nêu gương, thầy cô phải là người nêu gương trước. Như vậy, thầy cô tuyệt đối không dùng hành vi bạo lực, mà dùng phương pháp giáo dục.
Phương pháp giáo dục tốt nhất là từ trái tim đến trái tim, vì thế chỉ có yêu thương học trò mới có “uy” lớn nhất.
“Khi người thầy mất uy, học sinh hư cũng kệ”, là lúc người thầy không còn yêu thương với học trò. Khi người thầy thấy học sinh hư cũng kệ là đã mắc bệnh vô cảm, mắc bệnh vô cảm thì không thể làm thầy.
Lo sợ mất việc, lo sợ bị kỷ luật nên giáo viên truyền tai nhau, muốn yên ổn phải “đội học sinh lên đầu mà dạy”, lúc đó giáo viên không còn phương pháp, kĩ năng sư phạm nữa. Nói cách khác, giáo viên mất hết tự trọng nghề nghiệp, đánh mất vị trí, bản ngã của mình.
Người thầy mà mất hết tự trọng nghề nghiệp, đánh mất vị trí, bản ngã của mình sao còn làm thầy người khác được.
Giấy rách phải giữ lấy lề, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, tình huống nào, mình phải tự trọng, có như thế học sinh mới tôn trọng mình.
Nói như thế, có người cho là lý thuyết suông, nhưng thực tế là vậy, mình đánh mất tự trọng nghề nghiệp thì đừng mong học sinh tôn trọng mình.
Yêu thương học trò ta sẽ vượt qua mọi khó khăn. Yêu thương học trò ta sẽ đến gần hơn trái tim của học trò, nhịp đập của trái tim học trò sẽ dần đồng điệu với trái tim mình.
Gần bốn mươi năm cầm phấn, chứng kiến đồng nghiệp nào yêu thương học trò, tôi thấy họ đều thành công.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vtv.vn/van-de-hom-nay/moi-ngay-co-toi-hon-5-vu-bao-luc-hoc-duong-xay-ra-tai-viet-nam-20190418054241235.htm
[2] https://baophapluat.vn/giao-duc/nen-tra-lai-chiec-roi-cho-nguoi-thay-583146.html
- Thông tư Số 12/2011/TT-BGDĐT.
- Thông tư Số 32/2020/TT-BGDĐT.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.