Đáng sợ những diễn biến khó lường của bạo lực học đường

08/04/2021 06:29
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bạo lực học đường ngày càng có những diễn phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng, trong khi nhiều trường chưa thực sự sẵn sàng chủ động ngăn chặn.

Chỉ cần gõ từ khóa “bạo lực học đường” lên công cụ tìm kiếm Google, vài giây chúng ta đã có hàng chục ngàn kết quả.

Đó chỉ đơn giản là vì những cái nhìn “đểu”, lời qua tiếng lại, hay sự trêu đùa quá trớn mà nhiều nữ học sinh bị xé quần áo, chửi bới, nặng hơn là lãnh những trận đòn tập thể, thậm chí có những em phải ra đi mãi mãi khi mái đầu còn xanh, để lại bao ước vọng của tuổi trẻ.

Chỉ trong tháng 3/2021, các phương tiện thông tin truyền thông đã đề cập tới gần 10 vụ bạo lực học đường, trong số đó đáng chú ý nhất là clip dài đến 5 phút ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng ngay trong lớp học, trong khi các bạn cùng lớp chẳng ai can ngăn.

Sau khi clip đăng tải, vụ việc được xác định xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

15 học sinh bị kỷ luật vì đánh bạn ở Trường trung học phổ thông Phan Đăng Lưu. Ảnh chụp từ clip.

15 học sinh bị kỷ luật vì đánh bạn ở Trường trung học phổ thông Phan Đăng Lưu. Ảnh chụp từ clip.

Các mức kỷ luật nhóm học sinh này đã được đưa ra: Hai nữ sinh trực tiếp đánh bạn bị đình chỉ học tập một tuần, bị xếp loại hạnh kiểm yếu năm học 2020-2021. Đối với 5 học sinh có hành vi cổ vũ, quay video vụ đánh nhau sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, xếp loại hạnh kiểm yếu trong học kỳ 2 của năm học 2020-2021.

Còn 8 học sinh chứng kiến bạn đánh nhau trong lớp nhưng không ngăn cản hoặc báo với thầy cô mà thờ ơ, vô cảm đứng xem bị khiển trách trước lớp.

Nguyên nhân vụ đánh được xác định xuất phát từ việc nói xấu nhau trên Facebook. (1)

Tại Quảng Trị, Trường Trung học cơ sở thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh) cũng xuất hiện clip tát bạn gần 5 phút. Mâu thuẫn xảy ra giữa nữ sinh H.T.T.B. và N.T.T. (học cùng lớp). Cho rằng T. "nhìn đểu" mình, B. đã lao tới đánh liên tiếp T. trước sự chứng kiến của nhiều bạn học.

Trong clip, B. liên tục tát vào mặt, túm tóc, đánh vào đầu và xô T. ngã xuống nền. B. liên tục chửi thề và đánh T. liên tục trong khoảng 5 phút. Nạn nhân chỉ biết im lặng chịu trận.

Có nhiều học sinh ở trong lớp chứng kiến sự việc nhưng chỉ có một bạn nữ vào can ngăn, một số nam sinh còn đùa giỡn trong khi bạn bị đánh.

Kết quả xử lý của vụ việc là kỷ luật 5 học sinh nhưng không công bố rộng rãi. Trong đó có 3 học sinh trực tiếp đánh bạn và 2 bạn quay clip. (2)

Nữ sinh tát bạn ngay trên bục giảng ở Quảng Trị. Ảnh cắt từ màn hình clip

Nữ sinh tát bạn ngay trên bục giảng ở Quảng Trị. Ảnh cắt từ màn hình clip

Tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) xảy ra vụ gây thương tích nghiêm trọng, khi nam sinh Phan Thanh L. (lớp 11A6 học sinh trường Trung học phổ thông Lang Chánh - Thanh Hóa) bị bạn học cùng khối dùng gậy gỗ vụt vào đầu vỡ sọ não, tổn hại 49% sức khỏe hôm 14/1 đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Đến ngày 6/3, Nguyễn Bá Thuận (học sinh lớp 11A5, Trường Trung học phổ thông Lang Chánh) người được xác định là đã đánh Phan Thanh L. (lớp 11A6) đã bị bắt giam.

Ông Nguyễn Đình Bảy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lang Chánh cho biết sự việc xảy ra phía ngoài trường nên nhà trường lúng túng trong việc xử lý. (3)

Trên đây chỉ là một số thí dụ nhỏ cho hàng trăm vụ bạo lực học đường diễn ra mỗi năm, tuy nhiên điều đáng nói là mức độ phổ biến và nghiêm trọng với từng vụ việc có nguy cơ gia tăng.

Tác hại của bạo lực học đường vô cùng ghê gớm, không thể đong đếm được, nhưng vẫn còn khá nhiều trường vẫn biện minh rằng học sinh chưa đánh nhau hoặc đánh nhau ngoài trường chưa phải là bạo lưc học đường.

Từ quan niệm đó dẫn đến việc học sinh khi bị bạo lực tinh thần nhưng chưa lần nào bị đánh vẫn nghĩ mình chưa bị bạo lực nên không chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, dẫn đến bạo lực học đường ngày càng gia tăng và mức độ càng nghiêm trọng hơn.

Nói về nguyên nhân của bạo lực học đường, cô giáo Đỗ Thu Hiền, người có nhiều năm làm Tổng phụ trách đội tại trường Tiểu học Vạn Ninh, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: “Do trẻ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển xã hội. Hằng ngày, trẻ bắt gặp vô vàn những hình ảnh bạo lực trên phim ảnh, game, trên đường phố, điều đó làm trẻ nghĩ rằng bạo lực hoặc bị bạo lực là điều bình thường.

Một phần nguyên nhân nữa xảy ra từ phía các thầy cô, đó là hiện tượng bị xúc phạm, mắng nhiếc gây áp lực về tinh thần. Có nhiều thầy cô rất tâm huyết, yêu thương học trò, nhưng cũng có người làm cho xong việc.

Trong trường học hiện nay đang thiếu trầm trọng kỹ năng sống, hầu hết chỉ chú trọng vào các môn học làm sao để đạt điểm cao, nhưng những kỹ năng khác nhằm rèn luyện gắn kết tình bạn, tình thầy trò, giúp trẻ tránh xa điều xấu thì vẫn còn khá mờ nhạt.

Những điều này đang khiến bạo lực học đường ngày ngày âm ỉ trong đời sống học sinh và khi có cơ hội sẽ bùng phát”.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có hơn 14.000 trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông và ngày nào cũng có vài vụ đánh nhau được ghi nhận.

Trên thực tế con số đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi có rất nhiều vụ đánh nhau (thường ở bên ngoài trường) nhưng bị nhà trường ém nhẹm do sợ bị ảnh hưởng thành tích thi đua.

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo giáo viên và đơn vị thuộc Bộ triển khai một số công việc nhằm tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Thế nhưng gần như chỉ khi nào vụ việc khá nghiêm trọng, được tung lên mạng xã hội thì nhà trường mới miễn cưỡng thừa nhận đó là học sinh trường mình. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn bạo lực học đường chưa thuyên giảm.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/truong-cap-3-phan-dang-luu-ky-luat-15-hoc-sinh-vu-nu-sinh-danh-nhau-post216355.

(2)https://laodong.vn/xa-hoi/nu-sinh-o-quang-tri-danh-ban-vi-bi-luom-ky-luat-5-hoc-sinh-lien-quan-895283.ld

(3)https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/khoi-to-bat-tam-giam-hoc-sinh-danh-ban-ton-hai-49-suc-khoe-post216104.gd

Trần Phương