Bao giờ giáo viên sẽ được nhận lương mới?

29/04/2023 07:18
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bao giờ giáo viên được nhận lương mới phải là sự nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai, thực hiện Thông tư 08 trong những tháng tới đây.

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023 tới đây.

Nhưng, bao giờ giáo viên được nhận lương mới phải là sự nỗ lực của các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT trong những tháng tới đây.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến

Nhìn lại những bất cập của chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT

Chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đã gặp rất nhiều “sóng gió” ngay từ khi mới ban hành. Việc Bộ ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT là việc làm cần thiết nhằm sửa đổi những bất cập của chùm Thông tư 01-04.

Đó là: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng; Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp; Không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ;

Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm; Điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm;

Giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung của Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT là đúng với thực tế nhưng có lẽ điều mà giáo viên dưới cơ sở mong muốn là tới đây các văn bản chính sách sẽ sát, đúng với thực tế để tránh giáo viên tâm tư.

Bởi, nhìn lại quãng thời gian qua hơn 2 năm trời, giáo viên dưới cơ sở đã gặp rất nhiều phiền toái, áp lực khi Bộ yêu cầu mỗi mỗi hạng giáo viên có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Xếp hạng, xếp lương (dự kiến) nhưng mỗi nơi thực hiện mỗi khác dẫn đến sự so sánh với nhau.

Khi nhà trường xếp hạng giáo viên yêu cầu giáo viên phô tô quá nhiều loại giấy tờ để minh chứng cho các tiêu chí. Nhiều trường còn yêu cầu giáo viên phải đi công chứng các loại giấy tờ như văn bằng, chứng chỉ, danh hiệu thi đua, các quyết định công nhận giáo viên giỏi, sáng kiến kinh nghiệm…

Khi Bộ ban hành Thông tư sửa đổi, hướng dẫn giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới thì những phần việc này giáo viên đã thực hiện từ năm 2021, 2022 rồi.

Nhớ lại, khi Bộ mới ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên hạng nào sẽ có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khiến cho giáo viên dưới cơ sở lo lắng.

Chẳng hạn, đối với Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì yêu cầu giáo viên hạng III như sau:

“Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng)”.

Đối với giáo viên hạng II thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II”. Giáo viên hạng I thì yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I”.

Có nghĩa là giáo viên hạng nào cũng đều yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và khi chuyển lên hạng cao hơn lại phải đi học một chứng chỉ mới.

Bây giờ, Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn giáo viên chỉ còn 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là điều giáo viên mong chờ nhưng cũng có nhiều giáo viên đã có hơn 1 chứng này theo yêu cầu trước đó.

Bao giờ giáo viên được nhận lương mới?

Theo hướng dẫn của Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT thì nhiều giáo viên sẽ được hưởng lợi từ thông tư sửa đổi này khi được xếp lương mới. Đó là, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đang hưởng lương ở hệ số: 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.

Tuy nhiên, mấu chốt của việc xếp hạng, xếp lương mới nhưng bao giờ giáo viên mới được nhận lương mới? Theo hướng dẫn của Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023 tới đây.

Theo điều khoản thi hành của Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT thì việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Như vậy, việc bổ nhiệm, xếp lương cho giáo viên mầm non phổ thông đến ngày 30/11/2023 các địa phương, các nhà trường sẽ phải hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ. Điều này đòi hỏi các địa phương phải nhanh chóng thực hiện mới có thể hoàn thành được.

Vì thế, việc Bộ chính thức ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sau một thời gian dài giáo viên chờ đợi Bộ sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT là tín hiệu tích cực, đáng mừng.

Đặc biệt, Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã bỏ được những thủ tục rườm rà, các tiêu chí cũng giản đơn, nhẹ nhàng hơn trước đây.

Song, điều giáo viên chờ đợi trong lúc này là khi nào họ chính thức được nhận quyết định bổ nhiệm, xếp lương, hưởng lương mới theo hướng dẫn của Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT. Hy vọng, các địa phương sẽ nhanh chóng triển khai, thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương mới theo đúng thời gian mà Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã hướng dẫn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY