AI phát triển nhanh đòi hỏi chương trình Trí tuệ nhân tạo cập nhật liên tục

26/04/2025 06:25
Thúy Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Theo PGS.TS Phạm Tiến Lâm, AI phát triển quá nhanh, nếu không kịp thời cập nhật chương trình học sẽ khiến nội dung giảng dạy nhanh chóng lạc hậu so với thực tiễn.

Hiện nay, nhiều trường đại học tại Việt Nam đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên công nghệ số. Sự phát triển mạnh mẽ của AI trên thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, tài chính, tự động hóa và thương mại điện tử, đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn sâu.

Việc các trường đại học đầu tư vào đào tạo AI không chỉ giúp sinh viên tiếp cận công nghệ hiện đại mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chương trình đào tạo cần cập nhập liên tục để theo kịp AI

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Lâm - Giám đốc chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Đại học Phenikaa cho biết, chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo tại trường được thiết kế theo hướng cập nhật các kiến thức hiện đại và theo các chuẩn đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước.

So với ngành Khoa học máy tính và các ngành thuộc khối kỹ thuật - công nghệ khác, chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo tập trung chuyên sâu hơn vào các thuật toán học máy, xử lý dữ liệu và xây dựng các hệ thống thông minh dựa trên nền tảng của khoa học tính toán.

“Trong khi chương trình học ngành Khoa học máy tính có thể thiên về phát triển nền tảng của hạ tầng công nghệ thông tin như kiến trúc của hệ thống tính toán, các thuật toán, cơ sở dữ liệu, an ninh mạng, hệ thống servers hoặc mạng thì ngành Trí tuệ nhân tạo tập trung vào khả năng học và suy luận của hệ thống, mô phỏng tư duy con người.

Mục tiêu của chương trình là giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức nền tảng về toán học, lập trình và thuật toán mà còn thành thạo trong việc thiết kế, triển khai, tối ưu các hệ thống AI thực tế như: học máy, học sâu, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và robot thông minh.

Điểm đặc trưng nổi bật của chương trình là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên được tham gia vào những dự án xây dựng hệ thống AI cho các bài toán thực tế trong suốt quá trình học, bao gồm các bài tập môn học, đồ án, thực tập và khóa luận tốt nghiệp”, thầy Lâm cho hay.

pgs-pham-tien-lam-5178.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Lâm - Giám đốc chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Đại học Phenikaa. (Ảnh: NVCC)

Theo Giám đốc chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, nhà trường có mạng lưới đối tác doanh nghiệp phong phú, đặc biệt là ban cố vấn doanh nghiệp họp thường niên vào cuối tháng 12 hàng năm. Điều này giúp nhà trường cải tiến và phát triển chương trình đào tạo ngày càng sát với nhu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, các hoạt động tham quan, trải nghiệm môi trường làm việc thực tế ngay từ năm nhất, cùng với các kỳ thực tập vào năm ba và năm tư, sẽ giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn để làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Năm 2024 đánh dấu mốc đầu tiên Đại học Phenikaa tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo. Điểm chuẩn ngành học này theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 21 điểm (thang điểm 30).

Một trong những lợi thế lớn nhất của nhà trường là sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Tập đoàn Phenikaa, giúp đầu tư đồng bộ vào cơ sở vật chất, bao gồm phòng thí nghiệm AI hiện đại, máy chủ GPU, hệ thống dữ liệu học tập tiên tiến...

Đồng thời, nhà trường sở hữu mạng lưới kết nối rộng khắp với các doanh nghiệp, từ các tập đoàn công nghệ trong nước đến các startup trong lĩnh vực AI, nhằm đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trường cũng tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế để thúc đẩy trao đổi học thuật, tổ chức các buổi hội thảo chuyên sâu và hướng tới mời chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng tầm nhìn toàn cầu cho người học.

AI Phenikaa 2.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: NTCC)

Ngành học này không chỉ bắt kịp xu hướng công nghệ tương lai mà còn phù hợp với định hướng phát triển khoa học-công nghệ của Chính phủ, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên trong thời đại số.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà nhà trường phải đối mặt là tốc độ phát triển quá nhanh của ngành Trí tuệ nhân tạo. Nếu không cập nhật kịp thời, chương trình đào tạo sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu so với thực tiễn. AI là lĩnh vực có sự đổi mới liên tục từ công nghệ cho đến phương pháp tiếp cận, do đó việc duy trì tính thời sự và chất lượng trong giảng dạy là một thách thức không nhỏ.

Trường phải thường xuyên rà soát và điều chỉnh chương trình học, cập nhật các học phần với những kiến thức mới như AI tạo sinh (Generative AI), đạo đức trong AI (AI Ethics), mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models – LLM)…

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và "giữ chân" đội ngũ giảng viên giỏi, am hiểu chuyên sâu và giàu kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo đang là một thách thức lớn.

Nguyên nhân là do sự cạnh tranh quyết liệt từ thị trường doanh nghiệp, những nơi có nhu cầu cao về nhân lực chất lượng và sẵn sàng chi trả mức đãi ngộ hấp dẫn. Tuy nhiên, chính áp lực này cũng trở thành động lực để nhà trường liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng môi trường học thuật hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, khi mới triển khai chương trình đào tạo, một bộ phận phụ huynh và học sinh còn chưa hiểu rõ về ngành Trí tuệ nhân tạo, dễ nhầm lẫn với ngành Công nghệ thông tin truyền thống. Trong khi đó, AI là lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi tư duy phân tích, nền tảng toán học vững và khả năng học thuật cao hơn so với nhiều ngành khác. Sự nhầm lẫn này có thể dẫn đến lựa chọn ngành chưa phù hợp với năng lực hoặc kỳ vọng ban đầu của người học.

Do đó, nhà trường phải tăng cường các hoạt động truyền thông, tổ chức tư vấn chuyên sâu, hội thảo định hướng ngành và trải nghiệm thực tế để giúp phụ huynh, học sinh hiểu đúng bản chất, yêu cầu cũng như triển vọng nghề nghiệp của ngành AI, từ đó đưa ra định hướng cho người học.

“Dù hiện tại tỷ lệ nam sinh vẫn chiếm ưu thế nhưng trên thực tế, nhiều nữ sinh đã thể hiện năng lực vượt trội, đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu và thực tập thực tế. Tại Đại học Phenikaa, trong năm học 2024–2025, tỷ lệ nữ sinh viên theo học ngành Trí tuệ nhân tạo đạt khoảng 10-15%. Đây là một con số tích cực so với mặt bằng chung của khối ngành kỹ thuật, công nghệ vốn thường có ít nữ giới.

Ngoài ra, nhà trường luôn khuyến khích nữ sinh mạnh dạn theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông qua các hoạt động định hướng nghề nghiệp, môi trường học tập cởi mở và chính sách học bổng ưu tiên dành riêng cho sinh viên nữ ngành AI.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ hiện nay cũng ưu tiên tuyển dụng nữ kỹ sư AI nhằm đa dạng hóa đội ngũ nhân sự, mang đến những góc nhìn phong phú hơn trong việc xây dựng và triển khai giải pháp công nghệ. Vì vậy, sinh viên nữ hoàn toàn có thể tự tin lựa chọn ngành Trí tuệ nhân tạo như một hướng đi triển vọng và lâu dài trong tương lai”, thầy Lâm nhận định.

AI Phenikaa 1.jpg
Một giờ học ngành Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Phenikaa. (Nguồn: NTCC)

Bên cạnh đó, theo thầy Lâm, từ khi bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo, Đại học Phenikaa đã đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên chuyên sâu trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, kết hợp hài hòa giữa năng lực học thuật và kinh nghiệm thực tiễn.

Tính đến năm học 2024–2025 đã có hơn 10 giảng viên chính tham gia giảng dạy trực tiếp các học phần về Trí tuệ nhân tạo. Trong đó, nhiều giảng viên là tiến sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức; một số giảng viên có công bố quốc tế, đang tham gia các dự án nghiên cứu chuyên sâu về AI; đồng thời có sự góp mặt của các chuyên gia kỹ thuật từ doanh nghiệp đối tác đảm nhiệm vai trò giảng viên kiêm nhiệm.

Đồng thời, trường thường xuyên mời các chuyên gia từ các công ty công nghệ lớn đến giảng dạy chuyên đề hoặc hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án, giúp người học có thêm góc nhìn thực tiễn.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ, nhà trường đang triển khai các chương trình bồi dưỡng chuyên môn như khóa học từ NVIDIA Deep Learning Institute (DLI), các khóa AI nâng cao trên Coursera, edX, hay chương trình AWS Academy. Nhà trường cũng tích cực khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu, công bố quốc tế. Với đội ngũ giảng viên chất lượng, tâm huyết và luôn cập nhật xu thế mới, nhà trường tự tin đảm bảo chuẩn đầu ra vững vàng cho sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo.

Ngành AI “khát” nhân lực, mở ra cơ hội việc làm dồi dào cho sinh viên

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Lâm, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình từ 10–25% mỗi năm, trong khi nguồn cung hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước từ các tập đoàn lớn đến các công ty khởi nghiệp chuyên về AI đều đang “khát” nhân sự có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành vững vàng.

Thực tế này mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho sinh viên tốt nghiệp ngành Trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là những người được đào tạo bài bản và có định hướng rõ ràng.

Tại Đại học Phenikaa, sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc về khoa học tính toán, khoa học cơ bản và toán học trong những năm đầu. Từ đó, nhà trường định hướng người học theo nhiều lộ trình nghề nghiệp cụ thể như: kỹ sư AI chuyên phát triển hệ thống thông minh; chuyên gia thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), học máy; chuyên viên phân tích dữ liệu và khai phá dữ liệu lớn (data analyst, data scientist); kỹ sư robot, hệ thống tự hành; kỹ sư nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các trung tâm AI hoặc phòng thí nghiệm công nghệ.

Là một ngành học mang tính toàn cầu, Trí tuệ nhân tạo đòi hỏi sinh viên phải phát triển nhiều năng lực thiết yếu như: kỹ năng lập trình (Python, PyTorch, TensorFlow...); tư duy toán học tốt, đặc biệt là trong các lĩnh vực như xác suất – thống kê và đại số tuyến tính; khả năng tự học và cập nhật nhanh các xu hướng công nghệ mới; tiếng Anh chuyên ngành để tiếp cận tài liệu quốc tế và hội nhập môi trường làm việc toàn cầu; cùng với đó là các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp kỹ thuật.

Những năng lực này đã được nhà trường tích hợp vào chương trình đào tạo thông qua phương pháp học theo dự án, các học phần rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, kỹ năng viết và trình bày tài liệu kỹ thuật, cùng các môn học bổ trợ kỹ năng mềm. Tất cả nhằm đảm bảo sinh viên có sự chuẩn bị toàn diện để sẵn sàng tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Bạn Đỗ Trọng Hiệp - sinh viên chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu (ngành Khoa học máy tính), Đại học Phenikaa cho biết, ngành Trí tuệ nhân tạo hiện đang mở ra nhiều cơ hội việc làm, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn lan rộng đến hầu hết các doanh nghiệp đang thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Do Trong Hiep.JPG
Bạn Đỗ Trọng Hiệp - sinh viên chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu (ngành Khoa học máy tính), Đại học Phenikaa. (Ảnh: NVCC)

“Trong bối cảnh hiện nay, kỹ sư AI trở thành nguồn nhân lực được săn đón mạnh mẽ. Tuy nhiên, song hành với cơ hội là những thách thức và sự cạnh tranh rất cao, đòi hỏi sinh viên theo học ngành này phải chủ động trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết như: nền tảng lập trình và thuật toán vững chắc; khả năng tự học, nghiên cứu và cập nhật công nghệ mới; kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư duy phân tích và suy luận logic; trình độ tiếng Anh tốt cùng khả năng thích ứng nhanh và chủ động trong công việc.

Khi kết hợp những yếu tố đó với nền tảng đào tạo vững vàng từ nhà trường, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nhanh chóng và bền vững trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo”, bạn Hiệp cho hay.

Về chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Phenikaa, bạn Đỗ Trọng Hiệp đánh giá chương trình học được xây dựng hiện đại, có sự đầu tư kỹ lưỡng và nghiên cứu bài bản.

Sinh viên không chỉ học các kiến thức nền tảng như toán cao cấp, lập trình, thuật toán nâng cao, học máy, mà còn được tham gia thực hành thông qua các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo như phân tích dữ liệu, học sâu (deep learning), thị giác máy tính (computer vision)...

“Phương châm “học đến đâu, làm được đến đó” được nhà trường thể hiện rõ nét qua việc tổ chức các dự án nhỏ hằng năm để sinh viên thử sức, đến năm cuối là bài tập lớn hoặc dự án thực tế phối hợp cùng doanh nghiệp hay trung tâm AI của trường.

Ngoài ra, Đại học Phenikaa còn sở hữu mạng lưới liên kết doanh nghiệp rộng mở, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận thực tế ngay trong quá trình học. Thông qua các hội thảo chuyên đề, sự kiện ngành, ngày hội nghề nghiệp, sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Nhờ vậy, khi sắp tốt nghiệp, em tự tin có thể đáp ứng tốt các yêu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp”, bạn Đỗ Trọng Hiệp thông tin.

Bên cạnh đó, theo bạn Trịnh Ngọc Nga - sinh viên chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu (ngành Khoa học máy tính), Đại học Phenikaa cho biết, chương trình đào tạo tại nhà trường không chỉ đơn thuần là những bài giảng lý thuyết khô khan mà là một hệ thống kiến thức được thiết kế để giúp sinh viên thành những chuyên gia thực thụ.

Ngành Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Phenikaa được xây dựng theo hướng cân bằng giữa lý thuyết nền tảng và thực hành ứng dụng, giúp sinh viên không chỉ hiểu sâu về thuật toán, mô hình AI mà còn có cơ hội trực tiếp triển khai các dự án thực tế. Phần lý thuyết được tiếp cận theo hướng hiện đại, tập trung vào tư duy thuật toán, học máy và khoa học dữ liệu. Trong khi đó, thực hành được lồng ghép hợp lý thông qua các phòng thí nghiệm, đồ án nhóm và hoạt động hợp tác với doanh nghiệp. Cách tiếp cận này không chỉ giúp sinh viên “học để biết” mà còn “học để làm, để sáng tạo và dẫn đầu” trong thời đại công nghệ.

Trinh Ngoc Nga.JPG
Bạn Trịnh Ngọc Nga - sinh viên năm đầu chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu (ngành Khoa học máy tính), Đại học Phenikaa. (Ảnh: NVCC)

Theo bạn Trịnh Ngọc Nga, trí tuệ nhân tạo không chỉ là một lĩnh vực “hot” – mà là tương lai. Cơ hội việc làm trong ngành này rộng mở, nhưng không dành cho những ai chỉ đứng ngoài quan sát. Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, chỉ những người thật sự giỏi và khác biệt mới có thể nắm bắt được cơ hội lớn.

“Sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo không thể dừng lại ở việc nắm lý thuyết. Họ cần thành thạo lập trình, làm chủ các mô hình học máy và, quan trọng hơn, biết cách ứng dụng AI để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, kỹ năng kỹ thuật thôi chưa đủ. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh, sinh viên còn cần tư duy sáng tạo, khả năng phân tích dữ liệu sâu sắc và sự nhạy bén với những xu hướng công nghệ đang thay đổi từng ngày. AI không chờ đợi ai cả, hoặc bạn dẫn đầu, hoặc bạn bị bỏ lại phía sau”, bạn Trịnh Ngọc Nga cho hay.

Thúy Hiền