63% sinh viên tốt nghiệp diện cử tuyển ở Lạng Sơn chưa được bố trí việc làm

21/07/2022 06:47
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Gặp khó trong thu hồi học phí với đối tượng cử tuyển, Sở GD&ĐT Lạng Sơn kiến nghị cơ quan quản lý sớm ban hành văn bản hướng dẫn và quy định chế tài xử lý cụ thể.

Tỉ lệ sinh viên cử tuyển được tuyển dụng thấp

Tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, một số lãnh đạo Sở “than khó” về việc thu hồi học phí đối với đối tượng thuộc chính sách cử tuyển mà không thực hiện biên chế nhiệm sở như cam kết.

Tại Lạng Sơn, việc thu hồi học phí này cũng gặp không ít khó khăn. Theo báo cáo Kết quả thực hiện chế độ cử tuyển giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ngày 14/7/2022 đã đề cập đến những tồn tại trong việc thực hiện thu hồi học phí trên.

Theo đó, giai đoạn 2010-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện chính sách cử tuyển theo:

Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP;

Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 07/4/2008 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

Từ năm 2021 triển khai thực hiện chính sách cử tuyển theo Nghị định 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tuyển sinh đào tạo theo chế độ cử tuyển; hướng dẫn công tác tuyển sinh theo chế độ cử tuyển; chỉ đạo tuyên truyền công khai, rộng rãi về tiêu chuẩn, chỉ tiêu cử tuyển, chế độ, chính sách cử tuyển đến các xã thuộc vùng tuyển sinh để học sinh biết, làm hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện đề xuất chỉ tiêu đào tạo theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đăng ký nhu cầu, chỉ tiêu đào tạo cử tuyển với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong giai đoạn 2010-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cử 144 học sinh đi học theo chế độ cử tuyển tại các cơ sở đào tạo ở Thái Nguyên và Hà Nội.

Từ năm 2010 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ đã tiếp nhận 240 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường từ các cơ sở đào tạo, trong đó tiếp nhận và bố trí, xét tuyển vào vị trí việc làm đối với 89 sinh viên, đạt 37%, còn 151 sinh viên chưa có việc làm, chiếm 63%.

Thống kê kết quả thực hiện chế độ cử tuyển vào các cơ sở đào tạo giai đoạn 2010-2021. (Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn).

Thống kê kết quả thực hiện chế độ cử tuyển vào các cơ sở đào tạo giai đoạn 2010-2021. (Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn).

Trong báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn nêu rõ việc sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm do những nguyên nhân sau: “Sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường có trình độ, chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu về trình độ, văn bằng, chứng chỉ, chuyên ngành của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Bên cạnh đó, số sinh viên cử tuyển theo học các nhóm ngành kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn có nhu cầu tuyển dụng hiện nay rất ít.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT, sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng không qua thi vào công chức, viên chức, tuy nhiên do chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng. Đồng thời, do chủ trương tinh giản biên chế nên số biên chế để thực hiện tuyển dụng mới rất ít dẫn đến tỉ lệ sinh viên cử tuyển được tuyển dụng vào công chức, viên chức thấp”.

Nhiêu khê trong công tác cử tuyển và thu hồi học phí

Cũng theo báo cáo này, trong quá trình triển khai thực hiện công tác cử tuyển tại tỉnh Lạng Sơn, vẫn còn những tồn tại một số hạn chế như: Việc phối, kết hợp giữa các tỉnh và các trường đại học trong công tác quản lý quá trình đào tạo sinh viên cử tuyển chưa thật kịp thời, chặt chẽ.

Chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, hơn nữa, trong quá trình đào tạo, một số trường còn ưu tiên, hạ thấp yêu cầu đối với học sinh cử tuyển.

Thông tin về chất lượng sinh viên cử tuyển tại các trường chưa kịp thời cập nhật, thông báo về tỉnh. Do đó, một số sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường, năng lực chuyên môn còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc được giao.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hoàng Ngọc Quỳnh (Chuyên viên chính Phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh không bố trí được việc làm thì không phải bồi hoàn học phí đào tạo; sinh viên cử tuyển ra trường nhưng do hoàn cảnh gia đình (xây dựng gia đình) không trở lại tỉnh công tác thì đều có đơn xin rút hồ sơ và đền bù học phí theo quy định.

Bà Hoàng Ngọc Quỳnh (Chuyên viên chính Phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn). (Ảnh: NVCC).

Bà Hoàng Ngọc Quỳnh (Chuyên viên chính Phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn). (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, đối với những sinh viên cử tuyển do học lực yếu không ra trường được hoặc bị đuổi học do vi phạm nội quy nhà trường, Lạng Sơn không thu hồi được học phí do các em không trở về địa phương, không đến nhận lại hồ sơ.

Thêm nữa, do điều kiện kinh tế khó khăn và mức thu nhập thấp của gia đình các đối tượng cử tuyển nên khả năng hoàn trả gần như không thể thực hiện được.

Từ năm 2019 đến nay, số sinh viên cử tuyển do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành quyết định thu hồi học bổng và kinh phí đào tạo là 04 sinh viên có quyết định buộc thôi học của cơ sở đào tạo, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện thu hồi học bổng và kinh phí đào tạo của các đối tượng này được trên 52% tổng số kinh phí phải thu hồi”.

Bày tỏ về khó khăn trong việc thu hồi học phí đối với các đối tượng này, bà Hoàng Ngọc Quỳnh chia sẻ: “Việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo đối với sinh viên cử tuyển đã có những quy định cụ thể tại Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo đối với các đối tượng thuộc chính sách cử tuyển không thực hiện như cam kết.

Những khó khăn còn tồn tại trong thực tiễn triển khai là do chưa có những hướng dẫn cụ thể việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo để thống nhất thực hiện, Nghị định 141/2020/NĐ-CP không quy định chế tài cụ thể để xử lý khi vướng mắc trong việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo”.

Chính vì vậy, vị này cho hay: “Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kiến nghị với cơ quan quản lý, sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo để thống nhất thực hiện.

Bên cạnh đó, cần quy định chế tài cụ thể để xử lý khi vướng mắc trong việc thu hồi học bổng, chi phí đào tạo”.

Về vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở đào tạo điều chỉnh quy trình đào tạo sinh viên cử tuyển theo hướng kéo dài thời gian học dự bị, tổ chức kiểm tra, sát hạch sau khi hết thời gian học dự bị và chỉ tuyển những học sinh đạt yêu cầu, những học sinh không đạt yêu cầu thì hạ thấp trình độ đào tạo hoặc chuyển sang đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của các tỉnh.

Trong quá trình đào tạo, cơ sở đào tạo tiếp tục sàng lọc để chất lượng đào tạo sinh viên cử tuyển phải tương đương với chất lượng sinh viên đào tạo chính quy.

Ngân Chi