Tiến sĩ Bùi Minh Thu, Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai là một trong 135 điều dưỡng viên tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2023.
Ngoài ra cô Thu còn nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế; Tổng hội Y học Việt Nam; Hội điều dưỡng Việt Nam; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Công đoàn y tế Việt Nam;
Hơn 30 năm gắn bó với công tác điều dưỡng
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cơ duyên theo đuổi ngành Điều dưỡng, Tiến sĩ Bùi Minh Thu cho biết cô được truyền cảm hứng từ mẹ của mình, một nhân viên y tế luôn tận tâm và đầy trách nhiệm với nghề.
“Thời còn đi học, tôi rất thích tham gia các hoạt động nhóm và thường đảm nhận vai trò dẫn dắt. Từ tiểu học đến trung học, tôi luôn là lớp trưởng hoặc lớp phó. Điều này mang lại cho tôi niềm vui khi được tham gia công việc chung và giúp đỡ mọi người.
Ngoài ra, mẹ tôi làm ở bệnh viện, trong môi trường đó, tôi thường được gặp các bác sĩ, điều dưỡng và dược sĩ. Các cô chú tận tâm, tốt bụng và thành công trong sự nghiệp chăm sóc người bệnh, hình ảnh đó đã tác động sâu sắc đến tôi trong việc chọn lựa con đường sự nghiệp là điều dưỡng”.
Sau khi học hết lớp 12, Bùi Minh Thu thi vào Trường Trung cấp Y tế Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp năm 1992, cô bắt đầu công tác tại Bệnh viện Bạch Mai và nhận nhiệm vụ tại phòng cấp cứu Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).
Nhớ lại những ngày đầu chập chững bước vào nghề, cô Thu không khỏi xúc động: “Khi ấy, tôi làm việc trong phòng cấp cứu, nơi tiếp nhận các bệnh nhân mắc những bệnh truyền nhiễm nặng như uốn ván, viêm gan, sốt rét, HIV/AIDS, bạch hầu, sốt xuất huyết và tiêu chảy cấp. Công việc điều dưỡng tại phòng cấp cứu đặc biệt yêu cầu chuyên môn cao và tinh thần cống hiến không ngừng”.
Trong suốt nhiều năm tháng gắn bó với ngành Điều dưỡng, cô Thu không thể quên những ngày cùng đồng nghiệp chiến đấu đẩy lùi hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm.
“Tôi và đồng nghiệp đã phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đại dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Lúc đó, tôi là một trong những điều dưỡng viên trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân nhiễm SARS.
Đại dịch này đã làm rung chuyển toàn thế giới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và chúng tôi không chỉ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao mà còn phải đối mặt với sự kỳ thị nặng nề từ xã hội. Cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế như chúng tôi đều bị coi là nguồn lây nhiễm”.
Vào thời điểm đó, cô Thu đã có hai con nhỏ nên ngoài công việc ở bệnh viện cô còn có trách nhiệm với gia đình, chăm sóc các con. Tuy nhiên, vượt qua nỗi lo về dịch bệnh và sự xa lánh, cô và các đồng nghiệp đã kiên cường chiến đấu. Sau khi dịch SARS qua đi, cô tiếp tục tham gia điều trị các bệnh nhân cúm A/H5N1 và nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Trải qua những lần chiến đấu với các đại dịch như vậy đã giúp cô thêm thấu hiểu sự hy sinh và áp lực của nghề. Từ đó, nữ điều dưỡng cũng tiếp thêm động lực gắn bó với nghề nghiệp mà bản thân lựa chọn.
Năm 2006, sau khi Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới tách ra khỏi Bệnh viện Bạch Mai, Tiến sĩ Bùi Minh Thu làm việc tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai (hiện là Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai) trong vai trò là điều dưỡng trưởng.
Trong thời gian công tác tại khoa Truyền nhiễm, cô cùng các đồng nghiệp, bao gồm bác sĩ và điều dưỡng đã tham gia xây dựng và phát triển khoa.
Cô Minh Thu nhớ lại: “Thời điểm đó, chúng tôi không chỉ tập trung vào công tác chuyên môn mà còn phải đối mặt với những thách thức từ các dịch bệnh nguy hiểm.
Một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất là dịch Tiêu chảy cấp (còn gọi là dịch Tả), bùng phát mạnh mẽ tại Hà Nội. Tôi cùng đồng nghiệp trực tiếp tiếp nhận ca bệnh đầu tiên của thành phố được chuyển đến khoa Truyền nhiễm. Bệnh nhân khi nhập viện đã trong tình trạng nguy kịch.
Trong tình huống cấp bách đó, chúng tôi phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Trong quá trình công tác tại bệnh viện, chúng tôi tiếp tục phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm, như dịch cúm A/H5N1 và sốt xuất huyết. Đặc biệt, có nhiều ca sốt xuất huyết nặng từ các tỉnh phía Bắc và khu vực Hà Nội.
Bên cạnh đó, cô Thu cũng cùng đồng nghiệp xây dựng và phát triển khoa, đồng thời tham gia trực tiếp vào việc chăm sóc và tư vấn cho các bệnh nhân HIV/AIDS.
Trong giai đoạn 2011-2020, Tiến sĩ Bùi Minh Thu đảm nhận vai trò Trưởng phòng Điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai. Cô chia sẻ: “Trong 10 năm nhận nhiệm vụ là Trưởng phòng Điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã cùng tập thể điều dưỡng của bệnh viện triển khai chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, tổ chức nhiều hội nghị khoa học quy mô trong nước và quốc tế, cũng như tham gia đào tạo, hỗ trợ công tác điều dưỡng cho các bệnh viện tuyến dưới tại khu vực miền Bắc và miền Trung”.
Truyền lửa cho sinh viên điều dưỡng về khát vọng phục vụ cộng đồng
Bên cạnh công tác chuyên môn ở Bệnh viện Bạch Mai, cô Thu còn là một nhà giáo đào tạo nhiều thế hệ sinh viên điều dưỡng. Trong đó, kỷ niệm khiến cô nhớ nhất là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Cô cùng các điều dưỡng viên, giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đến tỉnh Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Bùi Minh Thu chia sẻ về những ngày tháng không thể nào quên khi cô cùng 825 giảng viên và sinh viên lên đường hỗ trợ xét nghiệm và chăm sóc bệnh nhân tại 10 quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh.
“Dưới cái nắng gay gắt, các giảng viên và sinh viên phải làm việc trong những bộ đồ bảo hộ kín mít hỗ trợ người dân lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều người kiệt sức, thậm chí ngất xỉu do mất nước. Dù ca làm kéo dài tới 6 tiếng trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, các em sinh viên vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ, không ai bỏ cuộc”, cô Thu nhớ lại.
Không chỉ vậy, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh, khiến không ít phụ huynh lo lắng. Điều này tạo áp lực lớn cho cả ban quản lý và đội ngũ giảng viên. Trong vai trò quản lý và giám sát, Tiến sĩ Bùi Minh Thu không ngừng kiểm tra, đảm bảo sinh viên tuân thủ các quy định phòng dịch. Cô liên tục di chuyển qua nhiều phường, phối hợp với các thầy cô để nắm bắt tình hình và điều chỉnh công việc khi cần thiết.
“Áp lực không chỉ đến từ việc phải đảm bảo an toàn cho sinh viên mà còn từ việc hoàn thành chỉ tiêu xét nghiệm mà các địa phương giao phó. Chúng tôi không được phép lơ là trong công tác điều hành và giám sát”, Tiến sĩ Bùi Minh Thu chia sẻ.
Một trong những khoảnh khắc khó khăn mà cô Thu nhớ nhất là khi sinh viên đầu tiên của đoàn nhiễm Covid-19 tại quận 4. Ngay lập tức, cô có mặt, động viên, trấn an các em và đưa sinh viên vào Bệnh viện dã chiến. Dù không thể trực tiếp chăm sóc nhưng cô luôn giữ liên lạc hàng ngày để giúp các em ổn định tâm lý.
“Nhiều bậc cha mẹ đã bật khóc vì lo lắng cho con. Nhưng chúng tôi luôn cam kết rằng các em sẽ được chăm sóc đầy đủ và an toàn bởi đội ngũ y tế chuyên nghiệp thay mặt bố mẹ chăm sóc các con”, cô Thu nói.
Tiến sĩ Bùi Minh Thu nhớ lại, trong suốt thời gian tham gia chống dịch, cô đã trải qua nhiều đêm không ngủ, liên tục nhận các cuộc gọi từ phụ huynh hỏi về con của họ. Cô không chỉ hỗ trợ tinh thần mà còn trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch, từ quản lý sinh viên tại 10 quận, huyện đến giám sát việc lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Cô cũng yêu cầu sinh viên tuân thủ các quy định 5K trong sinh hoạt, ăn uống để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực, Tiến sĩ Bùi Minh Thu vẫn không ngừng tìm kiếm giải pháp cải thiện, đồng thời lãnh đạo từ xa qua các cuộc họp trực tuyến, điều chỉnh chiến lược và rút kinh nghiệm. Với vai trò người dẫn dắt, Tiến sĩ Bùi Minh Thu không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình mà còn là truyền lửa cho sinh viên và đồng nghiệp, khẳng định vị thế quan trọng của người điều dưỡng trong thời kỳ đầy thử thách, cam go.
“Khi tiếp xúc chăm sóc bệnh nhân nặng, họ như cầu xin sự giúp đỡ để vượt qua cơn nguy kịch. Tôi đã chứng kiến những bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần và trở về từ bệnh viện trong những buổi lễ xuất viện. Khoảnh khắc bệnh nhân khỏi và trở về khiến tôi tự hào và hạnh phúc. Dù nụ cười của họ có phần nhợt nhạt do cơn đau, tôi vẫn cảm thấy vui vì đã góp phần mang lại hy vọng cho họ.
Dù công việc trong ngành điều dưỡng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần và cuộc sống cá nhân của tôi, nhưng những thử thách này đã trở thành động lực để tôi kiên trì theo đuổi sự nghiệp. Những khó khăn trong công việc đã giúp tôi nhận ra giá trị của sự cống hiến và khát vọng phục vụ cộng đồng, từ đó tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ”, cô Thu xúc động nói.
Để giúp bệnh nhân, trước hết phải có trái tim và tấm lòng chân thành
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, Tiến sĩ Bùi Minh Thu đã có nhiều đóng góp cho công tác điều dưỡng cũng như giáo dục. Cô đã 2 lần nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; trên 10 lần nhận bằng khen của Bộ Y tế và bằng khen của Tổng hội Y học Việt Nam; Hội điều dưỡng Việt Nam; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Công đoàn y tế Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam…
Đặc biệt, Tiến sĩ Bùi Minh Thu là một trong 51 nữ trí thức tiêu biểu ngành Y được tôn vinh giai đoạn 2019-2022; trí thức tiêu biểu của Tổng hội Y học Việt Nam lần thứ 3; giải thưởng Đặng Văn Chung 2021,2023.
Tiến sĩ Bùi Minh Thu khẳng định: “Để giúp người bệnh, trước hết phải có trái tim và tấm lòng chân thành. Nếu chỉ nói mà không thực sự quan tâm và đối mặt với khó khăn, nguy hiểm, chúng ta sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình.
Nếu trong đại dịch chúng tôi sợ hãi và tìm lý do để không đến bệnh viện, thì đó là một thất bại. Khi người bệnh cần sự giúp đỡ, chúng tôi không thể né tránh. Điều quan trọng là người điều dưỡng phải có kiến thức và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và hoàn thành sứ mệnh chăm sóc của mình”.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai nhấn mạnh, vai trò của ngành Điều dưỡng ngày càng trở nên quan trọng trong hệ thống y tế, đặc biệt được thể hiện qua những lần dịch bệnh bùng phát như đại dịch như Covid-19. Đồng thời, điều dưỡng không chỉ đảm nhận công việc chuyên môn mà còn tham gia tích cực trong các hoạt động đào tạo, phát triển chính sách, nghiên cứu khoa học.
Trong bối cảnh hệ thống y tế ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ, điều dưỡng viên không chỉ đóng vai trò chăm sóc mà còn là người hướng dẫn, đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình khám và điều trị. Sự tận tụy và trách nhiệm của điều dưỡng thể hiện qua việc chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh, giúp người bệnh nắm bắt kiến thức về phòng và điều trị bệnh, rút ngắn thời gian nằm viện, đồng thời tự kiểm soát bệnh tật khi trở về nhà.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xã hội phát triển, điều dưỡng viên còn tham gia vào các chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe, tổ chức câu lạc bộ, và xây dựng quy trình chăm sóc. Sự gần gũi giữa điều dưỡng và người bệnh giúp người bệnh cảm thấy an tâm hơn và hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình.
Ngành điều dưỡng không chỉ đòi hỏi sự cống hiến thầm lặng mà mỗi điều dưỡng viên cần không ngừng nâng cao các mặt chuyên môn và kỹ năng mềm. Các chương trình đào tạo hiện nay luôn hướng đến việc không chỉ nâng cao kiến thức y khoa mà còn phát triển các kỹ năng giao tiếp, ứng xử và tâm lý, nhằm mang lại chất lượng chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Sự kết hợp giữa kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng để điều dưỡng viên có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc y tế hiện đại.
Những đóng góp to lớn của ngành điều dưỡng, đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng y tế, đã được xã hội công nhận. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều thách thức về chế độ đãi ngộ và lương thưởng cho điều dưỡng viên. Mặc dù Chính phủ đã có những điều chỉnh về hệ số lương và chính sách phụ cấp, nhưng mức thu nhập hiện tại vẫn chưa thực sự tương xứng với công sức và cống hiến của họ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trong tương lai, việc tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển các chương trình giáo dục tiên tiến và cải tiến chính sách đãi ngộ cho điều dưỡng viên sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển ngành điều dưỡng, góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống y tế Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 34 năm thành lập ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990 - 26/10/2024), Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cũng nhắn gửi tới các thế hệ sinh viên theo đuổi ngành Điều dưỡng: “Là sinh viên ngành Điều dưỡng, việc chọn lựa ngành học đã là một minh chứng cho sự quyết tâm và trách nhiệm của bản thân các em. Hãy tự hào về con đường mà bản thân đã chọn, vì điều dưỡng không chỉ là một nghề nghiệp mà còn là một sứ mệnh cao cả. Trong quá trình học tập và thực hành, các em sẽ đối mặt với không ít thách thức, từ những tình huống khẩn cấp cho đến các ca bệnh phức tạp. Nhưng chính những khó khăn đó sẽ giúp các em rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng và phẩm chất cần có của một điều dưỡng viên.
Hãy mạnh dạn tham gia các hoạt động vì cộng đồng, các chương trình tình nguyện, chăm sóc bệnh nhân và các câu lạc bộ để nâng cao kỹ năng mềm. Những trải nghiệm này sẽ là nền tảng vững chắc để sau khi tốt nghiệp, các em không chỉ là những điều dưỡng viên có chuyên môn vững vàng, mà còn là những người biết thấu hiểu, đồng cảm và làm việc bằng cả trái tim”.