Điều dưỡng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong các cơ sở y tế, có nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, phân loại, cấp cứu ban đầu… và phối hợp với bác sĩ trong điều trị, chăm sóc, trực tiếp theo dõi hàng ngày, hàng giờ với người bệnh. Chính sự chuyên tâm, tận tụy, ân cần và những hy sinh thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng đã góp phần làm tăng hiệu quả điều trị, giảm bớt sự đau đớn cho người bệnh, tạo nên uy tín cho mỗi cơ sở y tế.
Ngày 26/10/1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập, nay là Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam. Kể từ đó ngày 26/10 hằng năm được lấy là ngày Điều dưỡng Việt Nam nhằm tôn vinh các cán bộ, nhân viên y tế tham gia vào công tác điều dưỡng trên cả nước.
Nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990 - 26/10/2024), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với các cán bộ y tế, Bác sĩ, Điều dưỡng tại Bệnh viện Mặt Trời (trực thuộc Tập đoàn Sun Group) để có thêm góc nhìn về công việc thầm lặng mà đầy ý nghĩa này.
Điều dưỡng là bộ phận sống còn của hệ thống y tế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Dũng - Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Mặt Trời, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết: “Điều dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống y tế. Năm 2020, trong báo cáo về tình trạng điều dưỡng toàn cầu của WHO đã đưa ra nhận định ‘Điều dưỡng là một bộ phận sống còn (Vital part) của Hệ thống y tế’.
Trong tất cả các hệ thống y tế toàn cầu, điều dưỡng luôn có lực lượng cán bộ y tế đông nhất (59%). Theo Niên giám Thống kê Y tế 2020, Bộ Y tế công bố tỷ lệ Điều dưỡng chiếm (39%) nhân lực toàn ngành Y tế. Nếu tính cán bộ y tế làm việc trực tiếp với người bệnh, điều dưỡng chiếm gần 60% và có mặt ở khắp nơi của hệ thống y tế.
Nghiên cứu của WHO công bố 88% thời gian người bệnh của khoa chăm sóc tích cực (ICU) được tiếp xúc với nhân viên y tế là điều dưỡng. Nhiều học giả cũng nêu quan điểm khẳng định ý nghĩa quan trọng của công tác điều dưỡng: “Không có bác sĩ thì không có người bệnh - không có điều dưỡng thì không có bệnh viện” bởi dịch vụ điều dưỡng có mặt 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần”.
Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Dũng, năm 2024 Hội đồng điều dưỡng thế giới lấy chủ đề “Our Nurses. Our future - Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta” để nhấn mạnh và làm sâu sắc thêm tầm quan trọng của ngành điều dưỡng hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên, nhân lực điều dưỡng đang trở nên khan hiếm ở tất cả các quốc gia. Nước ta là 1 trong các quốc gia có tỷ lệ điều dưỡng/ vạn dân thuộc nhóm thấp nhất, mới bằng 1/8 các quốc gia phát triển. Thiếu điều dưỡng, người bệnh là người chịu thiệt thòi nhất. Chính vì vậy, phát triển nhân lực ngành điều dưỡng là phát triển tương lai của đất nước.
Trong khi đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Việt Hà, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và đột quỵ, phụ trách khối nội Bệnh viện Mặt Trời khẳng định: Điều dưỡng là người chăm sóc tích cực nhất cho người bệnh trong quá trình điều trị bệnh và là người trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện và dành nhiều thời gian cho người bệnh hơn là các bác sĩ. Bởi vì bác sĩ có thể một ngày chỉ gặp người bệnh 1-2 lần, mỗi lần chỉ khoảng 15-20 phút nhưng điều dưỡng mỗi ngày đều ở bên cạnh người bệnh, chăm sóc, giúp người bệnh tập đi, tập đứng, thậm chí là thay quần áo, hỗ trợ ăn uống... Hiệu quả điều trị của người bệnh chiếm khoảng 30-70% nhờ việc chăm sóc trong bệnh viện, đặc biệt là khoa hồi sức mà vai trò chính là điều dưỡng.
Bên cạnh đó, điều dưỡng cũng góp phần rất quan trọng trong việc đánh giá, theo dõi cũng như thực hiện y lệnh của bác sĩ và nắm bắt tâm tư, tâm lý của người bệnh. Từ đó có sự phối hợp với bác sĩ để điều chỉnh cho phù hợp.
Không chỉ vậy, điều dưỡng cũng là lực lượng phối hợp quan trọng với các bác sĩ dinh dưỡng để chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho người bệnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Mặt Trời: Thông tư 18/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện như sau: người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú cần được sàng lọc yếu tố nguy cơ dinh dưỡng để từ đó được tư vấn và chỉ định chế độ dinh dưỡng bệnh lý phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý của người bệnh.
"Ở Bệnh viện Mặt Trời, chúng tôi thành lập nhóm hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh bao gồm: Bác sĩ dinh dưỡng, cử nhân dinh dưỡng, bác sĩ điều trị, điều dưỡng, dược lâm sàng và phục hồi chức năng. Tất cả người bệnh khi nhập viện đều được sàng lọc yếu tố nguy cơ dinh dưỡng, điều dưỡng và bác sĩ là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này ở các khoa điều trị.
Sau khi sàng lọc yếu tố nguy cơ dinh dưỡng, nếu người bệnh không có nguy cơ dinh dưỡng sẽ được chỉ định chế độ ăn và được sàng lọc lại sau 7 ngày, nếu người bệnh có nguy cơ dinh dưỡng, hay có nhiều bệnh phối hợp, hoặc nhập viện ở khoa hồi sức tích cực đều được nhóm hỗ trợ dinh dưỡng của bệnh viện đánh giá tình trạng dinh dưỡng, các chỉ số sinh hóa, xây dựng các kế hoạch can thiệp dinh dưỡng cá thể. Các khách hàng đến Bệnh viện Mặt Trời khám sức khỏe tổng quát, khám bệnh ngoại trú nếu bị thiếu năng lượng trường diễn, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì hoặc có các rối loạn chuyển hóa đều được tư vấn dinh dưỡng miễn phí nếu có nhu cầu", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, ở Bệnh viện Mặt Trời, tiêu chuẩn bếp ăn là tiêu chuẩn của khách sạn 5 sao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Quy trình bếp ăn một chiều với các trang thiết bị hiện đại nhất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người bệnh. Bệnh viện có các phòng riêng để sơ chế rau, thịt, thủy hải sản và các phòng chế biến khác. Nhân viên bếp được tập huấn về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm để hiểu được các nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho từng loại bệnh để từ đó họ có thể phối hợp cùng khoa dinh dưỡng sáng tạo ra các món ăn vừa ngon miệng, hấp dẫn nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu về dinh dưỡng điều trị, dễ hấp thu.
Đặc điểm của người bệnh khi nằm viện là khẩu vị ăn sẽ kém đi, mệt mỏi, chán ăn trong khi nhu cầu năng lượng, nhu cầu chất đạm và các chất dinh dưỡng lại tăng do tình trạng bệnh. Vì vậy việc nghiên cứu về các món ăn phù hợp cũng được các đầu bếp rất quan tâm và đầu tư nghiên cứu.
"Chúng tôi có các buổi nấu thử thực đơn để đánh giá lại sự phối hợp các món ăn, các thực phẩm đã phù hợp chưa và luôn luôn điều chỉnh để sao cho có thể phục vụ các món ăn phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của người bệnh. Ở Bệnh viện Mặt Trời với tiêu chí người bệnh là trung tâm nên việc theo dõi, hỗ trợ người bệnh ăn uống hàng ngày cũng được điều dưỡng thực hiện rất cẩn thận, chu đáo và tận tình, điều dưỡng động viên người bệnh ăn, theo dõi lượng ăn, nếu lượng ăn quá ít chưa đáp ứng nhu cầu khuyến nghị do tình trạng mệt và bệnh tật thì người bệnh sẽ được bổ sung thêm vào bữa phụ sau đó bằng các sản phẩm dinh dưỡng phù hợp.
Công tác giáo dục dinh dưỡng cho người bệnh cũng rất quan trọng đảm bảo sau khi ra viện sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng vẫn tiếp tục được cải thiện: Ở bệnh viện đã có những người bệnh bị đái tháo đường nhiều năm, bị sụt cân gầy yếu do không dám ăn cơm vì sợ tăng đường máu, chúng tôi đã tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh về chế độ ăn và định lượng thực phẩm của thực đơn để người bệnh có thể áp dụng sau khi ra viện. Hoặc có những trường hợp người bệnh vừa bị đái tháo đường vừa bị suy thận thì cũng cần tuân thủ chế độ ăn điều trị rất nghiêm ngặt để tránh tình trạng suy thận sẽ trầm trọng hơn. Việc tư vấn dinh dưỡng không chỉ giúp người bệnh tuân thủ chế độ dinh dưỡng điều trị tại bệnh viện mà còn giúp người bệnh có hiểu và áp dụng thực đơn sau khi ra viện.
Là lực lượng nòng cốt trong nhóm hỗ trợ dinh dưỡng của bệnh viện, điều dưỡng chính là người hỗ trợ người bệnh nhiều nhất trong chăm sóc và ăn uống hàng ngày. Điều dưỡng cũng là người trực tiếp theo dõi, đánh giá tình trạng ăn uống của người bệnh để bác sĩ dinh dưỡng có những điều chỉnh kịp thời giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe và đáp ứng điều trị tốt nhất", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung thông tin.
Yêu cầu về công tác điều dưỡng tại Bệnh viện Mặt Trời
Chia sẻ về yêu cầu của công tác điều dưỡng tại Bệnh viện Mặt Trời, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Việt Hà cho biết: Phương châm của Bệnh viện Mặt Trời cũng như của Tập đoàn Sun Group là lấy người bệnh làm trung tâm, mang lại giá trị trải nghiệm cho người bệnh khi điều trị tại bệnh viện. Trong đó, tập trung vào trải nghiệm của ba đối tượng: Thứ nhất là người bệnh (khách hàng), thứ hai là thân nhân của khách hàng và thứ ba là bạn bè, đồng nghiệp. Khi đồng nghiệp cảm thấy thoải mái thì sẽ cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Và việc lấy người bệnh làm trung tâm được thể hiện bằng cách mọi hoạt động của bệnh viện đều xoay quanh người bệnh.
“Tất cả các hoạt động như thăm khám, chăm sóc, lấy các thông tin, thậm chí siêu âm hay khám bệnh đều có thể khám ngay tại chỗ. người bệnh không phải di chuyển quá nhiều để xếp hàng hoặc giảm thiểu tối đa việc người bệnh phải chờ đợi. Nếu khách hàng được hẹn lịch 7h thì đúng 7h khách hàng tới đã có người đón và luôn luôn có người đi cùng để hỗ trợ khách hàng trong quá trình thăm khám.
Trong quá trình chăm sóc nội trú chúng tôi lấy những nhu cầu của người bệnh cũng như gia đình người bệnh làm trung tâm, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến chăm sóc, điều dưỡng. Tiêu chuẩn Bệnh viện mô hình khách sạn là một trong những tiêu chuẩn để người bệnh có thể thoải mái nhất và ít cảm giác ở trong bệnh viện nhất. Như vậy họ sẽ không còn lo lắng phải trải nghiệm cảm giác lúc nào cũng ngửi thấy mùi thuốc kháng sinh. Đó là cảm giác mà rất nhiều người không thích ở bệnh viện. Nhưng tại Bệnh viện Mặt Trời, mặc dù là bệnh viện nhưng người bệnh sẽ được trải nghiệm cảm giác như ở nhà, thậm chí là như ở khách sạn 5 sao.
Ngoài ra, kế hoạch chăm sóc người bệnh được đặt ra hàng ngày, được thảo luận kỹ giữa bác sĩ điều trị, bác sĩ trưởng nhóm chuyên ngành với nhau và các bác sĩ dinh dưỡng, các điều dưỡng và kể cả vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cũng như dược lâm sàng sẽ lên kế hoạch chu đáo, cẩn thận nhất và tiếp cận với nhiều phương diện nhất, đa chuyên khoa nhất để làm sao giảm thiểu tất cả những tác động xấu tới người bệnh.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Việt Hà cũng cho biết thêm, tiêu chuẩn của điều dưỡng ở Bệnh viện Mặt Trời được tuyển chọn rất khắt khe. Đồng thời, số lượng điều dưỡng/người bệnh được bố trí phù hợp để các điều dưỡng không bị quá tải.
“Ví dụ ở một bệnh viện công, 1 đêm trực có 80 người bệnh thì chỉ có khoảng 2 điều dưỡng. Còn ở Bệnh viện Mặt Trời thì tiêu chuẩn 1 điều dưỡng chỉ chăm sóc 1-2 người bệnh. Thậm chí có thời điểm 3-5 điều dưỡng cùng chăm sóc 1 người bệnh nặng.
Ngoài ra, còn có tiêu chuẩn về mặt giao tiếp, văn hóa tạo ra sự gắn kết giữa bác sĩ, điều dưỡng với nhau. Ý kiến của bác sĩ đưa ra không phải là y lệnh bắt buộc điều dưỡng phải thực hiện mà hai bên cùng phải tương tác, lắng nghe nhau. Bác sĩ sẽ trao đổi với điều dưỡng hướng điều trị cũng như chăm sóc người bệnh và nhận lại từ điều dưỡng những phản hồi, góp ý cũng như phản ánh của người bệnh để điều chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Dũng nhấn mạnh, Bệnh viện Mặt Trời có triết lý dịch vụ là: “Khai mở con đường chăm sóc sức khỏe chủ động và toàn diện bằng dịch vụ từ trái tim và chuẩn mực đẳng cấp quốc tế, mang lại trải nghiệm an tâm và trọn vẹn cho khách hàng”.
Người bệnh và gia đình người bệnh là một thành viên của nhóm chăm sóc, họ được cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ về dịch vụ, lợi ích mang lại... sau đó sẽ cùng với nhân viên y tế quyết định lựa chọn loại hình dịch vụ chăm sóc mong muốn theo tiêu chuẩn của Bệnh viện Mặt Trời. Ngoài ra mô hình dịch vụ lấy khách hàng/người bệnh làm trung tâm còn được thể hiện thông qua mạng lưới dịch vụ chủ động tiếp cận sớm như: Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng, Vật lý trị liệu, Bảo hiểm... Đó là một mô hình mà bất kỳ hệ thống y tế nào cũng mong muốn có thể triển khai.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa bác sĩ dinh dưỡng và điều dưỡng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung khẳng định: Bác sĩ dinh dưỡng và điều dưỡng có sự khác biệt khá lớn. Bởi điều dưỡng là người chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ việc hỗ trợ người bệnh ăn uống, tắm rửa, tập đi đến việc tuyên truyền, động viên người bệnh.
Còn bác sĩ dinh dưỡng là người xây dựng các chế độ dinh dưỡng bệnh viện, trực tiếp đánh giá tình trạng người bệnh có suy dinh dưỡng hoặc có các bệnh phối hợp để xây dựng, can thiệp và phối hợp với điều dưỡng trong việc cung cấp suất ăn hợp lý. Hai vị trí này rất khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau rất nhiều. Bác sĩ dinh dưỡng rất cần sự phối hợp của điều dưỡng trong việc đánh giá, tư vấn, cho người bệnh ăn, đánh giá suất ăn, đánh giá đáp ứng của chế độ ăn.
Cần có thêm các chính sách hỗ trợ để điều dưỡng yên tâm công tác
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Dũng, tại Việt Nam, các chính sách dành cho điều dưỡng hiện chưa thực sự hấp dẫn để họ có thể dấn thân, làm quên mình, làm hết mình. Đó cũng là một thách thức lớn khiến điều dưỡng chưa thể tập trung tối đa cho việc học tập và phát triển năng lực của bản thân.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe do điều dưỡng cung cấp trực tiếp liên quan tới chất lượng khám chữa bệnh và an toàn của người bệnh, là xương sống của hệ thống dịch vụ y tế nhưng đầu tư cho lĩnh vực điều dưỡng chưa tương xứng đang phổ biến ở khắp mọi nơi và ở mọi cấp của hệ thống y tế, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc người bệnh. Điều đó khiến nhân lực ngành Điều dưỡng ngày càng thiếu hụt.
Vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách y tế cần tăng cường đầu tư cho điều dưỡng trong cả ba lĩnh vực: giáo dục, việc làm và trao quyền cho điều dưỡng tham gia vào hoạch định chính sách y tế. Việc này không chỉ nhằm tôn vinh mà còn định hình cho những bước đi tiếp theo của hệ thống y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng. Từ đó giúp điều dưỡng hiểu thêm sứ mệnh nghề nghiệp, giúp cộng đồng định hình rõ hơn về vai trò của điều dưỡng và đặc biệt cung cấp thông tin để Bộ Y tế và các nhà hoạch định chính sách y tế đưa ra những chính sách thiết thực tạo đòn bẩy cho ngành Điều dưỡng Việt Nam phát triển và hội nhập.
Trong khi đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Việt Hà cho rằng: “Hiện tại rất nhiều điều dưỡng nghĩ rằng mình đang chọn sai nghề, nghĩ rằng công việc điều dưỡng bị lép vế so với bác sĩ. Tuy nhiên, điều đầu tiên tôi muốn nói đến là vai trò của điều dưỡng càng ngày càng quan trọng trong các cơ sở y tế. Thứ hai để phát triển ngành điều dưỡng các bạn cần vững tay nghề, luôn luôn tin tưởng vào lựa chọn của mình và không ngừng học hỏi để hoàn thiện mọi kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là luôn đặt người bệnh làm trung tâm.
Khi tôi còn là học sinh lớp 12, tôi từng hỏi thầy giáo của mình sự khác biệt giữa bác sĩ và điều dưỡng là gì, câu trả lời của thầy khiến tôi nhớ mãi: “Bác sĩ là người dùng kiến thức và tài năng của mình để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Còn điều dưỡng là người sử dụng bàn tay và trái tim của mình để mang lại sức khỏe cũng như niềm tin đến với người bệnh”.
Nhân Ngày Điều dưỡng Việt Nam 26/10, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Việt Hà cũng dành lời khuyên cho các bạn trẻ mong muốn theo đuổi ngành Y nói chung và điều dưỡng nói riêng: “Khi theo đuổi ngành Y điều quan trọng nhất các bạn nên xác định là ngành này cần có sự hy sinh rất lớn. Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau là hy sinh cả tuổi thanh xuân. Riêng tôi chỉ tính thời gian học đã mất 10 năm, phải hy sinh cả các sở thích cá nhân thậm chí là cả thời gian bên gia đình.
Bác sĩ hay điều dưỡng nếu như người khác ốm thì có thể chăm sóc nhưng người thân trong gia đình ốm thì chưa chắc đã chăm sóc được. Tuy nhiên, mỗi nghề đều có giá trị xã hội nhất định, quan trọng là bản thân các bạn đam mê và quyết tâm theo đuổi thì sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc. Và khi đã tìm được niềm vui, nỗ lực hết mình thì dù bạn làm ở vị trí nào cũng sẽ có chỗ đứng nhất định trong xã hội”.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Dũng cũng dành lời khuyên cho các bạn trẻ mong muốn theo nghề điều dưỡng: “Trong tương lai gần, ngành Điều dưỡng sẽ là một trong những ngành trụ cột của đất nước khi mà tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh. Không có công việc nào của điều dưỡng được coi là nhỏ khi họ đem đến niềm vui, sức khỏe và trải nghiệm cho người bệnh.
Bên cạnh đó, người làm nghề điều dưỡng cần cân bằng nghĩa vụ với gia đình và nghĩa vụ nghề nghiệp cũng như duy trì sự yêu nghề. Vì sự yêu nghề luôn luôn tỷ lệ thuận với sự thành công và tỉ lệ thuận với niềm vui do nghề mang lại”.
Tọa lạc tại khu ngoại giao đoàn, phố Dương Văn An, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Bệnh viện Mặt Trời là bệnh viện đầu tiên thuộc Hệ thống y tế chất lượng cao SunGroup Healthcare do Sun Group đầu tư.
Bệnh viện có quy mô 12 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng diện tích sàn lên tới gần 30.000m2. Với cơ sở vật chất hiện đại, không gian tiện nghi được vận hành theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, sở hữu tới 2 phòng tổng thống, 2 căn hộ và 12 phòng tiêu chuẩn đặc biệt.
Hai phòng tổng thống của bệnh viện có nội thất sang trọng, đầy đủ phòng khách, phòng bệnh, phòng cho người thân tới chăm sóc. Ngoài đội ngũ bác sĩ chuyên môn, bảo vệ túc trực 24/24, mỗi phòng được trang bị thiết bị y tế cao cấp, đảm bảo hồi sức cấp cứu kịp thời và mọi điều kiện chăm sóc tối ưu nhất cho người bệnh nặng.
Đây cũng là bệnh viện có Trung tâm hồi sức cấp cứu và đột quỵ hiện đại bậc nhất Việt Nam, với đầy đủ trang thiết bị kĩ thuật cao về hô hấp - tuần hoàn, có thể đáp ứng yêu cầu hồi sức các bệnh lý nặng. Kết nối liên thông với phòng can thiệp tim mạch - mạch não và khu vực phẫu thuật, Trung tâm hồi sức cấp cứu và đột quỵ sẵn sàng điều trị can thiệp và phẫu thuật các bệnh lý cấp tính về mạch não, mạch vành, cũng như triển khai và hồi sức các phẫu thuật phức tạp khác.