Xếp loại hạnh kiểm HS đang qua rất nhiều bước nhưng GV lại không dám thẳng tay

05/04/2023 08:54
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi lần xếp loại hạnh kiểm học trò là mỗi lần giáo viên chủ nhiệm phải đắn đo, cân nhắc để vừa đảm bảo tính giáo dục nhưng phải vị tha, nhân ái.

Cuối năm học, ngoài việc xếp loại học lực cho học sinh thì việc quan trọng không kém là xếp loại hạnh kiểm (những lớp đang thực hiện chương trình 2006) và đánh giá kết quả rèn luyện (những lớp đang thực hiện chương trình 2018).

Việc xếp loại hạnh kiểm hay rèn luyện đối với những học sinh ngoan hiền không khó nhưng xét những em thường xuyên vi phạm nội quy của nhà trường luôn khiến cho nhiều thầy cô giáo chủ nhiệm đau đầu.

Một số học sinh vi phạm, không có động lực học tập, thường xuyên bị thầy cô giáo bộ môn nhắc nhở, ghi vào sổ đầu bài, làm bản kiểm điểm vì vào lớp không chịu học tập, chỉ quậy phá lớp, phá thầy cô và bạn bè. Thậm chí, một số em còn đánh nhau, gây gổ trong và ngoài nhà trường, vô lễ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn.

Nếu làm đúng quy trình với hướng dẫn của Bộ, của trường thì học sinh sẽ bị xếp loại hạnh kiểm, rèn luyện ở mức thấp sẽ phải rèn luyện trong hè và có thể phải ở lại lớp. Nếu làm không đúng, nương tay cho qua thì sang năm những em này có thể lại quậy phá tiếp.

Học sinh THCS và THPT đang thực hiện việc xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) theo Thông tư 58/2011 và Thông tư 22/2020 (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)

Học sinh THCS và THPT đang thực hiện việc xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) theo Thông tư 58/2011 và Thông tư 22/2020 (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)

Học sinh lớp 8, lớp 9, lớp 11, lớp 12 đang được thực hiện xếp hạnh kiểm bằng văn bản nào?

Đối với khối 8, lớp 9, lớp 11, lớp 12: Việc xét Hạnh kiểm học sinh căn cứ vào Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một điều của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Việc đánh giá hạnh kiểm học sinh được hướng dẫn: Đánh giá hạnh kiểm của học sinh căn cứ vào biểu hiện cụ thể về thái độ và hành vi đạo đức; ứng xử trong mối quan hệ với thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên, với gia đình, bạn bè và quan hệ xã hội; ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập; kết quả tham gia lao động, hoạt động tập thể của lớp, của trường và của xã hội; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

Kết quả nhận xét các biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh đối với nội dung dạy học môn Giáo dục công dân quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học cơ sở, cấp Trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hạnh kiểm được xếp thành 4 loại: Tốt; Khá; Trung bình; Yếu sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của học sinh.

Tại Điều 4. Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm được hướng dẫn như sau:

1. Loại tốt: a) Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội;

b) Luôn kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi; thương yêu và giúp đỡ các em nhỏ tuổi; có ý thức xây dựng tập thể, đoàn kết, được các bạn tin yêu;

c) Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; chăm lo giúp đỡ gia đình;

d) Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập;

đ) Tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

e) Tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hoạt động do nhà trường tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

g) Có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo nội dung môn Giáo dục công dân.

2. Loại khá: Thực hiện được những quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng chưa đạt đến mức độ của loại tốt; còn có thiếu sót nhưng kịp thời sửa chữa sau khi thầy giáo, cô giáo và các bạn góp ý.

3. Loại trung bình: Có một số khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng mức độ chưa nghiêm trọng; sau khi được nhắc nhở, giáo dục đã tiếp thu, sửa chữa nhưng tiến bộ còn chậm.

4. Loại yếu: Chưa đạt tiêu chuẩn xếp loại trung bình hoặc có một trong các khuyết điểm sau đây:

a) Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa;

b) Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác;

c) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi;

d) Đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội; vi phạm an toàn giao thông; gây thiệt hại tài sản công, tài sản của người khác.

Những học sinh bị xếp loại hạnh kiểm loại Yếu phải thực hiện việc rèn luyện trong hè. Điều 17, Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT hướng dẫn: Học sinh xếp loại học lực cả năm từ trung bình trở lên nhưng hạnh kiểm cả năm học xếp loại yếu thì phải rèn luyện thêm hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, hình thức rèn luyện do hiệu trưởng quy định.

Nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè được thông báo đến gia đình, chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi học sinh cư trú. Cuối kỳ nghỉ hè, nếu được Uỷ ban nhân dân cấp xã công nhận đã hoàn thành nhiệm vụ thì giáo viên chủ nhiệm đề nghị hiệu trưởng cho xếp loại lại về hạnh kiểm; nếu đạt loại trung bình thì được lên lớp.

Học sinh lớp 6, lớp 7, lớp 10 đang được đánh giá kết quả rèn luyện ra sao?

Đối với học sinh lớp 6, lớp 7 và lớp 10: Việc xét Hạnh kiểm học sinh căn cứ vào Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại Điều 8 của Thông tư số 22 hướng dẫn việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh như sau:

1. Căn cứ và tổ chức đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh

a) Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong Chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong Chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông.

b) Giáo viên môn học căn cứ quy định tại điểm a khoản này nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập môn học.

c) Giáo viên chủ nhiệm căn cứ quy định tại điểm a khoản này theo dõi quá trình rèn luyện và học tập của học sinh; tham khảo nhận xét, đánh giá của giáo viên môn học, thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giáo dục học sinh; hướng dẫn học sinh tự nhận xét; trên cơ sở đó nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo các mức quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học

Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

a) Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì

- Mức Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông và có nhiều biểu hiện nổi bật.

- Mức Khá: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông và có biểu hiện nổi bật nhưng chưa đạt được mức Tốt.

- Mức Đạt: Đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

- Mức Chưa đạt: Chưa đáp ứng được yêu cầu cần đạt về phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

b) Kết quả rèn luyện của học sinh cả năm học

- Mức Tốt: học kì II được đánh giá mức Tốt, học kì I được đánh giá từ mức Khá trở lên.

- Mức Khá: học kì II được đánh giá mức Khá, học kì I được đánh giá từ mức Đạt trở lên; học kì II được đánh giá mức Đạt, học kì I được đánh giá mức Tốt; học kì II được đánh giá mức Tốt, học kì I được đánh giá mức Đạt hoặc Chưa đạt.

- Mức Đạt: học kì II được đánh giá mức Đạt, học kì I được đánh giá mức Khá, Đạt hoặc Chưa đạt; học kì II được đánh giá mức Khá, học kì I được đánh giá mức Chưa đạt.

- Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Cũng theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì phải rèn luyện trong kì nghỉ hè. Hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè do Hiệu trưởng quy định.

Căn cứ vào hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè, giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ rèn luyện trong kì nghỉ hè cho học sinh và thông báo đến cha mẹ học sinh.

Cuối kì nghỉ hè, nếu nhiệm vụ rèn luyện được giáo viên chủ nhiệm đánh giá đã hoàn thành (có báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ rèn luyện có chữ kí xác nhận của cha mẹ học sinh) thì giáo viên chủ nhiệm đề nghị Hiệu trưởng cho đánh giá lại kết quả rèn luyện cả năm học của học sinh. Kết quả đánh giá lại được sử dụng thay thế cho kết quả rèn luyện cả năm học để xét lên lớp.

Quy trình xếp loại hạnh kiểm, rèn luyện của học sinh đang được thực hiện qua rất nhiều bước khác nhau

Từ hướng dẫn của các văn bản hiện hành, quy trình đánh giá xếp loại hạnh kiểm, rèn luyện của học sinh đang được thực hiện qua rất nhiều bước khác nhau.

Bước 1: Học sinh tự xếp loại và ý kiến của tập thể lớp; Bước 2: giáo viên chủ nhiệm dự kiến xếp loại học sinh; Bước 3: giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến giáo viên bộ môn; bộ phận ngoài giờ; Bước 4: Hội đồng xét hạnh kiểm (kết quả rèn luyện) thống nhất mức xếp loại;

Bước 5: Giáo viên chủ nhiệm thông báo kết quả xếp loại hạnh kiểm (kết quả rèn luyện) đến học sinh khi được Hiệu trưởng phê duyệt; Bước 6: Giáo viên chủ nhiệm nhập kết quả xếp loại hạnh kiểm (kết quả rèn luyện) của học sinh lên phần mềm điểm điện tử.

Chính vì các bước xếp loại trải qua nhiều bước như vậy nên những trường nếu hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn sẽ tạo cho học sinh một nền nếp nhất định và giúp cho học sinh trưởng thành hơn ở những năm tiếp theo. Ngược lại, nếu làm qua loa, hình thức sẽ khiến cho nhiều học sinh ngày càng xem thường chuyện học hành và rèn luyện trên lớp.

Thực tế cho thấy, một bộ phận học sinh ngày nay rất ngỗ ngược- nhất là những học sinh cuối cấp học, có những em vào lớp gần như chẳng học hành gì, thậm chí thách thức với thầy cô giáo. Giáo viên động viên, khích lệ cũng không nghe, nghiêm khắc càng không nhận được sự hợp tác của học trò.

Vì thế, mỗi lần xếp loại hạnh kiểm học trò trong lớp là mỗi lần giáo viên chủ nhiệm phải đắn đo, cân nhắc để vừa đảm bảo tính giáo dục nhưng vẫn thể hiện được tính vị tha, nhân văn với hy vọng học trò sẽ tiến bộ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG