Nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc xây dựng và mở rộng ký túc xá do thiếu quỹ đất, nguồn vốn và quy trình phê duyệt phức tạp. Điều 76 Luật Nhà ở 2023 quy định đối tượng học sinh, sinh viên đại học, học viện, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt, học sinh trường dân tộc nội trú công lập được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2023 chưa quy định rõ về việc phát triển nhà ở cho đối tượng học sinh, sinh viên thuộc diện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội là ký túc xá sinh viên được xây dựng bên trong hay ngoài khuôn viên nhà trường. Điều đó khiến các trường gặp khó khăn khi triển khai các dự án ký túc xá cho sinh viên.
Nhu cầu ở ký túc xá của sinh viên tăng, trường học khó đáp ứng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết, nhà trường hiện có 3 ký túc xá dành cho sinh viên, mỗi tòa 5 tầng với tổng sức chứa khoảng 1.500 sinh viên trên tổng số 7.000 sinh viên của trường.
“Năm học 2024-2025 trường có hơn 1.800 tân sinh viên đăng ký nhập học và số lượng sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá là khoảng 300 sinh viên; hiện trường đang có 1.200 sinh viên đang ở ký túc xá.
Do trường đại học nằm trên địa bàn tỉnh nên số lượng sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá không cao như các trường ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, trong 3 năm học gần đây, ký túc xá của nhà trường đã đáp ứng hầu hết nhu cầu chỗ ở cho sinh viên”, thầy Cang thông tin.
Đối với Trường Đại học Kiên Giang, theo thầy Cang, nếu tỷ lệ sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá tăng trong thời gian tới, nhà trường vẫn còn một số chỗ trống để đáp ứng. Tuy nhiên, nếu số chỗ trống này được lấp đầy, nhà trường gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn lực tài chính cho việc xây dựng ký túc xá mới, mặc dù quỹ đất trong khuôn viên trường vẫn còn dồi dào.
Trong khi đó, ông Đào Vũ - Giám đốc Trung tâm Nội trú, Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, ký túc xá của nhà trường hiện đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.000 sinh viên. Trong đó, số lượng sinh viên khóa mới nhập học ở ký túc xá dao động từ 450-470 sinh viên (mỗi phòng có từ 8-10 người).
Những năm trước đây, nhu cầu ở ký túc xá của sinh viên thường không cao và Trường Đại học Thủy lợi vẫn còn thừa một số phòng trống. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, do tình hình cháy nổ phức tạp nên nhu cầu ở ký túc xá của sinh viên đã tăng mạnh. Điều này khiến nhà trường không thể đáp ứng 100% nhu cầu về chỗ ở ký túc xá nên nhiều sinh viên buộc phải tìm thuê nhà trọ bên ngoài.
Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ông Vũ Lâm Tùng - Chuyên viên chính phòng Công tác sinh viên, phụ trách ký túc xá cơ sở Khoái Châu cho biết, tổng sức chứa của cả 2 cơ sở ký túc xá của nhà trường là 1.500 sinh viên, trong đó, số sinh viên toàn trường là gần 12.000 sinh viên.
Trong năm học 2024-2025, nhà trường đã đáp ứng chỗ ở cho 700 sinh viên năm nhất, trên tổng số 3.500 sinh viên có nhu cầu. Đối với khóa nhập học năm 2024, nhà trường chỉ có thể sắp xếp chỗ ở cho khoảng 400 sinh viên, trong khi có tới 700 sinh viên đăng ký. Hiện tại, nhà trường chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu chỗ ở nội trú cho sinh viên.
Cơ sở giáo dục khó xây mới hoặc nâng cấp ký túc xá do quy trình phức tạp
Hiện nay, nhiều trường đại học, đặc biệt là các trường nằm ở trung tâm các thành phố lớn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giải quyết chỗ ở cho sinh viên. Nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay không đáp ứng được nhu cầu chỗ ở ký túc xá cho sinh viên nên sẽ ưu tiên các bạn ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên khác dù không ở vùng sâu, vùng xa nhưng cũng có hoàn cảnh khó khăn không còn chỗ ở trong ký túc xá, buộc phải thuê nhà trọ bên ngoài với chi phí cao và điều kiện an ninh không đảm bảo. Trong khi đó, các trường đại học muốn triển khai dự án xây dựng ký túc xá lại gặp rất nhiều trở ngại về thủ tục và quy trình phê duyệt đề án.
“Theo tôi, khó khăn đầu tiên nằm ở việc bố trí quỹ đất, do diện tích đất tại các thành phố lớn rất hạn chế. Thêm vào đó, việc lựa chọn địa điểm xây dựng ký túc xá trong hay ngoài khuôn viên trường cũng là một thách thức lớn. Để xây dựng ký túc xá đáp ứng được số lượng sinh viên đông, cần tuân thủ những tiêu chuẩn xây dựng cụ thể, đảm bảo chất lượng và tiện ích cho sinh viên.
Thứ hai, việc vận hành ký túc xá cũng đặt ra nhiều thách thức cho các trường đại học công lập. Do quan điểm chung là ký túc xá nhằm hỗ trợ sinh viên nên mức phí sinh viên phải đóng thường khá thấp, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì và quản lý các hoạt động của ký túc xá một cách hiệu quả.
Đồng thời, khoản phí này thường chỉ đủ để trang trải công tác quản lý và cung cấp các dịch vụ cơ bản, trong khi chi phí bảo trì, duy tu và sửa chữa lại phụ thuộc vào ngân sách của trường hoặc cơ quan quản lý cấp trên. Đây cũng là một trong những lý do khiến việc xây dựng mới và nâng cấp ký túc xá gặp nhiều khó khăn", Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang bày tỏ.
Bên cạnh đó, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang, việc quản lý sinh viên ngoại trú cũng khó khăn hơn nhiều so với sinh viên nội trú. Quản lý sinh viên ngoại trú khiến các viên chức phải tốn nhiều thời gian và công sức để làm việc với địa phương nơi sinh viên cư trú, do đó, việc mở rộng thêm ký túc xá cho sinh viên là mong muốn của nhiều trường.
Hơn nữa, môi trường học tập trong ký túc xá thường tốt hơn vì có không gian và địa điểm phù hợp để sinh viên tập trung học tập. Sống cùng với các sinh viên khác cũng tạo thêm động lực và sự cạnh tranh lành mạnh. Trong khi đó, sinh viên thuê trọ bên ngoài thường đối mặt với môi trường không an toàn, phải sống chung với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, đôi khi chịu ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực.
Mặc dù các trường nhận thức rõ những ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và học tập của sinh viên khi phải ở ngoại trú nhưng việc xây mới ký túc xá vẫn là thách thức lớn.
Theo ông Vũ Lâm Tùng, một trong những rào cản khiến việc xây dựng, mở rộng ký túc xá sinh viên gặp khó khăn chính là quy trình phê duyệt đề án xây dựng. Quy trình này bao gồm nhiều bước phức tạp, từ việc lập quy hoạch, xin cấp phép, phê duyệt vốn đến đấu thầu. Các thủ tục này thường kéo dài và chịu sự chi phối của nhiều cơ quan, dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai dự án.
Việc xây dựng ký túc xá đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi nhiều trường đại học không có đủ ngân sách để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Ngay cả khi được cấp vốn từ nhà nước hoặc từ các nguồn xã hội hóa, kinh phí phân bổ thường không đủ để triển khai các dự án quy mô lớn.
Nhiều trường đại học thường có xu hướng ưu tiên phát triển các hạng mục khác như khu học tập, phòng thí nghiệm hoặc cơ sở nghiên cứu, khiến việc xây dựng ký túc xá không được ưu tiên hàng đầu.
“Một số trường muốn kêu gọi sự đầu tư từ các doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước để xây dựng ký túc xá theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, thủ tục và cơ chế quá phức tạp cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển ký túc xá chưa đủ hấp dẫn để thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp. Các quy định về thuế, vay vốn ưu đãi, thời gian khai thác và biện pháp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư vẫn còn hạn chế”, ông Vũ Lâm Tùng thông tin.
Môi trường ký túc xá không chỉ thuận tiện cho việc quản lý và nắm bắt tình hình sinh viên mà còn giúp nâng cao ý thức tự giác. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục đại học thiếu quỹ đất để xây dựng, trong khi một số ký túc xá đã xuống cấp và vẫn chưa được xây mới.
Ở các thành phố lớn hoặc khu vực đông dân cư, quỹ đất dành cho xây dựng thường rất hạn chế, khiến nhiều trường không có đủ đất để mở rộng cơ sở hạ tầng.
Theo ông Tùng, với số lượng sinh viên ngày càng gia tăng như hiện nay, nhu cầu ở ký túc xá cũng tăng cao nhưng cơ sở hạ tầng của các trường hiện không đủ đáp ứng. Điều này dẫn đến tình trạng ký túc xá xuống cấp nhanh chóng và thiếu chỗ ở cho sinh viên.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sẽ tiến hành sửa chữa hai dãy nhà ký túc xá từ nguồn vốn đầu tư đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, với sức chứa khoảng 400 sinh viên. Đồng thời, ký túc xá tại cơ sở Khoái Châu của nhà trường đang trong kế hoạch cải tạo, xây dựng mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho sinh viên.
Xã hội hóa, triển khai mô hình hợp tác công - tư là giải pháp thiết thực để xây dựng ký túc xá
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang, việc duy tu và sửa chữa ký túc xá là công việc thường xuyên, vì vậy các cơ sở giáo dục đại học đều có nguồn kinh phí hàng năm để thực hiện. Tuy nhiên, khoản kinh phí này chỉ đủ cho việc duy tu và sửa chữa nhỏ nhằm duy trì điều kiện sinh hoạt cho sinh viên. Việc sửa chữa lớn mang tính xây dựng và cải cách tại các trường đại học công lập chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách từ Nhà nước.
“Để triển khai dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên, theo tôi, các cơ sở giáo dục đại học cần phối hợp chặt chẽ và làm việc trực tiếp với các địa phương, cụ thể là ủy ban nhân dân các tỉnh.
Mỗi tỉnh cần có thêm những chính sách hỗ trợ việc xây dựng ký túc xá nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có hộ khẩu tại địa phương. Đây là một giải pháp cần thiết mà các trường đại học có thể thực hiện ngay nhằm hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay”, thầy Cang nhận định.
Bên cạnh đó, ông Vũ Lâm Tùng nhấn mạnh rằng, chỉ có xã hội hóa mới có thể nhanh chóng xây dựng ký túc xá, đáp ứng được các yêu cầu về chỗ ở cho sinh viên.
“Một trong những giải pháp hiệu quả là triển khai các mô hình hợp tác công - tư (PPP), trong đó nhà trường và doanh nghiệp cùng hợp tác đầu tư. Với mô hình này, doanh nghiệp và nhà trường sẽ chia sẻ chi phí xây dựng và vận hành ký túc xá, từ đó giảm bớt gánh nặng tài chính mà nhiều trường đang gặp phải. Đồng thời, sự tham gia của doanh nghiệp có thể đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sống và tạo ra môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên.
Việc phát triển mô hình hợp tác công - tư không chỉ giúp giải quyết tình trạng thiếu kinh phí mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống ký túc xá, giúp các trường đại học nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu chỗ ở ngày càng tăng của sinh viên”, ông Vũ Lâm Tùng cho biết.