Vụ Kế hoạch-Tài chính chỉ rõ những vướng mắc của trường ĐH khi tự chủ tài chính

01/09/2022 06:41
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị sự nghiệp công lập trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính.

Trong tham luận “Thực hiện quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập” tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Vụ Kế hoạch - Tài chính đã đánh giá cụ thể về việc đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Trong đó, Vụ Kế hoạch - Tài chính chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị sự nghiệp công lập trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính bao gồm:

Thứ nhất, các đơn vị sự nghiệp công lập đang chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, Điều lệ trường đại học và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác,...

Trong khi thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các đơn vị được giao tự chủ, dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện. Ví dụ:

Luật Viên chức chưa cho phép thuê giám đốc điều hành/hiệu trưởng, chuyển viên chức sang hợp đồng ngắn hạn....;

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các cơ sở giáo dục đại học phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu học phí. Tuy nhiên, hiện nay, mức thu học phí chưa bù đắp đủ chi phí, kể cả các đơn vị thuộc Nhóm 1 (tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư) và Nhóm 2 (tự chủ chi thường xuyên). Tương tự như vậy, các cơ sở giáo dục đại học phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định tại Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ làm tăng giá dịch vụ sự nghiệp giáo dục đào tạo ảnh hưởng đến người học trong điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19;

Ảnh minh hoạ: N.D

Ảnh minh hoạ: N.D

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định Hội đồng trường ban hành quy chế tài chính, quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản...; Theo Khoản 3 Điều 38 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ; Theo Khoản 2 Điều 31 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, Thủ trưởng các đại học thành viên, đơn vị trực thuộc đại học vùng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Điều này dẫn đến khó khăn, lúng túng cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học trong việc xác định chủ thể có thẩm quyền quyết định, ban hành các văn bản nội bộ liên quan đến thực hiện tự chủ tài chính (quyết định phân loại mức độ tự chủ tài chính, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế tài chính, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công,…) là Chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học vùng hay Hiệu trưởng/Giám đốc đại học vùng. Cần nghiên cứu, quy định rõ để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị và thống nhất trong cách hiểu, cách tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát.

Hiện nay chưa có các quy định về chính sách ưu đãi lãi suất vay của các tổ chức tín dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để phục vụ đầu tư phát triển.

Thứ hai, tự chủ nguồn thu: Các đơn vị vẫn phải thực hiện mức thu học phí, lệ phí theo quy định của nhà nước, mức thu thấp, nên rất khó khăn cho các đơn vị.

Cụ thể mức thu học phí thu theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP rất thấp, tính đến năm 2020 mức thu chỉ từ 980.000 đồng đến 1.430.000 đồng/tháng, chỉ đáp ứng được khoảng 40% chi phí đào tạo, nên rất khó khăn cho các đơn vị.

Thứ ba, ngân sách cấp hạn chế, cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, không có kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, cũng không còn chênh lệch thu chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hàng năm, nhà nước cắt giảm theo lộ trình 2,5-5% chi thường xuyên nên rất khó khăn. Các khoản thu hoạt động dịch vụ giáo dục đào tạo chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên cũng không còn chênh lệch nhiều để bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy,...

Thứ tư, nội dung mức chi cơ bản phải thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, làm hạn chế quyền tự chủ của đơn vị. Mức lương vẫn phải thực hiện theo ngạch bậc chức vụ quy định, trong khi đó các trường không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp nên nguồn chi trả thu nhập tăng thêm rất hạn hẹp, đời sống cán bộ, giảng viên rất khó khăn.

Thứ năm, thực hiện tự chủ nhưng chưa thực sự gắn với việc tự chịu trách nhiệm giải trình xã hội về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra; trách nhiệm này chưa được thực hiện công khai, minh bạch. Một số trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng nên lúng túng trong thực hiện, không dám đổi mới; một số cơ sở còn dựa vào lợi thế ngành, dựa vào đội ngũ giảng viên không phải cơ hữu để xác định chỉ tiêu nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh để thu học phí, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ đại học.

Linh Hương