Vụ "canh gà Thọ Xương": Dư luận quá nghiêm khắc với nghề giáo

21/10/2012 06:27
Độc giả: Mộc Lan
(GDVN) - Là con người, ai cũng đã từng gặp sai sót, không có ai hoàn hảo cả. Các cụ ta vẫn thường nói: "Đến thánh nhân còn mắc sai lầm, huống chi là người trần mắt thịt như chúng ta". Giáo viên cũng chỉ là những con người bình thường, cho dù mang trọng trách trước toàn xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không được phép sai lầm, dù chỉ một lần trong đời.
LTS: Sự việc cô giáo Hà Thị Thu Thủy - GV Văn Trường THPT Lômônôxôp (Từ Liêm, Hà Nội) gặp "tai nạn nghề nghiệp" trong sai sót của học sinh về “canh gà Thọ Xương” từ chỗ bị phê phán, châm biếm đang đổi chiều, nhận được sự cảm thông, chia sẻ của dư luận xã hội. Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bài viết của độc giả Mộc Lan, một giáo viên dạy môn ngữ văn.

Nghề giáo từ xưa đến nay vẫn được coi trọng, được gọi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thế nhưng, thử hỏi mấy ai trên con đường chọn nghề đã chọn nghề giáo? Có người đã cay đắng nói rằng, đến với nghề giáo chỉ là “chuột chạy cùng sào”. Bản thân tôi, còn tồn tại được với nghề bởi luôn hài lòng với những thứ mình đang có. Mỗi người đều có sự lựa chọn riêng. Tôi chọn nghề mà tôi yêu, dù vất vả nhưng vẫn luôn cố gắng, chỉ cần được tôn trọng mà thôi.

Từ ngày bước lên bục giảng, tôi luôn cảm thấy công việc của mình như một công việc tình nguyện vậy. Tôi phải lấy cái tâm để dạy chữ chứ không màng đến tiền bạc. Với mức lương thấp tôi không đủ để trang trải cuộc sống giữa thời hiện đại, lại còn phải lo cho sự nghiệp học hành cả đời, từ cao học, lên tiến sỹ, đến ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học... 

Đồng nghiệp của tôi vẫn thường chia sẻ, nghề giáo vẫn luôn được gắn với cái mác nghèo, dường như nó trở thành đặc điểm cố hữu rồi. Họ tấp nập đi dạy thêm, dạy nếm mong thoát khỏi cuộc sống chật vật. Vì vậy, trong công việc nếu trước họ đam mê bao nhiêu thì bây giờ lại cảm thấy áp lực bấy nhiêu. 

Bài làm của học sinh về câu ca dao "Canh gà Thọ Xương".
Bài làm của học sinh về câu ca dao "Canh gà Thọ Xương".

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Gần đây, cư dân mạng cũng như báo chí xôn xao về vụ việc cô giáo Hà Thủy, Trường THPT Lômônôxôp (Hà Nội) với bài: “Canh gà Thọ Xương”. Nhìn nhận theo mặt tích cực thì điều này thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục và chất lượng đào tạo. Thế nhưng, câu chuyện buồn ở đây lại là: Phải chăng dư luận đã quá nghiêm khắc trước những sai sót của nghề giáo?

Sau khi gặp “tai nạn nghề nghiệp”, cô giáo Thủy đã viết đơn xin nghỉ dạy, về quê. Có thông tin cho rằng cô đang phải nằm viện do áp lực dư luận. Có lẽ đây là cú sốc quá lớn đối với một cô giáo trẻ mới bước vào nghề. “Canh gà Thọ Xương” trong sự nhầm lẫn từ canh giờ sang… canh gà đã trở thành một bát canh đắng dành riêng cho cô giáo Thủy và cho toàn ngành giáo dục. Canh đắng thì khó ăn và đáng nhớ, tôi tin rằng đây cũng là bài học đối với tất cả chúng ta, không chỉ với cô Thủy mà còn cho cả dư luận.

Là một nhà giáo, tôi tự hào về nghề nghiệp của mình, bên cạnh đó nghề giáo cũng có những nỗi buồn riêng. Nỗi buồn sâu thẳm, đau xót nhất của giáo viên là bị người khác chỉ trích, xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, trong khi đó họ là những người trọng danh dự, yêu nghề, đầy trách nhiệm…Điều đáng nói là cái giá họ phải trả quá đắt cho những việc làm sai sót của mình. Trường hợp của cô giáo Hà Thủy cũng thế, cô đã phải chịu một nỗi buồn quá lớn khi mới chỉ 25 tuổi.

Có sự khắt khe với nghề giáo cũng chính bởi phương pháp giáo dục nước nhà từ xưa đến nay vẫn là cô đọc trò chép, không có ý kiến, phản ứng từ học sinh. Trong suy nghĩ của học sinh, cô nói gì cũng đúng, cô làm gì cũng chuẩn mực nên học sinh không bao giờ nghĩ cô có thể sai. Vì vậy, phương pháp dạy học mới của cô giáo Thủy là để học sinh sáng tạo, chủ động áp dụng trong bài giảng còn lạ lẫm nên mới có trường hợp nhiều học sinh mau quên, đã không thực hiện. Phụ huynh một mặt quá kỳ vọng vào giáo viên, mặt khác quen ỷ nại đã giao con hoàn toàn con cho giáo viên. Họ lại không thấu hiểu nghề giáo nên chỉ một sai sót nhỏ cũng làm to chuyện. Từ đây, sự việc tưởng chỉ giải quyết nội bộ nhà trường đã lao nhanh như một mũi tên không có đích ra toàn xã hội. 
Dẫu biết rằng, giáo viên sai đồng thời kéo theo hàng loạt học sinh sai, vì vậy cần phải khắt khe với nghề giáo là một điều dễ hiểu. Thế nhưng, mấy ai biết được nghề nhà giáo nhiều áp lực đến thế nào. Sai thì có thể sửa, chỉ vì lỗi trong nghiệp vụ là không gạch một câu trong bài văn mà quy rằng giáo viên đó thiếu tri thức, làm hỏng cả một thế hệ quả thực quá gay gắt. 

Là con người, ai cũng đã từng gặp sai sót, không có ai hoàn hảo cả. Các cụ ta vẫn thường nói: Đến thánh nhân còn mắc sai lầm, huống chi là người trần mắt thịt như chúng ta. Giáo viên cũng chỉ là những con người bình thường, cho dù mang trọng trách trước toàn xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không được phép sai lầm, dù chỉ một lần trong đời… Điều quan trọng là sai sót đó lớn hay nhỏ, có khả năng sửa chữa được hay không, châm chước được hay không và xuất phát từ đâu (ý thức hay khả năng, trình độ hoặc là bất cẩn, sơ xuất...). Tôi cho rằng, sai sót của cô giáo Thủy không nằm trong kiến thức mà nằm trong lỗi nghiệp vụ. Sau đó cô đã có giải trình, xin lỗi trước báo chí rồi thì lỗi này hoàn toàn có thể bỏ qua được. 

Ở góc nhìn giáo dục, trong khi hàng ngày chúng ta dạy học sinh rằng phải bao dung, rộng lượng, thì cách người lớn xử lý câu chuyện lại không hề nhân văn: Đưa lên báo, kèm theo bằng chứng là bài viết, lời phê, điểm số, lời tường trình của giáo viên, những chỉ trích nặng lời công khai…Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như học tập của các em. Trong độ tuổi học sinh cấp II, rất nhiều em mơ ước trở thành thầy cô giáo, thế nhưng sau vụ việc này, liệu ước mơ của các em có còn hay không? Cũng rất nhiều học sinh yêu quý và ủng hộ cô giáo Thủy, liệu các em có đang suy nghĩ rằng người lớn đã quá độc ác hay không?

Nếu cách dư luận quan tâm về giáo dục được đặt trong góc nhìn giáo dục một cách đúng đắn thì sự việc đáng buồn đã không xảy ra. Ai cũng nghĩ được rằng: "Hãy nghiêm khắc với bản thân mình, còn với người khác hãy độ lượng" thì có lẽ cuộc sống này sẽ tốt đẹp biết bao, con người sẽ đáng yêu biết bao.

Dư luận luôn là con dao hai lưỡi, sức mạnh của nó không khác gì búa rìu, nhiều khi còn ác hơn một liều thuốc độc. Vì vậy, trước khi “ném đá” mong các bạn hãy xem hành động đó có xứng đáng bị đối xử như vậy không, liệu rằng hậu quả có nghiêm trọng hay không? Mọi người thường có cái xu hướng là thích phê phán châm chọc người khác, thích hùa theo đám đông mà không nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo.

Trong trường hợp này giáo viên mới là người dễ thiệt thòi. Nhiều khi những cố gắng cống hiến, tâm huyết của giáo viên không được ghi nhận, những bài giảng hay không nhận được lời động viên, cảm ơn mà chỉ đợi đến khi gặp sai sót là vơ tội… cả nắm mà thôi. Trong khi đó, bất cứ ngành nghề nào khác những sai sót có thể chấp nhận được, nhưng giáo viên thì không.

Có điều này do dư luận quá nghiêm khắc với nghề hay do sự việc cô giáo Thủy như một giọt nước tràn ly làm vỡ những bức xúc về ngành giáo dục bấy lâu nay của nhiều người? Vì thế, chỉ một sơ suất dù nhỏ của các nhà giáo dục, sẽ là mồi cho mọi chỉ trích. Cô giáo Thủy từ đó phải gánh trách nhiệm nặng nề. 

Người xưa vẫn từng nói: "Sinh nghề tử nghiệp". Đã đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa, hãy sống hết mình, cháy hết mình rồi thì mọi người cũng hiểu và thông cảm. Đó cũng là điều tôi luôn tâm niệm và muốn nhắn nhủ tới cô giáo Hà Thủy, một người em, một đồng nghiệp. Quyết định xin nghỉ việc của cô Thủy là một quyết định vội vàng. Hãy coi đây là mộ bài học cho bản thân mình, hãy cẩn thận mỗi khi đứng lớp vì không phải những gì chúng ta làm cũng được nhìn nhận đúng đắn, cũng được hiểu và thông cảm đúng mực.

Tôi luôn có ước muốn làm thầy theo đúng nghĩa của nó và luôn hiểu rằng: Muốn làm một nhà giáo chân chính, được cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp “trồng người” đâu có dễ? 

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Truyện tranh cổ tích đang bị "bóp méo"

Vụ "canh gà Thọ Xương": Ai đúng? Ai sai?

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

Chùm ảnh: Trẻ lại “oằn lưng” vác cặp đến trường

Nữ sinh Marie Curie ấn tượng với chiều cao 1m75

PTT Nguyễn Thiện Nhân: "Phải thích nghi đào tạo với chi phí thấp"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả: Mộc Lan