Vụ án xảy ra tại Trường ĐH Đồng Nai: Trách nhiệm của cơ quan chủ quản ở đâu?

15/10/2024 08:49
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Công tác quản lý của lãnh đạo Trường Đại học Đồng Nai, cơ quan chủ quản đã thể hiện sự yếu kém, để xảy ra những vi phạm trong nhiều năm.

Ngày 2/10 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "tham ô tài sản", xảy ra tại Trường Đại học Đồng Nai.

Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2009 đến năm 2022, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cùng các thuộc cấp đã thực hiện nhiều hoạt động tài chính không đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà trường hơn 23,5 tỉ đồng và ngân sách nhà nước hơn 1,5 tỉ đồng.

Theo đó, các bị can bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ": gồm Trần Minh Hùng (59 tuổi, cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai từ năm 2010 - 2019); Nguyễn Gia Bảo (72 tuổi, cựu Hiệu trưởng nhà trường đến năm 2010).

Ngoài ra, 5 bị can khác là Phan Văn Thanh (65 tuổi, cựu Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, kiêm Kế toán trưởng); Đặng Minh Thư (64 tuổi, cựu Phó trưởng phòng Đào tạo); Hoàng Thị Kiều Nguyệt Nga (43 tuổi, cựu Kế toán trưởng); Dương Minh Hiếu (48 tuổi, cựu Phó trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng); Lê Thị Hoài Lan (45 tuổi, cựu Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục) cùng bị truy tố về tội danh trên.

Bị can Võ Thị Ngọc Dung (34 tuổi, cựu kế toán Phòng Kế hoạch - tài chính) bị truy tố về tội "tham ô tài sản".

Theo cáo trạng, Trường Đại học Đồng Nai được thành lập từ năm 2010 (tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai), hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự chủ một phần kinh phí.

Theo quy định, trường phải quyết toán, báo cáo tài chính hằng năm và thực hiện niên độ kế toán theo năm. Tuy nhiên, các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý, theo dõi thu - chi, để ngoài sổ kế toán, không báo cáo tài chính hằng năm một phần nguồn thu kinh phí tự chủ.

Riêng bị can Võ Thị Ngọc Dung (34 tuổi, cựu kế toán Phòng Kế hoạch - tài chính) bị truy tố về tội "tham ô tài sản". Theo cáo trạng, từ năm 2013 - 2021 được lãnh đạo phân công thu học phí, lệ phí các khóa hệ Đại học liên thông, vừa học vừa làm của trường. Tổng số tiền thu được hơn 29,8 tỉ đồng, nhưng Dung chỉ nộp cho nhà trường hơn 26,8 tỉ đồng, gần 3 tỉ đồng còn lại bị Dung chiếm đoạt. [1]

Trước đó, dư luận cũng xôn xao về vụ án tham ô xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Vụ án đã được đưa ra xét xử vào tháng 7 vừa qua.

truong-dai-hoc-dong-nai.jpg
Trường Đại học Đồng Nai (Ảnh: FB nhà trường)

Liên quan đến nội dung nêu trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết: "Tôi cũng không ngạc nhiên lắm khi có trường đại học xảy ra tiêu cực trong quản lý, giám sát thu chi tài chính. Thậm chí, cơ sở giáo dục phổ thông cũng có thể có tiêu cực nếu buông lỏng quản lý", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định.

Theo vị Đại biểu Quốc hội, chủ trương cho các trường đại học tự chủ là chủ trương đúng, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện của các trường đại học đã thiếu sự giám sát, thanh tra, giáo dục uốn nắn cán bộ, đảng viên của cơ quan quản lý.

011220221256-202211111924222875_pham-van-hoa---dong-thap.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: QH)

Ông Phạm Văn Hòa nhận định, người dân rất quan tâm đến việc cơ sở giáo dục đại học thu mức học phí cao nhưng việc công khai các khoản thu, chi ra sao cũng là việc quan trọng. Vì vậy, các trường đại học phải thực hiện công khai hằng năm về các khoản thu, chi tài chính để các bên liên quan giám sát.

Vị Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, những năm vừa qua, có một số trường đại học, trường phổ thông có cán bộ quản lý vướng vòng lao lý, chủ yếu liên quan đến vi phạm trong quản lý tài chính. Đó là bài học thực tế để cơ sở giáo dục rút kinh nghiệm, quản lý tài chính đúng quy định, nhằm tạo sự tin tưởng cho phụ huynh, học sinh.

Trong vụ việc của Trường Đại học Đồng Nai, cựu cán bộ Kế toán của nhà trường tham ô gần 3 tỷ đồng từ nguồn thu học phí 26,8 tỷ đồng của nhà trường trong 8 năm (2013-2021) mới bị phát hiện cho thấy sự quản lý lỏng lẻo về mặt tài chính của chính lãnh đạo nhà trường trong nhiều năm.

"Nhà trường có Hội đồng trường, Đảng ủy trường có ủy ban kiểm tra... tôi cho rằng, công tác quản lý trong tổ chức đảng của nhà trường có sự yếu kém đã để xảy ra những vi phạm. Bên cạnh đó còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp Trường Đại học Đồng Nai là Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ở đâu khi để sai phạm kéo dài trong nhiều năm", Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Bá Thuyền (nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho hay, chủ trương giao cho các trường đại học công lập thực hiện tự chủ là chủ trương đúng, nhưng trong quá trình thực hiện có nơi lãnh đạo đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo để làm sai.

"Nếu công tác giám sát, thanh tra kiểm tra tốt, công tác thu chi của trường đại học khó có thể mắc sai phạm. Tôi cũng băn khoăn là trong ngần ấy năm, có cơ quan quản lý nào tiến hành thanh tra, kiểm tra đơn vị này không mà không phát hiện ra các vi phạm? Nếu có, cần phải quy trách nhiệm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ này", ông Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, trong vụ án xảy ra tại Trường Đại học Đồng Nai, sai phạm đã xảy ra trong nhiều năm. Vì vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, các bên liên quan.

Bình luận thêm về nội dung vụ việc nêu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay, các cựu lãnh đạo quản lý, cán bộ, nhân viên củaTrường Đại học Đồng Nai đã để xảy ra sai phạm trong nhiều năm, việc này liên quan đến hoạt động giám sát hoạt động thu chi của nhà trường từ phía các cơ quan liên quan.

"Hoạt động giám sát có giám sát phòng ngừa, giám sát tư vấn, giám sát kiểm tra. Nếu thấy việc làm sai, vai trò giám sát của cơ quản lý là rất quan trọng", thầy Đặng Quốc Bảo nhận định.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, sai phạm của Trường Đại học Đồng Nai diễn ra trong nhiều năm đã chứng tỏ sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của nhà trường, cũng như sự quản lý từ phía cơ quan quản lý trực tiếp là Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Để hiểu rõ hơn về công tác tài chính ở cơ sở giáo dục đại học tự chủ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ một số đơn vị.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một trường đại học ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đối với các cơ sở giáo dục đại học được giao tự chủ, nhà trường cần phải xây dựng và ban hành các quy định, quy chế trong công tác quản lý tài chính nhằm đảm bảo công tác quản lý tài chính theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Cụ thể như quy chế tài chính; quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế kiểm toán nội bộ; quy chế quản lý tài sản công.

Các hoạt động thu, chi của cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định của nhà trường.

Việc thu, chi tài chính đều phải thông qua hội đồng trường theo quy định, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của hội đồng trường, bên cạnh đó hội đồng trường thực hiện công tác giám sát hoạt động này theo quy định.

"Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính, nhà trường đã thành lập Tổ kiểm toán nội bộ và thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định hiện hành của pháp luật và quy định của trường; tăng cường công tác giám sát của Ban thanh tra nhân dân trong hoạt động tài chính", vị cán bộ cho hay.

Đối với cơ quan chủ quản của nhà trường, ngoài công tác kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định, cơ quan quản lý còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đơn vị.

"Đơn vị báo cáo tình thực hiện các nhiệm vụ để cơ quan chủ quản là Bộ thực hiện kiểm tra, kiểm soát, thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tài chính theo kế hoạch của Bộ", vị cán bộ chia sẻ.

Link bài viết tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/truy-to-cuu-hieu-truong-truong-dh-dong-nai

Mạnh Đoàn