Vụ 4 cháu chết thảm tại công trường: “Cần khởi tố vụ án hình sự"

17/08/2011 23:30
(GDVN) - "Đó là lỗi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và hậu quả đã xảy ra khiến 4 cháu bé chết thảm".

(GDVN) – Theo tiến sỹ, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, vụ việc 4 cháu bé chết thảm tại công trường ngập nước đã có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cần khởi tố vụ án hình sự.

{iarelatednews articleid='10857,10799,10708,10703,10632'}

Liên quan tới vụ việc 4 cháu nhỏ chết đuối tại công trường thi công nút giao thông Phú Đô nối đường Mễ Trì lên cầu vượt Mễ Trì gây bức xúc trong dư luận, TS luật Trần Đình Triển đã lên tiếng: "tất cả các công trình giao thông, xây dựng hạ tầng, hay ở các khu công nghiệp, trong quy định của pháp luật thì các đơn vị thi công, nhà thầu phải đảm bảo tối đa độ an toàn về tính mạng con người và tài sản".

alt
Việc Vinaconex-PVC thi công nhưng không có rào chắn, biển báo, biển cấm đã vi phạm Điều 165 Bộ Luật Hình sự.
Đối với dự án thi công nút giao thông Phú Đô này đã được dừng thi công từ hơn một năm nay có những lỗi cơ bản sau: Thứ nhất: Đối với chủ đầu tư dự án, nhà thầu công trình xây dựng của mình đúng ra phải có hệ thống rào chắn, biển báo công trường và biển cấm ở những nơi có khả năng gây nguy hiểm tới tính mạng con người. Những điểm có thể gây nguy hiểm cần được khắc phục.

Việc đơn vị thi công đào hố trong công trường sâu tới hơn 1 mét như hố nước này (nơi vớt xác 4 cháu nhỏ) ở gần khu dân cư lại hay ngập lụt. Khi đơn vị ngừng thi công lại không san lấp và không có biển báo. Đó là lỗi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và hậu quả đã xảy ra khiến 4 cháu bé chết rất thảm thương.

Lỗi thứ hai: Theo như đơn vị chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Thăng Long – PV) đã trả lời trước các cơ quan báo chí rằng công trình đã được dừng thi công được hơn 1 năm và đã quá thời hạn bàn giao công trình tới nửa năm. Trong sự việc này, các cơ quan chức năng như Thanh tra xây dựng, chủ đầu tư, và các cơ quan khác có thể xử lý nghiêm đơn vị thi công về việc không đảm bảo an toàn và có quyền thanh lý hợp đồng, đình chỉ thi công, thậm chí thu hồi giấy phép dự án. Tuy nhiên, việc làm này đã không được diễn ra. Phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, chi tiết hồ nước được hình thành suốt một thời gian dài tại công trường này, Vinaconex-PVC đã biết việc này nhưng không có biện pháp phòng ngừa nên có thể coi hồ nước hình thành trên mặt tuyến đường chậm tiến độ thuộc diện “nguồn nguy hiểm cao độ” trong Bộ Luật Dân sự.

alt
Cái chết của 4 cháu nhỏ đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ông Triển cũng cho rằng, gia đình các nạn nhân cũng cần phải xem lại cách chăm sóc các con mình. Trách nhiệm của các gia đình trong việc này là đã thiếu sự quan tâm tới các cháu, bỏ bê các cháu khi các cháu đi chơi. Đây là bài học đắt giá và các gia đình khác cần rút kinh nghiệm.

Theo ông Triển, trong sự việc này đã có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan công an cần vào cuộc khởi tố vụ án hình sự, xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị thi công, chủ thầu, chủ đầu tư. Có như vậy mới có ý nghĩa giáo dục và phòng ngừa chung để phòng tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra.

Ông Triển cũng khẳng định, trong sự việc này, đơn vị thi công đã vi phạm Điều 165, Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, vi phạm Điều 227 Tội vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người và Điều 285 Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ Luật hình sự

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nêu rõ:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Nam Phong