Với tỷ lệ tốt nghiệp cao như hiện nay, số học sinh học lại CTGDPT 2018 rất ít

24/02/2024 06:33
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lãnh đạo phòng, Sở GD-ĐT địa phương chỉ ra những kết quả đạt được và một số tồn tại cần khắc phục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện tại, chương trình này đã được thực hiện ở cả 3 cấp học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông). Đáng chú ý, đây cũng là năm học cuối cùng mà học sinh các lớp 5, 9, 12 học chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, việc thực hiện chương trình mới cũng đặt ra nhiều thách thức. Lãnh đạo sở, phòng giáo dục và đào tạo một số địa phương đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong năm 2024, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Những kết quả đã đạt được

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Võ Văn Bé Hai – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đánh giá kết quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ông Hai cho hay: Năm học 2022-2023, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được điều chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tỉnh Bến Tre được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2022);

97,9% học sinh tiểu học được học Tiếng Anh; 78,8% học sinh tiểu học được học môn Tin học. Trong đó, có 100% học sinh khối lớp 3 được học Tiếng Anh, Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thạc sĩ Võ Văn Bé Hai – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Võ Văn Bé Hai – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre. (Ảnh: NVCC)

Qua triển khai, chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 6, lớp 7, lớp 10 về cơ bản giáo viên đã tiếp cận và thực hiện tốt chương trình, chủ động tổ chức các hoạt động học tập phát triển năng lực cho học sinh đạt hiệu quả khá tốt.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đã tổ chức bồi dưỡng 100% giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và giáo viên dạy môn Lịch sử và theo chương trình bồi dưỡng giáo viên cấp Trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên, dạy môn Lịch sử và Đại lý kèm theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ. Đến cuối năm 2023, Bến Tre đã tổ chức tập huấn xong các modun 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 cho đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, học sinh trên địa bàn tỉnh cũng đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế như cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia, cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh....

Trong khi đó, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội) nhận định, bên cạnh những lúng túng ban đầu, sau 4 năm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho khối lớp 1, 2, 3, 4 và 3 năm áp dụng cho các khối lớp 6, 7, 8 các nhà trường đã thay đổi cách quản trị theo hướng phát huy tính chủ động của cơ sở và năng lực cá nhân của người dạy.

Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: thanhtri.hanoi.gov.vn

Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: thanhtri.hanoi.gov.vn

Cũng theo ông Ngát, địa phương và nhà trường được trao quyền chủ động và trách nhiệm trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường. Trong quá trình đó, giáo viên đã có nhiều phương pháp dạy học đổi mới phù hợp nhằm đảm bảo phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.

Học sinh đã có một số năng lực nổi trội hơn ví như: Tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành giảm; Chất lượng phát triển toàn diện học sinh được nâng cao; Học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học và vận dụng kiến thức); Học sinh tự tin, mạnh dạn hơn trong việc nêu quan điểm cá nhân và tương tác tốt với giáo viên.

Từ khi bắt đầu triển khai từ năm 2017 đến nay, chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiến hành bồi dưỡng 9 modun cho giáo viên trung học cơ sở đã mang lại giá trị rất lớn cho việc nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một tiết học chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn huyện Thanh Trì. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cung cấp)

Một tiết học chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn huyện Thanh Trì. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cung cấp)

Những hạn chế, thách thức cần khắc phục

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới phải kể đến như:

Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số cấp học còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023.

Tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ còn thấp so với chỉ tiêu kế hoạch của ngành. Việc mở rộng bán trú ở các cấp học chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu xã hội.

Cùng bàn về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội) nhận định: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đứng trước một số trở ngại như sự bất cân xứng trong chất lượng của giáo viên đại trà và cán bộ quản lý giữa các vùng, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, việc thừa thiếu trong đội ngũ giáo viên, chưa đồng bộ về cơ cấu trong đội ngũ giáo viên cũng là một vấn đề cần quan tâm. Trong đó: thiếu hụt đội ngũ giáo viên Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật, Khoa học tự nhiên, ở các cấp trung học cơ sở; chưa có giáo viên được đào tạo bài bản môn Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục địa phương. Môn học tích hợp, như môn Khoa học tự nhiên chủ yếu là ghép cơ học, chưa thể hiện rõ tính tích hợp, liên môn. Chương trình các môn học này chưa có sự tích hợp tương ứng với tên gọi môn.

Chuẩn bị mọi điều kiện cho lứa học sinh của chương trình 2006

Năm học 2023-2024 cũng là năm học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 - ba lớp cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vào giai đoạn chuyển giao, việc học và thi chuyển cấp của các em cũng có nhiều khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Ngát cho hay: Để chuẩn bị cho học sinh lớp 5 và lớp 9 - hai lớp cuối cấp cho việc thực hiện chương trình mới trong bối cảnh phụ huynh còn nhiều lo lắng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản triển khai nội dung dạy học bổ trợ các môn học cho học sinh lớp 9 trong quá trình dạy chương trình giáo dục phổ thông 2006 để các em tự tin và đủ điều kiện tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp học tiếp theo.

Huyện Thanh Trì tổ chức nhiều hoạt động thực hành có sự tham gia của phụ huynh. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cung cấp)

Huyện Thanh Trì tổ chức nhiều hoạt động thực hành có sự tham gia của phụ huynh. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cung cấp)

Mặt khác, để giảm lo lắng của cha mẹ học sinh, các nhà trường đã triển khai nhiều nội dung trao đổi, hướng dẫn cha mẹ học sinh và học sinh về chương trình mới, tạo các cơ hội gặp gỡ giữa giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh để chia sẻ thông tin về chương trình mới, giảm bớt lo lắng, tạo động lực cho học sinh. Đồng thời giới thiệu các nền tảng học liệu, các nguồn cung cấp tài liệu cho cha mẹ học sinh, học sinh hiểu rõ hơn về mục tiêu, phương pháp giảng dạy và nội dung của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai hiệu quả hơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cũng có một số đề xuất:

Đối với Ủy ban nhân dân thành phố; Sở giáo dục và Đào tạo: Quan tâm bố trí các nguồn lực tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm bảo trình độ đạt chuẩn theo quy định Luật Giáo dục 2019.

Đầu tư kinh phí cho ngành giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học.

Phân bổ đủ biên chế theo định mức quy định theo thời điểm (thực tế số lớp của các trường) và tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên kịp thời để đảm bảo điều kiện nhân lực thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Tạo các tài nguyên giáo trình và tài liệu hỗ trợ dễ tiếp cận cho cả giáo viên và phụ huynh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp giám sát và đánh giá định kỳ để theo dõi hiệu quả và đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh chương trình khi cần thiết.

Đối với Ủy ban nhân dân huyện: Tiếp tục quan tâm đầu tư cấp ngân sách cho các nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, nhân viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018; bố trí ngân sách để kịp thời sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư bổ sung trang thiết bị dạy học chương trình mới đối với khối 7, 8, 9 trong năm và các năm tiếp theo.

Học sinh về cơ bản phát huy được năng lực tự học, sáng tạo. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cung cấp)

Học sinh về cơ bản phát huy được năng lực tự học, sáng tạo. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cung cấp)

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre khẳng định, vấn đề này đã được triển khai thực hiện đối với các lớp cuối cấp từ các năm học trước nên về cơ bản địa phương không gặp quá nhiều khó khăn. Với tỉ lệ tốt nghiệp như hiện nay thì số lượng học sinh phải học lại chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất ít. Ngoài ra khi thực hiện quy chế thi tốt nghiệp từ năm 2025 các em cũng sẽ có thuận lợi khi số môn thi được giảm bớt.

Nhật Lệ