Dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông đang nhận được sự quan tâm lớn của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là hội đồng lựa chọn sách giáo khoa được thành lập ngay tại từng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, thay vì mỗi địa phương chỉ có 1 hội đồng lựa chọn sách giáo cấp tỉnh/thành như hiện nay.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp sách giáo khoa cho thầy cô giáo nghiên cứu để chọn sách
Chia sẻ ý kiến với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Ngô Mậu Tình - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy (tỉnh Quảng Bình) bày tỏ đồng tình, ủng hộ cao với dự thảo mới.
“Dự thảo quy định mỗi cơ sở giáo dục thành lập một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để tự chọn sách giảng dạy là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời ngăn được hiện tượng "chạy chọt, đi đêm” trong lựa chọn sách giáo khoa (nếu có)”, thầy Tình chia sẻ.
Ảnh minh họa: MC |
Tuy nhiên, thầy Tình vẫn bày tỏ lo ngại về tính thực chất khi triển khai trong thực tiễn. Để tránh cách làm mang tính hình thức theo kiểu “bình cũ rượu mới”, thầy Tình cho rằng cần có quy định rõ ràng để cấm tuyệt đối tình trạng “đi đêm” của nhà xuất bản, đảm bảo thực hiện lựa chọn sách giáo khoa ở các hội đồng công khai, minh bạch và thực chất.
Tại khoản 3, điều 8 dự thảo quy định: “Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương".
Chia sẻ băn khoăn về cụm từ “phê duyệt”, thầy Phó Hiệu trưởng đề xuất nên thay cụm từ “phê duyệt” trong văn bản thành “xem xét”, hoặc “xác nhận” nhằm tránh tạo kẽ hở có thể nảy sinh tiêu cực.
Theo thầy Tình, khi đã được giao quyền tự chọn sách, cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm với kết quả lựa chọn của mình. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đóng vai trò quản lý, giám sát và nhắc nhở nếu có vi phạm xảy ra.
Để nâng cao hiệu quả chọn sách, thầy Ngô Mậu Tình đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cung cấp sách đầy đủ về cho các cơ sở giáo dục, bởi với việc tìm hiểu, nghiên cứu nội dung sách mới thông qua bản PDF như hiện nay gây khá nhiều khó khăn, bất cập cho giáo viên.
Bên cạnh đó, thầy giáo Tình cũng đề xuất, thời gian thực hiện và công bố danh mục sách giáo khoa phải hoàn thành trước 15/8 để học sinh, phụ huynh có thời gian chuẩn bị sách trước khi bước vào năm học mới.
Cần có quy định vận dụng với những môn học đặc thù có ít giáo viên dạy
Cùng góp ý về dự thảo chọn sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một lãnh đạo trường trung học cơ sở ở Thanh Hóa chia sẻ:
“Điểm khác biệt lớn nhất giữa Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT với dự thảo mới là thay vì Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa chung cho toàn tỉnh, thì nay mỗi trường sẽ tự thành lập 1 hội đồng để lựa chọn sách”.
Theo vị lãnh đạo, thay đổi mới tại dự thảo đáp ứng đúng nguyện vọng của các nhà giáo, học sinh trên cả nước. Nếu như trước đây, lựa chọn của các cơ sở giáo dục chỉ mang tính chất tham khảo, thì với dự thảo mới, quyền chọn sách của các cơ sở sẽ rất lớn. Như vậy, sẽ tránh tình trạng được như hiện nay, ở một số nơi giáo viên, nhà trường chưa thực sự có vai trò, tiếng nói trong việc chọn sách giáo khoa để dạy học ở đơn vị mình.
Góp ý thêm, thầy giáo này đề xuất dự thảo cần mở rộng thêm một số quy định để các cơ sở vận dụng đối với những môn học đặc thù có ít giáo viên.
Theo đó, với những môn học như môn Âm nhạc và Mỹ thuật, số lượng giáo viên dạy tại các trường hiện nay rất ít, đa số chỉ 1-2 giáo viên, thậm chí 1 giáo viên phải dạy 2-3 trường (dạy liên trường). Do đó nếu tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn sách trong trường, với những môn học đặc thù, số phiếu bầu có thể mang tính chất cá nhân, chủ quan.
“Đôi khi chỉ cần thầy cô chưa nghiên cứu kỹ sách, hoặc không bám sát với học sinh, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường,... thì việc chọn sách mang tính cá nhân sẽ có nhiều bất cập.
Dự thảo có quy định việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa, song việc lựa chọn lại sách giáo khoa cũng gây lãng phí rất lớn cả về kinh tế, tài nguyên và tiến trình học tập của học sinh. Vậy nên, đối với việc chọn sách giáo khoa phải hết sức thận trọng”, vị lãnh đạo bày tỏ lo ngại về hiệu quả lựa chọn sách ở những môn đặc thù có ít giáo viên dạy.
Từ đó, thầy giáo đề xuất, với những môn học đặc thù có ít giáo viên/trường, ở các đơn vị cấp huyện hoặc tỉnh có thể xem xét tập hợp đội ngũ giáo viên phụ trách dạy ở các trường để tiến hành bỏ phiếu, lựa chọn sách giáo khoa.