Hội thảo: "Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức chiều ngày 8/5 tại Hà Nội đã trao đổi các nhóm vấn đề về: Hội đồng trường, quyền sở hữu, chính sách xã hội hóa Giáo dục, quy hoạch mạng lưới và quản lý nhà nước về Giáo dục đối với các cơ sở Giáo dục tư thục.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện nhiều trường cùng nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục.
Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Everest cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi nên quan tâm đến việc tạo cơ chế chính sách hành chính thông thoáng, cởi mở cho hoạt động của cơ sở giáo dục tư thục:
“Chúng tôi không cần cho tiền mà cho một cơ chế chính sách hành chính cởi mở, xin đừng hành. Mong rằng, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội can thiệp để thực sự có xã hội hoá về mặt hành chính giúp chúng tôi không còn “khốn khổ” mỗi khi làm thủ tục hành chính”, bà Phương phát biểu.
Bà Phương cũng kiến nghị ban soạn thảo và đại biểu của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nên đi thăm một số trường để xem mô hình tư thục thực tế ra sao, nghe góp ý trực tiếp của các trường.
Đồng thời, rà soát thực tế, đánh giá và đề nghị nên khen thưởng, ghi nhận sự đóng góp của trường tư nhằm động viên tinh thần các cơ sở tư thục làm tốt hơn nữa.
Video: “Trường tư không xin tiền, chỉ mong cơ chế đừng hành chúng tôi nữa” |