Đến dự buổi Tọa đàm “Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019”, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức vào ngày 2/10, Đại biểu Quốc hội khóa 13 - bà Bùi Thị An, chia sẻ ý kiến cá nhân về tự chủ tuyển sinh đối với trường tư thục hiện nay:
Tôi rất đồng tình với phương thức tổ chức Tọa đàm của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đây là cách gỡ cái gốc, gỡ chính sách là vấn đề rất quan trọng, gỡ được chính sách là gỡ được tất cả.
Xã hội hóa Giáo dục là hoàn toàn đúng với chủ chương của Đảng và nhà nước, trong suốt những năm vừa qua thì cũng phải khẳng định hệ thống Giáo dục tư thục đã có đóng góp rất lớn cho xã hội nói chung và cho Hà Nội nói riêng.
Hệ thống các trường tư thục là doanh nghiệp đặc thù, đã là doanh nghiệp thì phải tuân thủ các quy định của luật doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng bị chi phối bởi luật Giáo dục.
Về mặt trường lớp thì rất nhiều trường có thương hiệu, rất nổi tiếng và nhiều phụ huynh tìm đến, mà sự lựa chọn của xã hội đã thể hiện cái danh hiệu cao quý của trường.
Ta gỡ chính sách để triệt tiêu xin cho, tôi cũng mong báo chí gỡ để triệt tiêu việc xin cho, tạo thế bình đẳng trong luật pháp.
Tôi thấy 2 vấn đề, vì sao hiện tượng vừa rồi có chuyện các thầy cô cứ phải xin cho? Tôi thấy trong luật Giáo dục có những cái tự chủ và khá đầy đủ rồi, ví dụ tự chủ trong tổ chức, tự chủ tài chính, tự chủ nhân lực.
Tôi thấy luật đã quy định như vậy và các thầy cô có đủ quyền, và ta không vi phạm luật.
Tôi đề nghị về mặt địa phương cũng như chính phủ phải công khai minh bạch tất cả về quy hoạch đâu là hệ thống trường công, trường tư, quy mô thế nào? Nếu không làm tốt được việc này thì vẫn sẽ tồn tại cơ chế xin cho.
Cần công bố toàn bộ mọi việc sau khi đã kiểm tra các điều kiện của từng trường, về cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên…
Cuối cùng về vấn đề quản lý, tôi nghĩ nhà nước nên chỉ quản đầu ra, quản chất lượng.
Về phía nhà trường tôi cũng kiến nghị các trường cũng phải minh bạch tất cả mọi vấn đề về trường lớp, loại hình đào tạo, chất lượng giáo viên… và thậm chí cả mức học phí.
Cả 2 bên nhà trường và các cơ quan quản lý đều phải minh bạch, có như vậy thì mới hy vọng triệt tiêu được xin cho.
Tôi nghĩ Báo chí nên thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị rà lại luật xem còn cái gì chưa cụ thể không, và tôi nghĩ cứ luật mà làm, cái gì luật không cấm thì làm vì đã có quy định rồi.
Tôi thấy cứ để thực trạng như hiện nay thì phải nói là hoạt động giáo dục tư thục quá khổ, lúc nào cũng phải đi gõ cửa thế này thì tâm trạng các thầy cô làm sao mà yên tâm giảng dạy được, cũng không nên như vậy để các thầy cô mất tư thế quá.