Vấn nạn "đồng phục", "văn mẫu" không chỉ có ở môn Ngữ văn

08/09/2022 06:38
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Yêu cầu xóa đồng phục ở bìa bọc sách, vở bằng bao ni lông đầu năm học là bài học thực tế, sinh động, giáo dục cho học sinh về bảo vệ môi trường.

Không ít cơ sở giáo dục đã khai thác trục lợi từ các khoản đồng phục trong nhà trường, gây khó cho phụ huynh học sinh.

Chính vì vậy, một số địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu … đã ra quyết định nghiêm cấm các cơ sở giáo dục ép học sinh mua, may đồng phục mới.

Khách quan mà nói, có những thứ “đồng phục” tạo nên cái đẹp nhưng đằng sau cái đẹp lại là chuyện khác.

Cần xóa "đồng phục" trong bìa bọc sách, vở

Đầu năm, có những cơ sở giáo dục quy định đồng phục trong bìa bọc sách, vở cho học sinh. Dù sách giáo khoa mới được cho là chất lượng tốt thế nhưng phụ huynh phải mua bao ni lông bọc sách.

Dù các cuốn tập, vở viết ngày nay có bìa dày, in đẹp, trên vở đã có nhãn vở, thế nhưng học sinh ở một số trường đều phải bọc bằng giấy màu theo quy định, bọc ni lông.

Người viết chỉ lấy ví dụ cụ thể của đứa cháu lớp 2, đầu năm học 2022-2023, cháu có 23 cuốn sách giáo khoa và vở bài tập in sẵn cùng với 5 cuốn tập, tổng số 28 cuốn, như vậy phải có 28 bìa bao nilon.

Còn với cháu học lớp 11, có tất cả 36 cuốn cả vở và sách giáo khoa. Nếu tính trung bình mỗi học sinh có 30 cuốn sách vở, sẽ sử dụng 30 bao ni lông/năm học.

Cả nước có khoảng hơn 20 triệu học sinh phổ thông, mỗi năm học, chỉ riêng bìa bao sách vở học sinh đã tiêu thụ ước khoảng hơn 600.000.000 bìa bao ni lông.

Ảnh minh họa: Nguyễn Nhật Minh

Ảnh minh họa: Nguyễn Nhật Minh

Một lượng rác ni lông khổng lồ sẽ thải ra sau mỗi năm học là mối nguy hại cho môi trường, điều này chúng ta có thể ngăn chặn được, chỉ cần yêu cầu xóa đồng phục trong bìa bao sách, vở bằng bao ni lông đầu năm học.

Yêu cầu xóa đồng phục trong bìa bao sách, vở bằng bao ni lông đầu năm học là bài học thực tế, sinh động, giáo dục cho học sinh về bảo vệ môi trường.

“Văn mẫu” đâu chỉ có trong môn Ngữ văn?

Câu chuyện "đồng phục" trong giáo dục không chỉ đơn giản là chuyện đồng phục quần áo mà nguy hại hơn đó chính là “đồng phục” dạy học theo văn mẫu.

Dạy theo văn mẫu đã vô hình trung tạo thói quen nói dối trong học sinh, nói cái mình không có, viết cái mình không thấy …

Một kết quả điều tra không gây bất ngờ nhưng khiến nhiều người lo lắng: Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp tiểu học là 22%, cấp trung học cơ sở là 50%, cấp trung học phổ thông là 64%, còn ở sinh viên là 80%.[1]

Dạy theo “văn mẫu” vô hình trung tạo ra nền giáo dục chưa trung thực, nền giáo dục mang bệnh “ngụy thành tích” mà xã hội quen gọi “bệnh thành tích”.

Học sinh muốn đạt điểm cao phải viết, nói theo “văn mẫu”, việc này làm triệt tiêu tính phản biện, sáng tạo, trong học sinh nói riêng, lực lượng lao động nói chung.

Phải chăng điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, kể cả với những thành phần tinh hoa như đào tạo tiến sĩ, dù nước ta có số lượng tiến sĩ lớn nhưng phát minh sáng chế rất ít.

Điều gì sẽ xảy ra khi học sinh lớn lên, thành người quản lý xã hội, tác động đến xã hội, nói không đi đôi với làm, sinh ra các tệ nạn tham nhũng … làm xấu xí chính ngành giáo dục?

Văn mẫu không chỉ có trong môn Ngữ văn, mà nó tồn tại trong tất cả các môn học ở trường phổ thông hiện nay.

Văn mẫu trong các môn học khác là những bài Toán, bài Lý, bài Hóa … mà thầy cô giáo đã dạy đi, dạy lại nhiều lần ở lớp học thêm, lớp luyện thi, được tái hiện trong đề kiểm tra định kì, đề thi học sinh giỏi

Việc sao chép văn mẫu xảy ra không chỉ đề kiểm tra định kì, ngay cả đề thi học sinh giỏi cũng có.

Làm bài theo văn mẫu thì điểm cao, khi đề thi, đề kiểm tra không theo văn mẫu thì điểm thấp, điểm học bạ cực đẹp mà điểm thi tuyển lớp 10 thấp, hoặc độ vênh ở một số nơi khá lớn giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm học bạ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu ở các nhà trường.

Chỉ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu ở các nhà trường là chưa đủ, mà cần đổi mới toàn diện trong tất cả các môn học.

Năm học 2022-2023, tất cả các môn học phải đồng thời thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, tuyệt đối tránh tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu học thuộc lòng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/nguoi-viet-noi-doi-con-so-va-vien-canh-post173179.gd

- Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH

Nguyễn Nhật Minh