Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại của công nghệ 5G được hiện thực hoá, của những nền tảng được điều khiển bởi AI- trí tuệ nhân tạo, những hệ thống IOT vạn vật kết nối, việc dạy ngoại ngữ càng phải bắt kịp và hòa mình được vào dòng chảy phát triển này. Giảng viên ngoại ngữ cũng phải tận dụng tối đa những tiện ích mà công nghệ đem lại trong quá trình chuẩn bị bài giảng và tài liệu học tập.
Phó Giáo sư Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: PM) |
Nắm bắt được xu thế và yêu cầu thiết thực đó, ngày 06/11, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong tạo bài giảng, tài liệu học tập ngoại ngữ” trong khuôn khổ Buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ các Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ Miền Trung thuộc Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.
Tham dự chương trình, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội; Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Bá Lãm - Trưởng Ban Khoa học; Ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Hỗ trợ Câu lạc bộ Khối trường.
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng có Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Mai Kha, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Ủy viên Thư ký Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ miền Trung cùng các thầy cô giáo đến từ nhiều trường đại học trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Mai Kha chia sẻ: Từ ngày thành lập đến nay, Câu lạc bộ Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ Miền Trung đã có sự phát triển về số lượng cũng như thực hiện được nhiều hoạt động chia sẻ, trao đổi về chuyên môn, học thuật.
Diễn đàn ngày hôm nay sẽ tạo ra một mạng lưới kết nối các chuyên gia, thầy cô tìm hiểu về công tác nghiên cứu, giảng dạy để thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục đại học.
Các thầy cô cùng chia sẻ về kinh nghiệm tạo bài giảng, chia sẻ học liệu qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ.
Câu lạc bộ kỳ vọng sẽ cùng các thầy cô tạo ra được mạng lưới, với các diễn đàn trao đổi như là một đường hướng giúp thầy cô cập nhật thông tin và học hỏi lẫn nhau, phát triển phong trào giảng dạy ngoại ngữ ở các trường đại học.
Chia sẻ tại chương trình, Phó Giáo sư Lê Quang Sơn khẳng định: “Thời gian qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chuyên môn mang tính trọng tâm về phát triển giáo dục, chúng ta đã bàn thảo, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện hoạt động giáo dục.
Diễn đàn hôm nay là rất cần thiết và có chiều sâu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tạo bài giảng, tài liệu học tập ngoại ngữ rất quan trọng.
Đây là hướng đi rất trách nhiệm đối với công tác đào tạo bồi dưỡng. Tôi mong muốn xu hướng này tiếp tục được phát huy để hoạt động của câu lạc bộ có những đóng góp thiết thực cho các trường thành viên, cho các thầy cô giáo”.
Trong bối cảnh hiện nay, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải chuyển sang đào tạo trực tuyến, ứng dụng mạnh mẽ và mở rộng công nghệ thông tin trong dạy học, đào tạo. Phó Giáo sư Lê Quang Sơn chia sẻ mong muốn các thầy cô giáo sẽ chia sẻ và đóng góp tích cực để tìm ra được những giải pháp tối ưu nhất, mang lại những hiệu quả tích cực trong việc giảng dạy ngoại ngữ.
9 lưu ý trong thiết kế khóa học trực tuyến
Tại chương trình tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bình - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng chia sẻ bài tham luận về “Thiết kế khóa học trực tuyến: kịch bản dạy học và quy trình thiết kế”.
Cụ thể, đối với việc thiết kế khóa học trực tuyến, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bình nêu ra một số lưu ý.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bình - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng chia sẻ bài tham luận về “Thiết kế khóa học trực tuyến: kịch bản dạy học và quy trình thiết kế”. (Ảnh: PM) |
Thứ nhất, phải thông báo rõ ràng về yêu cầu chuẩn đầu ra của từng học phần. Điều này giúp sinh viên có định hướng học tập rõ ràng và giúp các em có tinh thần chủ động, tự giác trong học tập.
Thứ hai, phải chia nội dung học tập thành từng phần nhỏ. Theo thầy Bình, nếu để nội dung quá dàn trải sẽ ảnh hưởng đến mức độ tập trung của người học. Dù là một video, hay là những nội dung từ giáo trình, cũng cần phải chia nhỏ từng phần và đẩy lên hệ thống dạy học trực tuyến. Việc này giúp sinh viên theo dõi dễ dàng hơn,tập trung hơn.
Thứ ba, cần phải quan tâm đến chất lượng của tài liệu học tập. Ví dụ, đối với những tài liệu sẵn có, cần phải đảm bảo về rõ ràng về cả mặt nội dung lẫn hình ảnh, phải có sự chọn lọc trong việc sử dụng các học liệu khác nhau.
Thứ tư, cần phải tăng cường phản hồi đến người học. Điều này cũng vô cùng quan trọng trong dạy học trực tuyến, khi giảng viên và sinh viên không gặp mặt trực tiếp, cần phải đảm bảo sự trao đổi, phản hồi thông tin đến sinh viên.
Thứ năm, cần phải tăng cường tương tác với người học. Nếu không có sự tương tác, việc học của sinh viên sẽ trở nên thụ động, dễ gây nhàm chán. Giảng viên phải sử dụng các công cụ tương tác trên các nền tảng dạy học trực tuyến, tổ chức các bài thảo luận, bài tập nhóm, linh hoạt áp dụng các mô hình như lớp học đảo ngược, dạy học qua dự án, dạy học tình huống,...
Thứ sáu, cần tăng cường sự hiện diện của người dạy. Đây cũng là một giải pháp để thu hút sự chú ý, tập trung học tập của sinh viên.
Thứ bảy, cần lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá kiến thức đã học. Yêu cầu này phải được thực hiện ngay từ đầu và thông báo trước cho sinh viên, đặc biệt cần tăng cường đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến.
Thứ tám, sử dụng các công cụ do nhà trường yêu cầu. Điều này đảm bảo công tác dạy học theo đúng mục đích, định hướng chương trình đã đề ra.
Thứ chín, phải hướng dẫn sử dụng chi tiết cho sinh viên về các công cụ nền tảng học tập, tránh những tình huống xảy ra như sinh viên bị lúng túng không thực hiện được các thao tác, hoạt động trong bài giảng.
Về tiến trình dạy học, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bình cho biết có thể áp dụng tiến trình tuần tự, tiến trình song song hoặc tiến trình độc lập. Các giảng viên cũng cần lưu tâm đến việc phối hợp tài nguyên và hoạt động học tập.
Quy trình thiết kế khóa học trực tuyến phải được thực hiện theo 6 bước, bao gồm: chuẩn bị, tạo khóa học, trang trí tổng thể, thiết kế không gian, thiết kế các phân đoạn và hoàn thiện khóa học.
Chia sẻ với các thầy cô giáo, Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: "“Ngôi vương" trong chuyển đổi số giáo dục chính là tạo ra các khóa học, trong đó nội dung số là rất quan trọng. Dù chúng ta có thiết bị, đường truyền, có kỹ thuật,... nhưng nếu không có bài giảng số, học liệu số thì kết quả chuyển đổi cũng hạn chế.
Chúng ta phải tiến tới xây dựng kho học liệu điện tử có thể dùng chung, trong một câu lạc bộ, việc chia sẻ học liệu dùng chung, việc xuất bản các học liệu mở là rất quan trọng. Chúng ta phải chú trọng và thảo luận kỹ hơn vấn đề này”.
Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các chuyên gia, các thầy cô giáo đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc xây dựng, xuất bản học liệu mở; gắn việc chuyển đổi số với giáo dục mở.
Đặc biệt, khi chúng ta vẫn phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ, ngành giáo dục thực hiện chuyển đổi số, sản xuất các học liệu điện tử nhưng chưa thể quản lý được hệ thống dữ liệu. Đây là một vấn đề quan trọng được các chuyên gia đặt ra để tìm hướng giải quyết.