Từng là Biên tập viên SGK, thầy Kiên chỉ ra nhiều "sạn" trong bộ sách Kết nối

08/06/2022 06:36
Tùng Dương (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguyên nhân cuốn sách giáo khoa này không theo đúng chương trình môn học, không giải quyết đúng mục tiêu bài học mà nó tự đặt ra là gì? Đây là một sự tùy tiện.

Sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), là sách giáo khoa tích hợp từ 3 lĩnh vực Vật lí, Hóa học, Sinh học, tuy nhiên, nội dung của nó có sự phân mảnh rõ rệt. Các kiến thức môn Sinh học được trình bày tập trung trong 3 chương V, VI, VII, gồm 22 bài. Theo phản ánh của nhiều giáo viên Sinh học, có rất nhiều sai sót trong 22 bài học này.

Nhiều ý kiến cho rằng: Với kiến thức sai như vậy nếu đưa vào giảng dạy, học sinh sẽ nhận được những kiến thức sai. Triết lí của cuốn sách này là Kết nối tri thức với cuộc sống, làm gì thì làm, khi học xong thì kiến thức phải dùng được trong cuộc sống, triết lí rất hay nhưng kiến thức sai như vậy thì liệu có làm được hay không?

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Trương Đức Kiên – nguyên giáo viên môn Sinh học Trường Trung học cơ sở Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội), nguyên Biên tập viên sách giáo khoa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Thầy Trương Đức Kiên – Nguyên giáo viên môn Sinh học Trường Trung học cơ sở Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thầy Trương Đức Kiên – Nguyên giáo viên môn Sinh học Trường Trung học cơ sở Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thầy Kiên cho biết: “Là người có chuyên môn Sinh học, đã đọc rất kĩ cuốn sách giáo khoa này, cũng như nhiều giáo viên khác, tôi nhận thấy cuốn sách giáo khoa này có nhiều sai sót. Các sai sót tập trung ở các dạng chính sau đây:

Thứ nhất: Nội dung của sách giáo khoa không phù hợp với nội dung của chương trình môn học: Ví dụ: Ở nội dung về tế bào. Hiện nay có 3 cuốn Khoa học tự nhiên 6, thuộc ba bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản, 2 trong số 3 cuốn sách đó có nội dung đúng như nội dung chương trình môn Khoa học tự nhiên. Nghĩa là đều dạy “Tế bào là đơn vị cơ sở của sự sống”.

Nhưng Khoa học tự nhiên 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, thì lại dạy “Tế bào là đơn vị cơ bản của sự sống”. Ở đây, có sự thay thế từ “cơ sở” bằng từ “cơ bản”. Dù chỉ thay thế một từ nhưng đã làm nội dung khoa học sai hoàn toàn về mặt bản chất. Bởi vì, sự sống không phải là vật chất, không phân chia được thành các đơn vị cấu tạo. Chỉ vật sống mới phân chia được thành các đơn vị.

Để dễ hình dung hơn, ta lấy cơ thể người làm ví dụ: Vật sống này gồm các đơn vị cấu tạo là hệ cơ quan, mô, tế bào, bào quan, phân tử, nguyên tử. Trong các loại đơn vị này, chỉ tế bào là đơn vị cơ bản. Do đó, nếu nói “tế bào là đơn vị cơ bản của cơ thể sống” thì đúng nhưng nói “tế bào là đơn vị cơ bản của sự sống” là sai.

Mặt khác, chính trong cuốn sách này, khi thì nói “tế bào là đơn vị cơ bản của sự sống”, khi lại nói “tế bào là đơn vị cơ bản của cơ thể sống”. Như vậy là nhập nhằng do không hiểu rõ bản chất của 2 khái niệm: Sự sống và cơ thể sống.

Theo thầy Kiên: "Tế bào là đơn vị cơ bản của sự sống” là sai". Ảnh chụp SGK.

Theo thầy Kiên: "Tế bào là đơn vị cơ bản của sự sống” là sai". Ảnh chụp SGK.

Thứ hai: Nhiều khái niệm, thuật ngữ cơ bản sai hoặc rất mơ hồ. Sai khái niệm "tế bào".

Theo thầy Kiên: “Sách giáo khoa, bài 18, mục I, trang 64, ghi khái niệm tế bào: "Tất cả các cơ thể sinh vật (thực vật, động vật, con người...) đều được cấu tạo từ những đơn vị rất nhỏ bé, gọi là tế bào". Đây là khái niệm không chính xác.

Mọi cơ thể sinh vật được cấu tạo bởi các tế bào. Các tế bào lại được cấu tạo bởi các bào quan. Các bào quan lại được cấu tạo bởi các phân tử, nguyên tử... Như thế, nếu ta nói “Mọi cơ thể sinh vật đều được cấu tạo từ những đơn vị rất nhỏ bé” thì những đơn vị đó có thể là bào quan, phân tử, nguyên tử,... Trong đó, bào quan, phân tử, nguyên tử... là những đơn vị cấu tạo còn nhỏ hơn cả tế bào. Tóm lại, không phải cứ đơn vị rất nhỏ bé cấu tạo nên cơ thể là tế bào.

Tóm lại, không phải cứ đơn vị rất nhỏ bé cấu tạo nên cơ thể là tế bào. Ảnh chụp SGK.

Tóm lại, không phải cứ đơn vị rất nhỏ bé cấu tạo nên cơ thể là tế bào. Ảnh chụp SGK.

Thứ ba: Sai khái niệm cơ thể sống. Khái niệm cơ thể sống được trình bày ở mục I, bài 22, trang 75 như sau: Cơ thể chỉ một cá thể sinh vật có khả năng thực hiện các quá trình sống cơ bản: cảm ứng, dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản,...

Thầy Kiên cho rằng, đây là một định nghĩa sai. Cơ thể không phải phải là cá thể sinh vật. Tên của bài 22 là "Cơ thể sinh vật". Đọc cụm từ này chúng ta hiểu, sinh vật có cái gọi là “cơ thể”. Cá thể sinh vật là một sinh vật, cũng có cơ thể. Cơ thể chính là phần vật chất của một sinh vật. Nghĩa là cơ thể và cá thể sinh vật không phải là một. Nếu định nghĩa cơ thể như sách giáo khoa này thì ta sẽ gặp rắc rối khi muốn muốn diễn đạt về cấu tạo cơ thể của sinh vật thời tiền sử.

Thầy Kiên nói: "Theo tôi, đây là một định nghĩa sai. Cơ thể không phải phải là cá thể sinh vật". Ảnh chụp SGK.

Thầy Kiên nói: "Theo tôi, đây là một định nghĩa sai. Cơ thể không phải phải là cá thể sinh vật". Ảnh chụp SGK.

Thứ tư: Mơ hồ về hình dạng tế bào. Ở mục II.1 – Hình dạng tế bào, trang 64, có kênh hình vẽ 4 loại tế bào (Tế bào da người, tế bào thần kinh ở người, tế bào vi khuẩn, tế bào ở lá cây) và kênh chữ chỉ có hai câu “Có nhiều loại tế bào. Hình dạng các loại tế bào thường phản ánh chức năng khác nhau của chúng”.

Với cách trình bày nội dung như thế này, học sinh không thể biết được tế bào có những loại hình dạng gì, không hiểu được mối liên quan giữa hình dạng của tế bào với chức năng của chúng. Đây là một hình thức đánh đố khiến cho việc học mang tính áp đặt nhồi nhét chứ không phát huy được năng lực, phẩm chất như chương trình giáo dục đặt mục tiêu.

Với cách trình bày nội dung như thế này, học sinh không thể biết được tế bào có những loại hình dạng gì, không hiểu được mối liên quan giữa hình dạng của tế bào với chức năng của chúng. Ảnh chụp SGK.

Với cách trình bày nội dung như thế này, học sinh không thể biết được tế bào có những loại hình dạng gì, không hiểu được mối liên quan giữa hình dạng của tế bào với chức năng của chúng. Ảnh chụp SGK.

Thứ năm: Định hướng tư duy sai lầm. Trang 86 viết: "Khi vào một cửa hàng sách, em sẽ dễ dàng tìm được cuốn sách mình cần vì sách trong cửa hàng đã được sắp xếp thành từng nhóm khác nhau. Vậy để có thể dễ dàng tìm ra một loài sinh vật trong vô số các loài sinh vật trong tự nhiên, các nhà khoa học đã phân loại thế giới sống như thế nào?"

Theo thầy Kiên: “Phân loại thế giới sống không giống phân loại sách rồi xếp những cuốn sách cùng loại lên một ngăn trên giá sách trong hiệu sách. Các nhà khoa học không gom tất cả sinh vật trên trái đất lại rồi chia thành nhóm, rồi nhốt mỗi nhóm sinh vật vào một chỗ, để rồi muốn lấy con gì, cây gì... thì cứ chạy đến chỗ đã nhốt mà lấy giống như lấy một cuốn sách trong hiệu sách. Đây là một cách dẫn dắt tư duy sai lầm cần phải tránh nếu không sẽ gây nguy hiểm cho quá trình nhận thức của các em học sinh.

Đây là một cách dẫn dắt tư duy sai lầm cần phải tránh nếu không sẽ gây nguy hiểm cho quá trình nhận thức của các em học sinh. Ảnh chụp SGK.
Đây là một cách dẫn dắt tư duy sai lầm cần phải tránh nếu không sẽ gây nguy hiểm cho quá trình nhận thức của các em học sinh. Ảnh chụp SGK.

Thứ sáu: Dùng lẫn lộn các khái niệm cơ bản. Dùng lẫn lộn khái niệm sinh vật và cơ thể. Trang 76, có viết: “Tùy thuộc vào số lượng tế bào cấu tạo nên cơ thể, tất cả sinh vật trên trái đất được chia thành hai nhóm lớn là cơ thể đơn bào và cơ thể đa bào”. Đây là một ví dụ về việc sử dụng thuật ngữ một cách tùy tiện. Phân chia các sinh vật thành nhóm sẽ thu được các nhóm sinh vật chứ không phải là các nhóm cơ thể. Cũng giống như chia tiền thành từng món, ta phải được các món tiền. Cái thu được sau khi chia vẫn phải là tiền. Có chăng, lúc đầu là một món tiền to, sau khi phân chia thì thu được nhiều món tiền nhỏ hơn thôi. Có ai chia tiền thành từng món, mà cuối cùng lại thu được các món giấy không?

Trang 77, dòng 1 có viết: “Ví dụ: Thực vật (như cây quất), động vật (như con thỏ), người... là các cơ thể đa bào.” Đoạn này phải được sửa lại thành: “Ví dụ: thực vật (như cây quất), động vật (như con thỏ, người...) là các sinh vật đa bào.”

Môn học nào cũng cần dạy học sinh giao tiếp. Muốn giao tiếp tốt thì ngôn ngữ phải trong sáng, rõ ràng và chuẩn mực. Cách sử dụng tiếng Việt không chuẩn mực ở đây sẽ khiến việc dạy học khó hình thành được kỹ năng giao tiếp cho học sinh như yêu cầu của chương trình giáo dục.

Thứ bảy: Dùng lẫn lộn khái niệm phân loại sinh vật và phân loại sinh học. Trang 86, dòng 2 từ trên xuống viết là: “Hệ thống phân loại sinh vật.” Ở dòng 4, 6 từ dưới lên lại viết là: “Phân loại sinh học”. Đối tượng phân loại là các sinh vật thì phải gọi là phân loại sinh vật. Đây là hiện tượng sử dụng thuật ngữ không chính xác.

Cách sử dụng tiếng Việt không chuẩn mực ở đây sẽ khiến việc dạy học khó hình thành được kỹ năng giao tiếp cho học sinh như yêu cầu của chương trình giáo dục. Ảnh chụp SGK.

Cách sử dụng tiếng Việt không chuẩn mực ở đây sẽ khiến việc dạy học khó hình thành được kỹ năng giao tiếp cho học sinh như yêu cầu của chương trình giáo dục. Ảnh chụp SGK.

Thứ tám: Cuốn sách tự đặt ra mục tiêu không có trong chương trình nhưng không giải quyết được mục tiêu do mình đặt ra. Bài 22, trang 76, có một mục tiêu là: “Nhận biết được cơ thể sống.” Đây là một mục tiêu không có trong chương trình môn học".

Để giải quyết mục tiêu này, sách giáo khoa, trang 76, bài 22, dòng 6, đặt câu hỏi: “Tại sao ô tô và xe máy không phải là vật sống?”. Đây là một sự bất cập. Câu hỏi không phù hợp với mục tiêu bài học. Mục tiêu là “Nhận biết được cơ thể sống” thì câu hỏi phải là “Tại sao ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống?”

Nhưng trong sách giáo viên, trang 120, bài 22, dòng 29, trả lời là: “Ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống vì không có đủ các quá trình sống cơ bản của một cơ thể.”

Đây lại là một bất cập nữa vì câu trả lời không ăn nhập với câu hỏi. Với câu hỏi “Tại sao ô tô và xe máy không phải là vật sống?” thì câu trả lời không thể là “Ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống”. Hỏi một đằng trả lời một nẻo.

Sự nhập nhằng trong việc sử dụng thay thế nhau giữa 2 khái niệm “vật sống” và “cơ thể sống” ở đây thể hiện rằng bộ sách giáo khoa này coi “vật sống” chính là “cơ thể sống”.

Lạ lùng hơn nữa là trong chính câu “Ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống vì không có đủ các quá trình sống cơ bản của một cơ thể”, trước thì dùng cụm từ “cơ thể sống”, cuối cùng lại dùng từ “cơ thể” với cùng một nghĩa. Tóm lại, qua nghiên cứu cho thấy, bộ sách giáo khoa này đã coi cả 3 khái niệm “vật sống, cơ thể và cơ thể sống” có cùng một nghĩa”.

Thầy Kiên nhấn mạnh: “Như trên đã nói, chương trình môn học không yêu cầu nhận biết cơ thể sống nhưng cuốn sách này lại tự đặt ra cho mình riêng một mục tiêu là nhận biết cơ thể sống. Đây là một sự tùy tiện.

Dù tự đặt ra mục tiêu riêng nhưng, khi giải quyết mục tiêu này, cuốn sách lại đi chệch hướng. Lẽ ra phải nhận biết cơ thể sống thì nó lại đi nhận biết vật không sống. Nguyên nhân cuốn sách giáo khoa này không theo đúng chương trình môn học, không giải quyết đúng mục tiêu bài học mà nó tự đặt ra là gì? Tôi cho rằng, nó đã hiểu không đúng các khái niệm cơ bản là “vật sống, vật không sống, cơ thể và cơ thể sống”.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của thầy Trương Đức Kiên. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Tùng Dương (ghi)