Từng dự kiến thí điểm thi kết hợp xét tuyển vào 10, vì sao Gia Lai chưa áp dụng?

23/04/2024 06:27
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Từng dự kiến thí điểm kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển từ năm học 2024-2025, nhưng theo phương án được phê duyệt, Gia Lai vẫn tiếp tục xét tuyển vào lớp 10.

Vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đã ký ban hành Quyết định số 166/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các trường trung học phổ thông, trường phổ thông nhiều cấp học có cấp trung học phổ thông tại Gia Lai sẽ thực hiện phương thức xét tuyển; trừ Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương vẫn tổ chức thi tuyển.

Riêng Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, công tác tuyển sinh được thực hiện theo Điều 12, Thông tư số 10/2021/TT-BGDĐT ngày 5-4-2021; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện thực hiện tuyển sinh theo Điều 12 Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ngày 6-1-2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

z2509968322053_1963fa6e8f56b29ae4fbf4eeeabcb703.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (Gia Lai). Ảnh: website nhà trường

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, cả nước có 8 tỉnh thực hiện phương thức xét tuyển; 44 tỉnh, thành phố thực hiện phương thức thi tuyển và 11 tỉnh áp dụng phương thức kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Tại Gia Lai, việc tuyển sinh vào 10 theo phương thức xét tuyển (căn cứ theo kết quả học tập và rèn luyện ở bậc trung học cơ sở) đã được duy trì thực hiện từ nhiều năm nay (riêng Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương thi tuyển theo quy chế của trường chuyên biệt).

Được biết, trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã xây dựng và lấy ý kiến cho dự thảo phương thức tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo là việc thí điểm áp dụng phương thức tuyển sinh mới. Cụ thể, theo dự thảo, năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai dự kiến xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh phê duyệt phương án thí điểm kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển đối với các trường trung học phổ thông công lập không chuyên biệt trên địa bàn thành phố Pleiku, gồm: Phan Bội Châu, Pleiku, Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Chí Thanh; trong đó, điểm thi tuyển là một bộ phận trong tổng điểm xét tuyển.

Đối với Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh tiếp tục tuyển sinh lớp 10 theo phương thức như năm học 2023-2024. Riêng Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương sẽ không tuyển sinh 2 lớp không chuyên theo quy định mới tại Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT.

Dự thảo cũng nêu rõ, từ năm học 2025-2026, tỉnh sẽ mở rộng dần phương thức này đối với các địa phương có nhiều trường trung học phổ thông và nghiên cứu triển khai từng bước phương án chỉ thi tuyển sao cho phù hợp với từng trường.

Để tìm hiểu vì sao đề xuất này không được thực hiện, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai.

pho-giam-doc-so-gd-dt-nguyen-van-long-phat-bieu-chi-dao-hoi-nghi-anh-moc-tra-2114.jpg
Thầy Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà/Báo Gia Lai

Theo đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết, sau khi lấy ý kiến toàn thể cha mẹ học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố Pleiku, tỷ lệ cha mẹ học sinh đề nghị thi tuyển đạt dưới 25%. Tỷ lệ cha mẹ học sinh đề nghị tiếp tục giữ ổn định phương thức xét tuyển cho lứa học sinh cuối cùng của chương trình giáo dục 2006 (lứa học sinh lớp 9 sẽ tham gia tuyển sinh vào lớp 10 năm nay - PV) đạt gần 76%.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, phương án xét tuyển dựa trên kết quả đánh giá quá trình học của thí sinh, điều này cũng phù hợp với tinh thần của chương trình giáo dục hiện hành là không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà chú ý cả quá trình học tập. Việc tổ chức xét tuyển thay vì thi tuyển cũng góp phần giảm tốn kém cho cha mẹ học sinh và nhà nước.

Phó Giám đốc Nguyễn Văn Long cũng nhìn nhận, phương thức xét tuyển còn tồn tại một số nhược điểm nhất định, tuy nhiên ngành giáo dục tỉnh này sẽ tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp cụ thể để khắc phục.

Bên cạnh đó, kế hoạch tuyển sinh năm nay ngành giáo dục Gia Lai cũng đã tính đến các yếu tố ưu tiên cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng ưu tiên khác, tạo thuận lợi cho hoạt động học tập và khắc phục dần các bất cập trong phương thức tuyển sinh.

Trên cơ sở đó, năm học 2024-2025, tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện phương án xét tuyển vào 10, đây là kết quả trên cơ sở điều tra xã hội học và lấy ý kiến các ngành.

Theo thầy Long, sang năm học tới (năm học 2025-2026), lứa học sinh của chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ lần đầu tiên chính thức tham gia kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Về việc sẽ tiếp tục thực hiện phương án xét tuyển hay thí điểm thực hiện kết hợp xét tuyển và thi tuyển sẽ phải lấy ý kiến của cha mẹ học sinh năm học tới - đây là một trong những kênh để Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai nhấn mạnh, việc thay đổi phương thức tuyển sinh mới cần được tính toán nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của người học và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng địa phương. Bên cạnh đó, việc thay đổi phương thức tuyển sinh phải được tiến hành từng bước, thí điểm trên diện hẹp; sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để xây dựng kế hoạch tuyển sinh tốt hơn trong các năm tiếp theo.

Thí sinh được cộng tối đa 4 điểm ưu tiên

Theo kế hoạch, điểm cho đối tượng hưởng chế độ ưu tiên được quy định như sau:

Cộng 4,0 điểm cho một trong các đối tượng thuộc nhóm đối tượng 1, gồm:

- Con liệt sĩ;

- Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; - Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;

- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”.

Cộng 3,5 điểm cho một trong các đối tượng thuộc nhóm đối tượng 2, gồm:

- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động;

- Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;

- Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; - Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.

Cộng 3,0 điểm cho một trong các đối tượng thuộc nhóm đối tượng 3, gồm:

- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;

- Người dân tộc thiểu số;

- Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (tính theo đơn vị xã; những xã có ít nhất một thôn đặc biệt khó khăn cũng được tính là xã đặc biệt khó khăn).

Lưu ý, học sinh, học viên thuộc nhiều nhóm đối tượng ưu tiên thì chỉ được hưởng một nhóm đối tượng có chế độ ưu tiên điểm cao nhất.

Doãn Nhàn