Từ người nhận bò Chương trình xoá đói giảm nghèo đến hành trình du học Nhật Bản

Từ người nhận bò Chương trình xoá đói giảm nghèo đến hành trình du học Nhật Bản

03/12/2024 10:18
Anh Tú
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Nam sinh vượt khó giành học bổng du học Nhật Bản, muốn trở thành nhà nghiên cứu phòng chống thiên tai, để giúp người dân an tâm, an toàn phát triển bền vững

Untitled-2.jpg

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hà Tĩnh, chàng trai Nguyễn Tuấn Nam (sinh năm 1998) trưởng thành trong hoàn cảnh đầy khó khăn. Nhớ lại quãng thời gian ấy, Tuấn Nam cho biết: “Gia đình tôi bấy giờ được gọi là hộ nghèo “bền vững”, tức là nghèo từ năm này qua năm khác”.

Trong những năm tháng khó khăn, gia đình Nam thường xuyên phải đối diện với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, không biết ngày mai sẽ ăn gì hay có đủ tiền để trang trải cuộc sống hay không.

Năm lớp 8, gia đình Nam được nhận một con bò từ Chương trình xóa đói giảm nghèo, giúp cải thiện phần nào cuộc sống. Tưởng chừng điều này sẽ giúp gia đình chàng thiếu niên trẻ thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhưng dường như, thử thách lớn hơn vẫn chờ đợi Nam ở phía trước.

Năm lớp 11, một biến cố không may xảy ra, khi bố Nam đột ngột qua đời, để lại anh và mẹ sống nương tựa vào nhau. “Tôi có chị gái, nhưng chị đã đi lấy chồng từ năm tôi học lớp 6, cho nên lúc bố mất, nhà chỉ còn hai mẹ con. Hoàn cảnh của chị cũng không dễ dàng gì, nên thời điểm ấy, hai mẹ con tôi như rơi vào hố sâu của cuộc đời” - Nam nhớ lại.

Trở thành trụ cột “bất đắc dĩ”, mẹ anh buộc phải rời quê hương ra Hà Nội mưu sinh. Thời gian đó, Tuấn Nam vẫn ở lại quê, tự lo chuyện học hành, sinh hoạt. Những năm tháng này không chỉ rèn luyện cho Nam sự tự lập, mà còn thắp lên trong anh ngọn lửa kiên trì và khát khao vươn lên.

Với hoàn cảnh như vậy, tưởng chừng giấc mơ cháy bỏng trong Nam sẽ bị gác lại bởi hàng vạn lo toan, nhưng có lẽ, tất cả chỉ là thử thách để tiến lên phía trước.

Tuấn Nam nhớ lại ký ức thuở bé: “Từ nhỏ, tôi đã nuôi dưỡng ước mơ được học tập ở nước ngoài. Một phần lý do trong đó xuất phát từ việc tôi xem bộ phim “Chuyện tình ở Harvard” trên truyền hình, khiến tôi mơ ước được đạp xe trong khuôn viên của một ngôi trường danh tiếng như Đại học Harvard. Bên cạnh đó, cuốn sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!” cũng đã truyền cảm hứng cho tôi: Biến những điều tưởng như không thể thành có thể”.

Untitled-3.jpg

Những ước mơ này đã thúc đẩy Tuấn Nam không ngừng nỗ lực học tập, đặc biệt là việc học tiếng Anh. Trong một môi trường nông thôn, nơi mà việc tiếp cận nguồn tài liệu học tập còn hạn chế, nam sinh đã tự học và luyện tập tiếng Anh một cách chăm chỉ. Nam luôn là một trong những học sinh học tiếng Anh tốt nhất ở lớp, một thành tích đáng chú ý trong điều kiện thiếu thốn.

Năm 2016, Tuấn Nam đỗ vào Trường Đại học Thủy lợi. Dù không đủ điều kiện tài chính để du học ngay, anh luôn giữ vững niềm tin rằng mình sẽ tìm được cơ hội thông qua học bổng. Trong những năm học tại ngôi trường này, chàng trai trẻ không chỉ đạt được nhiều học bổng dành cho sinh viên xuất sắc và sinh viên nghèo vượt khó, mà còn không ngừng trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình.

Anh tận dụng mọi cơ hội để học tiếng Anh, kể cả việc “săn Tây” quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, xin nói chuyện với người nước ngoài chỉ trong 5 phút để rèn luyện phản xạ giao tiếp.

Không chỉ học tốt các môn chuyên ngành, Nam còn chăm chỉ hoàn thành các môn học lý luận với điểm số cao.

“Trong quá trình học tập ở Trường Đại học Thủy lợi, tôi luôn muốn tìm cơ hội đi du học, để thực hiện được ước mơ ấy, có lẽ việc học thật xuất sắc là con đường duy nhất. Ngay từ năm nhất, tôi đã rất nỗ lực, cố gắng, để sau này, nếu như có cơ hội kiếm học bổng, thì sẽ có cơ sở chứng minh năng lực của mình” - Tuấn Nam chia sẻ.

Cơ hội lớn đến với Nam khi anh biết đến Chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản (MEXT) - một trong những học bổng danh giá nhất dành cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, Nam nhanh chóng nhận được thông tin rằng, chương trình học của Trường Đại học Thủy lợi và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Akita không tương thích, khiến nam sinh gặp khó khăn trong việc nộp hồ sơ.

Chia sẻ về quá trình nắm bắt cơ hội “ngàn năm có một”, chàng sinh viên trẻ kể lại: “Tôi đã liên hệ trực tiếp với một vị giáo sư tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Akita, trình bày nguyện vọng và thành tích học tập của mình. Khi ấy, tôi đã bày tỏ rằng, bản thân sẽ sẵn sàng từ bỏ toàn bộ thời gian học tại Việt Nam để bắt đầu lại từ đầu như một sinh viên Nhật Bản”.

Cuối cùng, vào cuối tháng 8/2018, sau quá trình phỏng vấn và xét hồ sơ kỹ lưỡng, Tuấn Nam chính thức được nhận học bổng MEXT và nhập học tại Khoa Xây dựng và Kiến trúc, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Akita. Học bổng này không chỉ bao gồm học phí mà còn hỗ trợ sinh hoạt phí cho suốt chương trình học kéo dài 6 năm, bao gồm 1 năm học tiếng Nhật dự bị.

Untitled-5.jpg

Khi đặt chân đến Nhật Bản, Nam đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Anh không biết một chữ tiếng Nhật nào, kể cả những câu chào hỏi đơn giản. Hơn nữa, khả năng giao tiếp tiếng Anh của Nam cũng không tốt, khiến chàng trai ấy phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc học tập và hòa nhập văn hóa.

Tuấn Nam phải học tiếng Nhật trong vòng 1 năm để đạt được trình độ N2 - một trong những cấp độ cao nhất, trong khi người khác cần từ 3 năm đến 4 năm để đạt được.

Để vượt qua áp lực này, anh đã dành hơn 12 tiếng mỗi ngày cho việc học. Ngoài ra, Tuấn Nam còn làm thêm tại một cửa hàng tiện lợi để thực hành tiếng Nhật trong môi trường thực tế, giúp nâng cao khả năng giao tiếp và hiểu biết về văn hóa Nhật Bản.

Không chỉ khó khăn về ngôn ngữ, Tuấn Nam còn phải thích nghi với văn hóa và thời tiết khắc nghiệt tại tỉnh Akita, nơi mà mùa đông tuyết rơi dày đặc và thời tiết lạnh lẽo. Những khác biệt về văn hóa, từ cách giao tiếp đến thói quen sinh hoạt, đôi khi khiến chàng du học sinh cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, không thể trở về thăm gia đình suốt một thời gian dài, điều này khiến anh rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài gần như cả năm.

Tuy nhiên, với lòng kiên trì và ý chí vượt khó, anh đã vượt qua những thử thách ấy. Chàng sinh viên không chỉ đạt được trình độ tiếng Nhật N2, mà còn tốt nghiệp Xuất sắc tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Akita vào tháng 3/2023 và tiếp tục học lên bậc đại học ngành Xây dựng tại Đại học Kyushu (Nhật Bản). Thành tích này không chỉ minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của chàng trai quê Hà Tĩnh, mà còn là niềm tự hào của gia đình và quê hương.

Mong muốn trở thành (1).png

Không chỉ tập trung vào việc học tập, Nam còn dành thời gian và công sức để quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản. Anh tâm niệm, mình không chỉ là một du học sinh, mà còn là “đại sứ văn hóa” của quê hương. Chính nhận thức này đã thôi thúc Tuấn Nam tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa và giáo dục tại Nhật Bản.

Nam sinh thường xuyên tham gia các buổi giới thiệu về văn hóa Việt Nam cho bạn bè quốc tế và sinh viên quốc tế tại Nhật Bản. Anh giới thiệu về ý nghĩa của quốc kỳ, trang phục truyền thống, các món ăn đặc sản, cũng như đặc điểm địa lý và khí hậu của đất nước Việt Nam. Những buổi giới thiệu này không chỉ giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, mà còn tạo cơ hội cho chàng trai trẻ kết nối và giao lưu văn hóa.

“Ngoài ra, tôi cũng tham gia vào các hoạt động của Hội sinh viên quốc tế và Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, nơi tôi có cơ hội tổ chức các sự kiện văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm học tập và hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam khác trong hành trình du học.

Tôi cũng giảng dạy tiếng Nhật tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Hữu nghị quốc tế Fukuoka, giúp các bạn sinh viên Việt Nam nâng cao khả năng giao tiếp và hòa nhập với môi trường Nhật Bản” - Nam chia sẻ thêm.

Untitled-6.jpg

Trong suốt hành trình khó khăn và đầy thử thách, người ảnh hưởng lớn nhất đối với Nam chính là bố mẹ. Dù bố đã mất khi anh chỉ mới 15-16 tuổi, nhưng những giá trị và nghị lực mà bố truyền đạt đã khắc sâu trong tâm trí anh. Mẹ anh, người đã phải rời quê ra Hà Nội làm giúp việc để nuôi sống gia đình, vẫn luôn là nguồn động viên lớn nhất. Mẹ không chỉ lo lắng mà còn khuyến khích Nam tiếp tục học tập, tin tưởng rằng giáo dục là con đường duy nhất để thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Tuấn Nam xúc động khi nhắc đến động lực lớn nhất trong cuộc hành trình chinh phục giấc mơ của mình: “Tôi luôn nhớ lời dặn dò của bố mẹ: “Học là con đường thoát nghèo duy nhất”.

Điều này không chỉ là niềm tin mà còn là trách nhiệm mà tôi mang trên vai. Dù gặp bao nhiêu khó khăn, tôi luôn nỗ lực không ngừng, không chỉ vì bản thân mà còn vì sự kỳ vọng và niềm tin của gia đình. Nhìn lại cuộc hành trình của mình tới thời điểm hiện tại, tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn mẹ, cảm ơn bố. Cảm ơn bản thân đã không từ bỏ”.

Chàng trai cũng muốn gửi gắm một thông điệp tới các bạn trẻ đang đối mặt với những thử thách tương tự: “Cuộc sống sẽ luôn đặt ra những thử thách, nhưng nếu chúng ta không bỏ cuộc, những giấc mơ lớn sẽ có thể trở thành hiện thực. Mỗi người sẽ có những câu chuyện và hoàn cảnh riêng, do đó không có một công thức chung nào để vượt qua mọi thử thách. Tuy nhiên, nếu chúng ta luôn cố gắng và giữ vững niềm tin vào mục tiêu của mình, thì quả ngọt sẽ đến”.

Nam sinh tin rằng, những khó khăn trong quá khứ đã giúp hình thành nên con người hiện tại và mỗi bước đi của anh đều là một minh chứng cho sức mạnh của ý chí và nghị lực con người.

Untitled-7.jpg

Hiện tại, Tuấn Nam tiếp tục theo học tại ngành Xây dựng, Khoa Công nghệ tại Đại học Kyushu. Tại đây, anh tập trung nghiên cứu về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về lũ.

Nam sinh chia sẻ: “Ngành học ở bậc đại học đã trang bị cho tôi nền tảng kiến thức vững chắc về lĩnh vực xây dựng nói chung, cùng với kiến thức chuyên sâu về thủy lực, cơ chế hoạt động của các dòng chảy tự nhiên, nguyên nhân và giải pháp cũng như cách thức, cơ chế hình thành nên thiên tai. Ngoài ra, tôi cũng nghiên cứu về tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hệ thống sông ngòi, thủy lợi và lưu vực dòng chảy”.

Từ những kiến thức đó, Tuấn Nam mong muốn giảm thiểu thiên tai, giúp cuộc sống người dân an toàn và bền vững: “Tôi muốn trở thành nhà nghiên cứu chuyên về phòng chống thiên tai, nên trong tương lai, tôi mong muốn phát triển, nghiên cứu ra các giải pháp giúp giảm nhẹ thiệt hại về người cũng như tài sản, để người dân có thể an tâm, an toàn phát triển bền vững”.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chào đón bài tham gia Cuộc thi viết "Sống Đẹp" từ học sinh, giáo viên và quý độc giả trên cả nước.

Nội dung bài viết tôn vinh những câu chuyện tử tế, người tốt - việc tốt trong nhà trường, xã hội nhằm nhân lên lối sống đẹp, văn minh, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là ở thế hệ trẻ;

Lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chỉ rõ, phê phán những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn chưa đẹp trong nhà trường, xã hội;

Phát hiện, đề xuất các giải pháp, cách làm hay để giáo dục học sinh, lan tỏa góp phần xây dựng con người Việt Nam đủ năng lực, phẩm chất sẵn sàng đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Về hình thức trình bày, tác phẩm dự thi là bài phản ánh (độ dài từ 600 từ - 1500 từ, được đánh máy cỡ chữ 14, font chữ Times New Roman kèm ảnh minh họa), phóng sự ảnh, video...

Bài viết gửi kèm các thông tin bắt buộc bao gồm: họ và tên, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại của tác giả; thông tin về nhân vật trong tác phẩm.

Thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 31/05/2025. Mỗi tác giả tham gia cuộc thi được gửi tham gia tối đa 5 tác phẩm.

Tác phẩm dự thi gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Anh Tú