Tự chủ nhưng phải “tự lo”, nhiều năm không tăng học phí, trường ĐH có đề xuất

06/08/2023 06:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong bối cảnh thực hiện tự chủ, ngân sách bị cắt giảm, yêu cầu lương chi trả cho giảng viên phải tăng, mà học phí vẫn giữ nguyên là gây khó cho các trường ĐH.

Bước vào tự chủ, nhiều trường đại học bị cắt giảm ngân sách, song những năm gần đây lại không được tăng mức học phí, điều này đang đẩy các trường rơi vào tình thế khó khăn.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Không tăng học phí khiến các trường phải đối mặt với áp lực tài chính, khó cân đối thu chi cũng như thực hiện các kế hoạch chiến lược cho đào tạo, phát triển.

Nhà nước cần cấp bù tiền học phí cho trường đại học tự chủ

Trường Đại học Y dược Thái Bình thực hiện tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2) bắt đầu từ năm 2021, nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe ở trình độ đại học và sau đại học, chi phí đào tạo cao nên bài toán tài chính đang là vấn đề căng thẳng hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: Doãn Nhàn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: Doãn Nhàn

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình thông tin, ngày 2/8, Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mức thu học phí năm 2023-2024 và cấp bù học phí cho cơ sở giáo dục theo mức trần học phí.

Theo đó, nếu thực hiện theo Thông báo số 300/TB-VPCP thì nhà trường là một trong những đơn vị tự chủ không có ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên; học phí 3 năm liên tục không được tăng; chi phí đào tạo cho ngành khoa học sức khỏe rất cao; phải đảm bảo mức lương cơ sở cho cán bộ, giảng viên theo quy định mới khiến nguồn thu của nhà trường giảm sút nghiêm trọng.

Dự kiến nguồn kinh phí năm 2023-2024 của nhà trường không đủ đảm bảo được các khoản chi cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiền lương, phụ cấp cho cán bộ viên chức, người lao động và không duy trì được hoạt động bình thường của nhà trường.

Do đó, Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình Chính phủ có quy định riêng đối với các trường đại học đã được giao tự chủ nhóm 1, nhóm 2.

Trường hợp được tăng học phí, nhà trường cam kết thực hiện đúng các quy định hỗ trợ các học viên, sinh viên diện khó khăn theo quy định của Chính phủ và có hỗ trợ của nhà trường để đảm bảo người học có đủ điều kiện theo học tại trường.

Trường hợp nếu không được điều chỉnh mức học phí thì Nhà nước cần có chính sách cấp bù tiền học phí cho cơ sở giáo dục đại học theo mức trần học phí năm học 2023 - 2024 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hiện hành cho đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2.

Rất trăn trở trước vấn đề tài chính của nhà trường, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến chia sẻ: “Nguồn thu chủ yếu của trường chủ yếu dựa vào học phí, học phí trên 90% và thu dịch vụ đào tạo, thu khác gần 10%.

Thế nên để cân đối bài toán thu chi, tính toán cho thực hiện đổi mới, đầu tư phát triển là một vấn đề nan giải.

Bước sang năm thứ 3 thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng học phí vẫn giữ ở mức như thời kỳ chưa tự chủ, sẽ rất khó để nhà trường thực hiện các hoạt động, kế hoạch đào tạo và phát triển đã đề ra, chất lượng đào tạo cũng khó đảm bảo.

Nguồn lực tài chính hạn hẹp, trường cũng phải đối mặt với thách thức trong việc “giữ chân”, thu hút giảng viên, các nhà khoa học. Không tăng học phí sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống, tâm lý của cán bộ và các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển của trường.

Ngân sách giảm, học phí không tăng nhưng phải tăng lương cho giảng viên

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Thái Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho hay, học phí nhà trường nhiều năm qua không tăng.

Trong xu thế tự chủ đại học hiện nay, kinh phí chi thường xuyên mà ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học ngày càng giảm, nên nguồn thu chính của các trường là từ học phí. Nếu không tăng học phí sẽ rất khó để trường đại học đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Các trường đào tạo khối ngành kỹ thuật phải đầu tư nhiều cho việc mua sắm thiết bị, máy móc, đầu tư nhà xưởng nên chi phí đào tạo cao. Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh

Các trường đào tạo khối ngành kỹ thuật phải đầu tư nhiều cho việc mua sắm thiết bị, máy móc, đầu tư nhà xưởng nên chi phí đào tạo cao. Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh

“Với trường đào tạo các ngành kỹ thuật như trường chúng tôi, chi phí đào tạo rất cao. Hằng năm, nhà trường phải đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo.

Hơn nữa, quy mô lớp học của các trường đào tạo kỹ thuật cũng nhỏ (chỉ 20 sinh viên/lớp thực hành), như vậy chi phí đào tạo sẽ cao hơn.

Vì vậy, nếu tiếp tục giữ nguyên mức học phí như các năm trước, kinh phí không thể đủ để nhà trường đầu tư cơ sở vật chất, chi trả lương cho cán bộ giảng viên”.

Cũng theo Tiến sĩ Thái Anh Tuấn, từ tháng 5, Chính phủ đã cho phép các trường tăng học phí theo lộ trình Nghị định 81, trên cơ sở đó, hầu hết các trường đều xây dựng phương án học phí cho năm học 2023-2024.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cũng đã xây dựng phương án học phí và thông báo rộng rãi về lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81. Nhưng giờ nếu ban hành Nghị định thay thế Nghị định 81 theo hướng không tăng học phí là đẩy các trường vào tình thế khó khăn, đặc biệt trong công tác đào tạo và chiến lược phát triển nhà trường.

“Nhà trường đang thực hiện tự chủ 80% chi thường xuyên, còn lại ngân sách cấp bù, và theo lộ trình tự chủ thì ngân sách hỗ trợ đã giảm rất nhiều. Chủ yếu trường dựa vào học phí.

Cũng theo quy định mới về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ (Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023) thì tháng 7 năm nay trường cũng phải thực hiện tăng lương cho giảng viên.

Thế nhưng nếu cứ để tiếp diễn tình trạng nguồn lực tài chính hạn hẹp như vậy thì các trường rất khó khăn, đặc biệt là việc tuyển dụng giảng viên, bổ sung đội ngũ giảng dạy. Trong khi mức lương đã thấp, trường không có kinh phí chi trả thêm thì khó thu hút đội ngũ”, Thầy Tuấn trăn trở.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho rằng, nếu tiếp tục không tăng học phí thì Nhà nước phải có hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học để các trường có kinh phí duy trì chất lượng.

Còn trong bối cảnh hiện nay, ngân sách Nhà nước cắt giảm, yêu cầu lương chi trả cho cán bộ giảng viên phải tăng, mà học phí vẫn giữ nguyên thì các trường đã khó khăn càng thêm khó khăn.

Hơn nữa, trong bối cảnh tự chủ nhưng thực tế đang để các trường phải “tự lo”, tự túc về tài chính. Trong khi đó, các cơ chế chính sách, văn bản pháp lý chưa đồng bộ nên việc thực hiện các quyền tự chủ còn nhiều vướng mắc. Từ tự chủ về phương diện tổ chức bộ máy đến tài chính tài sản đến nay vẫn còn rất khó khăn, bất cập.

Như vậy để thấy hiện các trường đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt về tài chính, nguồn thu ngoài học phí rất thấp, hầu hết các trường còn phải đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học chứ chưa có nguồn thu từ nghiên cứu.

Do đó, các trường rất mong muốn được tăng học phí hoặc ngân sách Nhà nước cần hỗ trợ thêm.

Phạm Minh