Tự chủ đại học để giảm gánh nặng với Nhà nước, sao lại truy thu tiền thuê đất?

31/10/2022 06:43
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chính sách liên quan đến đất đai cho giáo dục và chủ trương tự chủ đại học phải đồng bộ, không thể chính sách về giáo dục một kiểu, đất đai một kiểu!

Cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13704/BTC-QLCS gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc: “thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính”.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo triển khai việc cho thuê đất, chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất và thu tiền thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính theo đúng quy định của pháp luật.

Việc truy thu tiền thuê đất được cho là không phù hợp với chủ trương tự chủ đại học. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Việc truy thu tiền thuê đất được cho là không phù hợp với chủ trương tự chủ đại học. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Xem giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng lại thu thuế đất?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số trường đại học nhận được công văn bày tỏ sự khó hiểu.

“Hiện trường chúng tôi đã nhận được công văn về truy thu thuế đất. Nhà trường tự chủ tài chính, phải lo cả chi phí chi thường xuyên lẫn chi đầu tư, nay lại thêm tiền thuế đất này nữa, trong khi đó, đất là nhà nước giao từ trước", một vị lãnh đạo nhà trường bày tỏ băn khoăn về công văn thu tiền thuê đất của Bộ Tài chính.

Vị này cho biết thêm, hiện nay các trường công lập tự chủ hoạt động theo quy định của nhiều luật liên quan là: Luật Giáo dục đại học, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Cán bộ, công chức… Trường mặc dù đã tự chủ toàn bộ từ chi thường xuyên đến chi đầu tư, tuy nhiên mọi chi tiêu đều có quy định về định mức.

Trong khi đó, các trường ngoài công lập hoạt động theo Luật doanh nghiệp, về tài chính, mọi chi tiêu các trường đều tự hạch toán. Do vậy, theo vị lãnh đạo này, không thể áp đặt quy định đối với các trường ngoài công lập cho các trường công lập tự chủ tài chính được.

Bàn thêm về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng việc thu thuế đất với các trường công lập tự chủ tài chính là không hợp lý.

Theo Giáo sư Phương, tự chủ đại học không nghĩa là tự lo. Các trường đại học khi tiến hành tự chủ vẫn rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước để phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, rõ ràng nguồn lực nhà nước đầu tư dành cho giáo dục đại học vẫn còn đang rất khiêm tốn.

“Muốn phát triển tốt giáo dục đại học thì phải hỗ trợ các trường về nhiều mặt từ nguồn lực, chính sách,... Hiện nay với các trường tự chủ, nếu không hỗ trợ thêm mà lại còn thu những khoản như thuế đất theo tôi là không hợp lý, điều này đi ngược lại ý chí chung của Đảng và Nhà nước - xem giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Giáo dục đại học cần sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn để hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, Giáo sư Phương nhấn mạnh.

Nguồn thu của các trường đại học hiện nay vẫn dựa vào: Nhà nước, người học, các nguồn thu khác. Với trường tự chủ, khi nguồn ngân sách nhà nước bị cắt thì nguồn thu còn lại chủ yếu dựa vào học phí (khoảng 70-80% tổng nguồn thu).

Các khoản thu khác ngoài học phí như nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, xã hội hóa,... hiện vẫn còn rất ít. Trong khi đó, những cơ chế để trường tăng nguồn thu tài chính từ các hoạt động khác ngoài nguồn thu học phí còn nhiều bất cập, khó khăn.

Như vậy, rõ ràng, nếu có thêm bất cứ khoản truy thu thuế nào đối với trường đại học tự chủ thì gánh nặng lại đổ lên vai người học.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn nhỏ lẻ, tản mạn. Một trong những nguyên nhân hạn chế hoạt động này chính là do nhiều văn bản pháp luật hiện hành còn có các ràng buộc, tạo ra những hạn chế trong hoạt động của các đơn vị.

Truy thu tiền thuê đất thể hiện nhận thức về tự chủ đại học đang bị hiểu sai

Theo công văn của Bộ Tài chính, các trường tự chủ tài chính thuộc diện truy thu thuế đất sẽ phải nộp vào ngân sách số tiền khổng lồ. Điều này đặt ra bài toán khó về cân đối ngân sách, bởi công văn hiện đã ban hành và nhiều địa phương đang thúc đẩy việc truy thu này.

Theo lãnh đạo các trường, việc truy thu thuế đất với trường đại học tự chủ tài chính cũng thể hiện nhận thức về tự chủ đại học đang bị hiểu sai. Tự chủ không phải là tự lo về mọi mặt. Tự chủ đại học không phải là tách giáo dục đại học ra khỏi hệ thống nhà nước, cơ sở giáo dục đại học tự chủ bị cắt hết các khoản đầu tư... mà nhà trường vẫn rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước để phát triển.

Theo đó, các đơn vị đề xuất kiến nghị: Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được tập trung đầu tư để tăng nhanh chất lượng của những trường này lên; giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia; hướng tới đẳng cấp quốc tế với chất lượng giáo dục đào tạo tốt hơn trước khi thực hiện tự chủ.

Đồng thời, cần có thêm các cơ chế thuận lợi hơn, tạo điều kiện nhiều hơn để giúp các cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở rộng, tăng nguồn thu tài chính từ các hoạt động khoa học công nghệ, từ các nguồn khác ngoài học phí, nhất là tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng các tài sản, cơ sở vật chất hiện có của cơ sở giáo dục đại học và tài sản được hiến tặng.

Đặc biệt, liên quan đến văn bản truy thu thuế của Bộ Tài chính, các đơn vị kiến nghị đưa vấn đề quy định thu tiền thuế đất của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ ra khỏi Luật Đất đai sửa đổi sắp tới.

"Các chính sách liên quan đến đất đai cho giáo dục và chủ trương tự chủ đại học phải đồng bộ, tạo điều kiện cho các trường thực hiện thành công tự chủ”, một đại diện lãnh đạo trường nêu quan điểm.

Doãn Nhàn