Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, "dòng sông" tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, nhiều khi tưởng rằng vẫn đang chảy cuồn cuộn, nhưng thực ra đã cạn kiệt từ lâu, không đủ nước để chuyên chở phù sa, không đủ nước để tưới tắm những vùng đất mỡ để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, mới đây, tình trạng một bộ phận cán bộ làm việc cầm chừng do sợ trách nhiệm đã “nóng” trở lại trên nghị trường. Theo ông đánh giá, hệ lụy của “căn bệnh” sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức như thế nào? Chúng ta đã có thống kê nào liên quan đến “căn bệnh” này, thưa ông?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Hiện nay, chúng ta chưa có thống kê nào về vấn đề nà. Nói đúng ra, vấn đề này chỉ có Bộ Nội vụ mới làm được, và muốn làm được, cũng cần thống kê từ các báo cáo của các cơ quan, đơn vị; thống kê từ các địa phương, Bộ, ngành trên cả nước.
Cái khó nhất chính là ở chỗ, thông thường, chẳng có ai chủ động “khai báo” rằng mình sợ trách nhiệm nên không dám làm hoặc không dám làm đến nơi đến chốn. Trên thực tế, tôi thấy, kể cả những người mặc dù không dám làm thì khi viết bản tự kiểm điểm hay hồ sơ khen thưởng cũng đều tự nhận là “tuân thủ, chấp hành đúng nội quy, quy định, hiệu suất làm việc cao...”, rồi khi đưa ra bình bầu, kết quả vẫn là hoàn thành tốt.
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: quochoi.vn. |
Thậm chí, không ít đồng chí được khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng trên thực tế, lại chính là những đồng chí thiếu tinh thần trách nhiệm.
Đã có rất nhiều trường hợp, cán bộ tự khai báo bản thân có tinh thần trách nhiệm cao, nhưng sau này lại bị phát hiện là thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí, bị xử lý vi phạm tham nhũng, tiêu cực.
Rõ ràng, mặc dù chúng ta không có được một thống kê cụ thể, nhưng “căn bệnh” sợ trách nhiệm ấy vẫn đang hiện hữu, len lỏi vào trong đội ngũ cán bộ nhiều cấp.
Và đáng sợ hơn lại chính là “vi-rút” sợ trách nhiệm ấy cứ âm thầm lây lan tư tưởng trì trệ “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, trở thành những “tảng đá lớn” ngăn cản sự phát triển của đất nước.
Vốn dĩ, người ta cứ tưởng tinh thần trách nhiệm ở các cán bộ giống như một dòng sông đầy nước, đang tuôn chảy cuồn cuộn. Nhưng với một bộ phận cán bộ, điều đó không có, dòng sông tinh thần trách nhiệm ở họ không đủ nước để chuyên chở phù sa, không đủ nước để tưới tắm những vùng đất màu mỡ để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Có nghĩa là, hệ thống công việc của chúng ta sẽ không được chuyên chở, không đảm bảo lưu thông và trách nhiệm trong hệ thống của chúng ta bị ứ đọng. Đó là hệ lụy thứ nhất, không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, vì sợ trách nhiệm mà sinh ra bệnh nói dối, báo cáo sai, giống như người ta thường nói là “làm thì láo, báo cáo thì hay”.
Thứ ba, chúng ta đã và đang phải chi trả lương cho một số cán bộ, công chức không làm gì, không dám làm hoặc chỉ làm cầm chừng. Các cơ hội phát triển sẽ bị bỏ qua. Điều đó hết sức nguy hiểm.
Phóng viên: Vậy, theo ông, “căn bệnh” trên bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu nào?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Nguyên nhân thì có rất nhiều!
Đầu tiên, không thể loại trừ được vấn đề thể chế và cơ chế thực hiện.
Tôi lấy ví dụ, vừa qua, chúng tôi tiến hành giám sát tại một số địa phương, phát hiện ra: Có Viện Kiểm sát tỉnh thì kiểm sát tốt công tác xét xử án hành chính, án dân sự, nhưng cũng có những tỉnh lại không thực hiện, với lý do không có cơ chế để làm việc. Tức là đang xảy ra tình trạng thiếu các văn bản hướng dẫn, mặc dù Hiến pháp và các luật liên quan quy định quyền kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân, kiểm sát các hoạt động tư pháp (hoạt động xét xử đương nhiên phải là hoạt động tư pháp), nhưng họ không làm.
Rõ ràng, thể chế đã có nhưng cơ chế thì chưa, nên các đơn vị mới thoái thác như vậy.
Thứ hai, thiếu sự hướng dẫn chủ động của các cơ quan trong ngành.
Thứ ba, bản thân cán bộ cũng thiếu tinh thần trách nhiệm. Bởi, rõ ràng họ không đề đạt, không tìm kiếm giải pháp ở ngay chính cơ quan mình cũng như không tham mưu cho các cơ quan cấp trên. Họ cho rằng đó không phải việc của mình, làm cũng được, không làm cũng được.
Có thể thấy, cùng một vấn đề, cùng một nội dung công việc, nhưng những nơi có tinh thần trách nhiệm thì thực hiện, còn những nơi không có tinh thần trách nhiệm thì bỏ qua, không làm.
Qua giám sát, có thể nhìn thấy một tình trạng rất đáng báo động về sự thờ ơ, vô cảm của một bộ phận cán bộ, công chức đối với việc thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân giao cho.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, một bộ phận cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, chần chừ không dám quyết định, một phần do được bổ nhiệm không đúng chuyên môn. Ông có đồng tình với quan điểm đó không?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Nói như thế thì không hoàn toàn đúng. Việc bổ nhiệm cán bộ không đúng chuyên ngành chỉ là hãn hữu, còn hầu hết các cán bộ, công chức được bổ nhiệm đều có chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là bản lĩnh của họ, chứ không phải nằm ở chuyên môn.
Do có những người “cầu an”, tức là chỉ muốn an toàn để tiến thân, chứ không dấn thân, làm việc một cách quyết liệt, sáng tạo. Tâm lý chung của những cán bộ, công chức “mắc bệnh” sợ trách nhiệm này là thích tiến thân hơn dấn thân.
Phóng viên: Để chữa dứt điểm “căn bệnh” này, chúng ta cần “bắt bệnh, kê đơn” như thế nào, thưa ông?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Vừa qua, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội, có đề cập đến một số giải pháp. Trong đó, đại biểu kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo cải cách Trung ương về thể chế; việc thành lập Ban Chỉ đạo cải cách thể chế sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất về thể chế Nhà nước, trong đó tập trung vào việc phân công, kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền; phân cấp, phân quyền; cải cách thủ tục hành chính hướng đến một Nhà nước kiến tạo phục vụ nhân dân.
Thứ hai, vị đại biểu cũng đề nghị cần có tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ, trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của toàn bộ máy Nhà nước. Từ đó, sàng lọc chất lượng nhân sự, bảo đảm quản lý điều hành của cả hệ thống.
Bên cạnh đó, trong khóa XIV, tôi cũng đã từng đề cập: Chúng ta phải tổ chức giám sát tối cao của Quốc hội đối với đội ngũ cán bộ công chức, bởi vì đội ngũ cán bộ công chức được coi là “nội thất” của một “tòa nhà” bộ máy nhà nước. Còn hệ thống cơ quan chẳng qua là những chiếc khung, chỉ là kèo cột, không phải cái căn bản.
Căn bản nhất vẫn là đội ngũ cán bộ công chức. Chúng ta đã giáo dục họ, trả lương cho họ, thì chúng ta có quyền yêu cầu họ phải thực hiện các nhiệm vụ một cách nghiêm túc, trên cơ sở các điều kiện và thậm chí cả trên những lời thề, lời hứa của họ.
Ngoài ra, cũng phải xem xét xử lý kỷ luật thật nghiêm minh đối với tất cả những cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, hay vi phạm pháp luật.
Cơ chế bảo vệ, khuyến khích đã có, quy chế xử lý vi phạm cũng đã rõ ràng, điều cốt lõi là người cán bộ, người đứng đầu có bản lĩnh chính trị, phải thực sự dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm.
Trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng khó khăn, phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nói: “Ai không làm được thì đứng sang một bên”. Đúng như vậy, ai không làm được thì phải nhường vị trí cho người khác, chứ không phải cứ “án ngữ”, “giữ chỗ” ở đó, dùng tiền bạc của Nhà nước để nuôi sống bản thân và gia đình mà không làm gì để phục vụ Nhân dân, phục vụ đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!