Chuyện người lao động chọn … "hội đồng"

03/11/2022 06:40
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Câu hỏi đặt ra ngay lúc này là làm thế nào để cán bộ, công chức, viên chức không “giảm nhuệ khí” khi thực thi công vụ?

Tháng 7 năm 2014, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra sáng kiến xây dựng “Báo cáo Việt Nam 2035”. Công việc cụ thể được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện.

Kết quả là ngày 23/02/2016, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng World Bank đã tổ chức công bố "Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ" (viết tắt là Báo cáo Việt Nam 2035). Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương; đại diện World Bank cùng đông đảo các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp... [1]

Báo cáo Việt Nam 2035 phần “Trụ cột 3: Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình” viết:

“Thể chế - đó là những “luật chơi” chính thức và phi chính thức ràng buộc các tương tác trong xã hội, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế trong dài hạn. Thể chế tạo ra một hệ thống thưởng, phạt cho các ứng xử của các tổ chức, cá nhân, do đó có thể hạn chế hoặc thúc đẩy hành vi của các chủ thể này theo các chiều hướng khác nhau. Những kích thích đó quyết định loại hình, phạm vi và tầm mức của các hoạt động làm ra của cải, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực, và nâng cao phúc lợi xã hội”. (Trang 92)

Câu chữ trong Báo cáo Việt Nam 2035 có thể diễn giải là “Luật chơi” mà Nhà nước ban hành sẽ đưa đến kết quả là “hạn chế hoặc thúc đẩy hành vi của các chủ thể theo các chiều hướng khác nhau”.

Nói rõ ra là các quy định chính thức hoặc phi chính thức (nhưng được mặc nhiên thừa nhận) do các chủ thể nắm quyền lực ban hành, sẽ tác động đến ứng xử của các tổ chức, cá nhân – bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người làm công ăn lương và mọi tầng lớp dân cư trong phạm vi quốc gia và bộ phận công dân mang quốc tịch quốc gia đó nhưng sống và làm việc ở nước ngoài.

Nếu chúng ta coi “phần cứng” của “luật chơi” là các văn bản quy phạm pháp luật thì “phần mềm” của “luật chơi” là người/cơ quan được luật pháp trao trách nhiệm thực thi và giám sát việc thực hiện các điều luật.

Theo Hiến pháp nước ta, cơ quan dân cử - tức là cơ quan lập pháp (Quốc hội và Hội đồng Nhân dân) “sản sinh” ra phần cứng, phần mềm là các bộ phận thực thi công vụ (hành pháp và tư pháp) gồm Ủy ban Nhân dân, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và một số cơ quan liên quan như Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán,…

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 27/10, Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu ý kiến về thực trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 27/10, Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu ý kiến về thực trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Áp dụng các điều luật để “Thưởng đúng” hoặc “Phạt đúng” vừa khuyến khích, vừa răn đe người lao động, vậy nên chuyện người lao động chấp nhận “đứng trước hội đồng kỷ luật hơn đứng trước hội đồng xét xử” phải chăng bắt nguồn từ nguyên nhân:

Thứ nhất, “Luật chơi” không phù hợp;

Thứ hai, bộ phận thực thi công vụ có lúc, có nơi còn mắc sai phạm;

Thứ ba, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu?

Cả ba nguyên nhân nêu trên đều liên quan đến con người nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng bởi chính họ vừa soạn thảo các đạo luật, thực hiện các điều luật và đồng thời cũng chịu sự chi phối của pháp luật. Điều này thể hiện rất rõ trong thành phần Đại biểu Quốc hội khi có nhiều người thuộc biên chế các cơ quan hành pháp và tư pháp.

Do sự vận động của các hình thái chính trị, kinh tế, xã hội nên sau mỗi khoảng thời gian, các đạo luật sẽ trở nên lạc hậu. Hiện tượng một số văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các đạo luật - chậm thay đổi hoặc lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế là điều bình thường. Việc chậm sửa chữa, bổ sung các luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật lạc hậu tuy không bình thường nhưng có thể hiểu.

Vấn đề không thể chấp nhận là sau khi sửa đổi, văn bản quy phạm pháp luật vẫn mắc nhiều sai sót nghiêm trọng. Chẳng hạn Quốc hội phải quyết định lùi hiệu lực thi hành Bộ Luật Hình sự 2015 vì phải sửa chữa, bổ sung tới 119 điều, Luật Bảo hiểm xã hội sau khi ban hành đã xảy ra tình trạng “Công nhân nghỉ việc để phản đối Luật Bảo Hiểm”. [2]

Một số điều khoản trong luật rất chung chung, khó áp dụng, cùng một tội danh nhưng khung hình phạt lại quá rộng, (tội danh liên quan đến ma túy có khung hình phạt “tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình”), áp dụng mức phạt thấp nhất hoặc cao nhất không ít trường hợp lại tùy thuộc nhận định của cơ quan tố tụng. Một số trường hợp mức phạt mà cơ quan tố tụng đưa ra không tương xứng với tội danh.

Phải chăng vì là “phần mềm” nên không ít vụ việc cơ quan tham gia tố tụng áp dụng các điều luật không nhất quán, một số vụ án tòa sơ thẩm ban hành kết luận song bị tòa phúc thẩm hủy bỏ và đưa ra kết luận khác, chưa kể tình trạng “án bỏ túi” đã được báo chí đề cập.

Các hiện tượng nêu trên đều bắt nguồn từ sự yếu kém của những người liên quan mà nguồn gốc là việc tuyển dụng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ.

Không chỉ luật pháp, lối mòn trong các hình thức động viên, thi đua, khen thưởng thể hiện rõ nhất trong ngành Giáo dục cũng là một biểu hiện của “luật chơi” không phù hợp. Dù là quốc sách hàng đầu, dù dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” song với đồng lương không đủ sống, với áp lực công việc nặng nề, số giáo viên bỏ nghề đã đến mức đáng báo động.

Có nơi, có lúc, cách xử lý của cơ quan công quyền tạo tư tưởng bất an cho người lao động là điều không thể phủ nhận.

Hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chấp nhận “đứng trước hội đồng kỷ luật hơn đứng trước hội đồng xét xử” - như ý kiến Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông, Bình Thuận đề cập - phải chăng có nguyên nhân từ “luật chơi” mà chúng ta đang vận hành?

Trước đây, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức sợ làm sai nên ngại làm việc, điều này đã được báo Vietnamnet.vn đề cập:

“Chủ tịch TP.Hồ Chí Minh: Thanh tra, khởi tố nhiều làm giảm 'nhuệ khí' công chức”. [3]

Nhiều ý kiến cho rằng làm việc với động cơ trong sáng, với ý chí phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân thì không việc gì phải sợ, tuy nhiên chuyện “làm phúc phải tội” đã được dân gian đúc kết.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã từng long đong với khoán 10, cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải đã từng ngồi tù vì trách nhiệm liên quan xây dựng đường dây 500KV Bắc - Nam. Ông được đánh giá là người đưa ra các quyết định quyết đoán mang tính bước ngoặt đối với dự án đường dây 500KV Bắc - Nam.

Các vị lãnh đạo nêu trên chấp nhận chịu các hình thức xử lý của tổ chức và pháp luật, hy sinh quyền và lợi ích của bản thân nhưng nếu không có họ thì Việt Nam có thành cường quốc xuất khẩu gạo, nông sản và ngành công nghiệp phía Nam có đủ điện để hoạt động?

Câu hỏi đặt ra ngay lúc này là làm thế nào để cán bộ, công chức, viên chức không “giảm nhuệ khí” khi thực thi công vụ?

Phải chăng quan trọng nhất là chọn đúng người và đặt đúng vị trí, trả thù lao đủ sống ở mức trung bình cao và cuối cùng là có cơ chế bảo vệ người dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ngày 22/09/2021, Bộ Chính trị ban hành “Kết luận số 14-KL/TW” về chủ trương “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.

Rất nhiều bài báo, tác phẩm văn học ca ngợi người Việt thông minh, cần cù nhưng việc Bộ Chính trị chọn hai tiêu chí “sáng tạo” và “năng động” để đưa vào chủ trương “khuyến khích và bảo vệ” phải chăng cho thấy sự năng động và sáng tạo của người lao động nước ta đang có vấn đề?

Nhiều năm trước, bài viết “Việt Nam - giấc mơ 2035: Phần 3 - Vì sao tụt hậu?” đã nêu một ý kiến: “… Sự tụt hậu của Việt Nam là do “người Việt không sáng tạo”. Xét về tổng thế, “không sáng tạo” bao gồm ba cung bậc: “không biết sáng tạo, không muốn sáng tạo và không dám sáng tạo”. [4]

Tại thời điểm bài báo được đăng, có thể nhận định nêu trên là tiêu cực song khi Bộ Chính trị nhấn mạnh việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ “năng động, sáng tạo” thì rõ ràng “sáng tạo” đang là điểm yếu của không chỉ cán bộ - những người được đào tạo bài bản - mà còn của cả những người làm công tác nghiên cứu và đội ngũ lao động giản đơn.

Hai ví dụ dưới đây liệu có góp phần làm sáng tỏ Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị và nhận định trong bài báo [4] về sự “sáng tạo” của người Việt:

Thứ nhất, Cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh nói về con trai mình:

“Bảo (con trai ông Thanh - NV) tốt nghiệp loại giỏi ở Đại học Kinh tế Đà Nẵng, nó được giữ lại đi dạy 1 năm sau đó về làm phó giám đốc một công ty ở Chu Lai. Sau tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng nhà nước”. [5]

Thực tế là con trai ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh tuy “tốt nghiệp loại giỏi” nhưng khó khăn trong môi trường kinh doanh tự do nên được cha khuyên “quay về hướng nhà nước” để làm … Giám đốc sở.

Thực tế còn là chuyện tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức theo kiểu “con cháu các cụ” hoặc “ngũ ệ” (hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, đồ đệ, trí tuệ) chưa chấm dứt.

Chừng nào “chân lý” mà báo Dantri.com.vn đề cập “Trí tuệ nằm cuối cùng trọng “bảng xếp hạng ngũ ệ” hiện nay” vẫn đúng thì việc chọn “hội đồng kỷ luật” vẫn là ưu tiên hàng đầu bởi chuyện “ta về ta tắm ao ta” luôn mang lại cảm giác an toàn hơn là “tắm ao người”.

Thứ hai là ngày 17/10/2022, báo điện tử Vnexpress.net đăng bài: “Việt Nam đạt thành tích chưa từng có tại cuộc thi Kỹ năng nghề thế giới”, bài báo viết:

“Với hai huy chương bạc môn Phay CNC và Tiện CNC, Việt Nam đạt thành tích tốt nhất trong 15 năm tham dự cuộc thi Kỹ năng nghề thế giới (World Skills)”. [6]

Sau 15 năm dự thi, chỉ đạt hai huy chương bạc nhưng đã được tờ báo trực thuộc Bộ phụ trách mảng Khoa học và Công nghệ coi là “thành tích chưa từng có”, thế sau bao nhiêu năm nữa chúng ta sẽ có huy chương vàng và thành tích lúc đó sẽ là gì?

Báo Nhandan.vn ngày 06/06/2022 trong bài “Luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” có đoạn:

“Trong thực thi công vụ, xuất hiện “căn bệnh” sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Không nói đến những đối tượng cố tình làm sai để trục lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mà ngay cả những cán bộ liêm chính, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước kia, nay cũng có dấu hiệu bị “nhiễm bệnh””. [7]

Tiêu diệt “bầy sâu” (còn gọi là “bộ phận không nhỏ”) cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng đã rất phức tạp, nay lại thêm một bộ phận cán bộ “liêm chính” có dấu hiệu “nhiễm bệnh” thì cuộc chiến sẽ cam go đến mức nào?

Nguyện vọng của hàng triệu công chức, viên chức - đông đảo nhất là nhà giáo - là “sống được bằng lương”. Thật khó lý giải chuyện nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp công ích có thể trả lương khá cao cho nhân viên nhưng cơ quan Nhà nước lại không thể trả lương cho cán bộ của mình tương đương với thu nhập của người làm “dịch vụ lau dọn nhà” (50.000 đồng/giờ - 400.000 đồng/ngày như báo như Vietnamnet.vn đề cập. [8]

Luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” là cần thiết nhưng muốn chất lượng cán bộ có chuyển biến thực sự thì phải thực hiện đồng bộ nghĩa là phải thay đổi rất nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất là để những người “ba dám” sống được bằng lương thì cải cách tiền lương cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Cần có chính sách cụ thể để cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm, toàn ý cho công việc, không để xảy ra tình trạng người lao động chú tâm tìm những “mảnh ruộng 5%” để tăng thêm thu nhập như cách nông dân hợp tác xã nông nghiệp làm cách đây vài chục năm.

Thứ hai là thực hiện việc thi tuyển các chức danh trong toàn bộ hệ thống một cách thường xuyên, minh bạch.

Thứ ba là sắp xếp lại các đơn vị hành chính, giảm tối đa các đầu mối thụ hưởng ngân sách nhà nước, những tỉnh có diện tích nhỏ hơn diện tích một huyện thì cần sáp nhập lại, chẳng hạn Hưng Yên sáp nhập với Hà Nam, Bắc Ninh sáp nhập với Bắc Giang,…

Thứ tư là kiện toàn hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội, không chế ngân sách chi cho các tổ chức này ở mức tương đương ngân sách hỗ trợ một tỉnh đồng bằng.

Chừng nào việc tinh giản biên chế chưa động chạm đến sáp nhập các tỉnh khiến tồn tại tình trạng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ: “Bắc Ninh chỉ có 800km2. Hôm trước tôi đi huyện Kỳ Sơn - Nghệ An là 2.800km2, số lẻ này của huyện Kỳ Sơn bằng cả tỉnh Bắc Ninh…” [9] thì chừng đó nguồn lực quốc gia còn bị phân tán và chuyện người lao động sống được bằng lương sẽ chưa có câu trả lời.

Triết học khẳng định “vật chất quyết định ý thức”, nếu mất việc là mất nguồn thu nuôi sống bản thân và gia đình (ở mức trung lưu) thì chắc hẳn sẽ không có bộ phận người lao động lựa chọn giữa hai loại “hội đồng”./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vuducdam.chinhphu.vn/cong-bo-bao-cao-viet-nam-2035-10432215.htm

[2] https://vnexpress.net/topic/cong-nhan-nghi-viec-de-phan-doi-luat-bao-hiem-18795

[3]https://vietnamnet.vn/chu-tich-tphcm-thanh-tra-khoi-to-nhieu-lam-giam-nhue-khi-cong-chuc-493114.html

[4] https://giaoduc.net.vn/viet-nam-giac-mo-2035-phan-3-vi-sao-tut-hau-post171809.gd

[5]https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ong-le-phuoc-thanh-toi-muon-co-cong-bo-dung-sai-ro-rang-20151005001056459.htm

[6]https://vnexpress.net/viet-nam-dat-thanh-tich-chua-tung-co-tai-cuoc-thi-ky-nang-nghe-the-gioi-4524173.html

[7]https://nhandan.vn/luat-hoa-chu-truong-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-dam-dot-pha-post700122.html

[8]https://vietnamnet.vn/den-luong-bo-truong-cung-con-bat-cap-can-cai-cach-manh-me-2073879.html

[9]https://dantri.com.vn/xa-hoi/bac-ninh-co-len-duoc-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-20220922092701107.htm

Xuân Dương