Trường 'tiếp thị' trò chơi qua mạng tới học sinh, thu nhập khủng ai hưởng lợi?

21/02/2022 06:58
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, cơ quan quản lý cần tăng tính minh bạch đối với đơn vị tổ chức sân chơi, kì thi trong trường học.

Ngày 11/2/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết Đấu trường Toán học VioEdu tràn vào trường, lo lộ thông tin 20.000 học sinh thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả cả nước.

Theo phản ánh của những phụ huynh tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, vào ngày 13/1 Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu có công văn số 21/PGD&ĐT-THCS về việc triển khai sân chơi “Đấu trường Toán học Vioedu” cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở.

“Đây là sân chơi tự nguyện nhưng sau khi triển khai công văn thì phòng Giáo dục quận yêu cầu 13 trường Tiểu học và 8 trường Trung học cơ sở cung cấp đầy đủ tên học sinh và số điện thoại phụ huynh học sinh cho Phòng.

Sau đó chuyển cho Công ty FPT (đơn vị tổ chức) hơn 20.000 tên học sinh và phụ huynh học sinh để tạo tài khoản và mật khẩu”, một phụ huynh phản ứng.

“Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng Giáo dục quận huyện chấm dứt việc yêu cầu nhà trường cung cấp thông tin phụ huynh học sinh cho bên thứ 3 khi chưa được sự đồng ý của phụ huynh.

Bởi đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, xâm phạm đời tư bất hợp pháp một cách tùy tiện, mua bán thông tin cá nhân có hệ thống”, phụ huynh kiến nghị.

Ngay sau khi bài viết đăng tải, nhiều độc giả cũng đã gửi về cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam các câu hỏi về việc quản lí các sân chơi, kì thi online liệu có bị buông lỏng, bởi "dịch vụ" này đang nở rộ trong các trường học, thu lợi nhuận khủng từ số lượng lớn học sinh tham gia.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cũng có một số chia sẻ về vấn đề này.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. (Ảnh: CTV)

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. (Ảnh: CTV)

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, việc tổ chức các cuộc thi, sân chơi trong nhà trường thường mang lợi ích tài chính đằng sau cho các đơn vị tổ chức. Nếu số lượng lớn học sinh tham gia thì lợi ích thu về rất "khủng", ví như thông qua lệ phí tham gia.

Bên cạnh đó, trong các cuộc thi, sân chơi cũng có thể sẽ có các sản phẩm để chào mời phụ huynh học sinh. Cụ thể, dựa trên kết quả làm bài của học sinh thì đơn vị tổ chức sẽ liên hệ, đánh giá, nhận xét về học sinh và tư vấn về khóa học, sử dụng sản phẩm để cải thiện năng lực của học sinh còn yếu.

Tuy nhiên, thực tế có học sinh không tham gia vào sân chơi, kì thi trên nhưng vẫn bị lọt thông tin cá nhân, thông qua việc phụ huynh được nhận tin nhắn, cuộc gọi chào mời tham gia trải nghiệm sản phẩm, hay các khóa học... Điều này là vi phạm quy định của pháp luật, cần bị xử lý.

Theo thầy Ngọc, việc chia sẻ dữ liệu của cá nhân học sinh cũng là để bên đơn vị tổ chức liên hệ với học sinh. Đây là hiện tượng xã hội nhưng cơ quan chức năng cần có hành lang pháp lí để quản lí chặt chẽ việc đó.

Về phía nhà trường, cần phải độc lập với các cuộc thi đó, bởi hiện nay các cuộc thi đều tiếp cận phụ huynh, học sinh thông qua nhà trường, Phòng, Sở giáo dục. Bởi nếu không sẽ làm mất đi tính khách quan của các cuộc thi đó.

"Đáng lẽ việc tham gia là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của học sinh. Phụ huynh có thể giới thiệu cho nhau về hình thức thi hợp lí hơn, chứ không phải là việc công ty đưa vào trường, Sở, Phòng giáo dục. Ở trường, lớp, giáo viên phổ biến cho học sinh, nhưng phụ huynh lại ngầm hiểu là bắt buộc tham gia", thầy Ngọc chia sẻ.

Thực tế hiện nay, đơn vị tổ chức cuộc thi có chia sẻ lợi ích với các cơ quan quản lí hay không thì cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, bởi tại sao còn nhiều kì thi của đơn vị khác nhưng lại không được Sở, Phòng, trường "tiếp thị".

Từ đây, chúng ta cần có các quy định quản lí cuộc thi đó và tăng tính minh bạch. Ví dụ như khi đưa một kì thi, sân chơi cho học sinh tham gia thì nhà trường cần phải có giải trình về việc lựa chọn đơn vị tổ chức này.

Thầy Ngọc cũng cho rằng, việc đưa sân chơi, kì thi vào nhà trường nếu không minh bạch, thì sẽ dễ mang lợi ích nhóm, làm mất đi tính khách quan. Điều này dễ làm cho sự cạnh tranh giữa các công ty, tổ chức giáo dục không có sự công bằng.

"Tóm lại, theo tôi việc tổ chức cho học sinh tham gia nhiều kì thi của các đơn vị tổ chức là việc tốt nhưng phải dựa trên nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, là phải dựa trên cơ sở các thông tin phải được cung cấp minh bạch, đáp ứng và tuân thủ yêu cầu quy định nhà nước, trong đó có thông tin cá nhân học sinh thì mới cho thực hiện. Nếu không phải xem xét lại các quy định, quy chế và yêu cầu minh bạch, giải trình thông tin", thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ.

Cùng quan điểm về vấn đề trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho rằng, thời gian khi ông còn công tác có rất ít các đơn vị tổ chức giáo dục liên kết với nhà trường để tạo ra sân chơi, kì thi cho học sinh.

Hiện nay, có nhiều đơn vị, tổ chức về lĩnh vực giáo dục liên kết với nhà trường thì cần phải quản lí chặt chẽ. Cụ thể, là phải kiểm tra chặt chẽ về chất lượng của đơn vị đó.

Theo ông Nhĩ, nếu không làm chặt chẽ, thì tiêu cực sẽ có thể xảy ra làm sai lệch về mặt tích cực của các sân chơi, kì thi này.

Mạnh Đoàn