Trường không vì lợi nhuận sẽ giúp ngăn chặn thị trường hóa tràn lan đối với GD

29/03/2024 06:16
Linh An (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, việc phát triển các trường ngoài công lập không vì lợi nhuận đã nói hàng chục năm rồi vẫn chưa có kết quả cụ thể. 

Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 4/6/2019 nêu rõ, đối với giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%.

Tuy nhiên, thống kê số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2021-2022 (tức tính đến tháng 6/2022) cho thấy, số trường đại học học ngoài công lập của nước ta mới chỉ đạt 67 trường (tức chiếm tỷ lệ gần 28% trong tổng số trường đại học trên cả nước), tăng 1 trường so với năm học trước; số sinh viên theo học đạt 416.570 người (tương đương 19,4%), tăng 51.213 người so với năm học trước.

Có thể thấy rằng, mặc dù số lượng trường và sinh viên tham gia vào các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập của nước ta có xu hướng tăng nhưng vẫn chưa đáng kể.

Trước thực tế này, phóng viên có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ông đánh giá như thế nào về thực trạng của giáo dục đại học khi đến nay số trường công lập vẫn chiếm 80% số sinh viên (tức là khối trường ngoài công lập chỉ khoảng 20% số sinh viên)?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Ở nước ta, trong giáo dục đại học, trường công chiếm 80% số sinh viên, ngoài công lập mới có khoảng 20%. Đây là một tỷ lệ không hợp lý. Ngân sách nhà nước có hạn, lại bao cấp cho diện rộng, không đủ sức về tài chính nên chất lượng khó nâng lên, vì không thể "mua" chất lượng cao bằng giá thấp.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Tại các nước phát triển, tỷ lệ sinh viên trường công lập ở nhiều nước cũng chỉ khoảng 30%, ngoài công lập chiếm đa số (khoảng 70%). Nước ta nhiều năm tỷ lệ ngoài công lập về cơ bản không nhích lên được. Trong khi đã có chủ trương mở rộng, tăng cường khu vực ngoài công lập, trong đó rất đáng lưu ý là việc phát triển các trường ngoài công lập không vì lợi nhuận đã nói hàng chục năm rồi vẫn chưa có kết quả cụ thể, ngoại trừ Trường Đại học Fulbright Việt Nam có yếu tố đầu tư nước ngoài.

Phóng viên: Mô hình trường không vì lợi nhuận có ưu thế hơn trường công và trường tư như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Trường không vì lợi nhuận là loại hình tốt, nó có ưu thế hơn trường công về cơ chế năng động linh hoạt, lại cũng ưu điểm hơn trường tư có phân chia lợi nhuận vì mục tiêu hoạt động không chia lợi nhuận cho cổ đông, khi có khoản thu nhập tăng lên đều để đầu tư tăng tích lũy cho phát triển trường, tài sản vốn liếng của trường thuộc sở hữu tập thể của công đồng trường do một hội đồng trường quản lý, không phân chia cho tư nhân.

Nhiều nước có nền giáo dục đại học phát triển đã và đang thực hiện khá phổ biến loại hình này. Trong đó đáng kể nhất là Anh, Mỹ và Úc…

IMG_0938.JPG
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Mộc Trà)

Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Phát triển đại học Sài Gòn, nước Anh có 285 trường đại học thì hầu hết là trường không vì lợi nhuận (có thể gọi là trường bán công), chỉ có khoảng 5 trường là trường tư thục có phân chia lợi nhuận. Ở Anh, họ không phân biệt công lập và không vì lợi nhuận, tất cả đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ dưới các hình thức khác nhau, đều không phân chia lợi nhuận cho cá nhân (trừ 5 trường tư đã nói), tài sản tích lũy thuộc sở hữu cộng đồng trường (không phải của nhà nước và cũng không phải của tư nhân). Theo đó, về bản chất, đều là trường không vì lợi nhuận, mà gọi cách khác là trường bán công thì cũng không sai.

Tại nước Mỹ, trong tổng số hơn 3982 trường đại học các loại (từ 2 năm trở lên, tức là bao gồm cả cao đẳng) thì trường không vì lợi nhuận là 1660, công lập là 1625 và tư thục lợi nhuận là 697. Như vậy, trường không vì lợi nhuận chiếm tỷ lệ nhiều nhất, mặc dù số sinh viên thì trường không vì lợi nhuận còn ít hơn công lập.

So với trường tư thục có phân chia lợi nhuận thì trường không vì lợi nhuận có lợi thế về việc không bị chi phối nhiều do cơ chế thị trường bởi không bị "sức ép" của cổ đông về yêu cầu phân chia lợi nhuận, đồng thời có khả năng huy động nguồn tài chính từ các cá nhân và tổ chức quốc tế, trong nước với mục tiêu phát triển giáo dục. Quỹ tài chính của các tổ chức quốc tế này có nguồn vốn đầu tư cho giáo dục không vì lợi nhuận và hầu hết không thấy họ đầu tư cho các trường tư thục có phân chia lợi nhuận, cũng không đầu tư vào các trường công lập của nhà nước. Phần lớn các trường hàng đầu thế giới hiện nay là trường không vì lợi nhuận.

So với các trường công lập thì trường không vì lợi nhuận có ưu thế về cơ chế tự chủ và sáng tạo, đây là nhân tố quan trọng nhất để các trường đại học có thể nhanh chóng trưởng thành. Hiện nay, trong danh sách các trường đẳng cấp cao nhất của thế giới và ở nước Mỹ, nước Anh thì các trường không vì lợi nhuận chiếm tỷ lệ cao nhất với đa số tuyệt đối.

Theo đánh giá năm 2023 của Tổ chức quốc tế Time Higher Education, trong 10 trường đứng đầu thế giới (7 trường của Mỹ, 3 trường của Anh) thì trường không vì lợi nhuận chiếm 90% (9 trường không vì lợi nhuận, 1 trường công lập - xem Phụ lục 1). Hầu như ít có trường tư có phân chia lợi nhuận nào lọt được vào tốp cao của thế giới (việc chạy theo cơ chế thị trường có ảnh hưởng đến chất lượng).

1.jpg
Phụ lục 1

Còn theo đánh giá năm 2023 của U.S. News & World Report, trong 20 trường đứng đầu của nước Mỹ thì trường không vì lợi nhuận chiếm 95%, còn lại chỉ có 1 trường công lập (xem Phụ lục 2). Trong tốp 300 trường hàng đầu của Mỹ thì không có trường tư thục có phân chia lợi nhuận nào.

2.jpg
Phụ lục 2

Với tư duy xa và sâu hơn thì loại hình trường không vì lợi nhuận rất phù hợp với mục tiêu xã hội chủ nghĩa (tôi nói theo nghĩa chủ nghĩa xã hội chân chính chứ không phải mô hình đã bị biến chứng). Theo mô hình không vì lợi nhuận, sở hữu tư nhân phát triển lên, tự vượt qua ranh giới của chính mình một cách tự nhiên, hợp quy luật khách quan, để tham gia hình thành sở hữu xã hội một cách tự nguyện, như một giá trị văn hóa.

Xét về mặt tính chất, trên phương diện nguồn vốn hình thành lúc ban đầu và tính chất sở hữu tập thể nhà trường thì loại hình không vì lợi nhuận này gần giống như loại trường dân lập mà trước đây ở Việt Nam đã phát triển một số trường ở các cấp, nhưng sau đó không cho phát triển nữa mà lại yêu cầu tư nhân hóa các trường này. Khi nhân dân góp vốn để xây dựng, rồi xuất hiện các trường học không thuộc sở hữu nhà nước và cũng không phải sở hữu tư nhân thì đó chính là loại hình dân lập, huy động sức mạnh của cả cộng đồng xã hội vào phát triển giáo dục – sự nghiệp của toàn dân.

Tôi cho rằng, loại hình trường dân lập nên khuyến khích phát triển ở tất cả các cấp, không nên hạn chế ở cấp nào. Tại sao có thể dân lập ở phổ thông mà không cho ở đại học? Thậm chí ở đại học có thể nhiều trường dân lập hơn phổ thông vì ở phổ thông nhà nước ưu tiên phát triển trường công lập để thực hiện giáo dục bắt buộc và phổ cập. Vừa rồi, tôi thấy Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 29-CT/TW trong đó có chỉ đạo chú trọng phát triển trường dân lập – việc này rất đúng.

Ngoài những mặt giống nhau như đã nói, về phương diện khác ta thấy trường không vì lợi nhuận còn ưu thế hơn mô hình dân lập cũ ở chỗ, trường không vì lợi nhuận hoàn toàn không phân chia lợi nhuận cho cá nhân, mọi người góp vốn vào đây là vì những giá trị văn hóa chứ không phải để trực tiếp kiếm lời, mọi khoản thu nhập tăng thêm đều để tích lũy phát triển trường với tính chất là nguồn vốn không chia, còn trường dân lập cũ vẫn có một phần chia lãi với một tỷ lệ nào đó (còn lại thì tích lũy tăng vốn của quỹ không chia).

Phóng viên: Trường không vì lợi nhuận có góp phần ngăn chặn thị trường hóa tràn lan đối với giáo dục không, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Nước ta dù đã có chủ trương phát triển các trường không vì lợi nhuận nhiều năm, cụ thể, đã có nhiều ý kiến bàn về mô hình trường không vì lợi nhuận từ 15 năm trước, nhất là trong dịp Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuẩn bị ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Sau đó, Luật Giáo dục đại học 2018 đã chính thức có chủ trương nhiều năm rồi cho việc hình thành các trường đại học không vì lợi nhuận, nhưng tới nay vẫn chưa có hướng dẫn bằng nghị định hay thông tư về phát triển loại hình trường này.

Một số trường khi thành lập tự xưng là không vì lợi nhuận, nhưng sau đó một thời gian thì tự động chuyển đổi sang có phân chia lợi nhuận còn một số khác thì buộc phải chuyển sang có phân chia lợi nhuận và điều này có liên quan đến những quy định không phù hợp đã loại bỏ những thầy giáo, những người tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm phát triển giáo dục nhưng không có tiền góp vốn ra khỏi vị trí phụ trách. Còn lại một số thành viên có tiền và thay đổi mục tiêu không làm trường không vì lợi nhuận nữa, chuyển qua loại trường chia lãi, nhưng sau đó nhiều người cũng bán luôn trường để thu một số chênh lệch.

Gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tin là trong vài năm nay đã thành lập hai trường không vì lợi nhuận. Với các quy định và cách quản trị như hiện nay thì các trường mới lập gọi là không vì lợi nhuận có bị nửa chừng phải chuyển đổi sang chia lợi nhuận như đã từng diễn ra như thế hay không? Tôi chưa thấy rõ những căn cứ gì để nói rằng sẽ không.

Có ý kiến nói rằng, loại hình không vì lợi nhuận ở nước ta không hoặc chưa phù hợp, ai góp tiền mà phát triển được, tôi nghĩ đó là ý kiến biện bạch gây ngăn cản (dù vô tình hay cố ý) để không làm chứ không phải là cơ sở khoa học khách quan, vì trên thực tế nhân dân đã từng góp vốn lập ra gần 20 trường đại học và cao đẳng dân lập hơn mười năm trước, nhưng sau đó bảo thôi và xóa bỏ cái đã có, thực hiện tư nhân hóa, chuyển hết thành tư thục có chia lợi nhuận (tôi cho rằng đó là việc không đúng cần điều chỉnh ngay).

Xin nói thêm rằng, sở hữu tư nhân vẫn có vai trò rất quan trọng và lâu dài, đặc biệt là trong kinh tế, nó là động lực hàng đầu liên quan đến bản năng con người để phát triển đất nước, cần được khuyến khích phát triển thậm chí nhiều lĩnh vực không cần giới hạn.

Nhưng mặt khác phải thấy rằng, giáo dục và kinh tế là hai lĩnh vực khác nhau, đều quan trọng nhưng không thể và không nên đổi chỗ cho nhau, giáo dục và hoạt động giáo dục mang tính xã hội rất cao, việc hình thành sở hữu tập thể của cộng đồng trường là khách quan, hiện tại giáo dục đại học (gồm cả cao đẳng) ở Anh, Mỹ, Úc…sở hữu của cộng đồng trường phát triển mạnh (tại các trường không vì lợi nhuận).

Mặt khác, trường tư thục hay dân lập cũng nên được tồn tại bình đẳng, không thể có chuyện tư thục chia lãi thì được còn dân lập và không vì lợi nhuận thì không, sở hữu tư nhân thì được mà sở hữu tập thể lại không, bắt dân lập phải chuyển qua tư thục là làm ngược quy luật. Lúc thì xem nhẹ và hạn chế tư nhân, lúc lại hạn chế tập thể mà bắt phải chuyển lại tư nhân…lúc tả lúc hữu là không khoa học, hãy làm theo quy luật khách quan "tự nhiên" của sự phát triển.

Ngày trước, thời chưa có đổi mới, nhiều trường hợp tập thể hóa "khiên cưỡng", bắt phải vào, thực chất là hình thức, cản trở sự phát triển, lúc ấy giải thể tập thể kiểu đó để đưa lại cho tư nhân phát triển là chủ trương đúng. Nhưng bây giờ nếu vẫn dùng cách nghĩ ấy để hành xử, hạn chế dân lập và không vì lợi nhuận để thực hiện tư nhân hóa thì tư duy không biện chứng. Xã hội hóa không phải là tư nhân hóa, không phải là thương mại hóa giáo dục. Xã hội hóa vừa là khắc phục tình trạng nhà nước hóa, đồng thời là tạo điều kiện để sở hữu xã hội được phát triển theo quy luật khách quan thì mới là tư duy khoa học.

Không giống như các trường tư thục có động lực kinh tế trực tiếp trong việc phân chia lợi nhuận cho cổ đông góp vốn, những người sáng lập và tham gia các trường không vì lợi nhuận xuất phát từ mục đích xã hội và văn hóa giáo dục, mang tính nhân văn, từ thiện, không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cho cá nhân. Họ rất mệt mỏi với việc tốn nhiều thì giờ mới có thể hoàn thiện các thủ tục hành chính và giải tỏa mặt bằng để xây dựng trường, đó là chưa kể thủ tục phải đấu thầu với các đơn vị kinh doanh khác để có mặt bằng.

Trong khi ở Việt Nam văn hóa "hiến tặng" chưa phát triển, nguồn vốn để phát triển các trường không vì lợi nhuận chưa nhiều (không phải là hoàn toàn không có khả năng và mặt khác lãnh đạo cũng cần thúc đẩy loại văn hóa này phát triển ở Việt Nam). Vì vậy, nếu không có vai trò "bà đỡ" của nhà nước thì chưa biết đến khi nào mới có thể ra đời được các trường không vì lợi nhuận– một công việc có ý nghĩa quan trọng lâu dài đối với nền giáo dục của đất nước.

Tôi cho rằng, nước ta cần hoàn chỉnh khung pháp lý cho loại hình trường không vì lợi nhuận ra đời và thành công. Trước mắt cần sớm có một nghị định để khuyến khích phát triển loại hình này. Tiếp theo là hoàn thiện luật về trường không vì lợi nhuận. Hiện nay, Luật Giáo dục đại học quy định trường không vì lợi nhuận có chủ sở hữu (bao gồm tư nhân) là không phù hợp, đúng ra chỉ có sở hữu là cộng đồng trường. Thực tế các năm qua đã có một số trường lúc đầu khi xin thành lập thì gọi là không vì lợi nhuận, nhưng về sau lại chuyển sang trường có lợi nhuận. Đó cũng là kẽ hở của các quy định.

Việc quy định khi hình thành trường không vì lợi nhuận cần có chủ đầu tư và những người góp vốn trực tiếp tham gia quản lý công việc đầu tư là cần thiết, để bảo đảm nguồn vốn ấy được sử dụng đúng mục đích, mục tiêu. Nhưng đó là công việc ở thời kỳ ban đầu. Còn về lâu dài, sau một thời gian, khi thấy yên tâm về sự phát triển đúng hướng của trường không vì lợi nhuận, nhà đầu tư có thể tuyên bố hiến tặng thì khi ấy phần vốn góp đó thuộc sở hữu của tập thể nhà trường chứ không còn là vốn của chủ đầu tư nữa. Trong khi chưa hiến tặng, còn là vốn của chủ đầu tư tư nhân, nhưng cam kết không rút vốn và không chia lãi nên số tiền ấy trên thực tế đã tham gia hình thành trường không vì lợi nhuận rồi. Số vốn tích lũy tăng lên, kể cả do thương hiệu tạo ra, sẽ thuộc sở hữu chung của cộng đồng trường.

Trường không vì lợi nhuận, và kể cả trường dân lập như đã nói, cũng không nên cho chuyển đổi thành trường tư thục chia lãi, vì ở đó có quỹ và nguồn vốn không chia, thuộc sở hữu chung của cộng đồng trường, nếu đem quỹ không chia ra chia cho các tư nhân (như đâu đó đã làm) là vi phạm nghiêm trọng.

Chọn một vài trường trong số trường công lập tuyển sinh khó khăn, có thể cho chuyển sang loại hình này để tạo cú hích ban đầu cho việc ra đời các trường không vì lợi nhuận, với nguyên tắc bảo tồn số vốn đã đầu tư của nhà nước (nhà nước có thể thu hồi dần số vốn ấy về cho quỹ phát triển giáo dục của quốc gia hoặc tiếp tục đầu tư như các nguồn vốn khác). Mặt bằng đất đai thì nhà nước cho thuê với chính sách ưu đãi cho giáo dục và nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Trong khi chưa sửa Luật giáo dục đại học, Chính phủ có thể đề nghị Thường vụ Quốc hội cho thực hiện thí điểm việc chuyển vài trường công lập loại này sang trường không vì lợi nhuận.

Hiện tại, trong dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học có nêu chủ trương về việc giảm bớt một số trường công lập bằng cách sáp nhập hoặc giải thể. Tôi cho rằng làm như vậy không hợp lý, vì:

Mỗi trường đại học ra đời, tồn tại và phát triển theo những quy luật khách quan và có vai trò quan trọng của công tác quản trị, quản lý vĩ mô và vi mô. Mọi việc liên quan đều cần có suy nghĩ thấu đáo. Nếu cứ thấy ở đâu khó, chưa đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất mà yêu cầu giải thể ngay là thiếu trách nhiệm, vô cảm vì gây xáo trộn cuộc sống của hàng trăm hàng nghìn giảng viên rồi lộn xộn việc học của các em sinh viên.

Còn việc sáp nhập trường không thể theo tư duy chủ quan, hành chính bởi trường đại học đa ngành là xu thế khách quan, nhưng muốn có một trường lớn và mạnh thì phải xuất phát từ sự trưởng thành của chính chủ thể đã có, hoặc thấy cùng có thuận lợi khi mà các thành viên tự nguyện nhập lại và phân công chuyên môn hóa, phối hợp hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp. Nó có điều kiện khách quan cùng đẳng cấp, phù hợp sứ mệnh, cùng địa bàn để sử dụng chung nguồn lực, cơ sở vật chất...còn nếu cứ tùy tiện sáp nhập thì chẳng những không mạnh lên mà còn khó khăn hơn.

Chúng tôi cho rằng có thể và nên cho ít trường trong số dự định giải thể và phải sáp nhập khiên cưỡng đó chuyển sang loại hình không vì lợi nhuận. Tôi nghĩ đó là phương án tối ưu. Nguyên tắc cơ bản và cao nhất thể hiện đặc trưng của trường không vì lợi nhuận là hoàn toàn không có phân chia lợi nhuận cho những người góp vốn, tiền lãi (nếu có) của hoạt động đào tạo đều được để phát triển nhà trường và thuộc sở hữu chung của cộng đồng trường. Theo đó sẽ hạn chế việc thương mại hóa giáo dục, ngăn chặn và giảm thiểu việc thị trường hóa tràn lan nhằm kiếm lợi đối với giáo dục.

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm, xã hội loài người từ lâu đã phân chia kinh tế và giáo dục, tuy đều quan trọng cả nhưng chức năng và sứ mệnh rất khác nhau, không thể và không nên thế chỗ cho nhau. Kinh tế tạo ra hàng hóa và lợi nhuận. Còn giáo dục tạo ra con người. Nếu trong một cộng đồng mà mọi người đều nhằm vào việc tìm kiếm lợi nhuận siêu ngạch trong giáo dục để chi tiêu thì việc đó chẳng khác nào là cùng nhau đi "bán con" để lấy tiền tiêu pha. Cần nhận thức đúng về giáo dục để có cách hành xử tốt nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Linh An (thực hiện)