Trưởng khoa nêu lý do người học chưa "chuộng" ngành Công tác xã hội

12/06/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhu cầu và sự biến đổi của xã hội ngày càng nhanh nên nội dung chương trình đào tạo Công tác xã hội có thể chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tiễn.

Những năm gần đây, một số ngành học tuyển được rất ít hoặc tuyển không đủ chỉ tiêu trong khi nhu cầu việc làm, nguồn nhân lực chất lượng cao được dự báo rất cần.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, yếu tố cốt lõi để sinh viên lựa chọn học ngành Công tác xã hội là phải xác định vị trí việc làm và xây dựng rõ chương trình đào tạo.

Chia sẻ về công tác tuyển sinh Khoa Công tác xã hội, thầy Bình cho biết, mỗi năm Khoa tuyển từ 100 - 150 chỉ tiêu. Số thí sinh nhập học mỗi năm khoảng 120. Riêng năm 2018, trường tuyển 100 chỉ tiêu nhưng chỉ được 30 sinh viên. Năm 2023 - 2024, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa là 200 sinh viên.

"Khó khăn nhất của tuyển sinh ngành Công tác xã hội đó là người học chưa hiểu sự cần thiết của Công tác xã hội và chưa biết tới cơ sở đào tạo về Công tác xã hội", thầy Bình chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bàn về công tác đào tạo Khoa Công tác xã hội (gọi tắt là Khoa), theo thầy Bình, chương trình đào tạo của Khoa có 125 tín chỉ, bao gồm khối học vấn chung của trường, khối học vấn chung của nhóm ngành, khối học vấn chuyên ngành trên tinh thần tập trung trang bị chuyên đề chuyên sâu. Do Công tác xã hội là ngành học có tính ứng dụng cao nên Khoa cũng bố trí 6 học phần thực hành và thực tập (khoảng 20% tổng thời gian đào tạo). Việc xác định các mạng lưới cơ sở thực hành của Khoa đa dạng như: các trường phổ thông, bệnh viện, trung tâm chăm sóc người cao tuổi, cơ sở trợ giúp xã hội, Uỷ ban nhân dân các xã, phường…

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đào tạo, thầy Bình cho biết, nhu cầu và sự biến đổi của xã hội ngày càng nhanh nên nội dung chương trình đào tạo Công tác xã hội có thể chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tiễn như: Công tác xã hội trong bệnh viện, Công tác xã hội trong trường học.

Khắc phục khó khăn này, Khoa phải đổi mới chương trình đào tạo, thường xuyên cập nhật nội dung học phần, chương trình đề phù hợp thực tế. Cụ thể, theo thầy Bình, giảng dạy về Công tác xã hội trong trường học là thế mạnh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Còn Công tác xã hội trong bệnh viện hiện Khoa đang từng bước khai thác nhưng còn nhiều vướng mắc.

"Hiện nay các bệnh viện từ trung ương đến địa phương gần như đều có Phòng Công tác xã hội. Điều này chứng tỏ nhu cầu Công tác xã hội trong bệnh viện có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, những kiến thức, kỹ năng, cũng như các vấn đề công tác xã hội trong bệnh viện đang là khoảng trống của chương trình đào tạo. Mặc dù hiện nay Khoa định hướng, và đưa môn học về Công tác xã hội trong bệnh viện vào giảng dạy nhưng vẫn là nỗi niềm trăn trở của cán bộ, giảng viên.

Các giảng viên của Khoa chủ yếu được đào tạo về Công tác xã hội nên kiến thức lý luận chung rất tốt. Nhưng để đưa Công tác xã hội trong bệnh viện vào giảng dạy thì Khoa phải mời chuyên gia, người trực tiếp làm Công tác xã hội trong bệnh viện về trường chia sẻ cho sinh viên", thầy Bình chia sẻ khó khăn.

Thực tế, việc mời các chuyên gia, người trực tiếp làm Công tác xã hội trong bệnh viện về trường dạy cho sinh viên hay đưa sinh viên đến bệnh viện thực hành sẽ giúp chương trình đào tạo gần với thực tiễn. Tuy nhiên, việc mời chuyên gia về trường chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, Khoa đã yêu cầu giảng viên xuống cơ sở để nắm bắt thực tiễn như: đến các nhà trường, hoặc các cơ sở bệnh viện, để từ đó khái quát từ thực tiễn thành cơ sở lý luận nhằm trang bị kiến thức cho sinh viên.

Khoa Công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện có 20 giảng viên, cán bộ, trong đó có 15 giảng viên (có 5 tiến sĩ đúng chuyên ngành). Khoa đã đào tạo được 5 khóa thạc sĩ, chưa đào tạo tiến sĩ do đội ngũ đủ giảng viên chưa đạt chuẩn điều kiện về trình độ.

Liên quan đến việc thu hút người học lên trình độ tiến sĩ ngành Công tác xã hội, một giảng viên cao cấp ngành Công tác xã hội của một trường đại học ở miền Bắc chia sẻ, thực tế hiện nay, có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học có nhu cầu được học chương trình cao học, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

“Tuy nhiên, số lượng người học lên trình độ tiến sĩ ngành Công tác xã hội chưa nhiều. Bởi vì, tâm lý của người học còn e ngại việc học xong vẫn có nguy cơ thất nghiệp, trong khi đó nhu cầu xã hội luôn cần người có trình độ chuyên môn cao để tham gia vào đội ngũ giảng viên đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, hướng dẫn chuyên môn các cơ sở thực hành về công tác xã hội.

Đặc biệt, ngành Công tác xã hội đang thiếu rất nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ Công tác xã hội. Cơ chế thu hút chưa thực sự thuyết phục để các nhà khoa học, giảng viên có trình độ chuyên môn cao vào làm viên chức nhà nước. Chế độ đãi ngộ đối với sinh viên ngành Công tác xã hội chưa cao; cơ chế quản lý còn cứng nhắc làm giảm động lực làm việc cũng như sáng tạo của người lao động.

Không tuyển được sinh viên, ít người học lên trình độ cao, hệ quả tất yếu là đội ngũ nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản thiếu hụt, đội ngũ giảng viên chuyên ngành gần với Công tác xã hội quá nhiều, trong khi giảng viên đúng chuyên ngành chưa cao. Do đó, sinh viên học ngành Công tác xã hội sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi", nam giảng viên cho biết.

Về tỉ lệ có việc làm đúng chuyên ngành sau tốt nghiệp của sinh viên Khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong khóa đào tạo mới đây nhất, sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng đã có việc làm đúng chuyên ngành Công tác xã hội như: giáo viên dạy trẻ đặc biệt, cán bộ ngành Lao động Thương binh và Xã hội, làm việc trong các tổ chức phi chính phủ... chiếm khoảng 70% - 80%.

Ngọc Mai