Trường gửi thư ngỏ vận động góp tiền khen thưởng vì "lạm phát" danh hiệu học tập

11/05/2024 06:46
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Về cơ bản, nhà trường không mất gì ngoài sự vận động một số giáo viên, nhân viên nhà trường đóng gói quà cho từng danh hiệu học tập của học sinh.

Chỉ còn vài tuần nữa, năm học 2023-2024 kết thúc nên phần lớn các trường phổ thông công lập dù là trường chuyên hay không chuyên đều có kế hoạch khen thưởng cho học trò. Một khâu rất quan trọng mà các trường học luôn phải thực hiện là vận động phụ huynh đóng góp để làm quỹ khen thưởng cuối năm học.

Vì thế, những phụ huynh có con đang theo học tại các trường phổ thông có lẽ rất quen thuộc với thư ngỏ hằng năm mà nhà trường gửi nhằm vận động phụ huynh đóng góp tiền khen thưởng. Thông thường, mỗi năm thư ngỏ sẽ được phát hành 1- 2 đợt vào dịp cuối học kỳ I và cuối học kỳ II.

Nếu nhà trường vận động được nhiều sẽ khen thưởng cho học sinh nhiều vì kinh phí nhà trường có hạn, chỉ khen thưởng cho một số danh hiệu nhất định. Còn lại, phải nhờ vào tiền xã hội hóa của phụ huynh. Vậy nên, việc phát thư ngỏ đang được các nhà trường thực hiện khá đồng bộ và thường niên.

thanh-tich-2-4037-6484.png
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Quá nhiều danh hiệu của học sinh trong mỗi năm học

Hiện nay, ngoài danh hiệu học tập của học sinh thì ngành giáo dục ở các địa phương phát động rất nhiều các cuộc thi khác nhau dành cho học sinh phổ thông. Vì thế, cuối năm học có rất nhiều những danh hiệu khác nhau mà nhà trường đều muốn khen thưởng cho học trò.

Đối với học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đang thực hiện đánh giá, xếp loại theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT có danh hiệu học tập, có: Học sinh danh dự toàn trường; học sinh giỏi nhất khối; học sinh giỏi hạng nhất, nhì, ba của mỗi lớp lớp; học sinh giỏi đại trà; học sinh tiên tiến; Học sinh nghèo vượt khó; học sinh giỏi liên tục suốt cấp học...

Những em học chương trình 2018, đánh giá theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT có các danh hiệu: học sinh xuất sắc; học sinh giỏi.

Ngoài ra, có thêm rất nhiều danh hiệu khác như: học sinh giỏi văn hóa các cấp; học sinh đạt giải cuộc thi hùng biện tiếng Anh; học sinh đạt giải cuộc thi Khoa học kĩ thuật; học sinh đạt giải Hội khỏe Phù Đổng; học sinh tích cực trong phong trào Đoàn-Đội…

Đối với học sinh Tiểu học có các danh hiệu học sinh xuất sắc; danh hiệu học sinh tiêu biểu; học sinh có thành tích đột xuất trong năm học; học sinh tham gia một số cuộc thi, hội thi…

Chính vì cấp học nào cũng có nhiều danh hiệu, nhất là danh hiệu học tập có một số lượng rất lớn khiến cho nguồn kinh phí của nhà trường không đáp ứng được nên gần như trường nào cũng phải vận động phụ huynh đóng góp.

Mặc dù trong thư ngỏ, có thể do hiệu trưởng hoặc trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh ký tên đều nhắn gửi là phụ huynh đóng góp “tùy tâm” nhưng có những trường học giao chỉ tiêu cho từng lớp nên nếu vận động lần 1 không đủ chỉ tiêu thì giáo viên chủ nhiệm phải vận động thêm lần 2 để đảm bảo chỉ tiêu của nhà trường giao cho.

“Cái khéo” của một số giáo viên chủ nhiệm hiện nay là sau khi vận động phụ huynh đóng góp thì thầy cô sẽ thống kê số tiền của từng phụ huynh học sinh và gửi lên zalo nhóm phụ huynh nhằm minh bạch nguồn thu nên hiệu quả của các lần vận động thường rất tốt.

Phụ huynh này nhìn phụ huynh kia, nếu đóng ít quá thì cũng ngại với những phụ huynh khác nên có những đợt phát hành thư ngỏ của nhà trường, có phụ huynh đóng tiền cho con thêm lần thứ 2 để con em mình bằng với bạn bè trong lớp.

Ngày tổng kết năm học, do có quá nhiều danh hiệu học tập và các phong trào thi đua nên các trường phổ thông hiện nay thường kéo dài lê thê vì khâu phát thưởng vừa phải gọi học sinh lên sắp hàng; mời đại biểu trao thưởng; chụp hình sau mỗi đợt trao thưởng…

Buổi tổng kết năm học, trường nào cũng tổ chức khá hoành tráng, càng khen thưởng nhiều thì nhà trường, khách mời, phụ huynh, học sinh càng vui vì những thành tích mà thầy và trò nhà trường đã đạt được trong năm học.

Không phát hành thư ngỏ, nhà trường không có kinh phí để khen thưởng đại trà

Hiện nay, các trường phổ thông công lập chưa tự chủ được tài chính thì kinh phí hằng năm hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí được phân bổ của cấp trên. Bởi vậy, kinh phí để khen thưởng học trò thường rất ít.

Trong kế hoạch chi tiêu nội bộ của các nhà trường thường chỉ khen thưởng cho học sinh danh dự toàn trường- danh hiệu này thường khen cho 1 học sinh có điểm trung bình môn cao nhất khối nhất khối cuối cùng của cấp học. Ngoài ra, trường sẽ khen thêm mỗi lớp 3 học sinh có điểm trung bình môn cao nhất mỗi lớp.

Các danh hiệu còn lại, nếu khen thưởng thì nhà trường không có kinh phí. Trong khi, những danh hiệu học tập của học sinh trong các nhà trường thường có rất nhiều. Nếu các danh hiệu như: học sinh xuất sắc; học sinh giỏi mà chỉ khen (phát giấy khen) không thưởng (không có hiện vật hoặc tiền) thì nhà trường cũng áy náy, phụ huynh và học sinh cũng không vui.

Bởi vậy, việc phát hành thư ngỏ sẽ tạo ra một khoản tiền quỹ khen thưởng cho nhà trường. Khi có tiền vận động từ phụ huynh, nhà trường cũng dễ dàng trong việc phân bổ kinh phí cho từng danh hiệu mà học sinh đã đạt được trong năm học.

Phụ huynh có con đạt được danh hiệu học tập và được nhà trường khen thưởng hẳn cũng vui. Bởi, nhiều trường học hiện nay rất chú trọng về hình thức nên phần thưởng có thể là bộ sách giáo khoa có đóng dấu danh hiệu học tập ở trang bìa mà học sinh đạt được.

Hoặc, phần thưởng cũng có thể là chiếc cặp, ba lô, hoặc những cuốn tập có in logo, hình ảnh nhà trường nên tạo cho học trò sự thích thú.

Vì thế, năm nào nhà trường cũng phát hành thư ngỏ là chuyện hiển nhiên. Về cơ bản, nhà trường không mất gì ngoài sự vận động một số giáo viên, nhân viên nhà trường đóng gói quà cho từng danh hiệu học tập của học sinh.

Phụ huynh-dù phải chi vài trăm ngàn đồng cho thư ngỏ nhưng con em mình được khen thưởng thì cũng vui mừng, tự hào. Vậy nên, thời điểm tổng kết năm học, trên các trang mạng xã hội không ít hình ảnh phụ huynh chụp giấy khen, phần thưởng để đăng lên trang cá nhân và tình trạng này đã được nhiều người nói vui là “mùa khoe con”.

Cũng vì sự dễ dãi của nhà trường trong việc đánh giá, xếp loại học lực học sinh và phụ huynh khi được vận động đóng góp đã kích thích bệnh thành tích trong nhiều trường học hiện nay ngày một nhiều.

Không hiếm các trường học hiện nay, số lượng học sinh không được khen thưởng chỉ chiếm số lượng nhỏ vì phần lớn học sinh trong trường, trong từng lớp học được khen thưởng vào dịp cuối năm với các danh hiệu học tập khác nhau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI