ĐH ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên: Làm sao để đảm bảo công bằng cho thí sinh?

23/05/2024 06:38
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiện nay, nhiều trường đại học ưu tiên xét tuyển thí sinh đến từ các trường trung học phổ thông chuyên, có trường tuyển đặc cách học sinh trường chuyên.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học hiện đang áp dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển.

Trong đó, nhiều trường đại học ưu tiên xét tuyển thí sinh đến từ các trường trung học phổ thông chuyên, trường năng khiếu theo tiêu chí lựa chọn riêng. Có trường cộng điểm cho các đối tượng này, có trường tuyển đặc cách học sinh trường chuyên với chỉ tiêu khá cao.

Những năm qua, với phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại học sinh sẽ đổ xô chạy theo chứng chỉ IELTS, hay xảy ra tình trạng mua điểm, “làm đẹp” học bạ.

Xét tuyển học sinh trường chuyên và trường trung học phổ thông tốp đầu giúp các trường đại học chủ động tuyển chọn được những thí sinh giỏi, tài năng. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra lo ngại, nếu phương thức này trở nên phổ biến, liệu cuộc đua vào các trường chuyên vốn đã căng thẳng sẽ càng trở nên khốc liệt hơn? Và có đảm bảo công bằng cho đông đảo thí sinh.

gdvn-ts9-7123.jpg
Nhiều trường đại học xét tuyển ưu tiên đối với học sinh trường chuyên. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Năm nay, các trường thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này. Đối tượng ưu tiên là học sinh của 149 trường trung học phổ thông (83 trường trung học phổ thông chuyên, năng khiếu và 66 trường trung học phổ thông bổ sung).

Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa dự kiến 15-20% chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển kết quả học tập 3 năm trung học phổ thông trong danh sách 149 trường trung học phổ thông và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên dự kiến 10-20% chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên điểm học bạ.

Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn dự kiến 15-20% chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét điểm trung bình cộng 3 môn học tương ứng trong tổ hợp xét tuyển của 3 năm học trung học phổ thông, cộng với điểm ưu tiên do trường quy định.

Trường Đại học Kinh tế - Luật dự kiến tối đa 20% tổng chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Công nghệ thông tin dự kiến 25% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.

Trường Đại học Quốc tế dự kiến 5-15% chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh, thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 3 năm trung học phổ thông; hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh thành tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Trường Đại học An Giang dự kiến tối đa 2% chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Khoa Y dự kiến 10-15% chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét tổng điểm 3 môn toán, hóa, sinh trong 3 năm lớp 10, 11, 12.

Phân hiệu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre dự kiến 3 – 4% chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, học lực giỏi, hạnh kiểm tốt 3 năm trung học phổ thông.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên, tốp 200 với chỉ tiêu từ 10 đến 20%. Nội dung xét tuyển ít nhất từ 3 học kỳ là học sinh giỏi. Với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm trung bình học bạ 5 học kỳ của từng môn theo tổ hợp (có 3 môn), mỗi môn từ 5 trở lên.

Trường Đại học Hồng Đức xét tuyển thẳng học sinh lớp chuyên của trường trung học phổ thông chuyên và đạt học lực loại giỏi 3 năm học vào tất cả ngành có môn chuyên thuộc tổ hợp xét tuyển. Chỉ tiêu xét tuyển: Tối đa 5% chỉ tiêu mỗi ngành.

Trường Đại học Vinh xét tuyển thẳng các thí sinh là học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường trung học phổ thông chuyên; học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tin học quốc tế.

Cụ thể, thí sinh là học sinh đội tuyển cấp tỉnh, thành phố hoặc đội tuyển của trường trung học phổ thông chuyên trực thuộc các trường đại học được tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Thí sinh là học sinh trường trung học phổ thông chuyên hoặc các trường trung học phổ thông khác có chứng chỉ ngoại ngữ Quốc tế IELTS 6.5, TOEFL iBT 80, TOEIC 550, chứng chỉ Tin học Quốc tế MOS (thời hạn 2 năm tính đến ngày 01/6/2024).

Tuyển học sinh chuyên nâng chất lượng thí sinh?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phương án tuyển sinh học sinh giỏi trường chuyên và trường tốp 200 nhà trường đã thực hiện nhiều năm nay.

Trên cơ sở đánh giá chất lượng học sinh trường chuyên qua các năm, phân tích số liệu cho thấy, kết quả tuyển sinh rất tốt. Chất lượng thí sinh sau khi tuyển đáp ứng được yêu cầu học tập, nên năm 2024 nhà trường tiếp tục triển khai tuyển sinh theo phương thức này.

Bàn về lý do xét tuyển theo phương thức ưu tiên học sinh trường chuyên, Tiến sĩ Quách Thanh Hải đánh giá học sinh trường chuyên là “tinh hoa” của các địa phương, từ cấp 2 lên cấp 3 đã trải qua một lần sàng lọc nên chắc chắn nền tảng kiến thức và năng lực sẽ tốt.

Thứ hai, học sinh trường chuyên được học tập với môn chuyên, các em đã được trang bị tương đối nhiều kiến thức về một số môn học ở đại học, và điều đó phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường.

Đó chính là thuận lợi cho cả nhà trường và học sinh trong quá trình đào tạo. Những kiến thức được tiếp thu ở trường chuyên được phát huy hết khi vào đại học, và số lượng thí sinh ứng tuyển qua từng năm thay đổi theo hướng tốt lên.

Về thuận lợi trong công tác tuyển sinh, năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức xét tuyển sớm bằng hình thức online. Thí sinh rất thuận lợi vì chỉ cần nộp hồ sơ online, không cần phải đến trường.

Sau khi tuyển sinh, nhà trường sẽ thực hiện việc hậu kiểm để xác định việc tuyển sinh không xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, với công tác kiểm hồ sơ online cho các thí sinh trường chuyên, trường top 200, nhà trường cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc đọc hồ sơ, tiết kiệm được chi phí cho xã hội.

Về khó khăn của phương thức tuyển sinh này, thầy Hải chia sẻ, bắt buộc hệ thống của nhà trường phải hoạt động thực sự hiệu quả và chính xác, đặc biệt là sau khi thí sinh trúng tuyển. Tránh trường hợp thí sinh vào tuyển một học kỳ, một năm mới phát hiện ra sai sót, sẽ gây tốn kém cho thí sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Website nhà trường

Cùng chia sẻ về phương thức xét tuyển này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức bày tỏ, thống kê cho thấy các cơ sở giáo dục đại học dành chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh là học sinh các trường trung học phổ thông chuyên là không nhiều.

Trường Đại học Hồng Đức chỉ dành 5% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển thẳng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, học sinh học tại các trường trung học phổ thông chuyên và có học lực giỏi 3 năm.

Thực tiễn chứng minh, các bạn học sinh khi trúng tuyển vào trường đều phát huy được năng lực tư duy, khả năng tự học, tự nghiên cứu, sở trường chuyên môn tại trường trung học phổ thông chuyên và đạt kết quả cao trong học tập.

“Tôi cho rằng việc các cơ sở giáo dục đại học thực hiện xét tuyển thẳng học sinh trường trung học phổ thông chuyên là cơ hội để các trường chuyên tuyển được các học sinh giỏi vào học.” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn cho biết.

Để cuộc đua vào đại học trở nên công bằng

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc căn cứ vào kết quả các trường chuyên để xét tuyển vào đại học cũng có thể chấp nhận được. Nhưng để đảm bảo công bằng thì không nên xem đó là tiêu chí chính và là tiêu chí duy nhất.

Tiêu chí chính phải dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Khi tiêu chí chính giống nhau thì có thể ưu tiên xét đến tiêu chí phụ.

gdvn_ts le viet khuyen.png
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: PM

Tiêu chí phụ cũng không nên phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả ở trường chuyên. Ở các nước có nhiều tiêu chí khác nhau, ví dụ như năng khiếu về văn nghệ, thể dục thể thao, kết quả học tập…, nên xét nhiều tiêu chí chứ không nên chỉ có tiêu chí học và thi môn chuyên.

Mặt khác, đối với sự lo ngại của dư luận về hệ luỵ như học lệch, làm đẹp học bạ, học sinh đổ xô thi vào trường chuyên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, tất cả những hệ luỵ đều có thể xảy ra nếu như tình trạng ưu tiên học sinh trường chuyên vào đại học trở nên ồ ạt và nghiêm trọng hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo với trách nhiệm quản lý nhà nước, cần đưa ra quy định cụ thể hơn để sàng lọc được những phương thức tuyển sinh hiệu quả, đảm bảo chất lượng đầu vào, tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt theo những phương thức kém hiệu quả và để đảm bảo tạo công bằng cho thí sinh.

“Trong một số năm trở lại đây, các trường đại học khá tuỳ tiện trong việc tự chủ tuyển sinh mà chưa có vai trò chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý. Thậm chí nhiều trường đại học còn lấy điểm thi IELTS hoặc các chứng chỉ khác làm điểm quyết định. Xu hướng chung hiện nay đã dần hạn chế việc đó, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định thống nhất cho tất cả các trường đại học thực hiện.

Không cấm tiêu chí phụ như xét học bạ, ưu tiên học sinh trường chuyên, hay chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng không nên xem đó là tiêu chí chính. Việc đó sẽ không đảm bảo công bằng cho các thí sinh", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Để có sự công bằng trong phương thức tuyển sinh, Tiến sĩ Quách Thanh Hải khẳng định, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh luôn căn cứ trên đánh giá trường trung học phổ thông từ góc độ xã hội.

Nhà trường cũng dựa theo số lượng tuyển sinh và đánh giá chất lượng đầu vào của trường trung học phổ thông để tránh tình trạng điểm số ảo. Nhà trường đánh giá rất chi tiết khi tuyển sinh và có sự tin tưởng với các trường trung học phổ thông có học sinh giỏi sư phạm kỹ thuật.

Công tác xét tuyển học sinh trường chuyên dựa theo khối ngành và xây dựng trên cơ sở khối xét tuyển, không phải cứ học trường chuyên là tuyển. Nhà trường xét tuyển kết hợp nhiều yếu tố, trong đó có điểm thi của các môn. Người học phải thực sự đam mê với ngành của họ, nếu học sinh chuyên văn mà học bên khối kỹ thuật thì sẽ rất kém.

“Chúng tôi không chỉ đánh giá trên 1 năm mà có dữ liệu đủ lớn trong nhiều năm để thấy chất lượng học sinh trường trung học phổ thông chuyên ở mức tốt. Tôi rất tin tưởng vào các trường có học sinh thi vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và mong các trường trung học phổ thông vẫn tiếp tục giữ được truyền thống như hiện nay, cố gắng điểm số là chính là số thật", Tiến sĩ Quách Thanh Hải chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn cho biết có nhiều giải pháp, và phụ thuộc vào yêu cầu đầu vào của ngành đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học sẽ lựa chọn các phương thức tuyển sinh để tuyển được thí sinh có chất lượng và đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh cho tất cả thí sinh, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học công khai phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức và phải thực hiện chạy lọc ảo trên phần mềm xét tuyển chung của Bộ.

Bích Ngọc