Với mong muốn chia sẻ những kiến thức, xu hướng, và ứng dụng công nghệ số hiện đại vào lĩnh vực đường sắt – một trong những ngành hạ tầng quan trọng của quốc gia, sáng ngày 11/4, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (PORTCOAST) tổ chức Hội thảo khoa học công nghệ “Chuyển đổi số cho cơ sở hạ tầng đường sắt”.
Đến tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Cao Lục - Chủ tịch Hội Cảng, Đường thủy, Thềm lục địa Việt Nam; ông Nguyễn Cao Minh - Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội; ông Trần Tấn Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị PORTCOAST...
Về phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng - Hiệu trưởng nhà trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường; các thầy cô, lãnh đạo đại diện các khoa, phòng ban, các đơn vị, bộ môn trực thuộc, các em sinh viên thuộc các chuyên ngành liên quan.

Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Bộ Xây dựng - Cơ quan quản lý Nhà nước về ngành Giao thông vận tải, trong đó có vận tải đường sắt; các nhà quản lý, các ban quản lý dự án đường sắt tốc độ cao, ban quản lý dự án đường sắt đô thị, các nhà khoa học, đại diện các bộ ngành, hội nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành cùng bàn luận chia sẻ về các nội dung, xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực hạ tầng đường sắt, ứng dụng công nghệ khảo sát hiện đại trong khảo sát đường sắt, tích hợp mô hình BIM (mô hình thông tin công trình) và GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong thiết kế và vận hành hệ thống hạ tầng, cũng như những dự án điển hình đang được triển khai, vận hành tại Việt Nam.
Mở đầu Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, Hội thảo khoa học công nghệ hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, cách đây chưa đầy 4 tháng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là nền tảng để phát triển nhanh và bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới. Ðây không chỉ là một định hướng chiến lược mà còn là một lời hiệu triệu khẩn thiết về tư duy và hành động trong mọi ngành, mọi cấp.
Ngành giao thông vận tải, trong đó có hạ tầng đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm cần đi tiên phong trong quá trình này. Ðường sắt với vai trò là trục xương sống vận tải của quốc gia đang đứng trước một thời cơ lớn để chuyển mình mạnh mẽ thông qua ứng dụng công nghệ số, mô hình hóa thông tin, và quản lý thông tin tích hợp.

"Hội thảo ngày hôm nay là sự kết hợp giữa nhà trường và Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển PORTCOAST, một đơn vị tiên phong trong ứng dụng BIM, GIS và công nghệ khảo sát số tại Việt Nam...
Hội thảo là một diễn đàn chuyên môn kết nối và kiến tạo tương lai. Tôi tin tưởng rằng với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, và các đơn vị doanh nghiệp, hội thảo hôm nay sẽ là một diễn đàn học thuật và ứng dụng giàu tính kết nối, nơi khởi nguồn cho các hợp tác liên ngành, liên kết giữa trường - doanh nghiệp, góp phần thiết thực vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực giao thông và xây dựng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh bày tỏ.

Tại Hội thảo, ông Trần Tấn Phúc – Chủ tịch Hội đồng quản trị PORTCOAST đã trình bày báo cáo chuyên đề, chia sẻ những thông tin, công nghệ mới nhất đang được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới. Bao gồm 5 nội dung chính:
Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường sắt.
Ứng dụng công nghệ khảo sát hiện đại trong số hóa hạ tầng đường sắt.
Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho ngành đường sắt.
Giới thiệu các dự án điển hình đã ứng dụng BIM – GIS tại Việt Nam.
Định hướng áp dụng công nghệ số cho các dự án đường sắt tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, mô hình thông tin công trình (BIM) là quy trình số hóa toàn bộ vòng đời công trình từ thiết kế, thi công đến vận hành. Theo ISO 19650, BIM giúp chuẩn hóa thông tin, tăng tính minh bạch, tối ưu quản lý công trình, giảm sai sót thiết kế và cải thiện hiệu suất bảo trì.
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là công nghệ thu thập, quản lý, phân tích và hiển thị dữ liệu không gian địa lý. GIS giúp số hóa bản đồ quy hoạch, hỗ trợ quản lý đô thị, giao thông, tài nguyên, tích hợp dữ liệu không gian với hạ tầng và hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng, chính xác.
BIM giúp tối ưu thiết kế – GIS giúp quản lý không gian, khi kết hợp, hai hệ thống này giúp mô phỏng trực quan, nâng cao khả năng phân tích, hỗ trợ ra quyết định chính xác, quản lý đô thị và hạ tầng hiệu quả, và tối ưu vận hành theo thời gian thực.

Về những hướng áp dụng công nghệ số cho các dự án đường sắt tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Phúc đưa ra một số gợi ý. Bao gồm:
Thứ nhất, ứng dụng công nghệ số trong thiết kế, thi công, quản lý vận hành khai thác. Triển khai BIM và GIS để xây dựng hệ thống dữ liệu số phục vụ công tác thiết kế, quản lý thi công và vận hành khai thác. Hệ thống này giúp tăng cường khả năng phân tích không gian, tối ưu hóa công tác thiết kế, quản lý chặt chẽ quá trình thi công và vận hành khai thác.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ khảo sát số, xây dựng mô hình số hiện trạng (BIM hiện trạng), thiết lập nền tảng cơ sở dữ liệu trên GIS 3D. Ứng dụng công nghệ quét 3D (LaserScanning, LiDAR, UAV Photogrammetry) để số hóa dữ liệu hiện trạng công trình. Dữ liệu số làm cơ sở để kiểm soát chất lượng thi công, phục vụ cho các công tác quan trắc, bảo trì, vận hành khai thác.
Thứ ba, phát triển nền tảng mô hình số và hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ: Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Bản sao số (DigitalTwin) trên nền tảng dữ liệu BIM-GIS. Phối hợp với các đối tác công nghệ để nâng cao năng lực quản lý, vận hành khai thác.


Sau phần trình bày báo cáo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã cùng thảo luận những vấn đề liên quan. Hội thảo Khoa học công nghệ “Chuyển đổi số cho cơ sở hạ tầng đường sắt” đã khép lại thành công tốt đẹp, mang đến nhiều thông tin bổ ích, mở ra những góc nhìn đa chiều và cơ hội hợp tác phát triển giữa nhà trường, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.
