Hạ tầng được đầu tư lớn, SV Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông nhiều cơ hội

20/04/2024 06:22
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -  Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông được đánh giá là ngành học có nhiều triển vọng nghề nghiệp vì thị trường lao động luôn cần nhân lực. 

Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là ngành học chuyên về lĩnh vực thiết kế, thi công, quản lý và khai thác các công trình giao thông phục vụ đời sống như: cầu, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường hầm, cảng, sân bay... cũng như các công trình trong lĩnh vực xây dựng nói chung.

Ngành học với cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Ngô Thị Ninh – Phó Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam cho biết, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trong giai đoạn này rất rộng mở do Chính phủ tập trung triển khai đầu tư các công trình giao thông trọng điểm.

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành học này có nhiều cơ hội ứng tuyển vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông.

“Mức lương dao động từ 12-18 triệu đồng/tháng, tuỳ thuộc vào vị trí ứng tuyển và doanh nghiệp tuyển dụng. Yếu tố quan trọng nhất để các bạn thành công trong lĩnh vực này đó là yêu nghề, kiên định với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn và được đào tạo suốt 4-5 năm đại học. Có thể khi mới nhận việc mức lương của các bạn chưa cao, điều kiện làm việc ở các công ty chưa được như kỳ vọng, nhưng các bạn phải trau dồi tích luỹ kinh nghiệm, năng lực cá nhân rồi cơ hội thành công sẽ đến”, bà Ngô Thị Ninh nhấn mạnh.

Tại Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam, yêu cầu tuyển dụng đầu tiên đối với ứng viên chính là trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công việc. Tuy nhiên, theo bà Ninh, điều quan trọng hơn là doanh nghiệp muốn thấy được đức tính kiên trì, chịu khó, ham học hỏi của nhân viên.

Bà Ninh đánh giá, các bạn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường có kiến thức cơ bản được đào tạo trên ghế nhà trường. Song, giữa kiến thức được học và thực tế công việc có một khoảng cách nhất định. Nhân sự sẽ được đào tạo thông qua chính các đầu mục công việc, thông thường từ 1 năm là các bạn có thể nắm bắt và làm chủ công việc.

Cùng trao đổi với phóng viên, anh Bùi Quốc Huy - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và khoa học công nghệ, Công ty cổ phần tư vấn Trường Sơn cho biết, sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông ra trường muốn có vị trí công việc với thu nhập ổn định cần trang bị vững vàng kiến thức nền tảng và trau dồi các kỹ năng mềm cần thiết.

"Ngoài kiến thức chuyên môn thì các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm... cũng rất quan trọng. Trong các cuộc họp, nhân sự cũng cần có kỹ năng thuyết trình để báo cáo, có bản lĩnh bảo vệ kết quả thiết kế... trong trường hợp cần. Đối với sinh viên mới tốt nghiệp, tùy theo từng đơn vị tuyển dụng cũng như vị trí công việc sẽ có mức thu nhập khác nhau", anh Bùi Quốc Huy chia sẻ.

f07025f2324cd3128a5d.jpg
Anh Bùi Quốc Huy - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và khoa học công nghệ, Công ty cổ phần tư vấn Trường Sơn. Ảnh: NVCC

Cũng theo anh Huy, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là một trong những ngành kỹ thuật xây dựng hạ tầng cơ bản nên thị trường lao động luôn cần nhân lực. Do đó, để tạo thuận lợi trong tuyển sinh, các đơn vị đào tạo cần có sự truyền thông sâu rộng để các em học sinh trung học phổ thông và phụ huynh hiểu được tiềm năng, mức độ quan trọng, định hướng nghề nghiệp của ngành này.

Tại Công ty cổ phần tư vấn Trường Sơn, khi tuyển dụng nhân sự, theo anh Huy, một trong những yêu cầu đầu tiên đó là ứng viên đúng chuyên ngành.

"Các bạn nữ cũng có rất nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp nếu lựa chọn theo đuổi ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Các bạn có thể đảm nhận một số vị trí công việc chuyên môn cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, nhạy bén của phái nữ như công tác lập dự toán, lập tổng mức đầu tư, tính toán các hiệu quả tài chính của dự án, lập hồ sơ đấu thầu... Những mảng công việc này các bạn nữ làm rất tốt", anh Huy nhấn mạnh thêm.

Theo tìm hiểu, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) là một trong những cơ sở có tuyển sinh, đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Để có thêm thông tin toàn cảnh về ngành học này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh - Trưởng khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Tiến sĩ Cao Văn Lâm - Trưởng khoa Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (sau đây gọi là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

Thị trường lao động "khát" nhân lực nhưng tuyển sinh vẫn gặp khó

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh - Trưởng khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, tuyển sinh và đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có những thuận lợi và khó khăn riêng.

"Về mặt thuận lợi, thứ nhất, nhu cầu thị trường cao với sự phát triển của kinh tế và đô thị hóa, nhu cầu về các dự án xây dựng công trình giao thông như cầu, đường, cao tốc, hạ tầng giao thông khác ngày càng tăng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc trục ngang tại các địa phương tạo động lực cho phát triển của địa phương và đất nước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh và đào tạo ngành này.

Thứ hai, công nghệ trong lĩnh vực xây dựng và công trình giao thông đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm việc áp dụng các công nghệ mới như BIM (mô hình thông tin xây dựng ), IoT (Internet vạn vật), và AI (trí tuệ nhân tạo) trong quản lý, thi công công trình, tạo ra nhiều cơ hội cho các sinh viên học ngành này", thầy Doanh chia sẻ.

Còn về khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo cũng như phát triển nhân lực ngành Kỹ thuật xây dựng cầu đường, thầy Doanh cho rằng, đây là ngành học đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức vững về các nguyên lý kỹ thuật, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, thiết kế đường, cầu, hầm và các công trình khác trên tuyến. Điều này đòi hỏi một quá trình học tập và rèn luyện khá khó khăn và thời gian dài.

Trong quá trình đào tạo và làm việc, kỹ sư xây dựng công trình giao thông thường phải làm việc trong các nhóm đa ngành (môi trường, hạ tầng, nông nghiệp…), đòi hỏi khả năng làm việc nhóm tốt và sự hiểu biết về các lĩnh vực kỹ thuật khác nhau.

Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, việc tìm kiếm và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao có thể là một thách thức. Đặc biệt là việc tuyển dụng và giữ chân các kỹ sư có kiến thức, kỹ năng đủ cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thêm vào đó, hầu hết các kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông phải đối mặt với thách thức liên quan đến điều kiện làm việc, không thể tránh làm việc tại công trường, đi công tác thực địa tại các địa phương với điều kiện địa lý khác nhau, xa gia đình.

sinh vien khoa.jpg
Sinh viên Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Website Khoa Cầu đường.

Tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Tiến sĩ Cao Văn Lâm chia sẻ một số thuận lợi trong tuyển sinh, đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông: "Khoa Xây dựng cầu đường đã đào tạo ngành học này được 38 năm. Hạ tầng giao thông luôn là định hướng phát triển của Chính phủ nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nên cơ hội việc làm của ngành này luôn rộng mở. Hơn thế nữa, hiện nay, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này ở thị trường quốc tế cũng rất cao. Minh chứng là có rất nhiều đơn vị ở nước ngoài về trường tuyển dụng kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, số lượng hằng năm lên đến 300-400 lượt".

Tuy nhiên, theo thầy Lâm, những năm gần đây công tác tuyển sinh ngành học này vẫn còn gặp một số khó khăn. Do đó, số lượng kỹ sư đầu ra ngành này chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động.

Chú trọng đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Trưởng khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá: "Với sự phát triển của kinh tế và đô thị hóa, nhu cầu xây dựng, bảo trì hạ tầng giao thông luôn tăng cao. Các dự án xây dựng mới và cải thiện hạ tầng đang được triển khai trong nước cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các khu vực đang phát triển mạnh. Tại Việt Nam, năm 2024 Chính phủ quyết định dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là hạ tầng giao thông.

Hơn thế nữa, cơ hội phát triển sự nghiệp trong ngành cũng khá lớn. Kỹ sư Xây dựng công trình giao thông có thể thăng tiến lên các vị trí quản lý, điều hành dự án, hoặc trở thành chuyên gia tư vấn độc lập", thầy Doanh cho biết thêm.

Thầy Doanh khẳng định, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.

Theo thầy Doanh, Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được trang bị các phòng thí nghiệm hiện đại cùng các thiết bị và công nghệ mới nhất để hỗ trợ quá trình giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên. Hiện có phòng thí nghiệm đường bộ, phòng thí nghiệm cầu và công trình ngầm, phòng thí nghiệm cơ học đất, phòng thí nghiệm địa chất công trình và phòng thí nghiệm trắc địa.

Thư viện của Trường Đại học Xây dựng cũng có đủ sách về ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và các ngành liên quan, cùng với các tài liệu học trực tuyến để sinh viên có thể nghiên cứu và tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, thuận tiện nhất.

Về đội ngũ giảng viên, thầy Doanh cho biết: "Ngành Cầu đường, nay gọi là ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông được bắt đầu đào tạo từ tháng 9/1956. Đây là một trong ba ngành đào tạo sớm nhất của Khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa Hà Nội. Vào năm 1966, Khoa Cầu đường được tách ra khỏi Đại học Bách Khoa Hà Nội và trở thành một trong 6 khoa đầu tiên của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Chủ nhiệm khoa đầu tiên là thầy Đặng Hữu. Thầy cũng là người đầu tiên của khoa được nhà nước phong hàm Giáo sư năm 1980 và được Viện hàn lâm khoa học giao thông Liên bang Nga phong hàm Viện sỹ năm 1993.

Trải qua 58 năm thành lập, 68 năm đào tạo, Khoa Cầu Đường đã có những bước phát triển đáng tự hào, không ngừng trưởng thành trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất. Tới nay, có trên 200 cán bộ đã và đang công tác tại khoa, trong đó có 18 giáo sư, 28 phó giáo sư, 80 tiến sĩ. Khoa có đội ngũ giảng viên chất lượng cao và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, đã đào tạo hàng nghìn kỹ sư cầu đường phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Khoa Cầu Đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với bề dày truyền thống đào tạo nguồn nhân lực tri thức chất lượng cao cho đất nước trong lĩnh vực giao thông vận tải luôn mong muốn thực hiện sứ mệnh của mình theo phương châm đổi mới, phát triển, sáng tạo và thực tiễn".

Bên cạnh đó, theo thầy Doanh, để sinh viên ra trường thành công và đạt được mức lương cao cần chú ý đến một số yếu tố. Đó là các em cần có đam mê với nghề, luôn tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kết hợp với kiến thức chuyên sâu đã được đào tạo, chú trọng khả năng thực hành, giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề.

Tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, thầy Lâm cho biết, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.

381164700_827688612323840_239869061873016497_n.jpg
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tham quan công trình thi công cầu. Ảnh: Fanpage Khoa Xây dựng cầu đường.

Thầy Lâm thông tin: "Khoa Xây dựng cầu đường với đội ngũ gần 50 giảng viên được đào tạo từ các cơ sở giáo dục đến từ nhiều nước trên thế giới. Trong đó, có 1 giáo sư; 8 phó giáo sư; khoảng 30 tiến sĩ; còn lại các thạc sĩ, có nhiều giảng viên là nghiên cứu sinh.

Nhiều năm liền Khoa Xây dựng cầu đường là đơn vị dẫn đầu của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trong công tác nghiên cứu khoa học. Có nhiều thầy cô tham gia lao động sản xuất, tham gia các dự án, đóng góp cho xã hội cũng như có kiến thức thực tế để về thực hiện sứ mệnh của một giảng viên được tốt hơn".

Ngoài ra, theo thông tin tuyển dụng từ các đơn vị gửi về trường, khoa cũng như kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên, Tiến sĩ Cao Văn Lâm khẳng định: Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 100% có việc làm.

"3 năm trở lại đây, Khoa Xây dựng cầu đường luôn hỗ trợ mạnh mẽ cho sinh viên trong việc tìm việc làm. Có những sinh viên mới tốt nghiệp năm 2023 đã có mức lương đến 22 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên cũng có những sinh viên sau khi ra trường, đi làm thấy mức lương và công sức chưa thực sự xứng đáng. Theo tôi vấn đề này nằm ở chỗ sinh viên chưa thực sự hết mình với nghề cũng như nắm bắt kiến thức chưa sâu".

Thầy Lâm cũng cho rằng, muốn theo đuổi được ngành nghề này cần có kiến thức đạt chuẩn theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Nhân sự cũng cần có kiên trì, chịu khó dù làm việc ở văn phòng hay công trường.

Trưởng khoa kiến nghị giải pháp thu hút người học

Có thể thấy, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông gặp khó khăn trong tuyển sinh một phần bởi người học cho rằng công việc đầu ra vất vả, trong khi nhu cầu phát triển xã hội vẫn rất cần. Do đó, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như giúp các trường đào tạo tuyển sinh thuận lợi hơn, thầy Doanh kiến nghị một số giải pháp.

Thứ nhất, trường đào tạo cần liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng mới và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Nhà trường cần đảm bảo rằng sinh viên được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc trong ngành này.

Thứ hai, tăng cường xây dựng mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp trong ngành để đảm bảo chương trình đào tạo phản ánh thực tế của thị trường lao động và cung cấp cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên.

Thứ ba, phát triển các chương trình đào tạo đa ngành. Xây dựng các chương trình đào tạo kết hợp giữa Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, quản lý dự án, quản lý kinh doanh... Điều này giúp sinh viên có kiến thức đa ngành và sẵn sàng làm việc trong môi trường đa dạng.

Thứ tư, tăng cường công tác quảng bá thông tin ngành học. Bởi quảng bá chương trình đào tạo là cách quan trọng để thu hút sinh viên và gia tăng sự nhận thức về ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Sử dụng các phương tiện truyền thông, thông qua các sự kiện để giới thiệu chương trình đào tạo, tiềm năng nghề nghiệp đến các thí sinh và xã hội.

Thứ năm, cấp học bổng và hỗ trợ tài chính có thể giúp thu hút sinh viên có tiềm năng và tài năng cao đến với ngành này, đặc biệt là những sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn.

Còn Tiến sĩ Cao Văn Lâm bày tỏ, để thu hút được người học chọn theo đuổi ngành nghề này, cần nhất là công tác truyền thông của xã hội, để mọi người nhìn nhận ngành này được tốt hơn. Tuy nhiên, cũng cần xác định rằng đặc thù công việc của kỹ sư Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tương đối vất vả.

"Vấn đề này khoa Xây dựng cầu đường đã thực hiện công tác truyền thông. Mục đích chính không phải là để tuyển sinh được bằng mọi giá mà với mong muốn cộng đồng, xã hội nhìn nhận ngành này được tốt hơn cũng như có nguồn kỹ sư chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, để khoa Xây dựng cầu đường và Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện đúng sứ mệnh", thầy Lâm giãi bày thêm.

Thi Thi