Trường ĐH 'tung" nhiều chính sách để đạt 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ

15/01/2025 06:24
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trường đại học đang nỗ lực phấn đấu để đạt 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ vào năm 2030.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia. Chiến lược này không chỉ đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng cấp học mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn, nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Trong đó, về giáo dục đại học, chiến lược đặt ra mục tiêu phấn đấu đặt ra là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40% vào năm 2030. Nội dung đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học, phản ánh quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các nhà trường.

Phát triển nội lực đội ngũ giảng viên hiện có vẫn là chiến lược hiệu quả

Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chính là một trong những giải pháp quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, nhiều trường đại học triển khai các cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người tài, có năng lực, nhằm tạo đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết, trong nhiều năm qua, nhà trường luôn nhất quán chủ trương và kiên trì thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút giảng viên trình độ cao cam kết tâm huyết cống hiến lâu dài từ ngoài về làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại trường.

Điều này nhằm góp phần động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ hữu của nhà trường được yên tâm và tích cực trở thành các nhân tố nòng cốt, cống hiến vì sự phát triển bền vững nhà trường, đồng thời đóng góp hữu ích cho ngành Tài chính trong xã hội.

Hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhà trường đã đạt khoảng 32%, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ so với con số 22% vào năm 2021. Ngay từ đầu năm 2024, nhà trường cũng công bố kế hoạch tuyển dụng và thu hút giảng viên trình độ cao trên quy mô lớn. Song, việc đạt được mục tiêu 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ vào năm 2025 vẫn có một số trở ngại.

Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc các trường đại học khác cũng triển khai chính sách thu hút nhân sự chất lượng cao tương tự nhau, nên đội ngũ giảng viên trình độ cao chưa chắc gắn bó lâu dài với nhà trường. Ngoài ra, nhiều giảng viên đang trong quá trình học tập, để tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, cần khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh dài. Vì vậy, dự kiến đến năm 2027, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhà trường sẽ đạt khoảng 68%.

Từ thực tiễn triển khai chính sách thu hút tiến sĩ về công tác tại trường, Phó Giáo sư Phạm Tiến Đạt đánh giá phát triển nội lực đội ngũ giảng viên hiện có vẫn có thể là chiến lược hiệu quả và bền vững hơn. Mặc dù nhà trường có áp dụng chính sách thu hút tiến sĩ từ nước ngoài, nhưng thủ tục hành chính liên quan khá phức tạp và tốn thời gian. Điều này khiến trường công lập gặp khó khăn trong việc cạnh tranh so với trường tư thục. Hơn nữa, có tiến sĩ đến với trường vì ưu đãi tài chính, chứ không phải vì mục tiêu gắn bó lâu dài, nên nếu có chính sách hấp dẫn hơn từ nơi khác, họ sẵn sàng chuyển đi.

Ảnh minh họa: UFM.
Ảnh minh họa: UFM.

Vì vậy, nhà trường xác định phát triển đội ngũ giảng viên nội bộ là chiến lược quan trọng và bền vững. Để khuyến khích giảng viên nâng cao năng lực, theo đuổi chương trình đào tạo tiến sĩ, trường đã đưa ra những chính sách hỗ trợ như học phí, công tác phí và các khoản hỗ trợ sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ.

"Chìa khóa để tiến xa, có tính quan trọng và quyết định trong hành trình phát triển của trường là chính sách coi trọng đầu tư nguồn lực con người để phát triển đội ngũ nhân tài giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia quản lý giáo dục đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, nhất là có tài năng chuyên môn và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Nhà trường cam kết đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi, tích cực và hỗ trợ tối đa để đội ngũ có cơ hội phát triển bản thân và đóng góp cho sự vững mạnh của nhà trường”, Phó Giáo sư Phạm Tiến Đạt nhấn mạnh.

Từ năm 2024, nhà trường xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ giảng viên quy định theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Cụ thể, người có chức danh giáo sư dưới 50 tuổi được nhà trường chi khoản kinh phí thu hút một lần là 500 triệu đồng; từ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 400 triệu đồng. Đối với chức danh phó giáo sư, người dưới 50 tuổi là 300 triệu đồng, từ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 200 triệu đồng. Còn chính sách thu hút với tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài là 100 triệu đồng và tiến sĩ tốt nghiệp trong nước là 60 triệu đồng (không phân biệt độ tuổi). Tất cả các trường hợp hưởng chính sách phải cam kết phục vụ trường ít nhất là 5 năm (60 tháng).

Ngoài điều kiện học hàm, học vị, tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên của Trường Đại học Tài chính – Marketing đòi hỏi có thêm kinh nghiệm, năng lực ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu khoa học, có tư duy quản lý giáo dục hiện đại, năng lượng tích cực, yêu nghề và tâm huyết truyền giảng tri thức, cống hiến cho xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu theo Chiến lược phát triển của trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mặt khác, chính sách này được nhà trường áp dụng công khai, minh bạch và công bằng đối với tất cả nhân tài hiện có và nhân tài tuyển dụng nhằm tạo cơ hội phát huy tối đa năng lực bản thân để thăng tiến sự nghiệp cá nhân.

Trường xây dựng chính sách chi trả thu nhập theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp dựa trên hiệu quả công việc thông qua các chỉ số đo lường đánh giá phù hợp với mô hình quản trị đại học. Đồng thời, cơ sở đào tạo đầu tư đủ mạnh và phù hợp với điều kiện thực tế, luôn điều chỉnh chính sách đãi ngộ, thể chế hóa và công khai Quy chế chi tiêu nội bộ của trường.

Áp dụng chính sách cá thể hóa, tối ưu năng lực từng giảng viên

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nhà trường hiện chưa đạt chuẩn tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Cụ thể, hiện nay, cơ sở giáo dục đại học có khoảng 39% giảng viên của trường có trình độ tiến sĩ. Song, dự kiến nhà trường sẽ đạt trong năm 2025 với tỷ lệ giảng viên tiến sĩ trên 40%.

Bàn về chính sách để gia tăng số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhà trường, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn thông tin, cơ sở giáo dục đã triển khai các chính sách hỗ trợ và chế tài đối với giảng viên tham gia các chương trình nghiên cứu sinh. Những chính sách này không chỉ giúp hỗ trợ về tài chính, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho giảng viên nâng cao trình độ.

Ảnh minh họa: HUIT.
Ảnh minh họa: HUIT.

Nhà trường hỗ trợ chi phí nghiên cứu và những phúc lợi khác để giảng viên có thể toàn tâm, toàn ý trong quá trình học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đó, trường cũng áp dụng các chế tài khuyến khích giảng viên hoàn thành chương trình tiến sĩ trong thời gian quy định, qua đó nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Điều này đã gia tăng số lượng giảng viên cơ hữu của trường làm tiến sĩ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học tại trường.

Ngoài ra, chính sách thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ về trường trong vòng hai năm qua đã giúp tiếp nhận hơn 20 tiến sĩ về làm việc, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đặc biệt, khoảng 1/3 trong số các tiến sĩ này là những người đã tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín ở nước ngoài, có kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế quý giá.

Đội ngũ này giúp trường bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo cơ hội giao lưu học thuật, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế, giúp giảng viên nội bộ tiếp cận được với các phương pháp giảng dạy và nghiên cứu tiên tiến, góp phần tạo nên môi trường học thuật năng động và đổi mới.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm trở lại đây, nhà trường thu hút rất nhiều đội ngũ có trình độ cao, đặc biệt là nguồn nhân lực trong các ngành có nhu cầu cấp thiết cho bối cảnh đặt ra của đất nước như: Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế quốc tế,...

Trong 3 năm gần đây, nhà trường tuyển dụng được đội ngũ trí thức chất lượng cao tối thiểu từ 15 đến 20 phó giáo sư, tiến sĩ mỗi năm. Riêng năm 2024, trường đã thu hút tổng cộng lên đến 9 thầy cô. Hiện nay, nhà trường có tỉ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên là 54,1% và định hướng đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ đạt khoảng 79%.

Ảnh minh họa: HUB.
Ảnh minh họa: HUB.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đức Trung, để thu hút được đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học có trình độ cao về làm việc, nhà trường thực hiện một số vấn đề quan trọng. Thứ nhất, về mặt tài chính, nhà trường luôn cam kết mang đến mức thu nhập ổn định, đầy đủ và hấp dẫn cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý giáo dục. Việc trọng dụng nhân tài được thể hiện qua những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện tối ưu, giúp đội ngũ phát huy tiềm năng cá nhân, đồng thời khơi dậy tinh thần cống hiến nhiệt huyết cho sự phát triển chung của nhà trường.

Thứ hai, đối với nguồn nhân lực trình độ cao, yếu tố then chốt mà nhà trường hướng tới là xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, giàu tiềm năng phát triển. Đây phải là nơi các nhà khoa học được tạo điều kiện tối ưu để nghiên cứu, mạng lưới giao lưu học thuật và cùng nhau nâng cao chuyên môn của mình.

Cụ thể, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm việc bố trí đầy đủ phòng làm việc, phòng thí nghiệm, và không gian nghỉ ngơi riêng biệt. Những nỗ lực này nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các giảng viên và nhà nghiên cứu thực hiện hiệu quả công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Nhà trường áp dụng chính sách cá thể hóa dựa trên năng lực của từng cá nhân, nhằm tối ưu hóa thế mạnh chuyên môn, dù là trong nghiên cứu hay giảng dạy. Song song với đó, công tác quản lý nhân sự được thực hiện linh hoạt, cho phép bố trí, sắp xếp thời gian làm việc phù hợp theo mong muốn và nguyện vọng của từng giảng viên.

Thứ ba, nhà trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc tế với 62 trường đại học danh tiếng trên toàn cầu. Theo các điều khoản quy định trao đổi giảng viên với các trường ở nước ngoài, đây là cơ hội khuyến khích các giảng viên nâng cao trình độ học vị của mình.

Theo thầy Trung, những yếu tố trên góp phần thể hiện chiến lược đào tạo của nhà trường, từ đó thu hút nhiều giảng viên đến làm việc và giảng dạy người học có năng lực giỏi. Nói cách khác, đây cũng chính là một trong những động lực để xây dựng sự hài lòng và niềm tự hào cho các thầy cô cống hiến.

Lưu Diễm