Với các tiêu chí mang tính đại diện khá đầy đủ và toàn diện về các mảng hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ là căn cứ để các trường có những đối sánh giữa năm trước, năm sau và trong tương lai, giữa các cơ sở giáo dục đại học với nhau, từ đó đánh giá hiện trạng và đặt ra các mục tiêu theo từng khía cạnh, từng tiêu chí phát triển giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn, bao gồm: Tổ chức và quản trị, giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.
Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn có không ít cơ sở đào tạo, kể cả công lập và ngoài công lập gặp khó trong việc đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên,...
Trong đó, Tiêu chí 2.3 của Tiêu chuẩn 2, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ như sau: Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ. Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.
Nguồn tiến sĩ được đào tạo trong nước không đủ cung ứng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đối với những cơ sở đào tạo có quy mô lớn, việc phấn đấu để đạt tỷ lệ số giảng viên có trình độ tiến sĩ theo chuẩn “không phải đơn giản”.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các quy định về đào tạo tiến sĩ ngày càng chặt, mặc dù các trường có nhu cầu tuyển sinh rất nhiều, nhưng lượng nhập học chỉ đạt khoảng một nửa so với chỉ tiêu đề ra.
Theo thầy Hưng, nhu cầu tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ rất lớn, tuy nhiên nguồn tiến sĩ được đào tạo trong nước không đủ cung ứng. Đa số các trường hiện nay tuyển dụng thông qua nguồn giảng viên đi học từ nước ngoài trở về.
Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho thấy, tính đến năm 2022, cả nước có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. [1]
Còn theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (công bố tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024), trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm cả nước tuyển sinh khoảng 6.000 nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyển sinh trình độ tiến sĩ trong 3 năm học gần đây đều đạt dưới 50% chỉ tiêu.
Trong đó, năm học 2023-2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ của cả nước là 7.158 chỉ tiêu, kết quả tuyển sinh được 3.376 nghiên cứu sinh, đạt 47,16%. Đây cũng là số lượng nghiên cứu sinh tuyển được nhiều nhất trong 3 năm qua. [2]
Nhiều ngành học khó tìm giảng viên trình độ tiến sĩ
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cũng đánh giá, cần lộ trình để các cơ sở đào tạo cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định đặt ra tại Thông tư 01.
Thầy Chung nhận định, để đảm bảo lực lượng tiến sĩ theo đúng quy định tại Thông tư 01 là một khó khăn với rất nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay, nhất là việc tìm kiếm các giảng viên trình độ tiến sĩ ở những ngành đào tạo về ngôn ngữ, hay các ngành mới mở sau này.
Tuy vậy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho rằng, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là điều cần thiết phải làm để nâng cao chất lượng đào tạo. Thông tư 01 là thước đo để các trường đối chiếu, xây dựng lộ trình với các giải pháp cụ thể để cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế giáo dục đại học.
Còn Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên chia sẻ, công tác phát triển đội ngũ giảng viên được lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm và triển khai quyết liệt, nhưng việc phát triển đội ngũ còn rất nhiều yếu tố chi phối.
Trong đó, vấn đề về chi phí học tập là một rào cản khá lớn, trong khi đó, hiện nay chưa có chính sách cấp học bổng cho nghiên cứu sinh.
Tại Trường Đại học Phú Yên, nhà trường có chính sách hỗ trợ chi phí đi học cho giảng viên, dù vậy, việc khuyến khích giảng viên học nâng cao trình độ cũng không phải dễ, đặc biệt với các giảng viên đã lớn tuổi.
Bên cạnh đó, vì là trường đại học đóng tại địa phương, do đó việc thu hút giảng viên có trình độ cao từ thành phố về làm việc cũng là một bài toán khó.
Hiện nay, để tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra các quy định bắt buộc giảng viên phải học tiến sĩ trong thời gian nhất định, nếu không sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Tháng 9/2024, Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh ban hành thông báo rà soát và đăng ký giảng viên đi học nâng cao trình độ. Trong đó, nhà trường yêu cầu giảng viên nữ dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi đã có bằng thạc sĩ bắt buộc phải đi học tiến sĩ. Giảng viên thực hiện đăng ký tham gia dự tuyển trình độ tiến sĩ trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ra thông báo. Nếu không thực hiện, sau 3 năm, giảng viên sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó, hồi cuối tháng 6/2024, Trường Đại học Hà Tĩnh cũng chú ý khi ra quyết định đánh giá "không hoàn thành nhiệm vụ" với các giảng viên không ký cam kết đi học tiến sĩ theo yêu cầu của nhà trường.
Theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm Thông tư 18 /2021/TT-BGDĐT, người tham gia dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ cần có chứng chỉ ngoại ngữ đầu vào tối thiểu đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (tương đương B2 theo CEFR).
Về việc đánh giá luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án;
Yêu cầu về bài báo khoa học có thể được thay thế bằng minh chứng là tác giả hoặc đồng tác giả của: 01 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, quốc tế; hoặc 01 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao; có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án.
Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 3 năm (36 tháng) đến 4 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định.
Nghiên cứu sinh được xét công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ khi đáp ứng các yêu cầu: Luận án đã được Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo đồng ý thông qua; Nghiên cứu sinh đã nộp Thư viện Quốc gia Việt Nam (cả bản điện tử và bản in) tóm tắt luận án và toàn văn luận án hoàn chỉnh cuối cùng có chữ ký của nghiên cứu sinh, chữ ký của người hướng dẫn và xác nhận của cơ sở đào tạo. Đồng thời, cơ sở đào tạo đăng toàn văn luận án hoàn chỉnh cuối cùng của nghiên cứu sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (trừ những luận án được đánh giá theo chế độ mật) trong thời gian 03 tháng kể từ khi nghiên cứu sinh đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://giaoduc.net.vn/22-nam-qua-ca-nuoc-tuyen-moi-duoc-32517-nghien-cuu-sinh-post242329.gd
[2]: https://giaoduc.net.vn/chi-tiet-nhung-con-so-ve-quy-mo-dao-tao-cac-trinh-do-dai-hoc-cua-nuoc-ta-post244679.gd